Bình luận ý kiến cho rằng: trong các nhân vật Tiểu Thanh (Độc “Tiểu Thanh kí”), Thúy Kiều (Truyện Kiều) đều có hình bóng của Nguyễn Du.

Văn mẫu 11 chân trời sáng tạo đề bài: Bình luận ý kiến cho rằng: trong các nhân vật Tiểu Thanh (Độc “Tiểu Thanh kí”), Thúy Kiều (Truyện Kiều) đều có hình bóng của Nguyễn Du.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Bài tham khảo 1:

Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh trong một hoàn cảnh có phần giống Kiều đến với Đạm Tiên. Nấm mồ Đạm Tiên “sè sè nắm đất bên đường” gợi lên ở Kiều bao môĩ thương tâm. Cái gò hoang nơi chôn Tiểu Thanh gợi lên ở Nguyễn Du bao điều thổn thức: “Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang”. Tiếng thơ như tiếng than buột miệng thành lời. Mới nghe qua tưởng là lời than chung cho lẽ đời dâu bể, nhưng ngẫm kĩ thì hóa ra là lời than trước cái đẹp bị dập vùi. Hình tượng thơ đặt trong sự đối lập: cảnh đẹp/ gò hoang gợi nghịch cảnh éo le. Từ tẫn trong nguyên bản chữ Hán “Hoa uyển tẫn thành khư” gợi sự đổi thay khóc liệt: vườn hoa Tây Hồ đẹp là thế mà nay đã thay đổi hết, không lưu lại một chút dấu vết nào. Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều tri ngộ với số phận Đạm Tiên là qua lời kể của Vương Quan, còn ở Đọc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du thấu hiểu nỗi oan khiên của Tiểu Thanh qua mảnh giấy tàn của nàng để lại: “Độc điếu song tiền nhất chỉ thư’. Chữ độc và chữ nhất trong câu thơ chữ Hán cũng là để nói một lòng đau tìm gặp một hồn đau.

Nguyễn Du nhắc tới hai cái oan trong đời Tiểu Thanh bằng những ẩn dụ tượng trưng quen thuộc: son phấn tượng trưng cho sắc đẹp, văn chương tượng trưng cho tài năng. Nếu hiểu son phấn, văn chương là chủ thể tự hận, tự thương thì đưa tới cách cảm nhận: son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết, văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở. Nếu hiểu son phấn, văn chương là đối tượng thương cảm của người đời thì dẫn đến cách cảm nhận: son phấn như có thần, sau khi chết người ta còn thương tiếc, văn chương có số mệnh gì mà người ta phải bận lòng đến những bài thơ còn sót lại sau khi đốt. Câu thơ Nguyễn Du đã hòa đồng tâm trạng chủ thể và khách thể dẫn đến sự hợp lí của cả hai cách hiểu nói trên. Vả lại sợi chỉ dỏ xâu chuỗi cả hai cách hiểu đó chính là cảm hứng khẳng định sự vĩnh hằng của cái đẹp và tài năng. Cái đẹp có thể tàn về thân xác nhưng cái hồn, cái thần của nó thì chôn vẫn hận. Cái mệnh của Tiểu Thanh thật ngắn ngủi mà cái mệnh văn chương của nàng thì dẫu đốt còn vương.

Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều đã tri ngộ với thân phận Đạm Tiên qua những vần thơ xiết bao nỗi thương tâm:

Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa,

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.

Nỗi niềm tưởng đến mà đau,

Thấy người nằm đó biết sau thế nào?

Có thể thấy rằng bốn câu thơ trên có nhiều điểm tương đồng với Đọc Tiểu Thanh kí. Hai câu đầu là niềm xót thương của nàng Kiều cho Đạm Tiên - một số phận hồng nhan bạc mệnh, cùng hòa điệu với tiếng khóc của Nguyễn Du dành cho Tiểu Thanh, người con gái tài sắc mà chết trẻ. Còn hai câu thơ sau lại là dự cảm của Thúy Kiều cho chính thân phận của nàng, từ thương người đã chuyển thành thương minh. Điều này có nét nghĩa tương đồng với hai câu kết trong bài Đọc Tiểu Thanh kí, từ thương người, thương đời, ý thơ chuyển sang tự thương dưới dạng một câu hỏi: Ba trăm năm sau liệu có ai khóc Tố Như chăng? Bất tri - chưa biết được. Niềm tự thương, tự đau lên tới cực độ.

Chính cảm hứng ngưỡng mộ cái đẹp, tài năng là dấu nối giữa số phận Tiểu Thanh với bao người tài hoa mệnh bạc, trong đó có cả Nguyễn Du. Từ hai câu thực nói về nỗi hận, nỗi oan của Tiểu Thanh, tác giả dùng hai câu luận để bàn rộng ra nỗi hờn, nỗi oan của tài hoa, trí tuệ trong trường kì lịch sử:

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,

Cái án phong lưu khách tự mang.

Nguyễn Du đã từ cái hận của Tiểu Thanh mà nghĩ tới cái hận muôn đời, cái hận xưa nay cứ triền miên, không bao giờ chấm dứt. Lời thơ như muốn hướng câu hỏi tới bầu trời để giải đáp một vấn đề của cuộc sống nhân sinh nơi trần thế. Nhưng có hỏi trời thì cũng không một lời giải đáp, vì thế càng hận, càng nhức nhối vô cùng. Bên cạnh cái hận là cái án phong lưu. Và đây lại là một nghịch cảnh đau xót: khách phong lưu mà lại khổ, lại phải mang cái án với nỗi oan lạ lùng. Đến câu thơ thứ sau này thì khách thể và chủ thể đã nhập làm một: “Phong vận kì oan ngã tự cư”. Câu thơ dịch chữ ngã (tôi, ta) thành chữ khách đã không tô đậm được yếu tố chủ thể nhập thân vào khách thể. Nguyễn Du tự coi mình là “người cùng một hội với kể mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã”. Do đó, bài thơ không chỉ dừng lại ở tiếng khóc đành cho nàng Tiểu Thanh mà còn là tiếng khóc chung cho những con người tài sắc trong xã hội phong kiến xưa, trong đó có cả Nguyễn Du.

Bài tham khảo 2:

Nguyễn Du không nhằm tả cảnh đẹp Tây Hồ mà chỉ mượn sự thay đổi của không gian để nói lên một cảm nhận về biến đổi của cuộc sống. Cách diễn đạt vừa tả thực vừa gợi ý nghĩa tưọng trưng. “Tây hồ hoa uyển” (vườn hoa Tây Hồ) gợi lại cuộc sống lặng lẽ của nàng Tiểu Thanh ở vưòn hoa cạnh Tây Hồ – một cảnh đẹp nổi tiếng của Trung Hoa. Nhưng hàm ý tượng trưng được xác lập trong mối quan hệ giữa “vườn hoa – gò hoang”. Dường như trong cảm quan Nguyễn Du, những biến thiên của trời đất đều dễ khiến ông xúc động. Đó là nỗi niềm “bãi bể nương dâu” ta đã từng biết ở Truyện Kiều. Nhìn hiện tại để nhớ về quá khứ, câu thơ trào dâng một nỗi đau xót ngậm ngùi cho vẻ đẹp chỉ còn trong dĩ vãng. Trong không gian điêu tàn ấy, con người xuất hiện với dáng vẻ cô đơn, như thu mọi cảm xúc trong hai từ “độc điếu”. Một mình nhà thơ ngậm ngùi đọc một tập sách (nhất chỉ thư). Một mình đối diện với một tiếng lòng Tiểu Thanh ba trăm năm trước, câu thơ như thể hiện rõ cảm xúc trang trọng thành kính của Tiểu Thanh. Đồng thời cũng thể hiện sự lắng sâu trầm tư trong dáng vẻ cô đơn. Cách đọc ấy cũng nói lên được sự đồng cảm của nhà thơ với Tiểu Thanh, “điếu” là bày tỏ sự xót thương với người xưa. Không phải là tiếng “thổn thức” như lời thơ dịch, mà nước mắt lặng lẽ thấm vào trong hồn nhà thơ.

Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
(Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương)

Nhà thơ mượn hai hình ảnh “son phấn” và “văn chương” để diễn tả cho những đau đớn dày vò về thể xác và tinh thần của Tiểu Thanh gửi gắm vào những dòng thơ. Theo quan niệm xưa, “son phấn” – vật trang điểm của phụ nữ có tinh thần vì gắn với mục đích làm đẹp cho phụ nữ. Cả hai câu thơ cùng nhằm nhắc lại bi kịch trong cuộc đời Tiểu Thanh là một cuộc đời chỉ còn biết làm bạn với son phấn và văn chương để nguôi ngoai bất hạnh của mình.

Mượn vật thể để nói về người. Gắn với những vật vô tri vô giác là những từ ngữ chỉ cho tính cách, số phận con người như “thần” và “mệnh”. Lối nhân cách hóa thể hiện rõ cảm xúc xót xa của nhà thơ về những bất hạnh của kiếp người qua số phận của Tiểu Thanh. Kết cục bi thảm của tiểu Thanh xuất phát từ sự ghen tuông, lòng đố kỵ tài năng của người đời. Dù chỉ là những đồ vật vô tri vô giác thì chúng cũng phải chịu số phận đáng thương như chủ nhân : son phấn bẽ bàng, văn chương đốt dở. Hai câu thơ đã gợi lên sự tàn hẫn của bọn người vô nhân trước những con người tài hoa. Đồng thời, cũng thể hiện nhận thức của Nguyễn Du vốn rất nhạy cảm trước cuộc đời của khách “hồng nhan bạc phận”, gắn với quan niệm “tài mệnh tương đố” của Nho gia. Vật còn như thế, huống chi ngưòi! Vượt lên trên những ảnh hưởng của thuyết thiên mệnh là cả tấm lòng giàu cảm thương của Nguyễn Du. Nguyễn Du đồng cảm với Tiểu Thanh bởi ông nhận ra ở con người Tiểu Thanh là người có tài, có sắc nhưng lại bị vùi dập, chết oan ức. Cái chết của nàng đã vạch ra một xã hội mà người phụ nữ không hề có quyền, có vị thế. Ngoài ra, Nguyễn Du còn khóc thương cho người cùng cảnh ngộ như Tiểu Thanh.Nếu cuộc đời của nàng Tiểu Thanh bất hạnh thì cuộc đời của Nguyễn Du cũng chẳng suôn sẻ. Đọc các tác phẩm của ông, ta vẫn thường thấy có điều gì đó day dứt, u uẩn. Xưa nay những người cùng chung cảnh ngộ vẫn thường khóc thương cho nhau, đó cũng là lẽ thường trong thiên hạ vậy. 

Bài tham khảo 3:

Nỗi oan của Tiểu Thanh không phải chỉ của riêng nàng mà còn là kết cục chung của những người có tài từ “cổ” chí “kim”. Nhà thơ gọi đó là “hận sự”, một mối hận suốt đời nhắm mắt chưa yên. Trong suy nghĩ ấy, có lẽ Nguyễn Du còn liên tưởng đến bao cuộc đời như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ – những người có tài mà ông hằng ngưỡng mộ và bao người tài hoa bạc mệnh khác nữa. Những oan khuất bế tắc của nghìn đời “khó hỏi trời” (thiên nan vấn). Câu thơ đã giúp ta hình dung rõ cuộc sống của những nạn nhân chế độ phong kiến, dồn nén thái độ bất bình uất ức ủa nhà thơ với thời cuộc, đồng thời cũng thể hiện một sự bế tắc của Nguyễn Du. Khóc người để thương mình, cảm xúc đồng điệu đã làm thành câu thơ bất hủ “phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Ta tự cho mình cũng ở trong số những kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã). Ở đó là tình cảm chân thành đồng điệu của Nguyễn Du, cũng thể hiện tầm vóc lớn lao của chủ nghĩa nhân đạo rất đẹp và rất sâu của ông.

