Hãy viết văn bản thuyết minh (có lồng ghép một số yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm) về một quy trình hoạt động hoặc một đối tượng mà bạn quan tâm.

Văn mẫu 11 chân trời sáng tạo đề bài: Hãy viết văn bản thuyết minh (có lồng ghép một số yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm) về một quy trình hoạt động hoặc một đối tượng mà bạn quan tâm.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Bài tham khảo 1:

Bánh trôi nước là món bánh cổ truyền của người dân Việt Nam, là thức quà có ý nghĩa đặc biệt thường được sử dụng trong dịp lễ lạt, cúng kiếng. Vào dịp Tết Hàn thực, bánh trôi nước là món chủ đạo, đặc trưng. Mỗi năm cứ đến dịp lễ này, nhà nhà, người người lại đổ xô đi mua bánh trôi, bánh chay về thờ cúng.

Bánh trôi nước được làm từ bột gạo, có vỏ bên ngoài trắng ngần và nhân ngọt bên trong. Khác với chè trôi nước miền Nam, bánh trôi nước miền Bắc có kích thước nhỏ, thường được ăn cùng với nước và có nhân đường phèn. Những miếng bánh trắng ngà, dẻo mịn và thơm mùi nếp cùng vị béo ngậy của tinh dầu chuối.

Theo tài liệu từ quyển Ẩm thực Việt Nam và Thế giới của tiến sĩ Nguyễn Diệu Thảo, món ăn bánh trôi nước trong Tết Hàn thực được lấy cảm hứng từ tích Con Rồng Cháu Tiên của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng, vua rồng xứ Lạc Việt là Lạc Long Quân đã kết duyên cùng Âu Cơ là tiên, sinh được bọc trăm trứng chứa trăm người con. Những người con này được cho là hậu duệ của người Việt Nam bây giờ, nên mới có từ gọi “đồng bào”, ý chỉ sự gắn kết của mỗi con người Việt Nam. Những chiếc bánh trôi nước chính là biểu hiện cho truyền thống đáng quý ấy.

Trong tiết trời Hà Nội lành lành như ngày hôm nay, tôi xin được phép giới thiệu đến các bạn cách làm món bánh trôi nước, kéo mọi người xích lại gần nhau hơn.

Trước tiên, chúng ta cần chuẩn bị nguyên liệu:

  • Gạo nếp thơm: 400 gr
  • Đậu xanh xát vỏ: 200 gr
  • Đường hoa mai hoặc đường thốt nốt: 300 gr
  • Hành tím băm: 2 muỗng cà phê.
  • Gừng: 100 gr
  • Dầu ăn: 4 muỗng.
  • Vừng rang chín
  • Muối sạch: 2 muỗng
  • Đường cát trắng 2 muỗng
  • Hành tím phi thơm 100 gr.

Cách làm bánh trôi nước:

Phần 1: Chế biến nước đường

Bước 1: Gừng cạo vỏ, rửa sạch, cắt nhỏ. Sau đó thì được đập dập.

Bước 2: Đặt 500ml nước sạch cùng đường và gừng lên bếp đun sôi. Khi đun bạn nên để lửa nhỏ, dùng muỗng khuấy nhẹ để đường tan hết. Sau đó cho thêm vào nồi 1 thìa cà phê muối. Cuối cùng vặn to lửa để nồi nước nhanh sôi.

Bước 3: Khi nồi nước đã sôi bạn vặn nhỏ lửa. Đợi thêm khoảng 10 phút thì bắc xuống. Lúc này nước đã dậy lên mùi thơm ấm của gừng còn đường thì đã sệt lại.

Phần 2: Làm nhân bánh

Bước 1: Đậu xanh cần được rửa nhiều lần để sạch bụi bẩn (đến khi nước trong là được). Sau đó bạn ngâm đậu xanh với 500ml trong một cái bát lớn trong khoảng 30 phút.

