Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 9 CTST: Đề tham khảo số 5

Trọn bộ Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 9 CTST: Đề tham khảo số 5 bộ sách mới Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2

NGỮ VĂN 9 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) 

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Hoa chanh trái vụ

      Ngày xưa, tại một làng kia có đôi trai gái yêu nhau rất mặn mà. Người con trai khoẻ mạnh, dũng cảm và chân thành. Cô con gái thuỳ mị nết na, hay lam hay làm. Dân làng rất yêu mến và vun đắp cho mối tình đẹp đẽ của họ. Nhưng lễ cưới chưa kịp tổ chức thì giặc Pháp tràn đến. Từ vùng tạm chiếm, chúng đánh nống ra vùng tự do. Bộ đội ta vì thế yếu phải tạm rút quân đảm bảo toàn lực lượng. Làng rơi vào tay giặc.

      Quân giặc hà hiếp dân lành, lập ấp dồn dân và xây đồn kiên cố trên quả đồi thấp đầu làng.

      Người con trai quyết định bỏ trốn ra vùng tự do để gia nhập bộ đội chủ lực, còn cô gái ở lại làng hoạt động trong một tổ chức bí mật. Họ chia tay nhau trong một đêm tối trời tại vườn chanh cuối làng.

      Tên đại uý đồn trưởng còn trẻ, dáng dấp hào hoa và nặng lòng căm thù Việt Minh. Hắn bị thương vào tay phải trong một trận kịch chiến với du kích. Vết thương đã lành, nhưng bàn tay mang tật, các ngón tay co quắp, không thể xoè ra, dân làng gọi là thằng Quắp.

      Cô con gái được tổ chức phân công điều tra đồn địch. Cô phải làm quen với bọn lính và cả tên đồn trưởng để được phép ra vào đồn mua bán những thứ cần thiết cho chúng. Dân làng bắt đầu nghi ngờ, chê cười trách móc, cho rằng cô đã phản bội. Có người gặp cô đã ngoảnh mặt đi, nhổ nước bọt. Sự khinh miệt càng tăng khi mọi người biết cô đã có mang.

      Cô sinh con trong sự khinh ghét của dân làng. Đứa con trai hoàn toàn khoẻ mạnh nhưng có một dị tật bẩm sinh: bàn tay phải của nó có các ngón nắm chặt, không bao giờ xoè ra. Nhiều lần tắm rửa cho con, người mẹ cố gỡ các ngón tay, nhưng thằng bé cứ khóc ngằn ngặt, nên đành thôi. Thật đáng đời quân Việt gian, cha quắp đẻ con quắp.

Chín tháng sau khi đứa bé chào đời, bộ đội ta bí mật tập kết chuẩn bị công đồn. Chính cô gái dẫn đường một mũi tấn công.

      Người chồng chưa cưới của cô có mặt trong trận đánh, nhưng họ chỉ gặp nhau một phút trước khi cô hy sinh. Một quả bộc phá nổ gần đã hắt cô gái xuống, tim ngừng đập, nhưng toàn thân cô mềm mại.

Trận đánh thắng lợi, thi hài cô được đưa về ngôi đình làng, phủ lá cờ đỏ sao vàng. Khuôn mặt cô trông như đang ngủ.

      Người ta bế đứa bé đến vĩnh biệt mẹ nó. Người chồng đưa tay bế đứa bé, nhìn vào mặt nó hồi lâu. Đứa bé đưa ngang cánh tay tật nguyền của mình và trước sự kinh ngạc của mọi người, năm ngón tay bé bỏng từ từ mở ra như năm cánh hoa. Giữa lòng bàn tay trắng hồng là nụ hoa chanh còn nguyên và cũng đang từ từ xoè cánh. Mùi hoa chanh trái vụ tràn ngập ngôi đình, ngào ngạt át cả trầm hương.

      Người chồng ghì chặt đứa con vào ngực mình, anh hổn hển nói mỗi lúc một to: Con tôi, con tôi, con của tôi...

      Bàn tay đứa bé nghiêng đi và hoa chanh rơi nhẹ nhàng như chim hạ cánh, đậu vào đôi môi người mẹ. Mọi người nín thở chờ phép lạ xuất hiện lần hai. Và đúng vậy, bộ ngực người mẹ trẻ bỗng căng phồng lên như vừa hít một hơi dài, khuôn mặt ửng hồng trở lại. Đôi mắt với hàng mi dài đang khép bỗng rung rinh rồi bừng mở to. Cô liếc nhìn chung quanh và trông thấy hai bố con đang ôm nhau.

      Cậu bé được đặt tên là Chanh. Khi cậu tròn năm tuổi, người cha đã ngã xuống trên cánh đồng Mường Thanh một giờ trước khi toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ lần lượt ra hàng

                           (Văn Như Cương - Tạp chí Thế giới mới, Số 1, Tháng 1 năm 2006)

Câu 1 (0.5 điểm). Đoạn trích sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào?

Câu 2 (0.5 điểm). Hãy ghi lại những chi tiết thể hiện sự đặc biệt khi nói về nhân vật cậu con trai của cô gái. 

Câu 3 (1.0 điểm). Qua phần giới thiệu ở đầu của văn bản, em thấy cô gái là người thế nào? Theo em, vì sao tác giả không đặt tên cho nhân vật cô gái? 

Câu 4 (1.0 điểm). Là một văn bản truyện hiện đại, nhưng trong “Hoa chanh trái vụ” có một loạt các chi tiết tưởng tượng. Hãy liệt kê các chi tiết đó và cho biết dụng ý nghệ thuật của tác giả.

Câu 5 (1.0 điểm). Bình yên và hạnh phúc của chúng ta hôm nay phải đổi bằng sự hy sinh của biết bao người. Nếu được gửi lời tri ân với thế hệ đi trước, em sẽ viết những gì?

B. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 ( 2.0 điểm). Văn bản “Hoa chanh trái vụ” được dẫn ở trên cho chúng ta thấy cuộc sống luôn có những điều kì diệu, bất ngờ. Em hãy viết 1 đoạn văn nghị luận  khoảng 200 chữ bày tỏ ý kiến của em về vấn đề trên.

Câu 2 ( 4.0 điểm). Anh/ chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) về vấn đề trách nhiệm của con người với môi trường.

TRƯỜNG THCS ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ 2 (2024 – 2025)

MÔN: NGỮ VĂN 9 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO

A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (4.0 điểm) 

Câu

Đáp án

Câu 1

-  Đoạn trích có sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.

Câu 2

* HS tìm đúng các chi tiết thể hiện sự đặc biệt. 

- Những chi tiết đặc biệt về cậu con trai: 

  • Sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt: mẹ bị dân làng nghi ngờ phản bội, cha đi kháng chiến.
  • Có dị tật bẩm sinh: bàn tay phải nắm chặt, không thể mở ra.
  • Mang trong mình một phép màu: nở hoa chanh trên lòng bàn tay, giúp mẹ hồi sinh.

Câu 3

-  Cô gái là người: thuỳ mị, nết na, hiền lành, yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

- Tác giả ko đặt tên cho nhân vật cô gái là một dụng ý nghệ thuật. Cô gái ko chỉ là nhân vật cụ thể mà là hình ảnh của nhiều người phụ nữ bình dị, nhẫn nhịn, hy sinh thầm lặng cho đất nước.

Câu 4

* HS chỉ ra được các chi tiết tưởng tượng:

- Đứa bé sinh ra với bàn tay nắm chặt, nở hoa chanh. 

- Người mẹ hồi sinh nhờ hoa chanh.

* Dụng ý nghệ thuật của tác giả:

- Tạo nên những tình tiết bất ngờ, gây ấn tượng mạnh với người đọc.

- Ca ngợi tình mẫu tử: Tình mẫu tử thiêng liêng, vượt qua cả sự sống và cái chết.

- Ca ngợi tinh thần yêu nước: Khẳng định sức mạnh của tình yêu quê hương, đất nước, của ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do.

Câu 5

.* Học sinh thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ của riêng mình.
- Lòng biết ơn các thế hệ cha ông.

- Tự hào về lòng dũng cảm của thế hệ cha anh.

- Cố gắng học tập, rèn luyện bản thân để xây dựng đất nước.

- ...

B. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Đáp án

Câu 1.

 HS trình bày cảm nhận dựa trên suy nghĩ của mình song cần đảm bảo các ý sau:

- Hình thức:

+ Đúng độ dài 200 từ.

+ Đảm bảo bố cục 3 phần.

+ Không sai chính tả, lặp từ….

- Nội dung

+ Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận.

+ Thân đoạn: Làm rõ được vấn đề nghị luận bằng các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.

  • Điều kì diệu bất ngờ có thể là tình thân, tình bạn hay chính là tinh thần tương thân tương ái...là sự đồng cảm thấu hiểu kéo con người lại gần nhau hơn..
  • Điều kì diệu, bất ngờ có thể ở ngay xung quanh mỗi chúng ta ...

+ Kết đoạn: Khái quát, tổng hợp lại.

Câu 2. 

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

- Học sinh biết tạo lập một bài văn nghị luận đảm bảo đủ cấu trúc 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

- Trách nhiệm của con người với môi trường.

Hướng dẫn chấm: 

- HS xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.25 điểm.

- HS xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0 điểm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

- Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm, luận cứ phù hợp, có sức thuyết phục; sử dụng tốt các thao tác lập luận; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

- HS có thể triển khai theo những cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

1. Mở bài

- Dẫn dắt về tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống.

- Nêu vấn đề: trách nhiệm của con người với môi trường.

2.Thân bài

- Thực trạng môi trường hiện nay: 

  • Ô nhiễm không khí, nước, đất.
  • Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.
  • Cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
  • Dẫn chứng cụ thể từ thực tế.

- Nguyên nhân:

  • Hoạt động sản xuất công nghiệp thiếu kiểm soát.
  • Lối sống thiếu ý thức của con người.
  • Chạy theo lợi nhuận, bỏ qua bảo vệ môi trường.
  • Thiếu các biện pháp xử lý chất thải hiệu quả.

- Trách nhiệm của con người với môi trường:  

  • Ý thức được tầm quan trọng của môi trường.
  • Thay đổi thói quen, lối sống thân thiện với môi trường.
  • Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
  • Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

- Các giải pháp: 

  • Cá nhân: Tiết kiệm năng lượng, tài nguyên; Phân loại rác thải; Hạn chế sử dụng túi nilon; Tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường.
  • Cộng đồng: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm; Phát triển công nghệ xanh; Ban hành và thực thi nghiêm luật môi trường; Đẩy mạnh giáo dục môi trường.

3. Kết bài

- Khẳng định lại tầm quan trọng của trách nhiệm bảo vệ môi trường

- Kêu gọi mọi người cùng hành động.

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 3.0 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 2.0 điểm – 2.75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 1.0 - 1.5 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

- Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, trọn bộ đề thi Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo, Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 9

Bình luận

Giải bài tập những môn khác