Không phải chỉ một lần nhà thơ nói lên điều này. Ông đã từng hóa thân vào nàng Kiều để khóc thay nhân vật, ông đã từng khẳng định một cách đầy ý thức “thuở nhỏ, ta tự cho là mình có tài”. Cách trông người mà ngẫm đến ta ấy, trong thi văn cổ điển Việt Nam trước ông có lẽ hiếm ai thể hiện sâu sắc như vậy. Tự đặt mình “đồng hội đồng thuyền” với Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã tự phơi bày lòng mình cùng nhân thế. Tâm sự chung của những ngưòi mắc “kỳ oan” đã đưọc bộc bạch trực tiếp mạnh mẽ trong tiếng nói riêng tư khiến người đọc cũng không khỏi ngậm ngùi. Tâm sự ấy không chỉ của riêng Nguyễn Du mà còn là nỗi niềm của các nhà thơ thời bấy giờ.

Khóc cho nàng Tiểu Thanh ba trăm năm trước bằng giọt lệ chân thành của trái tim đồng điệu, dòng suy tưởng đã đưa nhà thơ đến ba trăm năm sau cùng một mối hồ nghi khó giải tỏa. Tiểu Thanh còn có tấm lòng tri kỷ của Nguyễn Du tìm đến để rửa những oan khiên bằng giọt nưóc mắt đồng cảm. Còn nhà thơ tự cảm thấy sự cô độc lẻ loi trong hiện tại. Câu hỏi người đời sau ẩn chứa một khát khao tìm gặp tấm lòng tri âm tri kỷ giữa cuộc đời. (Đó cũng là tâm trạng của Khuất Nguyên – “người đời say cả một mình ta tỉnh”, cách Nguyễn Du hai nghìn năm; của Đỗ Phủ, cách Nguyễn Du một nghìn năm : “Gian nan khổ hận phồn sương mấn”). Nhà thơ tự thể hiện mình bằng tên chữ “Tố Như” không phải mong “lưu danh thiên cổ” mà chỉ là tâm sự của một nỗi lòng tha thiết với cuộc đời. Câu thơ còn là tâm trạng bi phẫn của nhà thơ trước thời cuộc. Khóc ngưòi xưa, nhà thơ tự khóc cho chính mình, giọt lệ chảy quanh kết lại một bóng hình Nguyễn Du, lặng lẽ cô đơn khiến người đọc phải se lòng khi ngẫm đến những nỗi đau thấm thía và dày vò tinh thần của những ngưòi tài hoa phải sống trong bóng đêm hắc ám của một xã hội rẻ rúng tài năng.

Bài tham khảo 4: 

Với sự tinh tế và thấu hiểu được sâu sắc hoàn cảnh người phụ nữ trong thời đại phong kiến, Nguyễn Du đứng trước những tập thơ còn sót lại của nàng Tiểu Thanh mà bày tỏ những cảm xúc xót thương và đặc biệt là sự đồng cảm. Đó là sự đồng cảm của hai con người chung một kiếp người tài hoa bạc mệnh.Lối nhân cách hóa thể hiện rõ cảm xúc xót xa của nhà thơ, sự đồng cảm về những bất hạnh của người phụ nữ có tài, có sắc trong xã hội xưa nhưng không được sống hạnh phúc của một kiếp người qua số phận trái ngang của Tiểu Thanh. Không chỉ vậy, nhà thơ còn nhân cách hoá những sự vật vô tri vô giác như chi phấn và văn chương bằng từ “thần” và “mệnh” nhằm thể hiện những cảm xúc xót xa của mình về những kiếp người bất hạnh và đồng thời cũng nêu lên những bất công phi lí trong xã hội lúc bấy giờ. Tác giả nêu lên một hiện thực đau lòng là vẻ đẹp son phấn bên ngoài lại được người chồng nâng niu, quý mến cho đến cả sau khi chết. Còn văn chương, biểu hiện của tài năng, trí tuệ và tình cảm là những phẩm chất cao quý thì lại chịu phận hẩm hiu,phải nhờ vào tờ giấy nháp dùng để gói quà còn sót lại mà đến được với đời.

Qua đây nhà thơ đã có sự đồng cảm sâu sắc với Tiểu Thanh bởi ông cũng là một người tài hoa đã chứng kiến, thậm chí đã trải qua những đau thương, những biến động cuộc đời do những bất công mà xã hội phong kiến đã gây ra,chính xã hội phong kiến thối nát ấy đã cướp đi của nàng tuổi thanh xuân, đã mang đến cho nàng biết bao đau thương,nên ông mới thấu hiểu được rằng người tài hoa sẽ luôn bị cái ác, cái bất công dập vùi trong đau khổ đến mức nếu son phấn có thần chắc chắn có chết vẫn hận hay văn chương dù không có số mệnh nhưng bị đốt cũng mãi vương vấn. Cái tàn nhẫn của người đời đủ khiến những vật vô tri vô giác cũng phải oán than trời xanh.Điều đó, cũng đồng thời thể hiện nhận thức của ông vốn rất nhạy cảm trước cuộc đời, nổi oan lớn, “hồng nhan bạc mệnh” , “tài mệnh tương đố “.

Người xưa cho rằng, những người cùng cảnh ngộ sẽ có sự thấu hiểu và cảm thương cho nhau sâu sắc hơn bất cứ ai. Bên cạnh việc ca ngợi tài hoa, sắc đẹp của Tiểu Thanh, Nguyễn Du còn khóc thương cho người cùng cảnh ngộ như nàng. Nếu cuộc đời của Tiểu Thanh bất hạnh, bị vùi dập bởi xã hội phong kiến tàn độc thì cuộc đời của Nguyễn Du cũng chẳng suôn sẻ gì. 

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư”

Qua hai câu trên, ý thơ được mở rộng bằng lập luận của nhà thơ. Cụm từ “cổ kim hận sự” mang ý nghĩa là mối hận xưa và nay, đó chính là nói đến mối hận của những người tài hoa nhưng bạc mệnh. Bên cạnh đó, “thiên nan vấn” chỉ những thứ không hiểu được, khó mà hỏi được trời xanh. Câu thơ được tác giả tinh tế sử dụng thanh trắc qua các từ ngữ: “cổ”, “hận”, “sự”, “vận” để từ đó nói lên nỗi đồng cảm, sựthương xót cho những số phận bất hạnh trong xã hội lúc bấy giờ. Đó chính là tiếng lòng của tác giả, là lời oán ghét, tố cáo xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công, oan trái khiến cho những người tài hoa phải chịu số phận bi thương .

Tiếp đó, từ “kì oan” nói đến nỗi oan lạ lùng, vô lí, sự bất lực trước nỗi oan trái của ông cũng như nàng Tiểu Thanh ba trăm năm trước. Ông đã thật sự thấy được điểm giống nhau, tương đồng của mình đối với những người nghệ sĩ tài hoa luôn phải chịu cảnh chà đạp, vùi dập của xã hội phong kiến suy tàn. Để từ đó ông tìm được sự an ủi nhỏ nhen cho chính bản thân mình. Nguyễn Du không chỉ thương xót cho Tiểu Thanh mà còn bàn ra nỗi hận của muôn người thi sĩ. Qua đó, những tâm tình của ông đã chạm đến trái tim của người đọc, thể hiện xuất sắc và để lại ấn tượng khắc sâu vào tâm trí của ta về sự đồng cảm thương sót cho những con người tài hoa nhưng bạc mệnh.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Soạn ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo bài 7 Độc "Tiểu Thanh kí", soạn văn mẫu 11 sách CTST bài 7 Độc "Tiểu Thanh kí", văn mẫu 11 Chân trời sáng tạo bài Bình luận ý kiến cho rằng: trong các nhân vật Tiểu Thanh (Độc “Tiểu Thanh kí”), Thúy Kiều (Truyện Kiều) đều có hình bóng của Nguyễn Du.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác