Nội dung chính bài Đọc Tiểu Thanh kí

Phần tham khảo mở rộng

Câu 1: Hãy nêu ngắn gọn những nội dung chính và chi tiết kiến thức trọng tâm bài học "Đọc Tiểu Thanh kí"


 [toc:ul]

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Tác giả: Nguyễn Du (1765 - 1820) tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là bậc đại thi hào dân tộc của Việt Nam, ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị triết lý xã hội, tố cáo xã hội đương thời. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm quan và sáng tác văn học. Cuộc đời của ông không được bằng phẳng trải qua nhiều sóng gió. Lớn lên ông đỗ tiến sĩ và ra làm quan, được cử sang Trung Quốc sau đó về bệnh tật ốm yếu ông phải ăn nhờ ở đậu. Ông sáng tác nhiều bài thơ có cảm xúc và mang đến những suy nghĩ về những kiếp người, số phận con người tài hoa bạc mệnh. Các tác phẩm chính của ông như: bắc hành tạp lúc, nam trung tạp ngâm… nổi tiếng nhất là tác phẩm truyện Kiều.
  • Tác phẩm: Nằm trong tập Thanh Hiên của nhà thơ Nguyễn Du, được viết vào những năm tháng trước khi Nguyễn Du ra làm quan cho triều đình nhà Nguyễn.

2. Phân tích văn bản

a. Hai câu đề:

  • Câu 1:
    • Vườn hoa bên Tây Hồ >< Gò hoang → Vẻ đẹp huy hoàng >< Vẻ đẹp hoang vu, cô quạnh
    • Hình ảnh thuộc về hiện tại → Sự đối nghịch gay gắt giữa quá khứ và hiện tại gợi lẽ đời dâu bể. → Chứa đựng sự xót xa, thương cảm cho cái đẹp bị tàn phá, vùi dập, huỷ hoại phũ phàng - là cảm xúc mang tính nhân văn khá phổ biến trong văn học trung đại (thơ Nguyễn Trãi, Bà huyện Thanh Quan,...)
  • Câu 2:
    • “Độc điếu” - một mình viếng thương → tâm thế cô đơn của tác giả.
    • “Nhất chỉ thư”- một tập sách - tập kí về cuộc đời Tiểu Thanh → Nghĩa câu 2: Một mình viếng thương nàng qua một tập sách viết về cuộc đời nàng đọc trước cửa sổ → Câu dịch chưa chuyển tải hết ý thơ.

→ Câu thơ nguyên tác cho thấy hình ảnh một con người với tâm thế cô đơn, mang một lòng đau tìm gặp một hồn đau. Nó cho thấy sự đồng cảm sâu sắc của trái tim vĩ đại.

b. Hai câu thực:

  • Đối chỉnh.
  • Biện pháp ẩn dụ tượng trưng: Son phấn→ sắc đẹp; văn chương→ tài năng

→ Tất cả đều có hồn, có thần → Cảm hứng khẳng định sự quý giá, vĩnh hằng của cái đẹp và tài năng con người.

  • Hai câu thực đa nghĩa:
    • Nếu hiểu “son phấn”, “văn chương” là chủ thể tự hận, tự thương thì có nghĩa là: Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết/ Văn chương ko có số mệnh mà cũng bị đốt dở.
    • Nếu hiểu “son phấn”, “văn chương” là đối tượng thương cảm của người đời thì có nghĩa là: Son phấn như có thần, sau khi chết người ta còn thương tiếc/ Văn chương có số mệnh gì mà người ta phải bận lòng đến những bài thơ còn sót lại sau khi đốt.

c. Hai câu luận

  • “Những mối hận cổ kim” - những mối hận của người xưa và nay.
    • Người xưa: Tiểu Thanh và những người phụ nữ cùng cảnh ngộ.
    • Người nay: Những người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh, tài mệnh tương đố cùng thời với Nguyễn Du và thế hệ những nhà thơ tài năng nhưng gặp nhiều khổ đau, bất hạnh trong cuộc đời như Nguyễn Du.

→ Ở 4 câu đầu, Nguyễn Du chủ yếu hướng sự thương cảm đến Tiểu Thanh thì đến câu 5, trái tim Nguyễn Du đã hướng tới sự đồng cảm, xót thương đến mọi kiếp hồng nhan bạc mệnh tương đố.

