Đáp án Ngữ văn 9 Cánh diều bài 2: Nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến

Đáp án bài 2: Nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến. Bài giải được trình bày ngắn gọn, chính xác giúp các em học Ngữ văn 9 Cánh diều dễ dàng. Từ đó, hiểu bài và vận dụng vào các bài tập khác. Đáp án chuẩn chỉnh, rõ ý, dễ tiếp thu. Kéo xuống dưới để xem chi tiết


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 2. TRUYỆN THƠ NÔM

NÓI VÀ NGHE: NGHE VÀ NHẬN BIẾT TÍNH THUYẾT PHỤC CỦA MỘT Ý KIẾN

Đề bài: Nghe và nhận biết tính thuyết phục của ý kiến người nói về một trong hai vấn đề sau:

(1) Từ đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, làm sáng tỏ ý kiến: Nguyễn Du tả

cảnh là để ngụ tình.

(2) Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rõ nét sắc thái của ngôn ngữ Nam Bộ.

Hãy làm rõ ý kiến đó qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga".

Đáp án chuẩn:

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một minh chứng tiêu biểu cho nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của đại thi hào Nguyễn Du. Qua ngòi bút tài hoa, cảnh vật thiên nhiên không chỉ được miêu tả một cách sinh động, mà còn trở thành bức tranh tâm trạng đầy tinh tế, thể hiện nội tâm phức tạp của nhân vật Thúy Kiều.

Bức tranh thiên nhiên hiện ra rộng lớn, hoang sơ, u buồn: 

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.”

Cảnh buồn khiến lòng người thêm lẻ loi, hiu quạnh hay lòng người vốn nặng trĩu ưu tư nên nỗi sầu muộn như lan tỏa, thấm đẫm vào cảnh vật:

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

Một từ láy “bẽ bàng” nhưng đã diễn tả được thật chân xác nỗi lòng nàng Thúy Kiều. Đó hẳn là tâm trạng vừa buồn tủi, vừa ngượng ngùng, vừa ê chề, vừa cay đắng, xót xa. Và chính tâm trạng ấy bắt gặp cảnh vật ngoài kia đã làm cõi lòng như càng thêm quặn thắt. Thiên nhiên không còn là những sự vật vô tri, vô giác nữa mà như sống động, có hồn bởi nó là tấm gương phản chiếu tâm trạng cô đơn, sầu tủi của nàng Kiều.

Tả cảnh là để ngụ tình. Bức tranh thiên nhiên thể hiện tâm trạng buồn bã, cô đơn, lẻ loi của Thúy Kiều: 

“Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”

 Bằng lối điệp ngữ liên hoàn “Buồn trông”, khổ thơ cuối như bức tranh cảnh buồn không hoang vắng, cô liêu như ban đầu mà nó như tiềm ẩn dự cảm đầy sợ hãi về một tương lai mịt mù, sóng gió, tai họa. Hướng tầm mắt ra xa muôn dặm, tới cửa biển lúc hoàng hôn, có cánh buồm của ai đó nhưng chỉ “thấp thoáng” mờ mịt, xa xôi. Cánh buồm ẩn hiện trong bóng chiều giữa mịt mù khói sóng chiều hôm như là hình ảnh con người cô đơn giữa biển đời, lữ thứ, nhiều sóng gió, ba đào.

Cùng với nỗi nồi ấy, nàng hướng nhìn tới ngọn nước mới “sa”, mới đổ xuống, một cánh hoa rụng, mỏng manh, yếu đuối bị sóng gió đưa đẩy dập dồn, không biết sẽ trôi dạt về phương nào. Hình ảnh cánh hoa rụng, trôi dạt theo con con nước dữ hay là hình ảnh người con gái bị quăng vào cuộc đời khi còn quá trẻ, quá yếu đuối.

Rồi nội cỏ cũng nhuốm màu xanh “rầu rầu” ảm đạm, u buồn, héo hắt trải dài ra mênh mông, rợn ngợp đến hòa sắc xanh ấy vào sắc của mây trời. Màu không gian hay màu tâm trạng đang hắt hiu, tàn lụi, hết khát khao, hi vọng sống. Những cơn gió thủy triều trào lên mặt biển, tiếng sóng vỗ từ xa bỗng vang dội lên ầm ầm như ập đến “kêu quanh ghế ngồi”.

Tiếng sóng gió ngoài biển xa mà đổ dội vào chân nàng thì có lẽ nỗi sợ hãi, lo lắng về thân phận, cuộc đời mình không còn là nỗi lo lắng mơ hồ, nỗi buồn quạnh vắng mênh mang nữa mà nó đã biến thành nỗi kinh hoàng khiến tâm hồn nàng hoảng loạn. Tiếng sóng gầm lên “ầm ầm” như muốn nhấn chìm con thuyền lẻ loi, nuốt chửng cánh hoa mỏng manh, bé nhỏ, muốn cuốn phăng đi nội cỏ, và dập vùi nàng xuống tận đáy sâu đau khổ, tuyệt vọng.

Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao, giúp “Kiều ở lầu Ngưng Bích” trở thành một trong những đoạn trích hay nhất trong Truyện Kiều, đồng thời góp phần làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tả cảnh và miêu tả tâm lý: Cảnh vật không chỉ được miêu tả một cách khách quan, mà còn được thể hiện qua lăng kính tâm hồn của nhân vật. Sử dụng ngôn ngữ trau chuốt, giàu sức gợi: Ngôn ngữ góp phần thể hiện nội tâm phức tạp của Kiều, đồng thời tạo nên âm hưởng bi tráng cho tác phẩm.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Bình luận

Giải bài tập những môn khác