Trình bày cảm nhận của bạn về đoạn thơ sau: Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

Văn mẫu 11 chân trời sáng tạo đề bài: Trình bày cảm nhận của bạn về đoạn thơ sau: Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Bài tham khảo 1:

Bày tỏ sự cảm thông với tâm sự bi kịch của con người Nguyễn Du, bày tỏ sự xót thương đối với nỗi khao khát đồng cảm tri âm của Nguyễn Du. bày tỏ sự tha thiết với "tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha" của Nguyễn Du..., Tố Hữu cứ dần dà trải lòng mình ra theo từng đoạn thơ gửi Nguyễn Du. Nhưng tiếng nói tri âm, cuối cùng cứ phải kết lại thành niềm trân trọng, biết ơn, thành những lời đánh giá đối với các phần tinh túy nhất của người tri kỷ trong kiệt tác "Truyện Kiều". Bốn câu thơ sau đây là sự kết lại ấy:

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

 

Ấy chính là những lời mẹ ru, Hoài Thanh lấy làm căn cứ để khẳng định: sau cách mạng chưa có ai đánh giá Nguyễn Du cao như Tố Hữu. Tố Hữu cảm nhận tiếng thơ Nguyễn Du trong một tương quan kỳ vĩ: thơ Nguyễn Du ở giữa "đất trời” và trong "nghìn năm". Nghĩa là trong sự trường tồn, đời đời, vĩnh hằng! Một tiếng thơ có thể làm cảm động đến cả trời đất, thì đó là cách đánh giá tột bậc rồi! Chữ "đồng" rất gợi hình. Nó gợi ra sự vang vọng, trầm rung của thơ Nguyễn Du giữa đất trời sông núi. Người ta thấy thơ Nguyễn Du như một điệu hồn bay trong đất trời, bay khắp núi sông Chữ "động" cũng rất giàu biểu cảm. Nó gợi được khía cạnh này: chính đất trời cũng đang thổn thức, xao xuyến. Cả hai khía cạnh ấy hội lại càng cho thấy sức sống và sức mạnh kỳ diệu của thơ Nguyễn Du. Ở câu thứ hai, cảm nhận và đánh giá còn cao hơn. Có lẽ là lời đánh giá cao nhất dành cho một tiếng thơ. Tiếng thơ từ trái tim của một người đã thành tài sản chung của cả nước non này. Bời tiếng thơ ấy không phải là tiếng nói của cá nhân, ấy là lời non nước Non nước cất lời, vọng lời lên qua tiếng thơ của Nguyễn Du Non nước này đã mượn tiếng thơ của Nguyễn Du để gửi điệu hồn của mình. Câu thơ giản dị mà trang trọng, nhất là nó thể hiện được sự bất hủ cùng sông núi ngàn năm của tiếng thơ ấy. "Nghe như non nước vọng lời ngàn thu". "Non nước" - phạm trù không gian, "ngàn thu", phạm trù thời gian. Cả hai đều có tính chất vĩnh viễn."Truyện Kiều " đã thuộc về sông núi này, "Truyện Kiều " đã hoà vào non sông đất nước này Nó là tiếng nói của non sông, là linh hồn của đất nước. Nó sẽ trường tồn trong sự trường tồn của núi sông này.

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày

Ba trăm năm sau cái chết của Tiểu Thanh - một người con gái tài sắc mà bất hạnh - Nguyễn Du vô cùng ngậm ngùi thương tiếc. Ông muốn nhắn gửi hậu thế ba trăm năm lẻ niềm ước ao được cảm thông, chia sẻ: "Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khắp Tố Như".  Thì nay Tố Hữu đã trả lời: "Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du" Tố Hữu khẳng định thật đinh ninh, không phải ba trăm năm mà đến nghìn năm vẫn nhớ. Một điều thật đáng nói là con số 300 (tam bách dư niên hậu) của Nguyễn Du là con số cụ thể, chỉ một độ dài xác định và hạn định. Còn chữ "nghìn năm" của Tố Hữu ở câu này (cũng như chữ "ngàn thu" ở câu trên) là một con số không xác định không hạn định. Nó đồng nghĩa với sự vĩnh viễn muôn đời. Với số từ như thế, câu trả lời của Tố Hữu vừa là một đánh giá một dự báo vừa là một niềm tin vô bờ bến về sự đồng cảm của muôn thế hệ sau dành cho Nguyễn Du. Cũng cần phải nói thêm về sự tinh tế trong ngôn từ của Tố Hữu. Cũng khái niệm nghìn (1000) mà ở câu trên thì sĩ dùng "ngàn thu", câu dưới lại dùng "nghìn năm". Không chỉ giản đơn là tránh trùng lặp! Đằng sau đó thấy rõ một dụng công. “Nghìn" chỉ đơn thuần là từ chỉ số lượng, còn "ngàn” dường như có cả sắc thái biểu vật, biểu hình, nó vừa chỉ số lượng lại vừa gợi được không gian - Do nằm trong chuỗi liên hệ với những "đại ngàn", "non ngàn”, v.v... vì thế ở câu trên, Tố Hữu đã dùng "ngàn": Nghe như non nước vọng lời ngàn thu. "Ngàn thu", do đó, vừa gợi được chiều dài thời gian vừa gợi được bề rộng không gian cho tiếng thơ Nguyễn Du, - cho lời non nước vang vọng. Tiếng thơ Nguyễn Du vọng qua không gian và vọng qua cả thời gian. Chữ "nghìn năm" chỉ biểu hiện sắc thái thời gian, và ở câu sau nó được khai thác đúng như thế: "Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du", và ý thơ cũng chỉ cần có thế. Trong bốn câu thơ này, chúng ta còn thấy niềm trân trọng, sự nâng niu, thành kính của Tố Hữu khi viết về bản thân lời thơ.

Bài tham khảo 2:

Tiếng thơ ai động đất trời

Tố Hữu cảm nhận thấy thơ Nguyễn Du (ở kiệt tác Truyện Kiều) trong một tương quan đặc biệt. Thơ Nguyễn Du không chỉ tác động đến cả đất trời mênh mông. Từ “động” được Tố Hữu dùng rất điêu luyện, làm tăng hiệu quả nghệ thuật biểu cảm của lời thơ. Từ “động” có các nghĩa (1) chuyến bay, nhúc nhích; (2) dính tới, sờ tới; (3) vừa mới, thoạt mới. Ở đây, “động” được hiểu theo nghĩa (1): chính đất trời dường như cũng xao xuyến, nao lòng. Chỉ một tiếng thơ của cá nhân “ai” đó, vậy mà có thể làm “động” đến cả trời đất. Cách đánh giá như thế là rất cao. Thật vậy, Truyện Kiều có sức mạnh lay động cả “đất trời” vì tác phẩm đã đề cập tới những vấn đề sâu sắc nhất của thân phận con người. Một chủ đề khá lớn trong Truyện Kiều là nỗi oan khuất của con người trong lồng xã hội phong kiến bất công, phi nghĩa. Một nỗi oan khuất đã xô đẩy nàng Kiều tài sắc, nết na, đức hạnh vẹn toàn vào kiếp hoa trôi bèo dạt. Nàng phải trải qua 15 năm lưu lạc với biết bao đau khổ, dày vò, xót xa, tủi nhục. 

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Sự cảm nhận và đánh giá tiếng thơ của Nguyễn Du còn cao hơn nữa. Tiếng thơ ấy không còn là cá nhân thi sĩ mà là lời “non nước”. “Nước non” đã “vọng lời” lên qua tiếng thơ của Nguyễn Du. “Non nước” – phạm trù không gian, một không gian vô cùng “Ngàn – phạm trù thời gian, một thời gian vô tận. Vậy nên bằng nghệ thuật so sánh, tu từ, nhân hóa tu từ, đối ngữ tương hỗ, Tố Hữu khẳng định rằng Truyện Kiều đã hòa mình vào và sẽ trường tồn trong sự trường tồn của núi sông này. Trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du muốn hậu thế 300 năm lẻ nữa, người đời có sự cảm thông chia sẻ với mình:

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Nhưng Tố Hữu đã khẳng định “nghìn năm sau” – tức là không phải chỉ có 300 năm lẻ, đây là một sự khẳng định thật dứt khoát và xác đáng. Ngoài ra ở câu thơ này, chúng ta còn thấy Tố Hữu có một dụng công nghệ thuật tuy không lớn lắm về phương diện chắt lọc từ. Nhà thơ dùng phép thế đồng nghĩa “nghìn năm” (ở câu 3) đề thay thế cho “ngàn thu” (ở câu 2), tránh sự lập lại về từ nhưng lại làm nảy nở nghệ thuật tinh lọc từ. “Ngàn thu” là muôn đời, mãi mãi về sau – đó là tiếng ngân vang, tiếng dội, tiếng vọng từ quá khứ đến hiện tại. Còn “nghìn năm” cũng là thời gian dài – đó là sự luân chuyển, nối liền xưa với nay, nối liền hiện tại với tương lai, gắn tư tưởng của cha ông với tinh thần của thời đại mới.

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

"Tiếng thương” là tiếng nói của tình thương, tiếng chở của tình thương, tiếng nói của chủ nghĩa nhân đạo bao la, tiếng phê phán những thế lực phong kiến chà đạp con người, tiếng nói đề cao con người, đề cao cuộc sống trần tục. Tiếng thơ ấy tiêu biểu chính là “tiếng mẹ hời”, chăm sóc con thơ, vỗ về con thơ đi vào giấc ngủ yên bình. Chính Truyện Kiều đã phát ra một tiếng thương, một tiếng kêu mới về một nỗi đau đứt ruột, đã khơi gợi những nỗi niềm đồng cảm của những bà mẹ Việt Nam trong xã hội xưa. Tóm lại, bốn câu thơ trích trên là kết tinh nghệ thuật của bài thơ. Về nội dung, cả bốn câu có sự tăng tiến về cấp độ. 

Bài tham khảo 3:

Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Tố Hữu đã ca ngợi giá trị nhân bản của tiếng thơ Nguyễn Du, một tiếng thơ vang động đến hồn thiêng sông núi, đến tạo vật muôn loài. Bằng cách sử dụng lối so sánh, ẩn dụ tài tình, nhà thơ đã nâng cao tầm vóc, giá trị của thơ ca Nguyễn Du. Ông đã ví tiếng thơ ấy là “non nước” vọng về từ ngàn năm trước, của thời gian xa xưa, của quá khứ. Tiếng thơ ấy vọng về đây trong niềm tự hào, hân hoan, đón nhận của một tấm lòng hậu thế muốn đền đáp tấm lòng cha ông xưa. Nỗi niềm ấy, tình cảm ấy thật đáng ngưỡng vọng. Hai câu thơ không những khái quát được tầm vóc, giá trị to lớn của tài năng Nguyễn Du mà còn thể hiện sâu sắc tình cảm cao đẹp của Tố Hữu – thế hệ hôm nay ngưỡng vọng về quá khá của cha ông.

Lối thơ ấy, tiếng lòng hân hoan Tố Hữu lại tiếp tục rộng mở vươn tới những giá trị vĩnh hằng khác:

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày

Nghìn năm là khoảng thời gian của hồi tưởng, của ngưỡng vọng, của khát vọng mãnh liệt, của tấc lòng tri kỷ biết ơn của thế hệ hôm nay. Đó còn là khoảng thời gian của thế hệ hôm nay trả lời cho nỗi đau lịch sử của cha ông trong quá khứ.. Một lần nữa cảm hứng ngợi ca chắp bút cho Tố Hữu cất tiếng lòng tự hào trong khúc hát tràn đầy hân hoan, hứng khởi, trong sự ngưỡng vọng trước một thiên tài. Tiếng thơ của Nguyễn Du được ví như “tiếng mẹ”, mà “tiếng mẹ” thì gần gũi, thiết tha quá. Đó là lời ru nhẹ nhàng ân tình, chan chứa tình yêu thương và trong ấy gửi gắm bao mơ ước thật cao đẹp. Và vì thế tiếng thơ của Nguyễn Du là tiếng ru của mẹ ân tình, ngọt ngào thổi vào lòng bao thế hệ có sức mạnh thật lớn lao. Tình cảm ấy, khúc hát ru ân tình ấy là lời nhắc nhở, thủ thỉ cho con- thế hệ hôm nay vững bước trưởng thành. 


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Soạn ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo bài 7 Kính gửi cụ Nguyễn Du, soạn văn mẫu 11 sách CTST bài 7 Kính gửi cụ Nguyễn Du, văn mẫu 11 Chân trời sáng tạo bài Trình bày cảm nhận của bạn về đoạn thơ sau: Tiếng thơ ai động đất trời/ Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác