Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 9 CTST: Đề tham khảo số 3

Trọn bộ Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 9 CTST: Đề tham khảo số 3 bộ sách mới Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 1

NGỮ VĂN 9 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

  1. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) 

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”

(Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Câu 1 (0.5 điểm): Cảnh vật trong đoạn thơ được miêu tả theo những trình tự nào? 

Câu 2 (1.0 điểm): Từ láy được tác giả sử dụng trong đoạn trích trên là gì? Phân loại chúng.

Câu 3 (1.0 điểm): Chỉ ra và nêu ý nghĩa của biện pháp điệp ngữ trong đoạn trích trên.

Câu 4 (1.5 điểm): Viết đoạn văn nêu cảm nhận về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ trên.

B. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): Viết đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ nêu cảm nhận của anh/chị về bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong đoạn thơ sau:

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang…

(Trích Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử)

Câu 2 (4.0 điểm): Hãy viết bài văn khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong thời đại 4.0.

TRƯỜNG THCS ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 1 (2024 – 2025)

MÔN: NGỮ VĂN 9 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

        A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (4.0 điểm) 

Câu

Đáp án

Câu 1

- Cảnh vật trong đoạn thơ được miêu tả theo trình tự từ xa tới gần.

- Từ “cửa bể chiều hôm” tới “ghế ngồi”, bốn khung cảnh khác nhau:

+ Một cánh buồm thấp thoáng nơi cửa biển.

+ Những cánh hoa lụi tàn trôi man mác trên ngọn nước mới.

+ Nơi cỏ héo úa, rầu rầu.

+ Cảnh tưởng tượng sóng quanh ghế ngồi.

  • → Diễn đạt nỗi buồn dâng lên đầy ắp, càng ngày như muốn nhấn chìm Kiều trước cuộc bể dâu.

Câu 2

- Từ láy được tác giả sử dụng trong đoạn trích trên là:

+ Từ láy âm đầu: thấp thoáng, man mác.

+ Từ láy tiếng: xa xa, rầu rầu, xanh xanh.

Câu 3

- Điệp ngữ trong đoạn trích trên là: “buồn trông”

=> Ý nghĩa của điệp ngữ này là:

+ Buồn trông là buồn nhìn xa, trông ngóng một cái gì đó mơ hồ, vô vọng.

+ Điệp ngữ này được kết hợp với những hình ảnh đứng sau nó như: cửa bể, con thuyền, cánh buồm, ngọn nước, hoa trôi, cỏ nội, chân mây mặt đất, gió, sóng,… vừa gợi thân phận cô đơn, lênh đênh, trôi dạt trên dòng đời vô định, vừa diễn tả nỗi buồn ngày càng tăng tiến, chồng chất ghê gớm, mãnh liệt hơn.

+ Các điệp ngữ còn kết hợp với các từ láy: thấp thoáng, xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm tạo nên nhịp điệu ào ạt của cơn sóng lòng, khi trầm buồn, khi dữ dội, xô nỗi buồn đến tuyệt vọng.

=> Phép điệp tu từ lặp lại một yếu tố diễn đạt (vần, nhịp, từ, cụm từ, câu) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, có khả năng gợi hình tượng nghệ thuật và tạo nhịp điệu cho câu thơ, tác động mạnh mẽ tới cảm xúc người đọc.

Câu 4

Tám câu thơ đã thành công tái hiện diễn biến tâm lí của nàng Kiều khi bị giam cầm. Ở đây, Thúy Kiều đã trực tiếp bộc lộ nỗi buồn, sự đau đớn, xót xa qua điệp từ “buồn trông”. Nàng bị ngợp bởi sự vô tận, rộng lớn của thiên nhiên: “cửa bể chiều hôm”, “cánh buồm xa xa”. Trước không gian sông nước mênh mang ấy, Kiều đã bày tỏ nỗi nhớ quê nhà da diết, khôn nguôi. Hình ảnh “hoa trôi man mác” có lẽ chính là tượng trưng cho thân phận nhỏ bé của nàng. Kiếp người ấy lênh đênh, vô định, bị sóng gió, bão tố cuộc đời vùi dập không thương tiếc. sự vô định, mông lung lại càng bao phủ tâm trí của Kiều. Nàng bắt đầu có dự cảm không lành về tương lai. Hai câu thơ cuối đã thể hiện sự sợ hãi, lo lắng của Kiều trước bao sóng gió, phong ba của cuộc đời. Bằng bút pháp tài hoa cùng hàng loạt các hình ảnh giàu sức gợi, Nguyễn Du đã đem đến sự miêu tả vô cùng chi tiết về tâm trạng của Thúy Kiều cũng như dự đoán một tương lai không mấy êm ả đối với người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh.

B.PHẦN VIẾT: (6.0 điểm)

Đáp án

Câu 1:

HS trình bày cảm nhận dựa trên suy nghĩ của mình song cần đảm bảo các ý sau:

  • Hình thức:

+ Đúng độ dài 200 từ.

+ Đảm bảo bố cục 3 phần.

+ Không sai chính tả, lặp từ….

  • Nội dung

+ Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, dưới đây là một số gợi ý:

  •  Khác với những bài thơ tả cảnh, kể về việc thông thường, Mùa xuân chín đến với người đọc chúng ta không giống với một cái gì đã hoàn thiện. Nhà thơ dường như tạo điều kiện cho người đọc thơ có mặt từ lúc hình tượng mới chỉ là mô hình, một phôi thai của ý đồ sáng tạo. 

  •  Nét vẽ thứ nhất, cái đặt bút đầu tiên trên cái nền “khói mơ tan” và phơn phớt màu “nắng ửng” nghĩa là rất mơ hồ ấy là “Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Đó là thứ gam màu đệm vẫn rất gần cái sắc màu hư ảo ở trên để trở thành một tổng thể nhạt nhoà chưa định hình rõ nét. Màu vàng ở đây là của rơm rạ, ruộng đồng, mà biết đâu không phải là mấy vùng trăng còn sót lại do bầu trời ngẩn ngơ cố tình lưu giữ?

  • Tiếng xào xạc trêu đùa của gió với những tà áo xanh biếc. Màu xanh của chiếc áo là sự báo hiệu của một tình yêu mùa xuân. Một chữ “trêu” sao mà ngọt ngào, thật đặc biệt, chẳng gì bằng nghe hương quê trong những câu ca dao, tình ca luôn làm xao xuyến lòng ta…

  • Câu thơ cuối đã thể hiện rõ sự mong ngóng mùa xuân đến sớm của tác giả. Cảm giác ngưng đọng trong cảm xúc vừa dịu dàng, vừa bâng khuâng của mùa xuân. 

+ Sắp xếp hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục đoạn văn.

Câu 2: 

  1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận 

Cấu trúc bài cần nêu được đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận. 

  1. Xác định đúng vấn đề cần thể hiện

Hãy viết bài văn khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong thời đại 4.0.

Hướng dẫn chấm:

  • HS xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.5 điểm.

  • HS xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0 điểm.

  1. Triển khai vấn đề thành các luận điểm trong bài văn nghị luận

HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng.  Dưới đây là một số gợi ý cần hướng tới:

* Mở bài: giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

* Thân bài

- Giải thích: Trí tuệ nhân tạo là gì? Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Đây là loại trí tuệ do con người lập trình, giúp máy móc, đặc biệt là các hệ thống máy tính có thể mô phỏng các quá trình suy nghĩ và học tập của con người. Quá trình này bao gồm việc học tập (thu thập thông tin và các quy tắc sử dụng thông tin), lập luận (sử dụng các quy tắc để đạt được kết luận gần đúng), đưa ra quyết định và tự sửa lỗi.

=> Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi và trở nên quen thuộc trong đời sống hàng ngày. 

- Bàn luận:

+ Trước tiên, AI giúp tăng cường năng suất lao động. Nhờ vào khả năng tự động hóa các quy trình sản xuất, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí, từ đó tăng cường năng suất lao động và cải thiện hiệu quả kinh doanh. 

+ Ngoài ra, AI còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Với sự phát triển của các ứng dụng AI, chúng ta có thể tận dụng các thông tin và dữ liệu để đưa ra các quyết định thông minh và chính xác hơn. Ví dụ, các hệ thống AI trong y tế có thể giúp chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Điều này giúp giảm thiểu sai sót trong chẩn đoán và cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe. 

+ Cuối cùng, AI còn giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và nạn đói. Các hệ thống AI có thể giúp phân tích dữ liệu về khí hậu và đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tác động của con người đến môi trường. Ngoài ra, AI còn có thể giúp dự đoán và phát hiện các dịch bệnh và nạn đói, từ đó giúp các tổ chức và chính phủ đưa ra các biện pháp phòng ngừa và ứng phó kịp thời. 

=> Tóm lại, AI là một công nghệ tiên tiến và mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cần đảm bảo rằng việc sử dụng AI được thực hiện đúng cách và đảm bảo tính an toàn và bảo mật thông tin. AI chỉ là một công cụ hỗ trợ cho hoạt động học tập, nghiên cứu, sản xuất của con người, chúng ta không nên quá phụ thuộc vào nó và vẫn phải luôn chủ động, tích cực sáng tạo trong mọi lĩnh vực.

* Kết bài

Với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, ta có thể kỳ vọng rằng trong tương lai, AI sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của xã hội.

Hướng dẫn chấm:

Phân tích đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 2 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1 điểm – 1.75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0.5 - 1.0 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, trọn bộ đề thi Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 9

Bình luận

Giải bài tập những môn khác