  • “Thiên nan vấn”- khó hỏi trời được→ Một câu hỏi lớn ko lời đáp- hỏi trời lời giải đáp mối hận vì sự phi lí của cuộc đời: hồng nhan đa truân, bạc mệnh, tài tử đa cùng → Mối hận càng nhức nhối, con người càng bế tắc, bất lực.
  • Từ "Ngã" trong bản gốc: tôi, ta → cái tôi trực tiếp hiện diện → hiếm có trong thơ cổ.
  • Từ "Khách" trong bản dịch: khách thể nói chung→ làm mất ý chủ thể, cái tôi của Nguyễn Du.
  • Sự vận động của cảm xúc trong 6 câu đầu: Từ xúc cảm xót thương cho Tiểu Thanh → thương cho những kiếp người tài hoa bạc mệnh nói chung→ tự thương mình → Đó là quy luật vận động tâm lí tự nhiên → Cho thấy sự đồng cảm đạt đến mức tri âm.

d. Hai câu kết

  • “Ba trăm năm lẻ nữa”→ thời gian ước lệ, chỉ tương lai xa xôi.
  • “Khóc” → thương cảm → thấu hiểu.
  • Tố Như (sợi tơ trắng) là tên chữ, bút hiệu của Nguyễn Du → tư cách một nhà thơ, một nghệ sĩ, một cái tôi cá nhân → việc xưng danh này hiếm thấy trong văn học trung đại Việt Nam.

→ Điều Nguyễn Du băn khoăn:

    • Cách hiểu 1: Nguyễn Du lo lắng, băn khoăn ko biết có ai trong mai hậu thấu hiểu, thương cảm ông như ông đã đồng cảm, khóc thương nàng Tiểu Thanh.
    • Cách hiểu 2: Nguyễn Du lo lắng, băn khoăn ko biết ai là người trong mai hậu thấu hiểu, thương cảm ông như ông đã đồng cảm, khóc thương nàng Tiểu Thanh.

→ Cả hai cách hiểu đều cho thấy:

    • Khao khát tri âm.
    • Cảm hứng tự thương – nét mới mang tinh thần nhân bản của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX - thời đại con người ko chỉ ý thức về nhân phẩm, về tài năng cá nhân mà còn thức tỉnh về nỗi đau của chính mình → dấu hiệu của cái tôi cá nhân.
    • Tấm lòng nhân đạo lớn lao, “con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” của Nguyễn Du. Bởi ông không những khóc thương cho Tiểu Thanh, cho những kiếp hồng nhan bạc phận thuở trước, khóc thương cho những kiếp tài hoa bạc mệnh đương thời, trong đó có cả chính ông mà còn khóc cho người đời sau phải khóc mình (kiếp tài hoa bạc mệnh vẫn còn trong tương lai).

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Ý nghĩa nhan đề 

 Về tên bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) có hai cách giải thích. Cách thứ nhất: Tiểu Thanh kí là tập thơ của nàng Tiểu Thanh. Vậy tên bài thơ phải hiểu là Đọc tập thơ của Tiểu Thanh. Cách thứ hai: Tiểu Thanh kí là tên truyện viết về nàng Tiểu Thanh. Hiện nay người ta chỉ biết có Tiểu Thanh truyện. Có thể Nguyễn Du đã đọc Tiểu Thanh truyện.

2. Phân tích chi tiết bài thơ

a. Hai câu đề: 

  • Hình ảnh thơ đối lập giữ quá khứ và hiện tại: Tây Hồ hoa uyển (vườn hoa bên Tây Hồ) – thành khư (gò hoang)
  • Động từ “tẫn”: đến cùng, triệt để, hết

→ Câu thơ gợi ra một nghịch cảnh giữa quá khứ và hiện tại: Vườn hoa bên Tây Hồ nay đã thành bãi đất hoang rồi. Từ đó, gợi sự xót xa trước sự đổi thay, sự tàn phá của thời gian đối với cái đẹp.

  • “Độc điếu song tiền nhất chỉ thư” - “Thổn thức bên song mảnh giấy tàn”
    • Câu thừa đề đã triển khai ý của câu khai đề bằng tiếng khóc của Nguyễn Du với phận má hồng.
    • “Độc điếu” nghĩa là một mình ta khóc thương. “Nhất chỉ thư” là một tập sách.

=> Nghĩa cả câu là viếng nàng qua một tập sách nhỏ. Tập sách không phải là một cuốn sách thông thường, đó là sự hiện diện của một cuộc đời nhan sắc tài hoa, là chân dung tinh thần của một cuộc đời bạc mệnh. Cuốn sách đó còn là tài, là tình của nàng Tiểu Thanh. Hiểu nàng thương nàng thì đọc cuốn sách phải rưng rưng rơi lệ.

    • Bản dịch đã bỏ qua hai chữ quan trọng “độc” và “nhất”. Đó có phải là một lòng đau đang gặp một hồn đau.

=> Câu thơ như khắc vào tâm trí người đọc một cảnh ngộ cô đơn giữa hiện tại không có người sẻ chia để tìm về quá khứ, tìm kẻ tri âm. Người khóc và người được khóc, người quá khứ và người hiện tại đều đồng điệu một nỗi cô đơn. Chính nỗi đau là sợi dây xe kết hai tâm hồn đồng điệu.

=> Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du đã vượt thời gian, không gian, tấm lòng thương người tài hoa bạc mệnh.

b. Hai câu thực

  • Nghệ thuật hoán dụ:
    • Son phấn: tượng trưng cho vẻ đẹp, sắc đẹp của người phụ nữ
    • Văn chương: tượng trưng cho tài năng.
  • Từ ngữ diễn tả cảm xúc: hận, vương
  • “Chôn”, “đốt” là những động từ cụ thể hóa sự ghen ghét, sự vùi dập phũ phàng của người vợ cả đối với nàng Tiểu Thanh ⇒ thái độ của xã hội phong kiến không chấp nhận những con người tài sắc → Triết lí về số phận con người trong xã hội phong kiến: tài hoa bạc mệnh, tài mệnh tương đố, hồng nhan đa truân…cái tài, cái đẹp thường bị vùi dập.

→ Hai câu thơ cực tả nỗi đau về số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh đồng thời cũng là tấm lòng trân trọng, ngợi ca nhan sắc và đề cao tài năng trí tuệ của Tiểu Thanh; đồng thời có sức tố cáo mạnh mẽ.

c. Hai câu luận

  • “Cổ kim hận sự”: mối hận xưa và nay, mối hận muôn đời, mối hận truyền kiếp. Đó chính là mối hận của những người tài hoa mà bạc mệnh.
  • Thiên nan vấn: khó mà hỏi trời được.

→ Câu thơ mang tính khái quát cao. Nỗi hận kia không phải là nỗi hận của riêng nàng Tiểu Thanh, của Nguyễn Du mà của tất cả những người tài hoa trong xã hội phong kiến. Câu thơ thể hiện sự đau đớn phẫn uất cao độ trước một thực tế vô lí: người có sắc thì bất hạnh, nghệ sĩ có tài thường cô độc.

  • Kì oan: nỗi oan lạ lùng
  • Ngã: ta (từ chỉ bản thể cá nhân táo bạo so với thời đại Nguyễn Du sống). Nguyễn Du không đứng bên ngoài mà nhìn vào nữa mà giờ đây ông chủ động tìm sự tri âm với nàng, với những người tài hoa bạc mênh.

⇒ Nguyễn Du không chỉ thương xót cho nàng Tiểu Thanh mà còn bàn ra tới nỗi hận của muôn người, muôn đời trong đó có bản thân nhà thơ. Qua đó, thể hiện sự cảm thông sâu sâu sắc đến độ “tri âm tri kỉ”.

d. Hai câu kết

  • Nghệ thuật: Câu hỏi tu từ: Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh và băn khoăn, khóc cho chính mình.
  • “Khấp”: khóc. Tiếng khóc là dấu hiệu mãnh liệt nhất của tình cảm, cảm xúc thương thân mình, thân người trào lên mãnh liệt không kìm nén được. Ông không viết đơn thuần mà khóc cho Tiểu Thanh. Ông băn khoăn không biết hậu thế ai sẽ khóc ông.

→ Thể hiện nỗi cô đơn của nghệ sĩ lớn “Tiếng chim cô lẻ giữa trời thu khuya” (Xuân Diệu). Ông thấy mình lạc lõng ở hiện tại và đã tìm thấy được một người tri kỉ ở quá khư nhưng vẫn mong ngóng một tấm lòng trong tương lai.

⇒ Tấm lòng nhân đạo mênh mông vượt qua mọi không gian và thời gian.

3. Tổng kết:

  • Nội dung: Mạch vận động của cảm xúc (tứ thơ): Đọc truyện → xót xa, thương tiếc cho nàng Tiểu Thanh tài sắc mà bạc mệnh → suy nghĩ, tri âm với số phận những người tài hoa, tài tử → tự thương cho số phận tương lai của mình, khao khát tri âm.
  • Nghệ thuật: Ngôn ngữ trữ tình đậm chất triết lí; sử dụng tài tình phép đối và khả năng thống nhất những hình ảnh đối lập trong hình ảnh, ngôn từ.
  • Ý nghĩa: Nguyễn Du xót xa, thương cảm cho Tiểu Thanh- một hồng nhan bạc mệnh, một tài năng thi ca đoản mệnh, cho những kiếp hồng nhan đa truân, tài tử đa cùng nói chung. Với cảm hứng tự thương và sự tri âm sâu sắc, ông đã đặt vấn đề: quyền sống của người nghệ sĩ, sự cần thiết phải tôn vinh, trân trọng những người làm nên các giá trị văn hóa tinh thần.

Trắc nghiệm ngữ văn 10: bài Đọc Tiểu Thanh kí

Bình luận

Giải bài tập những môn khác