Đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 9 CTST: Đề tham khảo số 5

Trọn bộ Đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 9 CTST: Đề tham khảo số 5 bộ sách mới Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1

NGỮ VĂN 9 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

  1. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

LÊN HÀ GIANG DỰ PHIÊN CHỢ NỔI TIẾNG - CHỢ TÌNH KHÂU VAI

      Có một phiên chợ mà việc bán mua chẳng quan trọng, nhưng lại là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở Hà Giang. Đó là chợ tình Khâu Vai, hay còn gọi là chợ Phong Lưu, tồn tại hơn 100 năm qua, diễn ra ngày 27/3 âm lịch hằng năm.

     Từ “Khau Vai” trong tiếng Tày - Nùng nghĩa là “đèo gai”. Nhưng nhiều tư liệu dùng chệch thành “Khâu Vai”. Khách đi du lịch Hà Giang còn gọi đùa đây là chợ Phong Tình.

     Nguồn gốc của chợ phiên này bắt đầu từ truyền thuyết về chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy. Họ yêu nhau say đắm nhưng do không cùng dân tộc, không cùng tổ tiên hay phong tục tập quán. Hơn nữa chàng lại là con nhà nghèo còn nàng là con gái tộc trưởng người Giáy. Bởi vậy mối tình của 2 người bị ngăn cấm.

     [...] Đến khi già, ngày cuối đời họ lại đến đây (núi Khâu Vai), ôm chặt lấy nhau, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày họ ra đi cũng là 27/3. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên 2 miếu thờ Ông, thờ Bà và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên.

     Cũng từ đấy chợ tình Khâu Vai hay còn gọi là “chợ Phong lưu” được diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm. Trước đây người đến chợ không nhiều, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, họ yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì những ràng buộc  của lễ giáo phong kiến, những tập tục lạc hậu. Bởi vậy ngày này là để họ có thể tâm sự hàn huyên sau một hoặc nhiều năm xa cách, thông báo tình hình hiện tại của nhau. Có thể hai vợ chồng cùng đến chợ, khi đến chợ chồng đi gặp người yêu cũ của chồng, vợ đi tìm người tình cũ của vợ, không có sự ghen tuông. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng quá khứ của nhau, coi đấy là trách nhiệm đối với đời sống tinh thần của nhau. Hết phiên chợ, họ lại quay về cuộc sống thường ngày, hẹn đến chợ năm sau lại tới. Đây chính là nét đẹp văn hóa mộc mạc, giản dị của chợ tình Khâu Vai.

     Trước đây chợ tình Khâu Vai là chợ của những mối tình trắc trở. Từ năm 1991 trở lại đây đến chợ có nhiều thanh niên nam, nữ các dân tộc trong vùng đến chợ để vui xuân và cũng để tìm bạn tình, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng trong dịp đi chợ tình Khâu Vai. Cũng do bản sắc ca ngợi tình yêu lứa đôi trong sáng này mà chợ tình Khâu Vai giờ được tổ chức như một lễ hội, một sản phẩm du lịch cho du khách đến tham quan tìm hiểu văn hóa. Mà mỗi lễ hội đều sẽ có phần lễ và phần hội.

     Cứ vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm, những chàng trai cô gái dân tộc nơi đây khoác trên mình những bộ trang phục đẹp nhất để cùng đến với chợ Phong lưu Khâu Vai.

     Phần lễ của chợ tình, người dân Khâu Vai sẽ dâng lễ lên miếu Ông, miếu Bà như để nhớ về nguồn cội, những người khai đất khai hoang ra bản làng Khâu Vai và để tôn vinh tình yêu lứa đôi. Già làng làm chủ lễ sẽ dâng hương xin phép bắt đầu lễ hội.

     Đến phần hội, du khách được chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, ngây ngất trước khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giáy... Ngoài ra còn có những gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản Hà Giang để du khách có thể mua về làm quà sau chuyến đi.

 
 

[…]

     Chợ Phong lưu Khâu Vai không chỉ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp mà còn là nơi ca ngợi mối tình trong sáng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa. Đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ để bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số và quảng bá thu hút du khách đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Theo Phương Linh, https://dangcongsan.vn/van-hoa-vung-sau-vung-xa-bien-gioi-hai-dao-vung-dan-toc-thieu-so/tu-truyen-thong-toi-hien-dai/len-ha-giang-du-phien-cho-noi-tieng-cho-tinh-khau-vai-635230.html)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2 (0.5 điểm): Nêu nội dung chính của văn bản.

Câu 3 (1.0 điểm): Chỉ ra tác dụng của biện pháp nghệ thuật liệt kê trong câu văn: Đến phần hội, du khách được chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, ngây ngất trước khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giáy....

Câu 4 (1.0 điểm): Nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả thể hiện trong văn bản.  

Câu 5 (1.0 điểm): Qua văn bản, hãy nêu một ước mơ của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên vùng cao nguyên đá mà anh/chị thấy có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống hiện đại hôm nay và giải thích lí do.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ tâm trạng của chủ thể trữ tình trong bài thơ sau: 

Tự tình I

Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không khua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,

Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom!

                                                               (Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, 2008)

Câu 2 (4.0 điểm):  

Tuổi trẻ thường có những đam mê; theo đuổi hay không là lựa chọn của của mỗi người.

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về ‎đam mê của tuổi trẻ.

TRƯỜNG THCS ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ 1 (2024 – 2025)

MÔN: NGỮ VĂN 9 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

       A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (4.0 điểm) 

Câu

Đáp án

Câu 1

Phương thức biểu đạt chính: thuyết minh

Câu 2

Nội dung chính của văn bản: Giới thiệu (thuyết minh) về chợ tình Khâu Vai của đồng bào dân tộc ở tỉnh Hà Giang.

Câu 3

 - Biện pháp liệt kê: du khách được chìm đắm trong không ..., ngây ngất trước khung cảnh ..., rạo rực trong tiếng đàn môi ..., 

Hoặc: lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giáy....

- Hiệu quả: Biện pháp liệt kê tăng tính sinh động, biểu cảm, hấp dẫn cho câu văn; nhằm nhấn mạnh, làm nổi bật tâm trạng vui mừng, phấn khởi của du khâch khi tham gia lễ hội Khâu Vai.

Câu 4

- Tình cảm, thái độ: Yêu thích; tự hào về sự độc đáo của một lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang…

- Nhận xét: Đây là tình cảm chân thành, sâu sắc, cao đẹp; từ đó, đánh thức trách nhiệm và hành động của mỗi người trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Câu 5

- Nêu được một ước mơ của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên vùng cao nguyên đá mà HS thấy có ý nghĩa nhất đối với cuộc sống hôm nay.

- Gợi ý: Được trao gửi yêu thương; được đồng cảm, chia sẻ hoặc giữ gìn, phát huy, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc…

- Lí giải một cách hợp lí và thuyết phục.

B.PHẦN VIẾT: (6.0 điểm)

Đáp án

Câu 1:

HS trình bày cảm nhận dựa trên suy nghĩ của mình. Sau đây là đáp án gợi mở:

* Hình thức:

+ Đúng độ dài 200 từ.

+ Đảm bảo bố cục 3 phần.

+ Không sai chính tả, lặp từ….

* Nội dung: Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: 

- Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Xuân Hương và bài thơ Tự tình I.

- Tâm trạng của chủ thể trữ tình:

+ Cô đơn, lẻ loi, buồn sầu trước không gian tĩnh mịch, vắng vẻ.

+ Oán hận, u uất vì chuyện tình duyên lỡ làng, không trọn vẹn.

+ Thách thức trước bi kịch cuộc đơi, niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi…

- Ý nghĩa của tâm trạng chủ thể trữ tình: gián tiếp lên án xã hội phong kiến nhiều bất công, chà đạp lên số phận của người phụ nữ; đồng thời  bộc lộ niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc lữa đôi 

=> Giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

Yêu cầu:

- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: Tâm trạng của chủ thể trữ tình trong bài thơ Tự tình I.

- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

Câu 2: 

  1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận 

Cấu trúc bài cần nêu được đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận. 

  1. Xác định đúng vấn đề cần thể hiện

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về đam mê với tuổi trẻ.

Hướng dẫn chấm:

  • HS xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.5 điểm.

  • HS xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0 điểm.

  1. Triển khai vấn đề thành các luận điểm trong bài văn nghị luận

HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng. 

- Xác định được các ý chính của bài viết

- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu được vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề cần nghị luận:

- Giải thích: “Đam mê” là niềm khát khao, yêu thích cháy bỏng theo đuổi một lĩnh vực nào đó cho đến cùng.

- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

+ Trong cuộc sống thường ngày đam mê cũng xuất hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong học tập, thể thao, trong công việc ,… dưới nhiều hình thức khác nhau.

+ Mỗi người đều có một niềm đam mê khác biệt, đó chính là thứ để khẳng định bản thân, tự làm mới, tự tạo dấu ấn cá nhân trong xã hội hiện đại này.

+ Có đam mê khiến chúng ta có động lực sống, có niềm cảm hứng thúc đẩy chúng ta đứng lên thực hiện ước mơ, lý tưởng một cách đầy nhiệt huyết và có trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn gian khổ.

+ Có đam mê khiến con người trở nên tốt hơn, dũng cảm hơn trong cuộc sống, trở thành ý nghĩa sống mà mỗi chúng ta theo đuổi trong cuộc đời.

+ Có đam mê là tốt, có niềm đam mê khác biệt và kiên trì theo đuổi nó lại còn tuyệt vời hơn cả.

+ Cần phải thật tỉnh táo, phải biết đâu là niềm đam mê chân chính, đâu là thói hư tật xấu, là tệ nạn xã hội không nên sa đà vào nó.

- Lấy được dẫn chứng và phân tích dẫn chứng.

- Mở rộng, bày tỏ quan điểm trái chiều, hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện hơn.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân và rút ra bài học cho bản thân.

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 2 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1 điểm – 1.75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0.5 - 1.0 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

- Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, trọn bộ đề thi Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, Đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 9

Bình luận

Giải bài tập những môn khác