Sưu tầm ít nhất một truyện cười có nghĩa hàm ẩn và phân tích nghĩa hàm ẩn có trong (các) truyện cười đó.

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 8 bộ sách chân trời sáng tạo. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Sưu tầm ít nhất một truyện cười có nghĩa hàm ẩn và phân tích nghĩa hàm ẩn có trong (các) truyện cười đó.

Đề bài: Sưu tầm ít nhất một truyện cười có nghĩa hàm ẩn và phân tích nghĩa hàm ẩn có trong (các) truyện cười đó.

* Truyện "Tam đại con gà": 

Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời “xấu hay làm tốt , dốt hay nói chữ” , đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.
– Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy con trẻ.
– Một hôm, dạy sách Tam thiên tự , sau chữ “tước” là chim sẽ, đến chữ “kê” là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: “Du dỉ là con dù dì”. Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ, tuy cậy, trong long vẫn thấp thỏm.
– Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương để xem chữ ấy có phải thật là “dù dì” không. Thổ công cho ba đài được cả ba.
– Thấy vậy, thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào: Dủ dỉ là con dù dì… Dủ dỉ là con dù dì…
– Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy: Chết chửa ! Chữ “kê” là gà, sao thầy lại dạy ra “dủ dỉ” là con “dù dì” ?
– Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: “ Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa” , nhưng nhanh trí  thầy vội nói gỡ: “Tôi vẫn biết ấy là chữ “kê”, mà “kê” nghĩa là “gà”, nhưng tội dạy thế là dạy cháu biết đến tận tam đại con gà kia.”
– Nhà chủ càng không hiểu, hỏi: Tam đại con gà nghĩa làm sao?
– Thế này nhé! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà!

* Truyện 'Nhưng nó phải bằng hai mày':

Làng kia có một viên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi.
– Một hôm nọ, Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng. Khi xử kiện, thầy lí nói: Thằng Cải đánh thằng Ngô đau hơn, phạt một chục roi.
– Cải vội xòe năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thầy lí, khẽ bẩm: Xin xét lại, lẽ phải về con mà!
– Thầy lí cũng xòe năm ngón tai trái up lên trên năm ngón tay mặt, nói: Tao biết mày phải… nhưng nó lại phải… bằng hai mày!

Bài tham khảo 1:

* Phân tích 'Tam đại con gà':

Tam đại con gà là một trong những câu chuyện ngụ ngôn đặc sắc của kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Truyện viết về một anh đồ đã dốt nhưng lại “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”, anh ta bản thân đã kém cỏi, dốt nát, theo lẽ thường thì nên học tập trau dồi cho bản thân nhưng ở đây lại bày đặt đi làm thầy đồ. Thử hỏi thầy đồ dốt thì còn đòi dậy ai? Dậy rồi các lứa học trò của thầy sẽ học hành ra sao đây?

Quả thật quá trình dạy học của anh đồ này cũng đầy gian truân. Khi nhìn thấy chữ “kê” nghĩa là con gà thầy cũng không biết là chữ gì, thầy đồ này không phải là kém hiểu biết mà thực sự là quá dốt, không cả biết nhận mặt chữ, đọc chữ. Thầy cũng biết về sự kém cỏi ấy của mình nên mới ngại ngùng mà bảo học trò đọc nhỏ “Dủ dỉ là con dù dì”.

Thầy đã dốt nhưng lại dùng sự khôn lỏi, những mánh khóe lừa lọc của mình để lấp liếm đi cái sự dốt nát ấy. Thầy sợ người nhà học trò phát hiện ra sẽ cười chê, sẽ khinh bỉ mình thậm chí là đuổi mình. Và nếu không ai phát hiện ra thì cái sự thật thầy đồ dốt nát sẽ còn tiếp diễn mãi, thầy sẽ cứ như vậy mà đi dậy lớp lớp những học trò mới.

Sau khi cho học trò đọc nhỏ mặt chữ, thầy đồ cũng khá cẩn thận, quyết định gieo quẻ âm dương để xin ý kiến. Run rủi thế nào cả 3 que đều được nên thầy tự tin đắc thắng. Thầy đồ này không những dốt lại còn mê tín. Thầy tin rằng thần linh, trời phật đã nói đúng thì là đúng, bởi vậy hôm sau thầy mới tự tin cho học trò của mình đọc thật to bài giảng. Khi bố của lũ trẻ chạy lại trách thầy tại sao lại đọc chữ “kê” ra chữ “dủ dỉ” thì thầy đồ đã chống chế bằng bài ca Tam đại con gà:

“Dủ dỉ là con dù dì
Dù dì là chị con công
Con công là ông con gà”.

Sự thật mười mươi đã vỡ lẽ, thầy đồ này là người không hề có một chút kiến thức chuyên môn nào, không có cả chữ nghĩa, không có cả hiểu biết xã hội. Thực chất trên đời này làm gì có con nào gọi là con dủ dỉ, con dù dì, đó có lẽ là một giống loài mới mà nhân loại còn chưa phát hiện ra. Và tổ tiên nguồn gốc của con gà cũng chẳng bao giờ là con công cả. Thầy đã dốt nhưng lại cố dùng cái dốt của mình để lấp liếm, chữa cháy cho sự ngu si. Nếu không được đả thông, có lẽ cả lớp học trò này rồi cũng sẽ bị thầy truyền đạt những kiến thức sai lệch.

Tam đại con gà đã phản ánh một tệ nạn khá đau thương của xã hội. Những người dốt nát, ngu si lại đi làm nghề dạy học, họ như vậy thì những thế hệ con em làm sao có thể học tốt, học giỏi được đây. Không những vậy khi bị vạch trần sai sót thì họ không những không nhận sai và tiếp thu mà lại còn tìm cách che lấp khuyết điểm của mình, dùng cái sai che đậy cái sai, dùng cái ngu dốt để bào chữa cho cái ngu dốt. Đây là những suy nghĩ, hành vi đáng lên án, cần phải loại bỏ trong tư duy con người.

Bài tham khảo 2:

* Phân tích truyện "Tam đại con gà':

Truyện Tam đại con gà là một câu chuyện hay và mang ý nghĩa phê phán sâu sắc. Phê phán thói dốt hay chơi chữ, dốt học làm sang của một bộ phận nhân dân, một tật xấu phổ biến và rút ra được nhiều bài học cho chính bản thân mình.

Mở đầu truyện, tình huống mâu thuẫn đã được bộc lộ, tức là cái cười đã được mai phục: "Xưa có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”, đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt". Ở anh học trò này chứa đựng mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, sự trống rỗng, dốt nát bên trong và sự khoe mẽ, lên mặt ta đây giỏi bề ngoài. Từ sự giới thiệu khái quát chung đó, câu chuyện đi vào những chi tiết cụ thể: anh được mời dạy trẻ vì người ta tưởng anh vẫn hay chữ tốt thật.

Vì thực chất kém cỏi, dốt nát mà lại nhận đi làm thầy dạy chữ nên tất nhiên anh học trò dốt phải đối mặt với những tình huống khó xử. Nhân buổi dạy sách Tam thiên tự, có chữ “kê” là gà với nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều "dủ dỉ là con dù dì". Yếu tố hài hước là ở chỗ: thầy đi dạy chữ mà chữ tối thiểu cũng không biết, đã thế lại giấu dốt, dạy sai một cách liều lĩnh.

Do học trò hỏi gấp nên thầy cuống, nói liều chứ thầy cũng biết mình dốt nên bảo học trò đọc khẽ, "trong lòng vẫn thấp thỏm". Chi tiết thầy khấn thổ công nhà chủ "xem chữ ấy có phải thật là dù dì không" và được thổ công "cho cả ba đài" là chi tiết dẫn dắt hợp lí, tạo cho kịch tính trong truyện tiếp tục phát triển. Trước khi khấn thổ công, thầy còn thấp thỏm, "bảo học trò đọc khẽ".

Cách xử lí của thầy có phần thận trọng vì thực chất thầy biết được sự kém cỏi của mình nhưng lại muốn che giấu: "thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ". Như vậy, ở tình huống khó xử này, thầy đồ đã tự bộc lộ cái dốt của mình. Chú ý cách kể chuyện rất sinh động, chính xác. Khấn thổ công xong, "thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to".

Tình huống tiếp theo là hệ quả tất yếu của tình huống thứ nhất. Dốt chữ mà đi dạy chữ, dạy chữ sai mà cứ tưởng là đúng, cho học trò đọc to (mâu thuẫn tăng thêm). Chi tiết bố đứa trẻ là người lao động cuốc đất ngoài vườn cũng biết chữ kê nghĩa là gà (thế mà thầy không biết) - tăng tính hài hước. Tác phẩm tự sự dân gian không chú ý miêu tả tâm lí nhân vật nhưng truyện cười này đã dành một câu miêu tả ý nghĩ của thầy.

Thầy nghĩ thầm: "Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa". Chi tiết này có ý nghĩa quan trọng làm tiếng cười thêm phần thú vị, nhưng cũng để chuẩn bị cho cái đáng cười ở phần tiếp theo. Ý nghĩ ấy khẳng định rằng không phải thầy nghĩ mình đúng mà thực chất là biết mình sai.

Biết là sai nhưng tiếp tục giấu dốt, tìm cách chống chế cho cái dốt của mình nên càng kích thích cho tiếng cười phát triển. Quả thật là quá liều lĩnh khi ông đồ rởm nói rằng: "Tôi vẫn biết chữ ấy là “kê”, mà ,“kê” nghĩa là gà, nhưng tôi dạy thế là dạy cho cháu biết đến tận tam đại con gà kia". "Thế này nhé ! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà!".

Từ lời giới thiệu khái quát đầu truyện đến kết thúc truyện, anh học trò làm thầy dạy trẻ đã tự bộc lộ cái mâu thuẫn trái tự nhiên của mình. Theo lẽ tự nhiên, đi làm nghề thầy đồ là phải hay chữ thì anh ta lại dốt chữ. Nghề gì thì có thể kém chữ chứ chọn nghề thầy mà dốt chữ thì nực cười lắm thay! Truyện cười đã khai thác vào vấn đề bản chất nhất của mỗi đối tượng gây cười. Có thể so sánh với một số truyện cười khác như chuyện thầy lang chữa bệnh bốc thuốc nhầm làm người bệnh chết, thầy cúng không đọc đúng tên người cần cúng vì đọc nhầm sớ của nhà khác,...

Các thầy hành nghề vì miếng cơm manh áo mà không có đạo đức nghề nghiệp. Mâu thuẫn khác ở đây là dốt nhưng lại giấu dốt, luôn khoe mình văn hay chữ tốt. Từ mâu thuẫn đó, anh đồ dốt đã tự đưa mình vào những tình huống bất lợi và phải tự bộc lộ mình. Anh ta càng cố che giấu thì người nghe càng nhận thấy sự dốt nát nhưng liều lĩnh, bất chấp đúng sai của anh ta.

Đây là truyện cười trào phúng mang ý nghĩa phê phán cái xấu trong nội bộ nhân dân. Ở đời, dốt làm nghề gì cũng khổ, nhưng làm nghề thầy, dạy chữ cho người mà dốt thì vô cùng tai hại. Vả chăng, nếu biết mình dốt thì phải học hỏi cho tiến bộ chứ chỉ lo giấu dốt, che đậy cái dốt của mình thì anh ta luôn lâm vào tình thế bất lợi và chỉ trở thành trò cười cho thiên hạ.

Tuy nhiên tiếng cười ở đây không phải là tiếng cười đả kích nên vẫn làm cho người nghe cười vui vẻ và soi vào tấm gương đó để tự răn mình. Ý nghĩa tích cực của tiếng cười dân gian là ở chỗ đó.

Bài tham khảo 3:

* Phân tích "Nhưng nó phải bằng hai mày":

Truyện cười: “Nhưng nó phải bằng hai mày” kể lại câu chuyện hài kịch xử kiện thắng thua của Cải với Ngô với người xử kiện là Lý trưởng.

Truyện được tạo ra như một màn kịch nhỏ với sự xuất hiện của ba đối tượng gây cười: Lí trưởng, Cải và Ngô. Sự việc được kể rất ngắn gọn: Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng và thầy lí cho Ngô thắng, còn Cải bị đánh mười roi. Khi Cải thắc mắc, thầy lí xoè bàn tay và nói: “Nhưng nó phải bằng hai mày”. Truyện kết thúc ở đó và để lại nhiều tiếng cười thâm thuý.

Tiếng cười ấy có lẽ được bật lên từ mâu thuẫn gây cười mà tác giả dân gian tạo ra. Cải và Ngô đi kiện nhưng lại sợ bị thua mà đút lót cho lí trưởng. Viên lí trưởng được nói: “Xử kiện giỏi” mà phán người nhiều tiền hơn thắng. Mâu thuẫn trái ngang giữa những nhân vật tạo cho người đọc tiếng cười vui vẻ.

Tình huống được tạo ra cũng hết sức hợp lý, tài tình. Cải và Ngô đánh nhau, cả hai cùng đi kiện. Khi đi kiện, cách ứng xử của hai người giống nhau, đều đút lót. Cải lót Năm đồng, Ngô biện chè Mười đồng. Chính cách ứng xử này bộc lộ rõ bản chất của cả hai. Có gan đi kiện nhưng không dám đối chứng công bằng, không trung thực. Đây cũng là hiện trạng bấy giờ của nhiều người nông dân lao động. Tác giả dân gian qua Cải và Ngô để thấy được bản chất tính cách không trung thực của bộ phận không nhỏ người nông dân thời đó.

Khi thầy lí xử kiện, phán Cải thua, phạt mười roi, ngay tức thì nhân vật có phản ứng và ứng xử. Cải biện minh xoè năm ngón tay. Thầy Lí xoè năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay phải và nói: “Tao biết. Nhưng nó phải bằng hai mày”. Ngay tại hành động và lời nói của thầy lí đã đẩy kịch tính của truyện lên cao trào và đồng thời mở nút thắt, làm bật lên tiếng cười sảng khoái. Cũng chính tại đây, bản chất được bộn lộ. Cải thì nhắc khéo, gian lận còn ông Lí được nói là sự kiện giỏi kia thì tham nhũng, bị đồng tiền mua chuộc. Đến đây người đọc không chỉ cười mà còn thấy bất bình thay. Hoá ra xã hội phụ thuộc vào đồng tiền. Quan lại thời đó tham nhũng, bị mua chuộc bởi đồng tiền mà chẳng biết phân biệt đúng sai, xử thắng thua dựa vào giá trị đồng tiền.

Truyện cười: “Nhưng nó phải bằng hai mày” tạo nên tiếng cười sảng khoái bởi những mâu thuẫn mà tự nhân vật tạo ra. Xã hội phong kiến với những mâu thuẫn sâu sắc về giai cấp khiến cho truyện cười được ra đời tự nhiên để không chỉ là tiếng cười giải trí mà còn là lời phê bình, lên án sâu sắc tầng lớp giai cấp trong xã hội để với ước muốn cải tạo xã hội tốt đẹp. Đúng như quy luật, đặc điểm của truyện cười, “Nhưng nó phải bằng hai mày” với kết cấu ngắn gọn, súc tích, giàu kịch tính ngôn ngữ lời nói, ngôn ngữ cử chỉ đa dạng không chỉ đem lại tiếng cười sảng khoái mà đồng thời lên án những thói hư tật xấu, tham nhũng của quan lại, phê phán người nông dân tự mình đẩy mình vào tình huống bi hài.

Bài tham khảo 4:

* Phân tích "Nhưng nó phải bằng hai mày":

"Nhưng nó phải bằng hai mày" miêu tả cuộc xử kiện của Lí trưởng với Ngô và Cải, qua đó phê phán thói ăn hối lộ của những người làm trong bộ máy chính quyền. Tiếng cười của truyện vì thế càng sâu cay, thấm thía hơn bao giờ hết.

Tác giả dân gian mở đầu truyện bằng việc giới thiệu nhân vật lí trưởng, đó là người đại diện thực thi pháp luật và "nổi tiếng vì xử kiện giỏi". Cải là người lao động nghèo được phân xử trong vụ kiện với Ngô, lo lót hối lộ cho lí trưởng mong thắng kiện. Mâu thuẫn truyện đã bắt đầu dồn nén khi lí trưởng nhận tiền của cả hai người, lúc này người đọc mong đợi người được cho là "xử kiện giỏi" sẽ xử trí ra sao. Thế nhưng, cách xử lí của thầy lí lại khiến chúng ta hoàn toàn bất ngờ, ông không hỏi cung, không điều tra phân tích mà kết án và đưa ra phán quyết chắc nịch: phạt đánh Cải chục roi. Từ một người chủ động dàn xếp và chắc chắn sẽ được xử thắng kiện, Cải bỗng rơi vào tình huống bị động và bị xử thua.

Lúc này, màn kịch giữa Cải và Lí trưởng diễn ra có sự kết hợp giữa hành động và ý ngầm ẩn. Tưởng thầy Lí quên, Cải vội tìm cách xin xét lại và ra dấu bằng hành động xòe năm ngón tay để nhắc nhớ Lí trưởng rằng mình đã lo lót. Thế nhưng cũng chẳng kém cạnh, Lí trưởng phán "nó phải bằng hai mày" và xòe năm ngón tay trái để úp lên năm ngón tay phải một cách rất đường hoàng. Trong màn kịch này có hai thứ ngôn ngữ, ngôn ngữ công khai và ngôn ngữ mật mà chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu được. Lẽ phải của Cải chính là năm ngón tay xòe, tức năm đồng thầy lí đã nhận. Thầy Lí hiểu lẽ phải của Cải, nhưng hành động và lời nói của thầy ngầm chỉ lẽ phải của Ngô còn gấp đôi Cải, tức mười đồng thầy lí nhận được. Lẽ phải trong xã hội, đặc biệt với những người thực thi pháp luật như lí trưởng không phải xuất phát từ công lí mà xuất phát từ đồng tiền, kẻ nào hối lộ nhiều hơn thì kẻ đó nắm trong tay nhiều lẽ phải hơn.Tác giả dân gian đã tố cáo một cách khéo léo bản chất tham nhũng của quan lại địa phương qua hành động và hàm ý của viên lí trưởng.

Truyện sử dụng hình thức gây cười bằng việc sử dụng lối chơi chữ độc đáo. "Phải" vốn là từ chỉ tính chất mang nghĩa là lẽ phải. Thế nhưng khi kết hợp với từ chỉ số lượng "phải bằng hai" tạo ra nhận thức về sự bất hợp lí, tuy nhiên khi nghĩ đến số tiền là mười đồng của Ngô gấp đôi năm đồng của Cải, người đọc lại thấy hợp lí vô cùng. Tiếng cười bật ra sau khi người đọc nhận ra ý nghĩa của việc chơi chữ ấy. Tác giả dân gian còn sử dụng nghệ thuật tương phản, đó là sự đối lập giữa lời đồn đại và thực tế xử kiện của viên lí trưởng. Qua việc tạo tiếng cười, nhân dân ta gián tiếp phê phán thói hối lộ của quan chức và phê phán Ngô và Cải vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của chính mình. Hành động đút lót của họ vừa đáng thương nhưng cũng đáng trách, đáng thương bởi họ tự đẩy bản thân vào ngõ cụt, đáng trách bởi họ chính là người tiếp tay cho nạn tham những hoành hành.

"Nhưng nó phải bằng hai mày" đã vạch trần lối xử kiện vì tiền của lí trưởng nói riêng, quan lại nói chung và người lao động cũng rơi vào tình trạng bi hài. Bài học ấy không phải chỉ thời xưa mới có, trong bất cứ thời đại nào, đó cũng là một bài học đắt giá cho mỗi chúng ta.

Nội dung quan tâm khác

Bình luận

Giải bài tập những môn khác