Kẹo cu đơ đậm chất đất và người Hà Tĩnh

Trải dọc đất nước, hẳn đi đến đâu ta cũng đều tìm được nét riêng, nét đẹp của vùng đất ấy. Hã Tĩnh cũng vậy, ngoài vẻ đẹp nên thơ của biển rừng, của những di tích lịch sử, của những địa chỉ đỏ anh hùng cách mạng thì đây còn là nơi của nhiều món ngon nổi tiếng trong đó không thể không nhắc đến kẹo Cu đơ.

Nếu như lần đầu nghe đến hai chữ “cu đơ” sẽ chẳng ai nghĩ đây chính là một loại kẹo đặc sản của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nếu ai đã một lần được thử thì chắc chắn sẽ nhớ mãi hương vị của món kẹo này. Đó là vị ngọt của mật mía, vị bùi của đậu phộng và giòn tan của bánh đa nướng. Sự kết hợp của những hương vị này đã khiến kẹo Cu đơ được rất nhiều người yêu thích. 

Theo lời kể của người dân nơi đây, kẹo cu đơ được xuất phát từ câu chuyện của một gia đình nghèo có hai người con trai ở một làng tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cậu con trai cả đã lớn, thưa với bố mẹ muốn lấy vợ. Vì không có tiền mua sinh lễ cũng như làm cơm thiết đãi hàng xóm, người cha bèn nảy ra ý nấu sôi mật mía rồi đổ lạc (đậu phộng) vào. Không ngờ khi ăn ai cũng khen ngon. Từ ấy, ông tiếp tục nấu mật mía với lạc và gọi là kẹo lạc. Nhưng dường như cái tên như vậy thì bất công với người tạo ra kẹo lạc, do đó nhân dân đã gọi thành kẹo “cu Hai” ý chỉ một người cha có hai người con trai. Sau này khi phong trào Tây học nở rộ, các ông nghè đã gọi từ “Hai” bằng tiếng Pháp là “Deux” cho  “trí thức”. Do đó, kẹo ‘cu Hai” biến thành “cu deux”, đọc là cu đơ.

Thoạt nhìn, nguyên liệu làm kẹo khá đơn giản nhưng để làm được miếng kẹo ngon đòi hỏi người làm phải có độ tỉ mỉ, cẩn thận. Kẹo Cu Đơ có thể được nấu bằng đường, mật mía hoặc mật mía và mạch nha cùng một chút gừng và vỏ chanh thái nhuyễn... Tuy nhiên, loại nấu bằng mật mía có pha mạch nha là ngon hơn cả. Đậu phộng chọn loại chắc, phải rang cả củ cho giòn rồi bóc tách ra, bột gạo ngon tráng bánh đa vừa phải (không dày cũng không mỏng) có rắc thêm vừng (mè) đen để bao kẹo. Nguyên liệu quan trọng nhất là mật mía nguyên chất, không pha đường. Khi nấu pha thêm một tỷ lệ mạch nha (loại làm từ mầm thóc) vừa phải thì kẹo vừa giòn lại vừa thơm, không bị bở như loại kẹo nấu bằng đường.

Sau khi hoàn thành công đoạn chế biến, miếng kẹo cu đơ có hình tròn như chiếc gương, hai bề mặt của kẹo là bánh đa vừng ở giữa là lớp mật mía và đậu phộng. Khi thưởng thức, người ta dễ dàng cảm nhận được sự giòn giai, hội tụ đủ vị ngọt mát của mật-nha, vị béo bùi của đậu phộng, vừng, bánh đa, vị cay ấm của gừng pha một chút chua nhẹ của chanh...

Muốn thưởng thức được miếng kẹo cu đơ trọn vị thì phải uống kèm với nước chè tươi, nhất là những ngày mưa dầm dề hay se lạnh thì vô cùng tuyệt vời. Trong những buổi chiều tà, quanh bát nước chè xanh và đĩa kẹo cu đơ, bao câu chuyện của nhân tình thế thái, của cuộc sống thường nhật trôi qua, bởi vậy mà tình làng nghĩa xóm thêm keo sơn gắn bó nơi đây. 

Hiện nay, cũng có nhiều địa phương khác làm kẹo cu đơ, nhưng chỉ có người Hà Tĩnh mới làm những miếng cu đơ dẻo ngon và hấp dẫn. Vì vậy, mỗi một lần người Hà Tĩnh đi xa hay du khách dừng chân lại Hà Tĩnh mua cu đơ để làm quà. 

Có thể nói, kẹo cu đơ mang dấu ấn của người Hà Tĩnh, bên ngoài thì sần sùi, chất phác, tên gọi thì mộc mạc đơn sơ nhưng bên trong là tình người Hà Tĩnh đậm đà mà dung dị. 

Từ khóa tìm kiếm: cu đơ hà tĩnh, đặc sản hà tĩnh, kẹo cu đơ hà tĩnh, cách làm kẹo cu đơ hà tĩnh, món ngon hà tĩnh.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác