Phân tích chủ nghĩa nhân đạo qua bài thơ "Độc Tiểu Thanh kí" của Nguyễn Du

Đề bài: Phân tích chủ nghĩa nhân đạo qua bài thơ "Độc Tiểu Thanh kí" của Nguyễn Du


Mộng Liên Đường chủ nhân khi đọc Truyền Kiều, từng nhận xét rằng: “Ta nhân lúc đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng: Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy...'' Quả đúng như vậy, Nguyễn Du là nhà văn nổi tiếng với tinh thần nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. Điều này còn được biểu hiện thông qua tác phẩm “Độc Tiểu Thanh kí”.

Giá trị nhân đạo là sự quan tâm đến con người mà biểu hiện của giá trị nhân đạo là lòng thương người, sự cảm thông, bênh vực con người. Mỗi một tác phẩm thì giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo biểu hiện ở khía cạnh khác nhau. Riêng đối với Độc Tiểu Thanh kí, giá trị nhân đạo của tác phẩm đi từ cái riêng đến cái chung, rồi quay trở về khóc cho chính bản thân mình. Tác giả trước hết đã bày tỏ niềm xót thương cho người con gái Tiểu Thanh. Có thể bài thơ được Nguyễn Du viết trong thời gian đi xứ sang Trung Quốc, nhà thơ đã đến thăm mộ Tiểu Thanh, đọc tập thơ của nàng mà cảm động viết ra bài thơ này. Tiểu Thanh - một người con gái tài sắc nhưng bất hạnh, chịu phận làm lẽ, bị vợ cả ghen, hành hạ, nàng buồn khổ đến chết khi mới 18 tuổi. Tập thơ của nàng thì bị vợ cả đem đi đốt. Những bài thơ còn sót lại một phần và được người đời chép lại. Nhờ tập thơ cháy dở ấy mà Nguyễn Du đã sáng tác ra được những dòng thơ thương xót này:

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.”

Hai câu thơ có sức gợi, sức ảm ánh rất lớn, khiến người đọc tưởng tưởng ra không gian, khung cảnh rất xa xa – nơi người con gái bạc mệnh đã từng sống. Tây Hồ là nơi cảnh đẹp hữu tình nhưng giờ đây chỉ còn lại một gò hoang vu mà thôi. Câu thơ đầu mở ra cho ta thấy một hình ảnh đối lập nhau. “Tây Hồ, hoa uyển” đối lập với “tẫn thành khư”. Gò hoang bên cạnh cảnh đẹp Tây Hồ càng gợi nỗi thương tâm của nàng Tiểu Thanh. Cảnh đẹp ngày xưa nay đã không còn dấu vết gì, cảnh vật đã theo qui luật của tự nhiên biến đổi theo thời gian. Ở nơi ấy nàng Tiểu Thanh đã mất đi và chính sự mất đi ấy đã làm cho cảnh vật nơi đây âm u tràn trong những uất ức mà cô phải chịu. Nó không còn đẹp nữa giống như người con gái ấy không còn nữa.

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư:”

Nguyễn Du nói đến Tiểu Thanh bằng những hình ảnh ước lệ, tượng trưng quen thuộc. “Son phấn” tượng trưng cho nhan sắc, “văn chương” tượng trưng cho tài năng. Hai vật thể vô tri ấy đã được nhà thơ nhân cách hóa, để trở nên có “thần”, có “hồn”. Tiểu Thanh là kết tinh của nhan sắc, trí tuệ, tâm hồn. Sắc tài là vậy nhưng làm sao tránh khỏi tài mệnh tương đố, tạo hoá trêu ngươi, thậm chí chính tài sắc lại là nguyên nhân của tai hoạ, cho nên con người bị chà đạp một cách tàn nhẫn:

“Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liên với chữ tai một vần.”

Văn chương là vật vô tri, làm gì có số mệnh, định mệnh. Ấy vậy mà đối với Nguyễn Du văn chương củng có mệnh, cũng biết vương vấn, cũng biết "luỵ" trước những nỗi oan khuất của kẻ tài hoa. Thế là văn chương cũng cùng với con người bị nguyền rủa, bị căm thù, bị tàn phá, tiêu huỷ. Vậy thì văn chương cũng hữu mệnh như con người, cũng trở thành nạn nhân của những thế lực xấu xa trong cuộc đời này.

Hai câu thơ tiếp theo tiếp tục khai triển niềm thương cảm của Nguyễn Du đối với thân phận bé nhỏ của con người. Một câu hỏi khắc khoải, quan hoài vang lên đầy xót xa:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kỳ oan ngã tự cư.”

Đây chính là đoạn chuyển cảm hứng nhân đạo từ cái riêng sang cái chung, từ nỗi xót thương một cá nhân sang xót thương một thế hệ, những kiếp người. Hỏi trời cao, trời không thấu, trách kẻ bạc tình, người không hay. Nguyễn Du thốt lên một câu hỏi đầy chua xót nhưng nhận về mình nhiều khổ đau. Những người phụ nữ tài hoa, xinh đẹp từ xưa đến nay dường như đã mang trong mình cái án oan nghiệt, không thể rũ bỏ được. Hay chính xã hội phong kiến đã đẩy họ vào bước đường cùng nhiều chua cay như thế này. Nguyễn Du đã nâng nỗi hận của Tiểu Thanh thành nỗi hận của đời này truyền sang đời khác. “Cùng một lứa bên trời lận đận” (Bạch Cư Dị), Nguyễn Du thấy mình, Tiểu Thanh và bao nhiêu người tài hoa khác trên đời đều mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã. Như vậy, bằng chính sự trải nghiệm của bản thân, Nguyễn Du thấu hiểu nỗi đau của Tiểu Thanh để rồi tự thương cho chính bản thân mình:

“Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Khóc cho nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du lại quay về khóc cho chính bản thân mình. Từ sự xót thương kiếp tài hoa mệnh bạc cùa Tiểu Thanh, từ tâm sự cùng hội cùng thuyền tự đặt minh vào nỗi oan trời đất, tác giả liên hệ đến bản thân mình, nghĩ đến thân phận mình cũng giống nàng cho nên nói người hoá ra nói mình, thương người hoá ra tự thương mình và băn khoăn không biết sau này ba trăm năm lẻ nữa có ai còn nhớ đến mình, khóc cho mình như mình khóc cho Tiểu Thanh không?

Giá trị nhân bản đặc sắc của bài thơ là ở chỗ Nguyễn Du đã đặt ra vấn đề về quyền sống của người nghệ sĩ. Từ sự thương xót và đồng cảm với Tiểu Thanh, nhà thơ muốn gửi gắm sự trân trọng của mình đến những người nghệ sĩ nói chung  những chủ nhân của những giá trị tinh thần. Bày tỏ sự cảm thông chia sẻ với họ là một dấu hiệu tiến bộ trong chủ nghĩa nhân bản của Nguyễn Du. Tình thương yêu và sự quan tâm của nhà thơ lúc ấy đã vượt qua những giới hạn về không gian và thời gian. Với nghệ thuật sáng tạo ngôn từ, hình ảnh hàm súc cao độ, bài thơ thể hiện nổi bật tâm trạng xót thương, day dứt của Nguyễn Du đối với nỗi oan của những người tài hoa bạc mệnh.

Có thể nói, Nguyễn Du là một nhà thơ tài năng, và tác phẩm “Độc Tiểu Thanh kí” quả thực là một bài thơ mang chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Chắc chắn những tác phẩm của Nguyễn Du sẽ sống mãi trong lòng những người yêu nghệ thuật, như Tố Hữu từng viết:

“Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày

Hỡi Người xưa của ta nay

Khúc vui xin lại so dây cùng Người.”

 

=> Trên đây là bài viết tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn học sinh nào muốn viết theo ý mình thì tech12h có dàn ý để các bạn dễ viết bài.

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm “Độc Tiểu Thanh kí”

2. Thân bài

- Khái niệm giá trị nhân đạo: Giá trị nhân đạo là sự quan tâm đến con người mà biểu hiện của giá trị nhân đạo là lòng thương người, sự cảm thông, bênh vực con người.

- Hoàn cảnh xuất xứ của bài thơ: Bài thơ được Nguyễn Du viết trong thời gian đi xứ sang Trung Quốc, nhà thơ đã đến thăm mộ Tiểu Thanh, đọc tập thơ của nàng mà cảm động viết ra bài thơ này.

- Giá trị nhân đạo của bài thơ được biểu hiện thông qua:

  • Niềm tiếc thương dành cho Tiểu Thanh - một người tài hoa bạc mệnh. Tiểu Thanh là kết tinh của nhan sắc, trí tuệ, tâm hồn. Sắc tài là vậy nhưng làm sao tránh khỏi tài mệnh tương đố, tạo hoá trêu ngươi, thậm chí chính tài sắc lại là nguyên nhân của tai hoạ, cho nên con người bị vùi dập, chà đạp một cách tàn nhẫn.
  • Niềm thương cảm dành cho số phận con người. Chuyển cảm hứng nhân đạo từ cái riêng sang cái chung, từ nỗi xót thương một cá nhân sang xót thương một thế hệ, những kiếp người.
  • Bằng chính sự trải nghiệm của bản thân, Nguyễn Du thấu hiểu nỗi đau của Tiểu Thanh để rồi tự thương cho chính bản thân mình. Khóc cho nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du lại quay về khóc cho chính bản thân mình.  

-> Giá trị nhân bản đặc sắc của bài thơ là ở chỗ Nguyễn Du đã đặt ra vấn đề về quyền sống của người nghệ sĩ. 

- Nghệ thuật của bài thơ.

3. Kết bài

Khẳng định giá trị nhân đạo trong tác phẩm và tài năng của Nguyễn Du.


Trắc nghiệm ngữ văn 10: bài Đọc Tiểu Thanh kí

Bình luận

Giải bài tập những môn khác