Bước 2: Đậu xanh sau khi ngâm được cho vào nồi cơm điện để nấu chính. Bạn nên đổ nước xâm xấp mặt đậu để đậu chín vừa tới.

Bước 3: Khi đậu đã chín, bạn dùng muỗng lấy toàn bộ đậu ra một bát lớn. Lúc đậu còn nóng thì bạn nhanh tay tán nhuyễn sao cho sau khi tán đậu nhìn mềm, mịn là được.

Bước 4: Tiếp tục cho thêm 100gr đường cát trắng cùng 100gr hành tím phi vàng vào rồi trộn đều tay.

Bước 5: Cuối cùng bạn dùng muỗng múc từng phần đậu và nặn thành những viên tròn vừa phải cho đến khi hết lượng đậu trong bát (khoảng 8 viên).

Phần 3: Làm phần vỏ bánh

Bước 1: Cho 300ml nước sôi cùng 4 muỗng canh dầu ăn vào 350gr bột nếp thơm. Vừa đổ bạn vừa dùng tay đảo đều để không bị vón cục. Lưu ý, khi làm hỗn hợp cần được đổ từ từ và khuấy đều tay để bột có thể ngấm đủ nước. Khuấy đến khi hỗn hợp bột rất dính và ướt thì dừng tay và đậy kín chúng từ 15 tới 30 phút để bột nghỉ. Việc này giúp bột ngấm nước rồi nở ra từ từ. Lượng nước cũng ít hơn khi nhào.

Bước 2: Lót một lớp bột áo lên bàn, sau đó chuyển bột đã nhào ra khỏi tô. Bạn dùng tay để nhào số bột thành một thanh dài chừng 20cm. Lưu ý, cả thanh bột đều phải dính một lớp bột áo bên ngoài. Sau đó bạn chia thanh bột thành 8 phần bằng nhau.

Bước 3: Với mỗi phần bột bạn nặn tròn rồi ấn dẹt chúng xuống sao cho to gấp 2 lần viên đậu xanh đã nặn ở phần 2.

Bước 4: Sau khi cán dẹt, bạn cẩn thận đặt viên đậu xanh vào giữa và bọc kín lại. Phải làm sao cho lớp vỏ bánh và nhân đậu xanh dính sát nhau, không có chỗ cho không khí. Lớp vỏ bánh cũng bao trọn viên đậu bên trong. Làm như này thì khi nấu bánh sẽ không bị vỡ.

Bước 5: Dùng hai bàn tay xoa nhẹ để bánh có được hình tròn xinh và bột thì mịn. Khi xoa bạn nên làm nhẹ tay để nhân không bị lòi ra ngoài nhé!

Bước 6: Trước khi đặt chúng lên đĩa, bạn lót một lớp màng bọc thực phẩm để chúng không dính vào đĩa. Đồng thời các viên bánh cần được để cách nhau 1 khoảng để chúng không dính vào nhau.

Bước 7: Đun 500ml nước đến khi sôi thì thả nhẹ nhàng từng viên bánh vào. Sau khi thả, bạn dùng muỗng nhẹ nhàng khuấy đều để các viên bánh không dính vào nhau. Khi thấy bánh nổi lên trên mặt nước thì vớt ra (khoảng 2-3 phút).

Bước 8: Sau khi vớt bánh ra bạn cần cho ngay vào tô nước lạnh sạch. Chừng 1 – 2 phút thì vớt ra để ráo nước rồi thả vào bát nước đường đã đun sôi. Cuối cùng chỉ cần rắc thêm một chút vừng rang thơm là có thể dùng được.

Yêu cầu thành phẩm:

– Mỗi viên bánh đều nhau, trắng, bột mịn, nhân không bị vỡ. Vỏ bánh khi ăn có độ mềm dai vừa miệng. Đường trong nhân bánh phải tan hết để khi ăn có cảm giác mật chảy tràn trong miệng. Nhân bánh trôi chay phải thơm mùi đỗ xanh đã đồ chín. Đặt bánh trôi ra đĩa và chấm chút vừng lên từng viên bánh.

– Nước để ăn cùng bánh trôi chay phải có độ sánh của bột sắn, ngọt thanh của đường phèn, hương thơm thoang thoảng của hoa bưởi và vị ấm nồng của gừng.

Lưu ý giúp cho món bánh trôi được ngon:

– Bột làm bánh trôi ngon nhất là khi bạn dùng gạo nếp thơm ngâm kỹ đến khi gạo nở. Sau đó xóc với ít muối rồi đem đi xay mịn.

– Muốn nhân đỗ xanh thơm, mềm thì nên chọn loại đỗ tiêu, hạt bé.

– Khi nhào bột, ngoài việc bạn đổ nước từ từ thì cần nhào đều tay để bột không bị ướt. Nhào xong, dùng màng bọc thực phẩm bọc viên bột lại để không bị khô.

– Bột cần được vo khít, không có lỗ hổng không khí để khi đun bánh không bị vỡ.

Về cách luộc bánh

– Khi nước sôi, bạn chuyển lửa về mức trung bình, sau đó nhẹ nhàng thả từng viên bánh vào nồi.

– Bánh cần được luộc đều ở mức lửa trung bình. Nếu bạn luộc với lửa quá to thì sẽ khiến vỏ bánh chín còn nhân bánh thì sống.

– Khi bánh nổi lên bạn không nên vớt ra ngay mà dùng đũa khuấy nhẹ nhàng thêm 30s nữa cho bánh chín đều.

– Muốn bánh không bị dính vào nhau thì khi vớt ra cho ngay vào tô nước đá lạnh từ 5 tới 10 phút. Việc này giúp bánh săn lại và không bị dính vào nhau.

Bài tham khảo 2:

Nón lá là hình ảnh bình dị, thân quen gắn liền với tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Từ xưa đến nay, nhắc đến Việt Nam du khách nước ngoài vẫn thường trầm trồ khen ngợi hình ảnh chiếc nón lá – tượng trưng cho sự thanh tao của người phụ nữ Việt. Nón lá đã đi vào ca dao, dân ca và làm nên văn hóa tinh thần lâu đời của Việt Nam.

Bạn có còn nhớ trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm, chiếc nón lá hiện lên rất tự nhiên, gần gũi:

Sao anh không về thăm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên

Như vậy mới thấy được rằng nón là là biểu tượng cho sự dịu dàng, bình dị, thân thiện của người phụ nữ Việt từ ngàn đời nay.

Chiếc nón lá ra đời từ rất lâu, khoảng 2500-3000 năm TCN. Lịch sử hình thành và lưu giữ cho đến ngày nay đã chứng tỏ được sự bền vững của sản phẩm này. Chiếc nón lá hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của người dân việt, đặc biệt là người phụ nữ; hiện diện trong những lời kể của bà, của mẹ và hiện diện trong các cuộc thi gìn giữ nét đẹp văn hóa.

Nhắc đến nón lá thì chắc chắn mọi người sẽ nghĩ đến ngay đến Huế, mảnh đất nên thơ, trữ tình có tà áo dài và nụ cười duyên của cô gái Huế. Huế cũng được biết là nơi sản xuất nón lá với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Những làng nghề làm nón lá ở Huế đã thu hút không ít khách du lịch ghé thăm và chọn sản phẩm này làm quà.

Để làm được chiếc nón lá đẹp thì người làm cần phải tinh tế, tỉ mỉ từ khâu lựa chọn nguyên liệu, cách phơi lá, cách khâu từng đường kim mũi chỉ. Người ta vẫn bảo làm ra một chiếc nón lá cần cả một tấm lòng là vì vậy.

