Đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 9 CTST: Đề tham khảo số 2

Trọn bộ Đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 9 CTST: Đề tham khảo số 2 bộ sách mới Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 2

NGỮ VĂN 9 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) 

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Nào lối dạo vườn hoa năm ngoái,

Đóa hồng đào hái buổi còn xanh

Trên gác phượng, dưới lầu oanh,

Gối Du-tiên hãy rành rành, song song.

Bây giờ đã ra lòng rẻ rúng

Để thân này cỏ úng tơ mành,

Đông quân sao khéo bất tình,

Cành hoa tàn nguyệt, bực mình hoài xuân.

Nào lúc tựa lầu Tần hôm nọ,

Cành liễu mành bẻ thủa đương tơ

Khi trưởng ngọc, lúc rèm ngà,

Mảnh xuân y hãy sờ sờ dấu phong.

Bây giờ đã ra lòng ruồng rẫy,

Để thân này nước chảy hoa trôi!

Hóa công sao khéo trêu ngươi?

Bóng đèn tà nguyệt, nhử mùi ký sinh!

(Trích Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều)

Câu 1 (0.5 điểm). Đoạn trích trên được viết theo thể thơ gì?

Câu 2 (0.5 điểm). Tìm và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau:

“Hóa công sao khéo trêu ngươi?

Bóng đèn tà nguyệt nhử mùi ký sinh”

Câu 3 (1.0 điểm). Em hãy nêu nội dung chính của đoạn thơ trên?

Câu 4 (1.0 điểm). Em có ấn tượng nhất với điều gì ở đoạn trích? Vì sao?

Câu 5 (1.0 điểm). Từ hình ảnh người cung nữ trong đoạn trích, hãy trình bày suy nghĩ của em về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa.

B. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm). Em hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) về lòng khoan dung.

Câu 2 (4.0 điểm). Viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích đoạn trích “Cung oán ngâm khúc” của tác giả Nguyễn Gia Thiều (trích dẫn trong phần đọc hiểu).

TRƯỜNG THCS ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA  GIỮA HỌC KÌ 2 (2024 – 2025)

MÔN: NGỮ VĂN 9 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (4.0 điểm) 

Câu

Đáp án

Câu 1

Đoạn trích trên viết theo thể thơ: Thơ Song thất lục bát.

Câu 2

- Hai câu thơ sử dụng biện pháp tu từ: ẩn dụ.

- Tác dụng: Làm tăng giá trị biểu đạt, thể hiện sâu sắc nỗi phẫn uất của người cung nữ.

Câu 3

Nội dung đoạn thơ miêu tả nỗi đau khổ, uất hận của một người phụ nữ trước số phận éo le của mình. Toàn bộ đoạn thơ thể hiện một tâm trạng bi thương sâu sắc, phản ánh thân phận nghiệt ngã của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Câu 4

- Học sinh chỉ ra được một ấn tượng sâu sắc nhất về đoạn trích và giải thích rõ ràng, hợp lý. Gợi ý:

+ Nhạc tính của đoạn trích được tạo nên từ thể thơ và cách ngắt nhịp. Điều này thích hợp để diễn tả nội tâm sầu muộn, oán trách của người cung nữ.

+ Hình tượng nhân vật trữ tình người cung nữ hiện lên rõ nét qua thế giới nội tâm, hành động…

Câu 5

- Từ hình ảnh người cung nữ trong đoạn trích, học sinh nêu được suy nghĩ của mình về thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. HS chỉ cần nêu được một ý hợp lý và diễn đạt rõ ràng, mạch lạc. Gợi ý:

+ Đó là những người phụ nữ có số phận bất hạnh, cuộc đời chìm nổi, hạnh phúc hay khổ đau đều tùy thuộc vào người khác.

+ Họ khát khao được sống hạnh phúc nhưng khó có thể đạt được...

+ …

 

B. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Đáp án

Câu 1:

HS trình bày cảm nhận dựa trên suy nghĩ của mình song cần đảm bảo các ý sau:

* Hình thức:

- Đúng độ dài 200 từ.

- Đảm bảo bố cục 3 phần.

- Không sai chính tả, lặp từ….

* Nội dung

- Khoan dung: Là thái độ sống, lẽ sống cao đẹp, là phẩm chất, đức tính tốt đẹp của con người mà ở đó con người có sự tha thứ, sự rộng lượng đối với người khác, nhất là những người gây ra đau khổ cho mình…

- Biểu hiện: Khoan dung trước hết là cách đối xử độ lượng, là biết hi sinh, nhường nhịn, không chấp chiếm đối với người khác; là cách hành xử cao thượng, khoan dung, là tha thứ cho những khuyết điểm, những lỗi lầm mà người khác gây ra cho mình hoặc xã hội…(dẫn chứng).

- Vai trò: Cần phải khoan dung vì đó là một phẩm chất cao đẹp, một cách ứng xử cao thượng cần được thực hiện, ngợi ca, vì đã là con người thì "vô nhân thập toàn" nên cần phải được đối xử rộng lượng và nhân văn.

- Người sống khoan dung sẽ được mọi người yêu mến, quý trọng…

- Khoan dung giúp con người sống thanh thản, tận hưởng cuộc sống có ý nghĩa hơn!

- Bàn luận:

+ Khoan dung không có nghĩa là bao che, dung túng cho những việc làm sai trái.

+ Nếu sống không khoan dung con người sẽ nặng trĩu sự thù hận, ghen ghét…

+ Để sống khoan dung con người cần có nhận thức đúng đắn, sự giáo dục, bản lĩnh…

+ Ngày nay, vẫn có những người ích kỉ, sống thờ ơ, lạnh nhạt, thiếu đi sự thứ tha, khoan dung...chúng ta cần thức tỉnh họ.

- Liên hệ bản thân: rút ra bài học nhận thức và hành động.

Câu 2: 

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

- Học sinh biết tạo lập một bài văn nghị luận văn học đảm bảo đủ cấu trúc 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích đoạn trích “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều.

Hướng dẫn chấm: 

- HS xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.25 điểm.

- HS xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0 điểm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- HS có thể triển khai theo những cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

* Giới thiệu khái quát về đoạn trích (nhan đề, tên tác giả) và nêu ý kiến chung về đoạn trích.

* Lần lượt phân tích theo bố cục hoặc đi từ nội dung đến nghệ thuật của đoạn trích…HS có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau một cách linh hoạt. Sau đây là gợi ý:

- Phân tích nội dung chủ đề của đoạn trích: Đoạn trích miêu tả sâu sắc tâm trạng của nhân vật cung nữ với nỗi buồn đau, tủi hổ khi bị lãng quên, không còn nhận được sự quan tâm, yêu thương của nhà vua.

- Phân tích giá trị nghệ thuật và hiệu quả thẩm mĩ của nó trong biểu đạt nội dung đoạn trích bài thơ:

+ Thể thơ song thất lục bát thiên về việc diễn tả nội tâm nhân vật với cảm hứng trữ tình bi thương, có khả năng biểu lộ một cách tinh tế những dòng cảm xúc dồn nén với tâm trạng cô đơn, sầu muộn.

+ Đoạn thơ sử dụng bút pháp tương phản đối lập giữa quá khứ và hiện tại

- Thời điểm quá khứ: Tháng ngày hạnh phúc khi còn được vua yêu chuộng nên cuộc sống trở nên tốt đẹp.

- Thời điểm hiện tại: Tháng ngày buồn tẻ, phẫn uất khi bị vua rẻ rúng, ruồng rẫy ....

- Tâm trạng của nhân vật trữ tình:

+ Buồn tủi, cô đơn, đau xót cho hiện tại

+ Phẫn uất, trách móc nhà vua, trách móc xã hội…

- Sử dụng nhiều điển tích, điển cố tăng tính hàm súc, gợi liên tưởng phong phú cho người đọc

* Khẳng định ý nghĩa, giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 3.0 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 2.0 điểm – 2.75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 1.0 - 1.5 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

- Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, trọn bộ đề thi Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, Đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 9

Bình luận

Giải bài tập những môn khác