Đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 9 CTST: Đề tham khảo số 5

Trọn bộ Đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 9 CTST: Đề tham khảo số 5 bộ sách mới Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 2

NGỮ VĂN 9 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) 

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

      Đất Thanh Hóa hầu hết là núi, bát ngát bao la đến mấy ngàn dặm. Có một ngọn núi cao chót vót, tên gọi là núi Na. Núi có cái động, dài mà hẹp, hiểm trở quạnh vắng không có chân người, bụi trần không bén tới. Trong động có người tiều phu hàng ngày gánh củi ra đổi lấy cá và rượu, cốt được no say chứ không lấy tiền. Ai hỏi tên họ nhà cửa, tiều phu chỉ cười mà không nói. Người chung quanh đều cho rằng đây phải là bậc kỳ sỹ ở ẩn. Khoảng năm Khai Đại nhà Hồ, Hán Thương đi săn, chợt gặp ở đường, vừa đi vừa hát rằng:

“Núi xanh bao bọc quanh nhà

      Ruộng đem sắc biếc xa xa vòng ngoài

Ngựa xe võng lọng mặc ai

Nước non này chẳng trần ai vướng vào”

      […] Hát xong, phất áo đi thẳng. Hán Thương đoán là một bậc ẩn giả, bèn sai quan hầu là Trương Công đi mời. Nhưng Trương theo gần đến nơi thì tiều phu đã đi vào động, gọi cũng không trả lời, chỉ thấy rẽ mây lách khói, đi thoăn thoắt trong rừng tùng khóm trúc. Biết không phải là người thường, Trương bèn rón bước đi theo, rẽ cỏ tìm đường. […]

      Thấy Trương đến, tiều phu kinh ngạc hỏi:

      - Chỗ này thanh vắng, đất thẳm rừng sâu, chim núi kêu ran, muông rừng chạy vẩn, thế mà sao ông lại lần tới đây, chẳng cũng khó nhọc lắm ư?

      Trương trả lời:

      - Tôi là chức quan tùy giá của đương triều; biết ngài là bậc cao sỹ nên vâng mệnh đến đây tuyên triệu. Hiện loan giá đang đợi ngoài kia, xin ngài quay lại một chút.

      Tiều phu cười mà rằng:

      - Ta là kẻ dật dân trốn đời, ông già lánh bụi; gửi thân nơi lều tranh quán cỏ, tìm sinh nhai trong búa gió rìu trăng, ngày có lối vào làng say, cửa vắng vết chân khách tục; bạn cùng hươu nai tôm cá, quẩn bên là tuyết nguyệt phong hoa, đông kép mà hè đơn, nằm mây mà ngủ khói; múc khe mà uống, bới núi mà ăn, chứ có biết gì đâu ở ngoài kia là triều đại nào, vua quan nào.

 (Trích Câu chuyện đối đáp của người tiều phu núi Na, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, NXB Văn nghệ, 1988)

Câu 1 (0.5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt và ngôi kể của đoạn trích.

Câu 2 (0.5 điểm). Chỉ ra lời của nhân vật, lời của người kể chuyện trong những câu văn sau:

      Thấy Trương đến, tiều phu kinh ngạc hỏi:

      - Chỗ này thanh vắng, đất thẳm rừng sâu, chim núi kêu ran, muông rừng chạy vẩn, thế mà sao ông lại lần tới đây, chẳng cũng khó nhọc lắm ư?

Câu 3 (1.0 điểm). Em hãy nêu nội dung chính cuả đoạn thơ: 

“Núi xanh bao bọc quanh nhà

      Ruộng đem sắc biếc xa xa vòng ngoài

Ngựa xe võng lọng mặc ai

Nước non này chẳng trần ai vướng vào”

Câu 4 (1.0 điểm). Xác định chủ đề của văn bản.

Câu 5 (1.0 điểm). Em rút ra được những bài học gì cho bản thân sau qua đoạn trích trên?

PHẦN II. VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận về nhân vật người tiều phu trong đoạn trích trên.

Câu 2 (4.0 điểm). Viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) nêu suy nghĩ của em về những việc cần làm để Trái Đất này trở nên tốt đẹp hơn.

TRƯỜNG THCS ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA  GIỮA HỌC KÌ 2 (2024 – 2025)

MÔN: NGỮ VĂN 9 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (4.0 điểm) 

Câu

Đáp án

Câu 1

- Phương thức biểu đạt: Tự sự.

- Ngôi kể: ngôi thứ ba.

Câu 2

- Lời của người kể chuyện: “Thấy Trương đến, tiều phu kinh ngạc hỏi.”

- Lời của nhân vật (Tiều Phu): “Chỗ này thanh vắng, đất thẳm rừng sâu, chim núi kêu ran, muông rừng chạy vẩn, thế mà sao ông lại lần tới đây, chẳng cũng khó nhọc lắm ư?”

Câu 3

Nội dung đoạn thơ: Đoạn thơ vẽ nên một bức tranh thiên nhiên yên bình, tĩnh lặng với những hình ảnh làng quê quen thuộc: núi xanh, ruộng biếc, nhà cửa. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ đẹp bình dị ấy là một thông điệp sâu sắc về sự tự do, thoát khỏi những ràng buộc của cuộc sống đời thường.

Câu 4

Chủ đề của văn bản: Chủ đề chính của văn bản là ca ngợi cuộc sống tự do, bình yên, thoát tục của người tiều phu ẩn dật. Qua đó, tác giả thể hiện sự ngưỡng mộ trước những con người biết tìm về với thiên nhiên, với chính mình để tìm kiếm hạnh phúc đích thực.

Câu 5

* HS rút ra những bài học ý nghĩa qua câu đoạn trích:

- Hướng đến những giá trị đích thực, tránh xa những bon chen, danh lợi.

- Không bị ràng buộc bởi danh vọng, địa vị.

- Trân trọng cuộc sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên.

- Yêu thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên

- …

B. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Đáp án

Câu 1.

HS trình bày cảm nhận dựa trên suy nghĩ của mình song cần đảm bảo các ý sau:

  • Hình thức:

+ Đúng độ dài 200 từ.

+ Đảm bảo bố cục 3 phần.

+ Không sai chính tả, lặp từ….

- Nội dung

* Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Câu chuyện đối đáp của người tiều phu núi Na là một trong những thiên truyện tiêu biểu trích trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Vẻ đẹp nhân vật người tiều phu núi Na được thể hiện đặc sắc qua đoạn trích sau (trích VB).

* Thân đoạn: Làm rõ nhân vật người tiều phu qua đoạn trích.

+ Hoàn cảnh sống: Người tiều phu sống một mình trong động lớn ở núi Na. Công việc hàng ngày là gánh củi ra đổi lấy cá và rượu, cốt được no say chứ không lấy tiền,

+ Phẩm chất, tính cách: Người tiều phu hiện lên qua đoạn trích là một ẩn sĩ thấu hiểu lẽ đời, không màng danh lợi, sống hòa mình với thiên nhiên, coi thiên nhiên là bạn; sống cuộc đời ung dung, tự do tự tại.

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật người tiều phu được khắc họa rõ nét qua lời kể của người kể chuyện ngôi thứ ba, qua suy nghĩ của các nhân vật khác và được bộc lộ trực tiếp qua hành động, lời nói của tiều phu.

+ Ý nghĩa: Qua nhân vật người tiều phu, nhà văn gián tiếp thể hiện quan điểm nhân sinh sâu sắc của mình.

* Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề.

Câu 2. 

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

- Học sinh biết tạo lập một bài văn nghị luận đảm bảo đủ cấu trúc 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Những việc cần làm để Trái Đất này trở nên tốt đẹp hơn.

Hướng dẫn chấm: 

- HS xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.25 điểm.

- HS xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0 điểm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- HS có thể triển khai theo những cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

hơn.

1. Mở bài

- Giới thiệu và khẳng định tính cấp thiết của vấn đề.

2. Thân bài

* Phân tích các khía cạnh của vấn đề:

- Nếu thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay:

+ Trái đất ngày càng nóng lên

+ Không khí chứa nhiều thành phần gây hại hơn

+ Nồng độ chì đã và đang tăng lên

+ Ô nhiễm từ các loại xe cộ...

- Những việc cần làm để trái đất trở nên tốt đẹp hơn:

+ Cần có ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường.

+ Tiết kiệm nguồn điện, nguồn nước.

+ Ngăn chặn chặt phá và khai thác rừng.

+ Cần có sự quản lý chặt chẽ của người nhà nước trong việc xử lý những doanh nghiệp, cá nhân vi phạm.

+ Tăng cường tuyên truyền để cho nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, hiểu rõ tác hại của ô nhiễm môi trường đối với hệ sinh thái, sức khỏe con người.

+ Tái chế rác thải, tái sử dụng giấy.

+ Giảm thiểu chất thải và tác động của môi trường.

+ ….

- Bài học nhận thức và hành động:

+ Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường.

+ Hiểu rằng bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của mình, của tất cả những người quanh mình, của toàn xã hội.

+ …

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề vừa bàn luận.

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 3.0 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 2.0 điểm – 2.75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 1.0 - 1.5 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

- Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, trọn bộ đề thi Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, Đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 9

Bình luận

Giải bài tập những môn khác