Đề 3: Thuyết minh một văn bản, một thể loại văn học đơn giản (như văn bản đề nghị, báo cáo, thể thơ lục bát...)

Bài viết tập làm văn số 5 - ngữ văn lớp 8 đề 3: Thuyết minh một văn bản, một thể loại văn học đơn giản (như văn bản đề nghị, báo cáo, thể thơ lục bát...). Sau đây, tech12h gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Thuyết minh một văn bản, một thể loại văn học đơn giản - ca dao

Bài làm

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng...”

Đó là giai điệu êm ả thân thương của bài ca dao đã theo ta từ thuở lọt lòng. Ca dao đi vào tâm hồn mỗi con người Việt Nam ngay từ ngày thơ bé. Ca dao là một thể loại văn học đơn giản mà đặc trưng của Văn học Việt Nam nói riêng, văn hóa truyền thống lâu đời nói chung.

Ca dao là khái niệm chỉ các thể loại trữ tình dân giân kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người Việt Nam. Ca dao còn là một thể loại văn học đơn giản – thể thơ dân gian. Nó ra đời từ rất sớm, được lưu truyền qua nhiều hình thức cho đến hôm nay.

Ca dao hay còn được gọi là thơ trữ tình có những đặc điểm về nội dung và hình thức của một thể loại văn học. Về nội dung, đề tài, ca dao bao quát và phản ánh phạm vi rất rộng bao gồm cả nghi lễ, phong tục tập quán, đời sống gia đình, cộng đồng, những nét đẹp đạo đức lối sống và cả kinh nghiệm sống quý báu. Đối tượng của ca dao đa dạng và phổ biến ở tất cả lứa tuổi nhưng trong mỗi đề tài khác nhau thì nhân vật trữ tình lại khác nhau. Trong ca dao về gia đình thì nhân vật trữ tình là người mẹ, người vợ... Trong tình yêu trai gái thì là chàng trai và cô gái. Hay ở phạm vi xã hội thời đại rộng lớn hơn lại là người phụ nữ, người nông dân.

Về hình thức, cao dao có những đặc điểm nghệ thuật truyền thống. Thể thơ được sử dụng chủ yếu là thể thơ của dân tộc, lục bát và lục bát biến thể. Ngoài ra còn có các thể thơ khác như song thất lục bát, thơ bốn tiếng, năm tiếng. Ca dao thường ngắn gọn, hàm súc, sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ và nhiều hình ảnh biểu tượng. Trong ca dao thường xuất hiện hình thức lặp lại: lặp kết cấu, lặp từ, cụm từ, hình ảnh, đôi khi lặp cả dòng thơ. Điều đó yêu cầu chúng ta khi phân tích ca dao phải xuất phát từ yếu tố đó. Cho nên, khi phân tích ca dao, phải xuất phát từ những hình thức lặp đó. Ngôn từ sử dụng trong ca dao thường trong sáng, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, đậm đà màu sắc dân tộc và địa phương.

Trong kho tàng ca dao Việt Nam, ca dao được chia thành nhiều mảng với nội dung, đối tượng phản ánh khác nhau. Loại đầu tiên là ca dao với tình cảm yêu thương, tình nghĩa bao gồm là tình cảm gia đình cha mẹ, con cái, vợ chồng; tình yêu đôi lứa, yêu quê hương, đất nước, ca ngợi vẻ đẹp dân tộc. Đó là những lời ca về mọi miền của Tổ quốc thân yêu:

“Đồng Đăng có phố Kì Lừa,

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.”

Hay thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiế:

“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,

Hỏi ai gây dựng nên non nước này ?!”

Ca dao yêu thương, tình nghĩa dễ khơi gợi nên niềm đồng cảm, niềm tự hào, yêu nước và lòng biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng chiến đấu hi sinh hay gần gũi nhất là yêu thương, biết ơn những người đã có công sinh thành dưỡng dục. Có một bài ca dao mà ngày nay bao người vẫn thuộc:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ, kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Loại ca dao quen thuộc tiếp theo là ca dao than thân, ra đời từ vất vả, bất công của cuộc sống. Đó là người nông dân trong xã hội cũ và là người phụ nữ với những đè nén, áp bức bất công.

“Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

Thân em như giếng giữa đàng,

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Chế độ nam quyền trong xã hội phong kiến đã vùi dập bao mảnh đời phụ nữ bất hạnh nổi trôi. Ca dao như lời than thân trách phất cất lên từ những tâm hồn bất hạnh. Để rồi mãi mãi về sau, người ta vẫn ghi nhớ mãi.

Bên cạnh đó còn có ca dao hài hước, trào phúng, châm biếm. Cùng truyện cười dân gian, ca dao mảng này thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam. Nó tạo ra tiếng cười mua vui, giải trí, phê phán những thói hư tật xấu, những con người đáng cười trong xã hội. Ví như một bài ca dao châm biếm thói mê tín dị đoan:

“Số cô chẳng giàu thì nghèo,

Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.

Số cô có mẹ có cha,

Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.

Số cô có vợ có chồng,

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai”

Ca dao đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn con người Việt Nam. Ca dao là giá trị văn hóa tình thần phi vật thể được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nó không chỉ cất lên giai điệu của tình yêu thương, tình cảm quý báu mà còn  là kho tàng kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế cuộc sống của nhân dân như “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng mười chưa cười đã tối.” Đồng thời, ca dao cũng gửi gắm những bài học đạo lí làm người như lòng hiếu thảo với cha mẹ, sức mạnh của tình yêu. Trong văn học, ca dao cũng tạo nên động lực cho văn học phát triển. Đó là nguồn tư liệu quý giá, phong phú cho các nhà văn, nhà thơ sáng tạo các tác phẩm của mình. Ca dao chính là nét đẹp tâm hồn Việt Nam.

Nhiều năm tháng đã qua đi nhưng ca dao vẫn luôn sống mãi với trái tim triệu triệu con người Việt. Để rồi mỗi lần giai điệu quen thuộc của ca dao vang lên, chúng ta lại bồi hồi nghĩ về quá khứ vàng son của Tổ quốc.

Bài mẫu 2: Thuyết minh một văn bản, một thể loại văn học đơn giản - thơ thất ngôn bát cú

Bài làm

Dấu ấn và phong cách của người nghệ sĩ in dấu ấn trong lòng độc giả không phải chỉ là những tư tưởng và bài học của anh để lại mà trước hết qua những hình thức, cách mà anh nói. Một trong những thể thơ thành công trong việc biểu đạt tâm ý của người viết chính là thơ thất ngôn bát cú. Thơ thất ngôn bát cú ở Việt Nam có một vị trí riêng.

Thể thơ thất ngôn bát cú xuất hiện từ thế kỉ VI đến thể kỉ VII thời Đường với những nhà thơ nổi tiếng như Lí Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, … Thơ du nhập vào Việt Nam từ thế kỉ X và phát triển rực rỡ vào thế kỉ XII đến thế kỉ XIX. Ta biết đến những tác giả thành công ở thể loại này như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, …

Những đặc điểm của thơ thất ngôn bát cú dễ phân biệt với những thể thơ khác. Bài thơ gồm có 8 câu (bát cú), mỗi câu có 7 chữ (thất ngôn). Bố cục của một bài thơ thất ngôn bát cú thông thường có 4 phần: Đề- thực- luận- kết. Hai câu đề đầu tiên để nêu nội dung khái quát của bài thơ. Hai câu thực để giải thích, triển khai, làm rõ cho hai câu để. Hai câu luận đánh giá, bày tỏ cảm xúc của tác giả và hai câu kết sẽ khẳng định nội dung tư tưởng tác phẩm. Tuy nhiên, một số bài lại chia bố cục theo 2 phần hoặc 3 phần.

Bài thơ bát cú còn có quy định về luật bằng- trắc, niêm luật. Dựa vào tiếng thứ hai của câu thứ nhất để xác định bài thơ đó có luật bằng hay trắc. Câu thơ đầu của Hồ Xuân Hương trong “Đánh đu” là “Bốn cột khen ai khéo khéo trồng”. Dựa vào chữ “cột”, bài thơ có luật trắc. Còn “niêm” là cách phối thanh hàng dọc để bài thơ có sự kết dính với nhau. Quy định bắt buộc: các tiếng 2,4,6 ở các cặp câu 1 - 8, 2 - 3, 4 - 5, 6 - 7 bắt buộc phải giống nhau về thanh điệu. Các tiếng 1,3,5 thì không bắt buộc. Quy luật ấy có thể phát biểu ngắn gọn:

  • “Nhất, tam, ngũ bất luận
  • Nhị, tứ, lục phân minh”

Chính cách sắp xếp và phối thanh như thế làm nên sự nhịp nhàng, tính nhạc cho bài thơ:

  • “Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.

                    T           B            T

  • Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

                     T              B             T

  • Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

                  B            T               B

  • Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?

                 B             T            B

Phép đối cũng là một trong những bút pháp trong thơ thất ngôn bát cú, gồm đối ý và đối lời. Đối ý gồm có đối tương đồng và đối tương hỗ. Về phép đối tương đồng như:

  • “Xách búa đánh tan năm bảy đống,
  • Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
  • Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
  • Mưa nắng càng bền dạ sắt son.”
  • (Đập đá ở Côn Lôn”- Phan Trâu Trinh)

Về phép đối tương hỗ, có thể thấy trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

  • “Lom khom dưới núi tiều vài chú,
  • Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
  • Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
  • Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.”

Một bài thơ thất ngôn bát cú cũng cần đảm bảo yêu cầu về cách gieo vần, thường là vần chân ở câu 1,2,4,6,8. Nhịp câu thơ thường được ngắt theo nhịp chắn 4/3, 2/2/3 hay 2/5. Như câu thơ:

  • “Bước tới đèo Ngang/ bóng xế tà”

Thất ngôn bát cú là một trong những thế thơ chính và thịnh hành của thơ trung đại thời Đường cũng như ở Việt Nam. Những câu thơ ngắn gọn tạo sự hàm súc, lời ít mà ý nhiều, gợi nhiều liên tưởng và suy ngẫm sâu sắc. Ý thơ cân đối hài hòa, nhịp thơ du dương, lời thơ trang trọng, mực thước. Vì vậy mà nhân dân ta yêu mến gọi là thể thơ bác học. Đọc thơ Đường luật gây thích thú bởi những khoảng trống của câu thơ, “ý tại ngôn ngoại” mà lời thơ mang lại. Nhưng chính sự niêm luật chặt chẽ đôi khi lại mang lại sự khó khăn trong quá trình sáng tác, về số câu và cách gieo vần, ngắt nhịp. Những câu thơ hàm súc, sử dụng nhiều từ Hán Việt gây khó khăn trong việc hiểu và tiếp nhận với một bộ phận người đọc.

Nhìn vào lịch sử văn học Trung Quốc cũng như Việt Nam, tự thời gian đã chứng minh những giá trị của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Những câu thơ được xếp vào hàng tuyệt cú sẽ còn mãi lưu danh tới muôn đời sau:

  • “Cô phàm viễn ảnh bích không tận
  • Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu”
  • (“Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”- Lý Bạch)
  • “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
  • Bạch vân thiên tải không du du.”
  • (“Hoàng Hạc Lâu”- Thôi Hiệu)

Bài mẫu 3: Thuyết minh một văn bản, một thể loại văn học đơn giản - thơ lục bát

Bài làm

Thơ lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta. Chúng ta không còn xa lạ gì với thể lục bát vì nó là những bài ca dao hàng ngày ta vẫn nghe ông bà ngâm nga, là những lời ru, câu hát mà bà hay mẹ ru ta vào giấc ngủ. 

Lục bát là một trong hai thể loại thơ chính của Việt Nam (lục bát và song thất lục bát). Thơ lục bát ở Việt Nam được truyền bá và phát triển hàng trăm năm nay. Thơ lục bát đã thấm đẫm tâm hồn người Việt chúng ta vì đó là thể thơ trong ca dao, đồng dao và các bài ru con. Ngày nay thơ lục bát vẫn được các nhà thơ hiện đại tiếp thu, hoàn chỉnh và giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Thơ lục bát rất giản dị về quy luật, dễ làm thường dùng để diễn tả những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn con người.

Thơ lục bát có nguồn gốc lâu đời, là một thể thơ dân tộc ta. Thơ lục bát có từ hai câu trở lên. Trong đó cứ hai câu ghép lại thành một cặp câu. Các cặp câu gồm có một câu 6 tiếng (câu lục) và một câu 8 tiếng (câu bát), và xen kẽ cứ câu lục là câu bát rồi đến cặp câu khác, số câu trong bài không giới hạn. Thông thường thì bắt đầu bằng câu sáu chữ và chấm dứt ở câu tám chữ. Nhưng cũng có khi kết thúc bằng câu sáu để đạt tính cách lơ lửng, thanh và vần. Luật về thanh giúp cho câu thơ trở nên hài hoà. Các vần chính là hình thức kết dính các câu thơ lại với nhau. 

Thơ lục bát có 2 câu chuẩn là câu lục và câu bát, cũng như thơ Đường luật, nó tuân thủ quy tắc nhất, tam, ngũ bất luận, nhị, tứ, lục phân minh. Nghĩa là các tiếng thứ 1, 3, 5 trong câu có thể tự do về thanh, nhưng các tiếng thứ 2, 4, 6 thì phải theo luật chặt chẽ. Ở câu lục theo thứ tự tiếng thứ 2 - 4 - 6 là Bằng (B) - Trắc (T) - Bằng, câu bát theo thứ tự tiếng thứ 2 - 4 - 6 - 8 là B - T - B - B

  • "Vườn dâu xanh ngắt một màu 
  • Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai"

Thế nhưng đôi khi có thể tự do về tiếng thứ hai của câu lục hay câu bát, có thể biến nó thành thanh trắc. Hoặc là câu lục giữ nguyên mà câu bát thì lại theo thứ tự T - B - T - B những câu thơ thế này ta gọi là lục bát biến thể.

  • "Có xáo thì sáo nước trong 
  • Chớ xáo nước đục, đau lòng cò con"

Thơ lục bát có cách gieo vần khác với các thơ khác. Có nhiều vần được gieo trong thơ nhiều câu chứ không phải là một vần, điều này tạo cho thơ lục bát tính linh hoạt về vần. Tiếng thứ sáu của câu lục vần với tiếng thứ sáu của câu bát kế nó. Và tiếng thứ tám câu bát đó lại vần với tiếng thứ sáu của câu lục kế tiếp. 

  • "Đầu lòng hai ả tố nga 
  • Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân 
  • Mai cốt cách, tuyết tinh thần
  • Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười"

Thơ lục bát thông thường ngắt nhịp chẵn, là nhịp 2 / 2 /2, nhưng đôi khi để nhấn mạnh nên người ta đổi thành nhịp lẻ đó là nhịp 3/3. Nhịp thơ giúp người đọc và người nghe cảm nhận được thơ một cách chính xác hơn:

  • "Ta với mình, mình với ta
  • Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh"

Thơ lục bát nhẹ nhàng có khả năng diễn đạt tâm trạng nhiều chiều của nhân vật trữ tình. Trong xax hội xưa, người bình dân hay mượn thể loại văn vần này đê bày tỏ tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của bản thân mình. Dân tộc nào cũng có một thể thơ, một điệu nhạc phù hợp với cách điệu cuộc sống của dân tộc đó. Lục bát là thể thơ hài hoà với nhịp đập của con tim, nếp nghĩ, cách sinh hoạt của người dân Việt Nam. Ca dao là thể thơ đặc trưng của dân tộc Việt Nam, đi đi về về trong các sáng tác bất hủ của dân tộc. Sau này các nhà thơ hiện đại cũng đã rất thành công khi học tập và vận dụng sáng tạo thể lục bát trong các sáng tác của mình để bày tỏ nỗi lòng của mình. 

Thơ lục bát dịu dàng, chân phương như đóa hoa hàm tiếu hé nở mang hương sắc cho đời. Hôm nay và mai sau, thể thơ lục bát mãi luôn tự hào là thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

Từ khóa tìm kiếm: văn mẫu 8, thuyết minh một văn bản, bài viết số 5 văn 8, đề 3 bài viết số 5 văn 8

Bình luận

Giải bài tập những môn khác