Đề 3: Câu nói của Macxim Gorki: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống" gợi cho em suy nghĩ gì?

Bài viết tập làm văn số 6 - ngữ văn lớp 8 đề 3: Câu nói của Macxim Gorki: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống" gợi cho em suy nghĩ gì? Sau đây, tech12h gửi đến cho bạn đọc những bài văn mẫu hay nhất, mời các bạn cùng tham khảo.

[toc:ul]

Dàn ý chung

1. Mở bài:

  • M.Gorki đã nói: “Hãy yêu sách, nó la nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống”. 
  • Đọc sách chính là con đường đi tới tri thức nhanh nhất

2. Thân bài:

  • Sách là một trong những thành tựu văn minh kì diệu của con người.
  • Có thể nói, đọc sách là con đườnh ngắn nhất dẫn con người tới những vùng đất xa xôi, không tưởng
  • sách là con thuyền chở văn hóa, văn minh nhân loại, là một con đường mở mang dân trí
  • Nguồn kiến thức mà sách mang đến cho con người là vô tận
  • Đọc là một chuyện, vận dụng vào đời sống lại là một chuyện khác hãy  vận dụng kiến thức ta có được từ những trang sách vào thực tế sôi động và phong phú ngoài kia.

3. Kết bài:

  • Đọc sách là một công việc bổ ích và lí thú.
  • Hãy “yêu sách”, đọc sách và biến những kiến thức im lặng trên trang sách thành kiến thức hữu dụng trong thực tế.

Bài mẫu 1: Câu nói của Macxim Gorki: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống" gợi cho em suy nghĩ gì? 

Bài làm

Nếu tri thức của loài người được coi như một sa mạc thì hiểu biết của con người chỉ là những hạt cát nhỏ bé giữa sự bao la và mênh mông đó. Và để giúp con người có thể chinh phục thế giới này một cách nhanh và ngắn nhất thì sách chính là yếu tố trung gian quan trọng. Mỗi quyển sách chứa đựng bên trong nó là một kho tàng tri thức nhân loại, chả vì thế mà nhà văn Macxim Gorki đã nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống”.

Có khi nào bạn giật mình tự hỏi không biết con người đã xuất hiện như thế nào từ bao giờ và từ đâu chưa? Tại sao mặt trời chỉ chiếu sáng vạn vật vào ban ngày còn ban đêm lại nhường vị trí cho mặt trăng? Hay tại sao những ngôi sao lại tỏa sáng trên bầu trời? Tất cả những điều này tôi dám cá rằng chẳng ai ngẫu nhiên mà có thể lí giải được, và để đi tìm câu trả lời cho nó thì điều duy nhất bạn có thể làm được đó chính là đọc từ sách. Sách được ví như một kho tàng tri thức phong phú của nhân loại trong đó chứa đựng cả những câu chuyện của hàng ngàn vạn năm về trước. Đến với sách con người dường như không còn thấy những khoảng cách địa lí xa xôi, những vòng thời gian dài đến bất tận. ở đó chỉ tồn tại duy nhất một điều đó chính là tri thức. Qua những tranh sách, chúng ta sẽ được sống lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, những thăng trầm biến cố của vận nước và cả những mảnh đất hứa đầy hi vọng mà ta có lẽ cả một đời không có dịp đặt chân tới. Dù có bất cứ ở thời đại nào, không gian nào thì sách sẽ mãi mãi là một người bạn tri kỉ của con người, nó kết nối hiện tại và quá khứ, giữa chiều không gian này đến chiều không gian kia.

Sách mang đến cho chúng ta một nguồn kiến thức vô hạn. Đó có thể là những kiến thức về khoa học kĩ thuật, về quân sự, lịch sử, âm nhạc, nghệ thuật cho đến văn học…. tất cả những gì tồn tại trên trái đất này đều được gửi gắm qua từng con chữ, từng trang giấy. Thử hỏi nếu như không có sách thì con người sẽ làm thế nào để lưu giữ kiến thức? Hay nó sẽ lại bị lãng quên một cách đáng tiếc? Nếu không có sách thì làm sao chúng ta biết đến những cống hiến vĩ đại của nhà bác học Thomas Edixon, Newton hay Axtanh? Thế mới nói tri thức không phải ngẫu nhiên mà có nó phải trải qua một quá trình tiếp nhận và xử lí mà điều quan trọng nhất đó là sách chính là nơi chứa đựng tất cả mọi chân lí. Nếu không có sách đồng nghĩa với việc con người không có con đường sống.

Ngoài việc chứa đựng giá trị tri thức của cả nhân loại thì sách còn được ví là một món ăn tinh thần lớn lao. Nó nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta trở nên tốt đẹp và hòa ái hơn. Việc tìm hiểu đến tận cùng của tri thức sẽ khiến tâm hồn mỗi người trở nên giàu có và tỏa hương. Thế nhưng, bạn hãy khám phá sách một cách có hiệu quả. Hãy tận dụng nó vào trong cuộc sống một cách có giá trị nhất đừng chỉ để đọc để lấy số lượng. Như Đôn ki hô tê một quý tốc nổi tiếng trong tác phẩm “Đánh nhau với cối xay gió” là một ví dụ điển hình cho việc dùng sách sai mục đích. Ông đọc sascg và rồi chìm đắm trong những ước mộng hão huyền không có thực. Vì thế dù bạn có đọc bao nhiêu cuốn sách thì hãy thử một lần đặt câu hỏi cuốn sách đó có thực sự có ích với mình hay không? Hãy dùng cuốn sách để lên cuộc đời chứ đừng bao giờ đặt cuộc đời mình vào trong trang sách. Bởi con người chỉ sống bằng thực tế chứ không ai có thể tồn tại trong một thế giới mờ ảo cả.

Yêu sách không có nghĩa là việc cuốn sách nào chúng ta cũng đọc cũng cố gắng nhồi nhét nó vào trong đầu. Bởi bên cạnh những cuốn sách tốt có ích cho cuộc sống thì cũng có rất nhiều những cuốn sách mang ý nghĩa tiêu cực. Nó khiến con người trở nên u mê và ngu muội đi. Chính vì thế bạn nên đọc sách có chọn lọc. Sách phải hướng đến mục đích cao đẹp là làm giàu giá trị tâm hồn mỗi người, gắn kết con người với con người hơn. Chỉ khi ấy thì sách mới được coi là con đường sống của nhân loại mà thôi.

Sách dù cho là một ngàn năm hay một vạn năm nữa thì nó vẫn được coi là nguồn tri thức vô tận mà con người muốn chinh phục. Có thể cả cuộc đời này bạn cũng không thể tiếp nhận hết được nguồn tri thức vô hạn của loài người, vậy thì hãy chạm tay đến nó bằng cách đọc sách nhé. Bởi chỉ có thế mới  khiến cho chúng ta trở nên tốt đẹp và giàu có hơn mà thôi.

Bài mẫu 2: Câu nói của Macxim Gorki: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống" gợi cho em suy nghĩ gì? 

Bài làm

Một trong những kho báu quý giá nhất của loài người đó là tri thức. Và con đường đi tới tri thức nhanh nhất đó là qua những trang sách. Sách là phương tiện trung gian đưa con người tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng nhất với nguồn tri thức ấy. Mỗi trang sách có thể chứa đựng những điều có giá trị truyền đạt từ vạn năm. Chính vì thế mà M.Gorki đã nói: “Hãy yêu sách, nó la nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống”. Câu nói khẳng đinh vai trò quan trọng của sách đối với cuộc sống của con người.

Sách là một trong những thành tựu văn minh kì diệu của con người. Nói tới sách là nói tới trí tuệ của loài người. Nó là những gì tinh tú nhất, đẹp đẽ nhất, văn minh nhất của con người mà tổ tiên ta tích lũy từ ngàn đời truyền lại cho thế hệ sau. Từ xa xưa, khi chưa có giấy bút, những người tiền sử đã biết cách ghi lại những cảm xúc của bản thân bằng cách khắc lên đá, trên nền đất. Sau đó khi nền văn minh tiến bô hơn, con người biết khắc trên thẻ tre, xương thú, mai rùa, trên da dê,.. mà tiêu biểu là nền văn hóa của các nước như Trung Quốc, Ấn Đô, Hy Lạp, La Mã,.... Cho tới bây giờ, sách đã hoàn toàn quen thuôc vời chúng ta. Tác giả bài "Phương pháp đọc nhanh" (in trong cuốn Lịch sử văn hóa tổng hợp - 1987) cho biết:”Tính đến nay, trong 500 năm lịch sử của mình, ngành in thế giới đã xuất hơn 300 triệu đầu sách, hàng năm cho ra đời 600 triệu trang in". Những con số ấy càng làm cho ta cảm thấy tầm quan trọng của sách với cuộc sống. Bởi mỗi cuốn sách là một kho tàng kiến thức của nhân loại, là chìa khóa vàng mở cánh cửa két sắt trong ngân hàng tri thức.

Có thể nói, đọc sách là con đườnh ngắn nhất dẫn con người tới những vùng đất xa xôi, không tưởng. Ngàn năm trước, ngàn năm sau, sách đã tồn tại như một nhân vật trung gian kết nối không gian, thời gian, kết nối nhân loại, để dù một đất nước Việt Nam nhỏ bé, ta vẫn hiểu đời sống của con người tận vùng Bắc Âu, để từ hôm nay quá khứ vẫn hiện về trong ta một thời hào hùng trong lịch sử nước nhà. Qua sách, nhân loại không chỉ hiểu biết mà còn đồng cảm nhau hơn vì những điều đã đọc mà cứ như được sống tận nơi, nhìn tận mắt. Sách như một  hướng dẫn viên du lịch đưa ta đến với những vùng trời tri thức mới, giúp ta hiểu biết về thế giới xung quanh, vế vũ trụ bao la, giúp ta khám phá những điều còn chưa rõ, nuôi dưỡng cho ta những ước mơ, khát vọng đẹp đẽ cho cuộc sống của mình, của xã hội và cả nhân loại. Có thể nói, sách là con thuyền chở văn hóa, văn minh nhân loại, là một con đường mở mang dân trí,dù đôi khi, đọc sách chỉ như là thú vui giải trí, một niềm vui tự nhiên của con người. Từ những cuốn sách bằng tre, trúc trong lịch sử cổ đại lưu vào sử sách cho đến những cuốn sách điện tử trong tương lai, thì cho đến nay và cả sau này, ma lực của mùi mực in và tiếng động sột soạt của trang sách vẫn giàu sức hấp dẫn đam mê như lôi cuốn chúng ta bước vào những thế giới huyền ảo, và có thể gối đầu giường. Chính vì thế, dù ở thời đại nào, sách vẫn là một nhân tố quan trọng đưa nhân loại đến gần nhau hơn trong sự hiểu biết chung về thời, mọi người, mọi cảnh huống.

Nguồn kiến thức mà sách mang đến cho con người là vô tận. Tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống đều được tổng hòa trong những trang sách.  Sách giúp con người lý giải cuộc sống, lý giải tự nhiên và từng bước làm chủ cuộc sống của mình. Đọc sách khoa học giúp ta hiểu nhân loại đã tiến bộ như thế nào từ sự xuất hiện đầu tiên của lửa, rồi phát minh ra điện sự phát hiện ra tia X…Tìm hiểu sách xã hội để khám phá ra sự phong phú vô tận từ nền văn hoá của mọi quốc gia, mọi thời kỳ lịch sử. Say sưa cùng những trang sách văn học để trở nên đồng cảm với nhân loại hơn trong chặng hành trình lớn lên của một con người, vận động của một tâm hồn, đấu tranh vì những khát vọng...Hay đọc Kinh Thánh, Kinh Ko-ran, Kinh Phật, cuốn sử thi Ra-ma-ya-na. Sách của Khổng Tử. Mạnh Tứ, Lão Tử… để thấy sự vô tận trong trí tuệ của con người. Trải qua mấy nghìn năm, đến nay vẫn còn chiếm lĩnh tâm hồn hàng triệu con người. Những tác phẩm như "Sử kí Tư Mã Thiên, chiến tranh và hòa bình, những bộ tiểu thuyết chương hồi như "Tam quốc",... Những công trình của các nhà văn hóa, khoa học được giải thưởng Nô-ben mãi mãi chiếu sát nền văn minh nhân loại. Sách là kết tinh trí tuệ của con người, là nguồn kiến thức bao la và mênh mồng. Sách nâng cao kiến thức, mở rộng tầm mắt cho độc giả, dạy ta biết yêu, biết ghét, biết mơ ước,... Còn có loại sách để đọc giải trí nuôi dưỡng trí tưởng tượng, đem lại niềm vui. Sách là tài liệu để học tập, để tu dưỡng.

Tuy nhiên dù một  người bình thường có thể đọc hơn ngàn quyển sách trong đời và cũng tiếp nhận từng ấy kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng đọc không chưa đủ người đọc cần phải phát huy được những giá trị đích đáng mà sách mang đến cho mình. Bởi kiến thức chỉ có được qua tư duy của con người. Sách cũng như một kho báu, biến nó thành tri thức vô giá mà cống hiến cho đời hay để nó mãi chỉ là tri thức vô dụng trên trang giấy là tuỳ vào thái độ của người đọc nó. Đọc là một chuyện, vận dụng vào đời sống lại là một chuyện khác hãy  vận dụng kiến thức ta có được từ những trang sách vào thực tế sôi động và phong phú ngoài kia. Thực tiễn mới là nơi ta sống, kiến thức từ sách sẽ là phù sa làm giàu có cho dòng chảy cuộc đời.

Trên con đường hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuổi trẻ Việt Nam không chỉ học ở trường, học thầy, học bạn, học trong thực tế cuộc sống, mà còn phải biết đọc sách,  biết tự học để vũ trang cho mình những kiến thức hiện đại, đem tài năng phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh. Sách chiếm 1 vị trí cực kì quan trọng trong việc học tập của chúng ta. Môt người có thể tự học, không cần thầy, không cần bạn nhưng không thể không cần sách. Đó là phương tiện học tập thuận lợi nhất, ít tốn kém nhất nhưng lại vô cùng hiệu quả. Nếu ta biết cách đọc sách sao cho hợp lý. Đọc sách nhiều nhưng phải biết gạn lọc đó mới là một thái độ đúng đắn khi tiếp cận với nguồn tri thức nhân loại.

Đọc sách là một công việc bổ ích và lí thú. Đọc sách làm cho cuôc sống của mình phong phú hơn, đẹp hơn Chính vì thế mà sách trở thành một phần quan trọng và tất yếu của cuôc sống. Vậy nên hãy “yêu sách”, đọc sách và biến những kiến thức im lặng trên trang sách thành kiến thức hữu dụng trong thực tế.

Bài mẫu 3: Câu nói của Macxim Gorki: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức là con đường sống" gợi cho em suy nghĩ gì? 

Bài làm

Trong khi từng khắc của dòng thời gian bất tận trôi qua thì xã hội lại từng lúc một phát triển hơn. Từng bước đi lên vững chắc của xã hội chính là nhờ vào kho tàng kiến thức nhân loại đã đúc kết từ bao đời nay, mà sách chính là chiếc cầu tri thức đã nối giữa không gian này với không gian khác, giữa thời đại trước với thời đại sau. Không có cách giải trí nào rẻ hơn đọc sách, cũng không có sự thú vị nào bền lâu hơn đọc sách, cho nên khi nhận định về sách , M.Go-rơ-ki đã nói :”Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”.

Sách là một kho tàng huyền bí làm kích thích sự tò mò của biết bao người . Vậy chính xác thì sách là gì? Sách là những trang giấy ghi lại các sự kiện đời sống, các phát minh khoa học, những diễn biến lịch sử, các kiến thức tự nhiên, các tác phẩm văn học,… của nhân loại. Tóm lại, sách là một kho tàng tri thức vô tận cung cấp cho ta mọi kiến thức trong cuộc sống. Nhưng kiến thức ở đây không chỉ là sự hiểu biết về thế giới xung quanh một cách khoa học mà còn là sự khai tâm mở trí cho tâm hồn con người để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Do đó, sách còn là một phương tiện giúp chúng ta rèn luyện nhân cách con người thông qua các tư tưởng, chân lí đường đời mà lớp người đi trước đã tìm ra được.

Trong giai đoạn xã hội phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay thì tri thức con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Mà "không có sách thì không có tri thức", ngoài việc học ở trường lớp thì thực tế, sách là người bạn không thể thiếu của con người giúp chúng ta nâng cao trí thức lẫn nhân cách. Sách mở mang trí tuệ, hiểu biết cho ta, dẫn dắt ta vào những bí ẩn sâu sắc của thế giới xung quanh: từ sông ngòi, rừng núi cho tới vũ trụ bao la. Sách đưa ta vào thế giới cụa lớn như thiên hà, cực nhỏ như các hạt vật chất. Sách có sức sống phi thường vượt qua mọi giới hạn về không gian và thời gian đứa ta “trở về quá khứ”, tìm đến những biến cố lịch sử, những cuộc đấu tranh ác chiến của các triều đại xưa. Hoặc chắp cánh cho ta tưởng tượng tới ngày mai hoặc giúp ta hiểu sâu hơn hiện tại. Sách văn học đưa ta vào một thế giới của những tâm hồn con người đủ các thời đại để ta thông cảm với những cuộc đời, chia sẻ những niềm vui, nỗi đau dân tộc và nhân loại. Sách không chỉ giúp mở mang kiến thức mà con đem đến nguồn hạnh phúc,sự thanh thản cho tâm hồn. Chính nhờ có sách mà đôi khi, con người ta khám phá ra sức mạnh của bản thân, tìm ra chân lí thiết thực cho con đường đời của chinh mình, mở rộng thêm tầm hiểu biết về thế giới xung quanh,... Thực tế trong những trang sử nhân loại đã chứng minh được điều đó. Nhiều nhà phát minh, Bác học trên thế giới cũng thành công qua việc tự học, tự mài mò qua sách như Êđixơn, An-be Anh-xtanh,... Hay chính vị lãnh tụ vĩ đại của nước Việt Nam ta- Chủ tịch Hồ Chí Minh qua việc chịu khó đọc sách, đã phát hiện và ứng dụng chủ nghĩa Mác lê-nin vào con đường giải phóng dân tộc, cuối cùng đã thành công, giúp dân ta thoát khỏi cảnh nô lệ. Đó chẳng phải đều là những nhân chứng hùng hồn cho câu nói của M. Go-rơ-ki: :”Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Từ đó ta thấy mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ đưa ta tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất.

Với vai trò lớn lao như thế, ta thấy sách là một vật nhỏ bé nhưng vĩ đại. Thế mà trong xã hội ngày nay, không ít những thành phần lười đọc sách, khinh chê và không tôn trọng sách. Họ không biết rằng sách chứa đựng kiến thức, kiến thức lại bao bọc thành công. Không một ai bước đi trên con đường thành đạt mà không song hành cùng kiến thức. Không có kiến thức, con người sẽ trở nên vô dụng, lạc hậu, thấp kém trong một xã hội hiện đại hóa như bây giờ. Thế giới này sẽ ra sao nếu không có sách, không có kiến thức? Mọi thứ sẽ bước vào một thời kì tăm tối của sự ngu ***. Lúc này chỉ có kiến thức mới là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai tốt đẹp, là con đường sống duy nhất của con người.

Sách là cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời. Vì vậy ta phải yêu sách. Phải chăm chỉ đọc sách mà thực sự hiểu nó, đam mê nó. Tuy nhiên, ta cần chọn lọc ra những kiến thức hữu dụng và đúng đắn- Một cuốn sách tốt mở ra thì gợi niềm hy vọng, khép lại thì đem lại điều hữu ích. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần biến những kiến thức trong sách vở thành thực tế qua thực hành ứng dụng vào thực tiển cuộc sống. Quan trọng là thái độ của chúng ta đối với sách, cần yêu quý, giữ gìn và nâng niu sách như một báu vật.

Quả thật câu nói của M.Go-rơ-ki là một lời khuyên vô cùng chính xác. Sách đúng là kho tàng trí tuệ của nhân loại là giá trị vô giá của loài ngươi. Tuy sách rất quí nhưng không tự đến với con người mà con người phải tìm lấy sách để đọc. Chỉ có việc đọc sách mới đưa con người đến một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

Từ khóa tìm kiếm: văn mẫu 8, văn nghị luận lớp 8, nghị luận hãy đọc sách, bài viết số 6 văn 8, đề 3 bài viết số 6 văn 8

Bình luận

Giải bài tập những môn khác