Nón lá có thể được làm từ lá dừa hoặc lá cọ. Mỗi loại lá lại mang đến sự khác nhau cho sản phẩm. Thường thì những sản phẩm nón làm từ lá dừa có nguồn gốc từ Nam Bộ, vì đây là nơi trồng dừa nhiều. Tuy nhiên làm từ lá dừa sẽ không đẹp và tinh tế như lá cọ. Lá cọ có độ mềm mại, chắc chắn hơn. Khi lựa chọn lá cũng phải chọn những chiếc lá có màu xanh, bóng bẩy, có nổi gân để tạo nên điểm nhấn cho sản phẩm. Quá trình phơi cho lá mềm để dễ làm cũng cần từ 2-4 tiếng, lá vừa mềm vừa phẳng.

Khâu làm vành nón là khâu vô cùng quan trọng để tạo khung chắc chắn cho sản phẩm. Người dùng cần phải lựa chọn nan tre có độ mềm và dẻo dai. Khi chuốt tre thì cần phải chuốt tỉ mỉ để đến khi nào có thể uốn cong mà không sợ gãy. Sau đó người dùng sẽ uốn theo những đường kính từ nhỏ đến lớn tạo thành khung cho nón lá sao cho tạo thành một hình chóp vừa vặn.

Khi đã tạo khung và chuẩn bị lá xong đến giai đoạn chằm nón. Đây là giai đoạn giữ cho khung và lá bám chặt vào nhau. Thường thì người làm sẽ chằm bằng sợi nilon mỏng nhưng có độ dai, màu trắng trong suốt.

Lúc chiếc nón đã được khâu xong thì người dùng bắt đầu quết dầu làm bóng và phơi khô để dầu bám chặt vào nón, tạo độ bền khi đi nắng mưa.

Đi dọc miền đất nước, không nơi nào chúng ta thấy sự hiện diện của chiếc nón lá. Nó là người bạn của những người phụ nữ khi trời nắng hoặc trời mưa. Không chỉ có công dụng che nắng, che mưa mà nón lá còn xuất hiện trong các tiết mục nghệ thuật, đi đến các nước bạn trên thế giới. Nét đẹp văn hóa của nón lá chính là nét đẹp cần được bảo tồn và gìn giữ. Nhắc đến nón lá, chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ ngay đến tà áo dài Việt Nam, bởi rằng đây là hai thứ luôn đi liền với nhau, tạo nên nét đặc trưng riêng của người phụ nữ Việt Nam từ ngàn đời nay.

Để giữ chiếc nón lá bền với thời gian thì người dùng cần phải khéo léo, bôi dầu thường xuyên để tránh làm hỏng hóc, sờn nón.

Chiếc nón lá Việt Nam là sản phẩm của người Việt, làm tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ, và khẳng định sự tồn tại lâu đời của sản phẩm này.

Bài tham khảo 3:

“Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che”.

Nón lá là một vật dụng quen thuộc đã đi vào thơ ca Việt Nam tự bao giờ. Nón lá đã góp phần tạo nên vẻ đẹp, duyên dáng cho người phụ nữ Việt Nam.

Nón lá Việt Nam có lịch sử lâu đời, hình ảnh tiền thân của nón lá được tìm thấy trên trống đồng Ngọc Lữ và tháp đồng Đào Thịnh. Từ xa xưa do chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng lắm mưa nhiều, tổ tiên ta đã biết lấy lá kết vào nhau để là vật dụng đội lên đầu che nắng che mưa. Dần dần chiếc nón lá đã hiện diện như một vật dụng cần thiết trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Để làm được một chiếc nón lá đẹp thì việc chuẩn bị nguyên liệu cũng rất quan trọng là lá nón( hoặc có nơi dùng lá cọ), lá buông- một loại lá họ hàng với lá cọ( thường mọc ở vùng đồi núi trung du). Ngoài ra còn cần đến tre, nứa, cước. Để làm nón đẹp khâu chọn lá rất quan trọng. Lá nón màu trắng sữa, gân lá màu xanh nhẹ, lá bóng mượt là đẹp nhất. Người ta thường khai thác lá nón ở vùng đồi núi Phú Thọ, Vĩnh Phúc hay vùng đồi núi Việt Bắc, Trường Sơn, Tây Bắc. Sau khi cắt lá về phải xử lí đúng quy trình kĩ thuật.

Đầu tiên phải sấy khô lá bằng than củi sau đó phơi sương cho lá mềm. Khi lá đạt độ mềm đúng yêu cầu, dùng gang nóng bọc trong túi vải, là cho phẳng phiu. Sau đó người làm nón lại cẩn thận chọn lọc lá một lần nữa cho đồng màu, cắt bớt đầu đuôi để dài khoảng 50 cm. Để làm nón người thợ phải vô cùng khéo léo và tỉ mỉ. Người ta dùng 16 vành tre chuốt nhỏ, mỏng, dễ uốn, cuốn lần lượt từ thấp đến cao và nan lớn rồi nan nhỏ để dựng thành khung nón có hình chóp nhọn.

Khung nón được làm như vậy sẽ tạo dáng nón thanh thoát, hài hòa làm tôn lên vẻ đẹp của người đội nón. Dân gian có câu “ Đẹp nón nhờ người thắt, đẹp mặt nhờ người khuôn”.Sau khung làm khuôn là khâu lợp lá nón. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay làm sao để nón lá phân bố đều trên khung, hình dáng cân đối và khi khâu lá nón không bị chồng lên nhau.

Cuối cùng là công đoạn khâu nón, chỉ khâu bằng loại cước nhỏ trắng muốt. Người khâu phải căn cho mũi chỉ đều tăm tắp, uốn theo vành nón. Người thợ còn kì công thêu hình ảnh những cô thiếu nữ, đóa hoa hay cảnh đẹp quê hương có khi là cả một bài thơ. Một chiếc nón đẹp là cả sự chăm chút của người làm nón.

Ở nước ta có rất nhiều địa phương làm nón lá nổi tiếng. Ở miền Bắc có làng Chuông, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Miền Trung có làng nón Ba Đồn Quảng Nam và đặc biệt là nón bài thơ của Thừa Thiên Huế. Với người Việt Nam đặc biệt là những người nông dân, nón lá là vật dụng cần thiết. Nón lá dùng để che nắng, che mưa khi làm đồng, dùng thay chiếc quạt khi nghỉ giải lao trên đồng ruộng.

Với các cô gái, chiếc nón lá cùng với tà áo dài làm tôn lên vẻ kín đáo, dịu dàng. Nón lá là món đồ trang sức không cầu kì đắt tiền mà đẹp một vẻ đẹp giản dị, mộc mạc như chính tâm hồn con người Việt Nam. Đâu đâu ta cũng thấy thấp thoáng những chiếc nón lá dù là đi chợ hay đi hội ta đều gặp các bà, các mẹ dưới nón lá nghiêng che.

Nón lá cũng là vật dụng mà mẹ chồng trao cho con dâu trước khi về nhà chồng để cầu chúc cho cuộc sống vợ chồng trăm năm bền chặt. Đó cũng là món quà lưu niệm mà du khách nước ngoài mang về để tặng cho người thân. Nón được làm bằng lá nên khi sử dụng cần nhẹ nhàng, khi không dùng thì treo lên cao, tránh để rơi, dễ bị méo, thủng. Khi trời mưa có thể bọc ngoài nón một lớp túi bóng trắng mỏng, nếu bị ướt thì phơi khô tránh bị ố vàng.

Ngày nay có rất nhiều vật dụng như mũ, ô ra đời dần dần có thể thay thế nón nhưng hình ảnh chiếc nón vẫn chiếm một vị rí quan trọng trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam để rồi mỗi chúng ta cần có thái độ tôn trọng nét đẹp truyền thống này.

Bài tham khảo 4:

Bánh trôi nước là một món ăn đặc trưng của người dân Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng.

Để làm món ăn này, bạn phải chuẩn bị những nguyên liệu như sau: 500g bột gạo nếp, 50g bột gạo tẻ, 100g đường đỏ viên đã cắt sẵn, 1 bát vừng rang. Dừa nạo và cuối cùng là 1 ít nước hoa bưởi. Lưu ý: Bạn có thể mua bột bánh trôi bán sẵn để rút ngắn thời gian làm bột. Bạn hãy bỏ qua bước làm bột nếu đã có bột bánh trôi rồi nhé!

Thứ hai, về cách làm bột bánh trôi nước. Bước 1: Dùng phới lồng trộn đều bột nếp và bột tẻ trong một chiếc âu lớn. Bước 2: Từ từ đổ nước vào bột đồng thời trộn đều để bột và nước được hoà quyện hoàn toàn. Bước 3: Để hỗn hợp nghỉ trong khoảng 3 tiếng cho bột lắng, tách bột và nước thành 2 phần. Bước 4: Đổ bớt nước ở âu và cho bột vào một chiếc khăn xô, buộc túm lại và treo lên để bột róc hết nước. Bước 5: Sau khoảng 1 tiếng bạn có thể mở khăn kiểm tra, nếu bột mịn, không dính tay thì chúng ta sẽ có thể bắt tay vào nặn bánh trôi được rồi đó!
Tiếp theo, là công đoạn nặn bánh trôi nước. Bước đầu tiên, bạn hãy chia bột thành những sợi dài, đường kính từ 1,5-2cm và dùng dao cắt chúng theo chiều dài khoảng một đốt ngón tay. Việc chia bột như vậy sẽ giúp các viên bánh trôi của bạn đều nhau hơn, tránh trường hợp viên to, viên nhỏ thiếu thẩm mỹ. Tiếp theo, hãy vê tròn và ấn dẹt viên bột, rồi đặt một viên đường đỏ vào giữa. Sau đó, bao bột lại sao cho bột bọc kín viên đường rồi vê tròn lại. Lưu ý nên vê bột cho thật khít, không để không khí vào gây ra viên bánh trôi sau khi luộc xong bị xẹp. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên vo quá kỹ, tránh trường hợp bánh vỡ khi đun.

Sau khi đã nặn bột xong, chúng ta sẽ chuyển tới công đoạn cuối cùng - luộc bánh trôi.

Trước hết, bạn hãy đun sôi nước rồi vặn lửa nhỏ vừa, rồi nhẹ nhàng thả các viên bánh trôi đã nặn vào.

Bánh đã chín sẽ nổi lên mặt nước. Lúc này, hãy vớt bánh ra và thả vào chậu nước đun sôi để nguội để bánh bớt dính.

Sau đó, cho bánh ra đĩa và gạn bớt nước.

Cuối cùng, dùng đầu ngón tay ướt chấm vào bát vừng rang và chấm lên mặt bánh để đĩa bánh trôi nước của bạn trở nên đẹp mắt hơn. Hoặc bạn có thể rắc vừng lên mặt bánh nếu không muốn mất thời gian.

Ngoài ra, bạn có thể cho thêm nước hoa bưởi ở vào nước luộc bánh để tạo cho bánh có mùi hương hấp dẫn hơn.

Bánh trôi nước sau khi hoàn thành cần có màu trắng, các viên tròn và đều nhau, nhân không bị vỡ. Khi ăn, vỏ bánh trôi phải mềm, dai, nhân đường trong bánh phải tan vừa đủ. Khi cắn miếng bánh, mật trào ra hoà quyện với vỏ bánh tạo nên hương vị tuyệt vời.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Soạn ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo bài 1 Ôn tập, soạn văn mẫu 11 sách CT bài 1 Ôn tập, văn mẫu 11 Chân trời bài Hãy viết văn bản thuyết minh (có lồng ghép một số yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm) về một quy trình hoạt động hoặc một đối tượng mà bạn quan tâm.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác