Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Ngữ văn 7 Kết nối bài 3: Văn bản đọc - Quê hương

3.     VẬN DỤNG (5 câu)

Câu 1: Trong nỗi nhớ sâu nặng về quê hương, theo em điều gì sâu đậm nhất với tác giả? Nhận xét về tình cảm của tác giả đối với quê hương?

Câu 2: Hai câu thơ sau sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Nêu cảm nhận về hai câu thơ:
“Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.”

Câu 3: Hình ảnh người dân chài được miêu tả như thế nào? Phân tích những hình ảnh thơ đó?

Câu 4: Hình ảnh con thuyền và cánh buồm có ý nghĩa biểu trưng cho điều gì?

Câu 5: Có ý kiến cho rằng 2 câu thơ “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng- Rướn thân trắng bao la thâu góp gió” là 2 câu thơ đặc sắc. Ý kiến của em?


Câu 1:

Trong nỗi nhớ sâu nặng về quê hương, Tế Hanh mãi nhớ “Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi”, nhưng chi tiết sâu đậm nhất lại là: "Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá". Cái mùi nồng mặn ấy theo Tế Hanh suối cả cuộc đời, nhắc nhở ông mãi mãi nhớ về quê hương dù ở đâu, làm gì.

=> Có thể thấy hình ảnh quê nhà luôn khắc sâu trong tâm trí của tác giả. Tình cảm của tác giả đối với quê hương thật đằm thắm và sâu sắc. Mang nỗi lòng của người con xa xứ mà viết ra một bài thơ tươi đẹp, khỏe khoắn, hào hùng với những hình ảnh giản dị, những âm thanh náo nhiệt, sinh động. Khắc họa rõ nét và chân thực hình ảnh người dân làng chài lam lũ, vất vả nhưng vẫn căng tràn sức sống. 

Câu 2: 

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Có thể nói rằng đây chính là hai câu thơ hay nhất, tinh tế nhất của bài thơ. Tác giả sử dụng biện pháp ẩn dụ không chỉ xây dựng hình tượng người dân miền biển khỏe khoắn, từng trải mà còn làm nổi bật sự hòa quyện bền chặt giữa con người với tự nhiên.

Nhà thơ không chỉ thấy con thuyền nằm im trên bến mà còn thấy cả sự mệt mỏi của nó. Cũng như dân chài, con thuyền có vị mặn của nước biển, con thuyền như đang lắng nghe chất muối của đại dương đang thấm trong từng thớ vỏ của nó.Thuyền trở nên có hồn hơn, nó không còn là một vật vô tri vô giác nữa mà đã trở thành người bạn của ngư dân. Không phải người con làng chài thì không thể viết hay như thế, tinh như thế, và cũng chỉ viết được những câu thơ như vậy khi tâm hồn Tế Hanh hoà vào cảnh vật cả hồn mình để lắng nghe. Ở đó là âm thanh của gió rít nhẹ trong ngày mới, là tiếng sóng vỗ triều lên, là tiếng ồn ào của chợ cá và là những âm thanh lắng đọng trong từng thớ gỗ con thuyền. Nét tinh tế, tài hoa của Tế Hanh là ông “nghe thấy cả những điều không hình sắc, không âm thanh như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm giương”… Thơ Tế Hanh là thế giới thật gần gũi, thường ta chỉ thấy một cách lờ mờ, cái thế giới tình cảm ta đã âm thầm trao cảnh vật: sự mỏi mệt, say sưa của con thuyền lúc trở về bến…”

Câu 3:

- Hình ảnh người dân chài được miêu tả rất sinh động và độc đáo:

“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”

  • Hình ảnh thơ mặn mòi, đậm chất biển, vừa khỏe khoắn, vừa chân chất vừa mộc mạc toát lên được vẻ đẹp của những con người vùng biển quanh năm vất vả. 
  • Với lối tả thực, hình ảnh “làn da ngắm rám nắng” hiện lên để lại dấu ấn vô cùng sâu sắc thì ngay câu thơ sau lại tả bằng một cảm nhận rất lãng mạn “Cả thân hình nồng thở vị xa xăm” – Thân hình vạm vỡ của người dân chài thấm đẫm hơi thở của biển cả nồng mặn vị muối của đại dương bao la. 
  • Tác giả còn “nhìn”  thấy được cái mùi nồng nàn “vị xa xăm” từ thân hình của người dân làng chài, một biện pháp ẩn dụ thật tinh tế, diễn tả cái mặn mòi, cái hơi thở nồng đượm của biển cả đã thấm đẫm vào thân thể từng người dân chài, mà chỉ cần nhìn bằng mắt thôi tác giả cũng đã thấy được.
  • Từ đó thấy được sự gắn bó mật thiết giữa dân làng chài và biển khơi, biển chính là nguồn sống, là sức mạnh của người dân nơi đây, đồng thời cũng thấy được tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả.

Câu 4:

Tiêu biểu trong bài thơ có thể nhận thấy hình ảnh con thuyền và cánh buồm hiện lên vô cùng sinh động và giàu ý nghĩa

  • Hình ảnh chiếc thuyền diễn tả sức mạnh mang màu sắc huyền thoại, cổ tích. Nó thể hiện sự dũng mãnh của con thuyền khi lướt sóng ra khơi, sự hồ hởi và hơn cả con thuyền là biểu tượng cho sức mạnh tráng sĩ của trai làng biển
  • Cánh buồn là biểu tượng của làng chài quê hương, biểu trưng cho hồn cốt, thần thái của người dân miền biển, thể hiện vẻ đẹp mang tầm vóc, ý nghĩa lớn lao

Câu 5:

Đây quả thực là hai câu thơ rất đặc sắc trong bài thơ Quê Hương:

  • Cánh buồm trắng vốn là hình ảnh quen thuộc nay trở nên thật lớn lao: "giương to, rướn thân, góp gió".  Bằng biện pháp so sánh ẩn dụ: cái vô hình được gọi tên, cụ thể hóa bằng hình ảnh “cánh buồm” rõ ràng đường nét, hình khối, màu sắc. Cánh buồm trắng thâu gió vượt biển khơi như hồn người đang hướng tới tương lai tốt đẹp..
  • Ta có thể nhận ra rằng phép so sánh ở đây không làm cho việc miêu tả cụ thể hơn mà đã gợi ra một vẻ đẹp bay bổng mang ý nghĩa lớn lao. Đó chính là sự tinh tế của nhà thơ. Cũng có thể hiểu thêm qua câu thơ này là bao nhiêu trìu mến thiêng liêng, bao nhiêu hy vọng mưu sinh của người dân chài đã được gửi gắm vào cánh buồm đầy gió. Dấu chấm lửng ở cuối đoạn thơ tạo cho ta ấn tượng của một không gian mở ra đến vô cùng, vô tận, giữa sóng nước mênh mông, hình ảnh con người trên chiếc tàu nhỏ bé không nhû nhoi đơn độc mà ngược lại thể hiện sự chủ động, làm chủ thiên nhiên của chính mình.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác