Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản (ca dao Việt Nam)
Đề bài: Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản (ca dao Việt Nam)
“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng...”
Đó là giai điệu êm ả thân thương của bài ca dao đã theo ta từ thuở lọt lòng. Ca dao đi vào tâm hồn mỗi con người Việt Nam ngay từ ngày thơ bé. Ca dao là một thể loại văn học đơn giản mà đặc trưng của Văn học Việt Nam nói riêng, văn hóa truyền thống lâu đời nói chung.
Ca dao là khái niệm chỉ các thể loại trữ tình dân giân kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người Việt Nam. Ca dao còn là một thể loại văn học đơn giản – thể thơ dân gian. Nó ra đời từ rất sớm, được lưu truyền qua nhiều hình thức cho đến hôm nay.
Ca dao hay còn được gọi là thơ trữ tình có những đặc điểm về nội dung và hình thức của một thể loại văn học. Về nội dung, đề tài, ca dao bao quát và phản ánh phạm vi rất rộng bao gồm cả nghi lễ, phong tục tập quán, đời sống gia đình, cộng đồng, những nét đẹp đạo đức lối sống và cả kinh nghiệm sống quý báu. Đối tượng của ca dao đa dạng và phổ biến ở tất cả lứa tuổi nhưng trong mỗi đề tài khác nhau thì nhân vật trữ tình lại khác nhau. Trong ca dao về gia đình thì nhân vật trữ tình là người mẹ, người vợ... Trong tình yêu trai gái thì là chàng trai và cô gái. Hay ở phạm vi xã hội thời đại rộng lớn hơn lại là người phụ nữ, người nông dân.
Về hình thức, cao dao có những đặc điểm nghệ thuật truyền thống. Thể thơ được sử dụng chủ yếu là thể thơ của dân tộc, lục bát và lục bát biến thể. Ngoài ra còn có các thể thơ khác như song thất lục bát, thơ bốn tiếng, năm tiếng. Ca dao thường ngắn gọn, hàm súc, sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ và nhiều hình ảnh biểu tượng. Trong ca dao thường xuất hiện hình thức lặp lại: lặp kết cấu, lặp từ, cụm từ, hình ảnh, đôi khi lặp cả dòng thơ. Điều đó yêu cầu chúng ta khi phân tích ca dao phải xuất phát từ yếu tố đó. Cho nên, khi phân tích ca dao, phải xuất phát từ những hình thức lặp đó. Ngôn từ sử dụng trong ca dao thường trong sáng, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, đậm đà màu sắc dân tộc và địa phương.
Trong kho tàng ca dao Việt Nam, ca dao được chia thành nhiều mảng với nội dung, đối tượng phản ánh khác nhau. Loại đầu tiên là ca dao với tình cảm yêu thương, tình nghĩa bao gồm là tình cảm gia đình cha mẹ, con cái, vợ chồng; tình yêu đôi lứa, yêu quê hương, đất nước, ca ngợi vẻ đẹp dân tộc. Đó là những lời ca về mọi miền của Tổ quốc thân yêu:
“Đồng Đăng có phố Kì Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.”
Hay thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiế:
“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này ?!”
Ca dao yêu thương, tình nghĩa dễ khơi gợi nên niềm đồng cảm, niềm tự hào, yêu nước và lòng biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng chiến đấu hi sinh hay gần gũi nhất là yêu thương, biết ơn những người đã có công sinh thành dưỡng dục. Có một bài ca dao mà ngày nay bao người vẫn thuộc:
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Loại ca dao quen thuộc tiếp theo là ca dao than thân, ra đời từ vất vả, bất công của cuộc sống. Đó là người nông dân trong xã hội cũ và là người phụ nữ với những đè nén, áp bức bất công.
“Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.
Thân em như giếng giữa đàng,
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Chế độ nam quyền trong xã hội phong kiến đã vùi dập bao mảnh đời phụ nữ bất hạnh nổi trôi. Ca dao như lời than thân trách phất cất lên từ những tâm hồn bất hạnh. Để rồi mãi mãi về sau, người ta vẫn ghi nhớ mãi.
Bên cạnh đó còn có ca dao hài hước, trào phúng, châm biếm. Cùng truyện cười dân gian, ca dao mảng này thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam. Nó tạo ra tiếng cười mua vui, giải trí, phê phán những thói hư tật xấu, những con người đáng cười trong xã hội. Ví như một bài ca dao châm biếm thói mê tín dị đoan:
“Số cô chẳng giàu thì nghèo,
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.
Số cô có mẹ có cha,
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai”
Ca dao đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn con người Việt Nam. Ca dao là giá trị văn hóa tình thần phi vật thể được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nó không chỉ cất lên giai điệu của tình yêu thương, tình cảm quý báu mà còn là kho tàng kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế cuộc sống của nhân dân như “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng mười chưa cười đã tối.” Đồng thời, ca dao cũng gửi gắm những bài học đạo lí làm người như lòng hiếu thảo với cha mẹ, sức mạnh của tình yêu. Trong văn học, ca dao cũng tạo nên động lực cho văn học phát triển. Đó là nguồn tư liệu quý giá, phong phú cho các nhà văn, nhà thơ sáng tạo các tác phẩm của mình. Ca dao chính là nét đẹp tâm hồn Việt Nam.
Nhiều năm tháng đã qua đi nhưng ca dao vẫn luôn sống mãi với trái tim triệu triệu con người Việt. Để rồi mỗi lần giai điệu quen thuộc của ca dao vang lên, chúng ta lại bồi hồi nghĩ về quá khứ vàng son của Tổ quốc.
Bình luận