Phân tích ý nghĩa của câu thơ cuối: Bác đến chơi đây, ta với ta.

Văn mẫu 8 chân trời sáng tạo đề bài: Phân tích ý nghĩa của câu thơ cuối: Bác đến chơi đây, ta với ta.

Bài tham khảo 1:

Bác đến chơi đây, ta với ta...

       Câu thơ bộc lộ thật rõ nét tình cảm chân thành của tác giả đối với bạn. Đó là một tình cảm thiêng liêng cao quý. Quan hệ bạn bè ở đây được xây dựng trên cơ sở vững chắc là tình cảm yêu thương chân thật không màng đến vật chất. Bác đến chơi đây không có gì cả, chỉ có ta với ta khiến ta nhớ đến câu kết trong bài  Qua đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan khi đứng trước cảnh đèo ngang hoang vắng cô liêu, đang mang nặng một nỗi u buồn, niềm suy tư khôn cả, không thể tâm sự cùng ai, nên bà tự quay về với lòng mình “ta với ta”. Còn “ ta với ta” mà nhà thơ Nguyễn Khuyến sử dụng nhằm chỉ nhà thơ và người bạn tuy hai mà một, tuy một mà hai, nó gắn bó quyện chặt vào nhau, không gì chia cắt được. Ở đây chỉ có ta với ta nhưng lại có tất cả. Bởi vì tình bạn giữa ta với ta mới là cao quý, nó không đòi hỏi bất kì một điều kiện vật chất nào cả, thậm chí cả một miếng trầu làm đầu câu chuyện để tiếp bác cũng không. Qua đó ta mới thấy nghệ thuật trào lộng của Nguyễn Khuyến thật là hóm hỉnh nhẹ nhàng mà tế nhị sâu sắc.

Bài tham khảo 2:

Bác đến chơi đây ta với ta là một câu kết hay, là linh hồn của bài thơ. Ta với ta nghĩa là một tấm lòng đến với một tấm lòng; kẻ tri âm đến với người tri kỉ. Vậy thì tất cả những lễ nghi kia đều là tầm thường, vô nghĩa. Chủ và khách có chung một tình cảm thắm thiết thanh cao, đó là cái quý giá không vật chất nào sánh được. Ba tiếng ta với ta gợi cảm xúc mừng vui, thân mật. Bạn bè xa cách đã lâu, nay vượt đường xa dặm thẳm, vượt cái yếu đuối của tuổi già để đến thăm nhau thì thật là quý hóa! Đáng quý hơn nữa là bác với tôi, ta cùng lánh đục tìm trong, lui về vui thú điền viên để giữ trọn hai chữ thiên lương. Sự gần gũi, tương đắc về mặt tâm hồn đã gắn bó chủ và khách làm một. Những điều câu nệ, khách khí đã bị xoá nhòa. Chỉ còn lại niềm vui và sự chân thành bao trùm tất cả. Tình bạn ấy đã vượt lên trên những nghi thức tiếp đãi bình thường. Bạn đến chơi nhà không phải vì mâm cao cỗ đầy mà để được gặp nhau; được hàn huyên tâm sự cho thoả nỗi khao khát nhớ mong.

Bài tham khảo 3:

Bác đến chơi đây, ta với ta. Câu thơ bộc lộ rõ nét tình cảm chân thành của Nguyễn Khuyến với bạn. Đó là tình cảm thiêng liêng và cao quý, những nghi thức xã giao dần bị bóc còn lại là tình bằng hữu thâm giao. Quan hệ bạn bè ở đây được xây dựng trên nền tảng của tình cảm. Bác đến chơi đây - không có mọi giá trị vật chất chỉ có ta với ta. Đại từ ta được sử dụng rất độc đáo, ta là nhân xưng, và cũng là bác và tôi, là hai chúng ta. Tôi và bác đã quá hiểu nhau rồi. Hoàn cảnh của tôi bác biết, tôi sống thế nào bác hay. Những điều tôi nói ra với bác chẳng qua là bày tỏ nỗi niềm tâm can. Cả hai người không ai đặt vấn đề vật chất, mà ở họ đều có quan điểm coi thường vật chất, đề cao tình cảm. Cũng là ta với ta nhưng trong bài thơ Qua Đèo Ngang thì đó chính là sự đối diện, bắt gặp tâm trạng của tác giả Thanh Quan với chính mình. Còn ta với ta ở đây là nói về hai người họ gắn bó không gì chia cắt được. Tình bạn giữa họ mới cao quý đẹp đẽ làm sao. Ta thấy rằng nghệ thuật trào lộng của Nguyễn Khuyến thật hóm hỉnh, nhẹ nhàng tinh tế.

Bài tham khảo 4:

Bác đến chơi đây ta với ta.

Không phải là cái “ta với ta” cô đơn, lạc lõng như Bà Huyện Thanh Quan mà là “ta với ta” của tình bạn đẹp đẽ, sâu đậm. Giữa chủ và khách đã không còn khoảng cách, hai người hòa làm một. Mặc dù vật chất thiếu thốn, nhưng cái còn đọng lại, cái quan trọng nhất chính là tình cảm, tình bạn thắm thiết. Có lẽ trong cuộc tiếp đãi đó không có cơm canh, không có miếng trầu thơm nhưng nó vẫn diễn ra hết sức vui vẻ, thân mật, gần gũi. Đây mới thực sự là tình bạn chân chính. Bác từ phương xa tới đây, còn gì quý hơn, bác đến với tôi bằng tấm chân tình, bằng lòng tri âm chứ đâu phải vì vật chất. Chính vì thế tình bạn giữa nhà thơ và bạn hiền càng trở nên cao đẹp và thiêng liêng, tình bạn vượt lên trên mọi thứ vật chất tầm thường. Chữ “ta” được nhắc lại hai lần để nói về tôi, về bác, về hai chúng ta. Hai người khác nhau nhưng có trái tim và tâm hồn cùng đồng điệu, hòa hợp như không còn khoảng cách, hai ta mà là một. Câu thơ như một tiếng cười xòa hồn hậu để khẳng định tình bạn trong sáng, đậm đà của hai người tri kỉ.

Nội dung quan tâm khác

Bình luận

Giải bài tập những môn khác