Dễ hiểu giải Ngữ văn 7 cánh diều bài 2 Thực hành tiếng việt trang 48

Giải dễ hiểu bài 2 Thực hành tiếng việt trang 48. Trình bày rất dễ hiểu, nên tiếp thu Ngữ văn 7 Cánh diều dễ dàng. Học sinh nắm được kiến thức và biết suy rộng ra các bài tương tự. Thêm 1 dạng giải mới để mở rộng tư duy. Danh mục các bài giải trình bày phía dưới


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 2: THƠ BỐN CHỮ, NĂM CHỮ

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

Câu 1: Trong hai khổ thơ đầu của bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), các dòng thơ được bố trí thành từng cặp có sự đối lập (trái ngược) nhau về nghĩa. Hãy chỉ ra điều đó và cho biết cách bố trí như vậy có tác dụng gì.

Giải nhanh:

  • Trong hai khổ thơ đầu của bài thơ "Mẹ" (Đỗ Trung Lai), các dòng thơ được bố trí thành từng cặp có sự đối lập về nghĩa:
    • Lưng mẹ còng đối lập với cau vẫn thẳng
    • Cau - ngọn xanh rờn đối lập với mẹ - đầu bạc trắng
    • Cau ngày càng cao đối lập với mẹ ngày một thấp
    • Cau gần với giời đối lập với mẹ thì gần đất

=> Tác dụng của cách bố trí này là làm nổi bật sự tương phản giữa hình ảnh cau và mẹ. Theo thời gian, cau phát triển, cao lên và xanh tốt, trong khi mẹ ngày càng già đi. Cách bố trí này làm tăng tính biểu cảm cho hình ảnh người mẹ, thể hiện nỗi niềm của người con khi thấy mẹ mình ngày một già, đồng thời khơi gợi cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.

Câu 2: Nêu tác dụng miêu tả, biểu cảm của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong khổ thơ dưới đây:

Một miếng cau khô

Khô gầy như mẹ

Con nâng trên tay

Không cầm được lệ

(Đỗ Trung Lai)

Giải nhanh:

Trong khổ thơ "Một miếng... được lệ," tác giả sử dụng biện pháp so sánh để miêu tả hình ảnh người mẹ. Thay vì miêu tả trực tiếp mẹ là "khô gầy," tác giả so sánh mẹ với cau, làm mẹ trở thành thước đo của sự "khô gầy." Tính từ "khô gầy" đối lập với "tươi tắn," thể hiện sự già nua, thiếu sức sống của mẹ, khiến người con cảm thấy bùi ngùi và xúc động. Cách so sánh này giúp truyền đạt ý tưởng một cách tế nhị, làm cho khổ thơ trở nên ý tứ và xúc động 

Câu 3: Câu hỏi "Sao mẹ ta già?" trong bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai) có tác dụng như thế nào đối với việc thể hiện tình cảm của tác giả?

Trả lời:

Câu hỏi "Sao mẹ ta già?" trong bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai) là một câu hỏi tu từ mang ý trách cứ cùng khát vọng mẹ được trẻ mãi, sống bên cạnh chủ thể trữ tình.

  • Tuy nhiên, ý trách cứ ở đây có nhiều hơn khát vọng mẹ được trẻ mãi. Ý trách cứ này trong câu hỏi bề ngoài có sự gai góc khi dám xưng với giời là "ta". "Ta" ở đây không chỉ là ngôi thứ nhất, chỉ bản thân người nói, mà còn là một sự khẳng định mang tính tự tôn. "Ta" thể hiện cho người khác biết cần có sự tôn trọng. Ấy vậy mà sự tôn trọng mong có được ấy đổi lại vẫn là mẹ phải già đi. Ẩn đằng sau sự gai góc trong câu thơ là một nỗi buồn, sự xúc động. Cái gai góc của chữ "ta" tưởng che đậy được nỗi buồn, nhưng lại càng làm cho nỗi buồn trở nên nổi bật, càng cho thấy được tình cảm mà chủ thể trữ tình dành cho mẹ. Vì thương mẹ mà buồn, mà trách cứ ông giời dù cho ai chẳng biết sinh, lão, bệnh, tử vốn là lẽ thường của đời người.

Câu 4: Tìm các câu hỏi trong bài thơ Ông đồ (Vũ Đình Liên). Tác giả sử dụng những câu hỏi đó để biểu đạt điều gì?

Giải nhanh:

  • Các câu hỏi trong bài thơ "Ông đồ" (Vũ Đình Liên):
    • "Người thuê viết nay đâu?"
    • "Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ?"

=> Các câu hỏi này đều là câu hỏi tu từ, được tác giả sử dụng để nhấn mạnh sự phai nhạt của lòng người đối với tục xin chữ đầu năm và thể hiện sự xót xa trước việc giá trị của thế hệ đi trước không còn chỗ trong đời sống hiện tại. Việc sử dụng câu hỏi tu từ còn khơi gợi cảm xúc và suy nghĩ về giá trị truyền thống, tinh thần của "những người muôn năm cũ," đồng thời khẳng định ngầm giá trị và hy vọng xã hội sẽ trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị đó.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Bình luận

Giải bài tập những môn khác