Lịch sử dân tộc khi được thể hiện qua các tác phẩm văn học có gì độc đáo, thú vị ?

Văn mẫu 8 chân trời sáng tạo đề bài: Lịch sử dân tộc khi được thể hiện qua các tác phẩm văn học có gì độc đáo, thú vị ?

Bài tham khảo 1:

Lịch sử là cái đã qua nhưng không mất hút, không quyết định hiện tại và tương lai, nó ánh xạ lên hiện tại và tương lai. Nó là bài học cho hiện tại và tương lai. Như phần trên tôi đã nói, lịch sử chỉ ánh xạ tới hiện tại chứ không thể quyết định hiện tại. Quyết định hiện tại là xã hội hiện tại, con người hiện tại tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Rồi từ đó, thành quả xấu, tốt của mình sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tương lai, nhưng không thể quyết định tương lai. Tương lai thuộc về tương lai quyết định. Trong đó thân phận của nghệ thuật hiện tại hoặc tương lai đều thuộc về xã hội mà người nghệ sĩ sinh sống. Văn chương viết về lịch sử là cực khó. Để một tác phẩm đứng được, trước hết nhà văn phải là nhà văn hóa, sau đó, nếu không là nhà tư tưởng thì ít ra cũng phải có tư tưởng. Thời nào cũng sẽ có tài năng, nhưng có thể nó chưa hiển lộ. Nhìn vào thực tại, với những mong mỏi ngày một cao hơn, người ta có lẽ sẽ bi quan. Tri thức nhân loại cứ mười năm lại tăng gấp đôi, nhà văn sẽ có điều kiện để tích lũy, học hỏi và đó là cơ hội để làm xuất hiện những tài năng. Có tâm để biết được mình cầm bút hướng đến giá trị gì, đem lại điều gì cho cộng đồng; có trí để hiểu và lí giải được các vấn đề mà thực tại đặt ra; có dũng khí để dám nhìn thẳng vào trái tim và khối óc của lịch sử, để rút ra bài học từ quá khứ và cất lời về nó.

Bài tham khảo 2:

Nguyên lý phản ảnh hiện thực là một trong những nguyên lý cơ bản của văn học - nghệ thuật đã được lịch sử mỹ học xác nhận. Nhưng hiện thực là một phạm trù rộng, có hiện thực đang diễn ra, hiện thực đã lùi trong quá khứ, hiện thực của tâm trạng... Lịch sử là hiện thực đã diễn ra trong quá khứ, có thể là quá khứ gần, quá khứ xa, nhưng là một hiện thực như là đối tượng đặc thù của phản ảnh nghệ thuật không còn đồng hành với người nghệ sỹ. Nó là lớp trầm tích trong sương mù thời gian của đời sống văn hóa mỗi dân tộc. Muốn nhận thức và phản ảnh nó, người nghệ sỹ buộc phải đặt mình trong một không gian, thời gian khác với những gì họ đang trải nghiệm. Những nhận thức có được của người nghệ sỹ về một giai đoạn lịch sử đã xảy ra trong quá khứ thường qua những tài liệu gián tiếp, có thể là qua sử sách, qua những câu chuyện kể dân gian, qua những hiện vật lịch sử còn lại. Người nghệ sỹ chứng kiến một cách gián tiếp hiện thực đời sống của quá khứ qua nhận thức và chính kiến của nhà viết sử, của người nghệ sỹ kể chuyện dân gian, qua ngôn ngữ của hiện vật lịch sử. Nhận thức này có đúng với nhận thức của người nghệ sỹ hôm nay không, chính kiến của người xưa có phù hợp với chính kiến của người nghệ sỹ hôm nay không... đó là những câu hỏi thường xảy ra trong quá trình sáng tạo của người nghệ sỹ cũng như của người đọc, người xem hôm nay. Muốn hay không khi tiếp cận với một tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử những liên tưởng so sánh với quá khứ luôn luôn xuất hiện trong quá trình tiếp nhận của công chúng. Bởi vậy, nghệ sỹ không chỉ là nghệ sỹ, khi phản ảnh đề tài lịch sử nghệ sỹ còn là một nhà sử học, chịu trách nhiệm trước công chúng về những kiến thức lịch sử, về những phán xét lịch sử, về những giải mã lịch sử nếu có, về những luận giải lịch sử nếu cảm hứng sáng tạo của anh ta đang hướng đến. Những điều này có thể không thật quan trọng, hay ít ra không phải là sự quan tâm hàng đầu của người nghệ sỹ khi phản ảnh những đề tài đương đại. Bởi vậy có thể nói, lịch sử là hiện thực đặc thù của văn học nghệ thuật.

Bài tham khảo 3:

Trong tác phẩm văn học viết về lịch sử thì lịch sử chỉ là cái cớ để tác giả gửi gắm tư tưởng của chính mình. Từ đó tác giả gửi đi những thông điệp lịch sử. Lịch sử là chính sử, nhà văn không thể bỏ qua việc tham bác chính sử, vì đó là hồn cốt của quá khứ. Nếu anh viết về lịch sử mà không tham khảo lịch sử, không có cái căn cốt, chứng cứ về lịch sử thì rất khó thuyết phục được người đọc. Nhà văn viết về lịch sử phải hiểu lịch sử, nhưng đồng thời phải thoát ra khỏi lịch sử. Vì anh là nhà văn, anh không phải người chép sử. Bản thân lịch sử, độ tin cậy đến đâu? Nhà văn phải có tấm kính như là kính chiếu yêu để nhìn các sự kiện được sử gia ghi chép, để xem đó có phải là sự thật lịch sử không. Nếu tin tưởng hoàn toàn vào sử gia là anh tin tưởng một cách mù quáng, thà đừng đọc sử còn hơn.

Bài tham khảo 4:

Bản thân lịch sử cũng đòi hỏi sự xuất hiện trở lại của mình bằng những kí hiệu cần được giải mã. Nhà văn có lương tri phải đáp ứng các đòi hỏi đó, nhưng không phải nhà văn nào cũng có khả năng đáp ứng. Hiện nay nước ta có nhiều nhà văn viết về đề tài lịch sử. Đó là hiện tượng đáng mừng. Tuy vậy, sự thành công không nhiều. Đó là điểm chung của các nhà văn viết về đề tài lịch sử trên thế giới. Cho đến nay, những tác phẩm viết về đề tài lịch sử của nhân loại vào hàng bất tử, có nhẽ không đủ đếm trên đầu ngón tay.  Nhà văn M. Gorki cũng nói, “lịch sử đích thực của con người phải do nhà văn viết chứ không phải do nhà sử học viết”. Các ý kiến đó đã cho thấy tầm quan trọng của việc khắc hoạ con người đối với tiểu thuyết lịch sử. Có lẽ đó là lí do văn học viết về lịch sử ra đời và phát triển như thế.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác