Đề thi giữa kì 2 tiếng Việt 5 KNTT: Đề tham khảo số 5

Trọn bộ Đề thi giữa kì 2 tiếng Việt 5 KNTT: Đề tham khảo số 5 bộ sách mới Kết nối tri thức gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 2

TIẾNG VIỆT 5 – KẾT NỐI TRI THỨC 

NĂM HỌC: 2024 - 2025

  1. PHẦN TIẾNG VIỆT (10,0 điểm)

1. Đọc thành tiếng (3,0 điểm)

Giáo viên kiểm tra đọc thành tiếng đối với từng HS. 

Nội dung kiểm tra: Các bài đã học từ chủ điểm 5 đến chủ điểm 6, giáo viên ghi tên bài, số trang vào phiếu, gọi HS lên bốc thăm và đọc thành tiếng. Mỗi HS đọc một đoạn văn, thơ khoảng 100 tiếng/phút (trong bài bốc thăm được) sau đó trả lời một câu hỏi về nội dung của đoạn đọc do giáo viên nêu.

2. Đọc hiểu văn bản kết hợp tiếng Việt (7,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi: (3,0 điểm)

Sông nước Cà Mau 

Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập. Vẫn là cái quang cảnh quen thuộc của một xóm chợ vùng rừng cận biển thuộc tỉnh Bạc Liêu, với những túp lều lá thô sơ kiểu cổ xưa nằm bên cạnh những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng, những đống gỗ cao như núi chất dựa bờ, những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, thuyền buôn dập dềnh trên sóng… Nhưng Năm Căn còn có cái bề thế của một trấn “anh chị rừng xanh” đứng kiêu hãnh phô phang sự trù phú của nó trên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Những bến vận hà nhộn nhịp dọc dài theo sông; những lò than hầm gỗ đước sản xuất loại than củi nổi tiếng nhất của miền Nam; những ngôi nhà bè ban đêm dưới ánh đèn măng-sông chiếu rực trên mặt  nước như những khu phố nổi, và nơi đây người ta có thể cập thuyền lại, bước sang gọi một món xào, món nấu Trung Quốc hoặc một đĩa thịt rừng nướng ướp kiểu địa phương kèm theo vài cút rượu, ngoài ra còn có thể mua từ cây kim cuộn chỉ, những vật dụng cần thiết, một bộ quần áo may sẵn hay một món nữ trang đắt giá chẳng hạn, mà không cần phải bước ra khỏi thuyền. Những người con gái Hoa kiều bán hàng xởi lởi, những người Chà Châu Giang bán vải, những bà cụ già người Miên bán rượu, với đủ các giọng nói líu lô, đủ kiểu ăn vận sặc sỡ, đã điểm tô cho Năm Căn một màu sắc độc đáo, hơn tất cả các xóm chợ vùng rừng Cà Mau.

Theo Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam

Câu 1 (0,5 điểm). Điểm đặc biệt nổi bật của chợ Năm Căn so với các xóm chợ vùng rừng Cà Mau là gì?

A. Nhà gạch hai tầng hiện đại.

B. Các loại thuyền buôn dập dềnh trên sóng.

C. Những đống gỗ cao như núi.

D. Sự nhộn nhịp của bến vận hà và các khu phố nổi.

Câu 2 (0,5 điểm). Chợ Năm Căn được miêu tả là nơi có những mặt hàng nào?

A. Cây kim cuộn chỉ, quần áo may sẵn, nữ trang đắt giá.

B. Chỉ các loại thực phẩm và nông sản.

C. Gỗ, lò than và các loại vật liệu xây dựng.

D. Thực phẩm Trung Quốc và hàng vải Châu Giang. 

Câu 3 (0,5 điểm). Vì sao tác giả gọi Năm Căn là “trấn anh chị rừng xanh”?

A. Vì đây là một khu chợ lớn và sầm uất.

B. Vì đây là vùng cuối cùng của Tổ quốc.

C. Vì nơi này có sự giàu có, trù phú và độc đáo.

D. Vì nơi đây có nhiều người sinh sống nhất vùng Cà Mau. 

Câu 4 (0,5 điểm). Tác giả sử dụng hình ảnh “chợ Năm Căn” để miêu tả điều gì?

A. Sự đa dạng về văn hóa và sinh hoạt của người dân vùng sông nước.

B. Một xóm chợ nhỏ hẻo lánh ở vùng rừng Cà Mau.

C. Cuộc sống nghèo khó và khó khăn của người dân nơi đây.

D. Sự hiện đại hóa nhanh chóng của các xóm chợ miền Tây.

Câu 5 (0,5 điểm). Điều gì làm chợ Năm Căn có màu sắc độc đáo hơn các xóm chợ khác ở Cà Mau?

A. Những người bán hàng thuộc nhiều dân tộc với cách ăn mặc sặc sỡ và giọng nói đa dạng.

B. Có những món ăn phong phú từ các vùng miền.

C. Những ngôi nhà bè độc đáo nằm trên mặt nước.

D. Các sản phẩm than củi đước nổi tiếng.

Câu 6 (0,5 điểm). Qua bài viết, tác giả muốn nhấn mạnh điều gì về chợ Năm Căn?

A. Đời sống khó khăn của người dân vùng Cà Mau.

B. Sự giao thoa văn hóa đa dạng và sự trù phú của vùng đất cuối cùng Tổ quốc.

C. Nghề sản xuất than và buôn bán tại địa phương.

D. Nét văn hóa truyền thống của người Kinh tại vùng sông nước. 

Luyện từ và câu: (4,0 điểm)

Câu 7 (2,0 điểm). Xác định từ nối trong đoạn văn sau và nêu tác dụng:  

Thời tiết hôm nay rất đẹp, vì thế cả lớp quyết định tổ chức buổi dã ngoại ngoài trời. Đầu tiên, chúng tôi cùng nhau chuẩn bị thức ăn và đồ dùng cần thiết. Sau đó, cả nhóm đi đến một công viên gần trường. Cuối cùng, mọi người cùng nhau tham gia các trò chơi đầy thú vị. 

Câu 8 (2,0 điểm) Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Nam rất yêu thích đọc sách. Những cuốn sách không chỉ giúp Nam giải trí mà còn cung cấp cho cậu nhiều kiến thức bổ ích. Ngoài ra, cậu thường dành thời gian để chia sẻ những nội dung thú vị trong sách với bạn bè. Hành động này giúp Nam và các bạn gắn kết với nhau hơn.

a) Trong đoạn văn trên, những từ ngữ nào được dùng để thay thế cho từ “Nam”?

b) Việc thay thế từ ngữ có tác dụng gì trong việc liên kết và tránh lặp từ?

  1. PHẦN VIẾT - TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)

Câu 9 (2,0 điểm): Chính tả nghe – viết:  GV cho HS viết một đoạn trong bài “Xuồng ba lá quê tôi” (SGK TV5, Kết nối tri thức với cuộc sống – trang 70) Từ “Xuồng ba lá” cho đến “người dân Nam Bộ”.

Câu 10 (8,0 điểm): Viết bản chương trình hoạt động:

Em hãy viết chương trình cho hoạt động tham gia hội thi Hội khỏe Phù Đổng. 

TRƯỜNG TH ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 2 (2024-2025)

MÔN: TIẾNG VIỆT 5 – KẾT NỐI TRI THỨC 

A. PHẦN TIẾNG VIỆT: (10,0 điểm) 

1. Đọc thành tiếng (3,0 điểm)

- Đánh giá, cho điểm. Giáo viên đánh giá, cho điểm dựa vào những yêu cầu sau:

+ Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu (không quá 1 phút): 0,5 điểm

(Đọc từ trên 1 phút – 2 phút: 0,25 điểm; đọc quá 2 phút: 0 điểm)

+ Đọc đúng tiếng, đúng từ, trôi chảy, lưu loát: 1 điểm

(Đọc sai từ 2 đến 4 tiếng: 0,5 điểm; đọc sai 5 tiếng trở lên: 0 điểm)

+ Ngắt nghỉ hơi ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 0,5 điểm

(Ngắt nghỉ hơi không đúng từ 2 – 3 chỗ: 0,25 điểm; ngắt nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở lên: 0 điểm)

+ Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm

(Trả lời chưa đầy đủ hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: 0,5 điểm; trả lời sai hoặc không trả lời được: 0 điểm)

* Lưu ý: Đối với những bài tập đọc thuộc thể thơ có yêu cầu học thuộc lòng, giáo viên cho học sinh đọc thuộc lòng theo yêu cầu.

2. Đọc hiểu văn bản kết hợp tiếng Việt (7,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.   

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

Câu 5

Câu 6

D

A

C

A

A  

B

Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 7 (2,0 điểm) Xác định được đúng mỗi ý được 1 điểm:

Từ nối trong đoạn văn: Vì thế, Đầu tiên, Sau đó, Cuối cùng.

Tác dụng: 

+ "Vì thế": Dùng để chỉ mối quan hệ nguyên nhân - kết quả giữa hai ý (thời tiết đẹp → quyết định tổ chức dã ngoại).

+ "Đầu tiên", "Sau đó", "Cuối cùng": Dùng để trình bày thứ tự các sự việc theo trình tự thời gian, giúp đoạn văn mạch lạc và dễ hiểu hơn.

Câu 8 (2,0 điểm) Mỗi ý đúng được 1,0 điểm:

a) Từ ngữ thay thế: Cậu, Hành động này. 

b) Tác dụng: 

+ Giúp tránh lặp lại từ "Nam" quá nhiều lần, làm cho câu văn trở nên linh hoạt và tự nhiên hơn.

+ Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các câu trong đoạn văn, giúp đoạn văn mạch lạc, dễ đọc và dễ hiểu.

B. PHẦN VIẾT – TẬP LÀM VĂN: (10,0 điểm)

Câu 9: Phần chính tả nghe – viết:

- GV đọc cho HS viết, thời gian HS viết bài khoảng 15 phút.

- Đánh giá, cho điểm: Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ và đúng theo đoạn văn (thơ) 2 điểm.

- Học sinh viết mắc từ 2 lỗi chính tả trong bài viết (sai – lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh; không viết hoa đúng quy định): trừ 0,5 điểm.

Câu

Nội dung đáp án

 

Câu 10

(8,0 điểm)

1. Viết được bản chương trình có đề mục đầy đủ, rõ ràng

A. Mục đích (1,0 điểm)

- Tạo sân chơi thể thao bổ ích, nâng cao sức khỏe và ý thức rèn luyện thể chất cho học sinh.

- Góp phần phát triển phong trào thể dục thể thao trong trường học, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng những tài năng thể thao.

- Gắn kết tình đoàn kết giữa các bạn học sinh thông qua các hoạt động thi đấu.

B. Thời gian và địa điểm (0,5 điểm)

- Thời gian: Ngày 15/01/2024.

- Địa điểm: Sân vận động trường. 

C. Chuẩn bị (2,5 điểm)

- Ban tổ chức: Ban Giám hiệu trường, giáo viên thể dục và các giáo viên chủ nhiệm. 

- Đội hậu cần: học sinh tình nguyện hỗ trợ công tác tổ chức (chuẩn bị đủ nước uống cho vận động viên và trọng tài, một số đồ ăn nhẹ (nếu cần) cho vận động viên giữa các môn thi, băng rôn, cờ, khẩu hiệu cổ động, loa phát thanh và micro để thông báo lịch thi đấu, trao giải, kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng (nếu thi đấu buổi chiều tối), huy chương, cúp và giấy khen cho các đội và cá nhân xuất sắc, quà lưu niệm cho các đội tham gia để khích lệ tinh thần.

- Đội công tác y tế: bố trí một đội y tế túc trực tại sân thi đấu để hỗ trợ khi có sự cố xảy ra, chuẩn bị sẵn các dụng cụ sơ cứu: băng gạc, thuốc sát trùng, thuốc giảm đau,...

- Vận động viên tham gia: tổ chức các buổi tập luyện trước ngày thi để học sinh làm quen với nội dung thi đấu, phân nhóm, lập danh sách học sinh tham gia từng môn thi đấu, đảm bảo đủ người theo quy định, đảm bảo đồng phục và giày thể thao phù hợp cho vận động viên, yêu cầu học sinh có giấy xác nhận sức khỏe tốt từ phụ huynh hoặc cơ sở y tế.

D. Kế hoạch thực hiện (1,0 điểm) 

Thời gian

Hoạt động

Người phụ trách

7h30 - 8h00:

- Đón tiếp đại biểu, vận động viên và cổ động viên.

- Ban tổ chức. 

- Các lớp trưởng 

8h00 - 8h15:

- Chào cờ, hát Quốc ca và đọc tuyên bố khai mạc.

- Phát biểu của Ban Giám hiệu và đại diện Hội đồng trọng tài.

- Người dẫn chương trình. 

- Ban Giám hiệu và Hội đồng trọng tài. 

8h15 - 8h30:

- Diễu hành của các đội tham gia.

- Tuyên thệ của vận động viên và trọng tài.

- Các Chi đoàn. 

- Người dẫn chương trình. 

8h30 - 11h30:

- Đọc thể lệ các môn thi đấu vòng loại (điền kinh, bóng đá, bóng chuyền, ...).

- Hội đồng trọng tài. 

13h – 14h:

- Thi đấu vòng loại các môn cá nhân: điền kinh, nhảy cao, nhảy xa, kéo co,...

- Các vận động viên.

14h – 15h:

- Tổ chức vòng chung kết cho các môn đã hoàn thành vòng loại.

- Người dẫn chương trình. 

- Các vận động viên. 

15h15 – 16h: 

- Tổng kết, đánh giá kết quả của các đội tham gia.

- Trao giải cho các cá nhân, đội xuất sắc nhất.

- Ban Giám hiệu và Hội đồng trọng tài. 

 

Chữ ký 

.......................

2. Chữ viết đẹp, đúng chính tả, trình bày sạch đẹp, đúng quy định thể hiện qua bài viết. 

3. Có đủ các mục của chương trình, nội dung của từng mục được trình bày rõ ràng, hình thức bản chương trình đúng với yêu cầu, có bảng biểu. 

4. Bài viết có sự sáng tạo, logic và khoa học. 

* Tuỳ từng mức độ sai sót về ý, diễn đạt và chữ viết mà GV cho điểm phù hợp.

 
Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi tiếng Việt 5 Kết nối tri thức, trọn bộ đề thi tiếng Việt 5 Kết nối tri thức, Đề thi giữa kì 2 tiếng Việt 5

Bình luận

Giải bài tập những môn khác