Đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt 4 CTST: Đề tham khảo số 5

Đề tham khảo số 5 giữa kì 2 Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm:

CẦM LẤY TAY NHAU

Đêm ấy, dù đã làm việc rất khuya nhưng cô y tá vẫn cố gắng để đưa một thanh niên có dáng vẻ mệt mỏi đến bên giường của một bệnh nhân già. Cô cúi xuống người bệnh và khẽ khàng gọi : “Cụ ơi, con trai cụ đã đến rồi đây!”

Đôi mắt lạc thần của ông cụ cố gắng mở ra, rồi ánh lung linh vội khép lại. Chàng thanh niên nắm chặt bàn tay nhăn nheo của người bệnh và ngồi xuống bên ông cụ. Suốt đêm hôm đó, anh cứ ngồi như thế, chẳng thiết gì đến nghỉ ngơi, vừa cầm tay cụ già vừa thì thầm những lời vỗ về, an ủi bên tai cụ.

Đến rạng sáng thì cụ già qua đời. Các nhân viên y tế đến làm những thủ tục cần thiết. Cô y tá đêm qua cũng trở lại và đang nói lời chia buồn với chàng lính trẻ thì anh chợt ngắt ngang hỏi: “Ông cụ ấy là ai vậy?”

Cô y tá sửng sốt: “Tôi tưởng ông cụ là cha anh chứ!”

– Không, ông ấy không phải là cha tôi. – Chàng thanh niên nhẹ nhàng đáp. – Tôi chưa gặp ông cụ lần nào cả.

- Thế sao anh không nói cho tôi biết lúc tôi đưa anh đến gặp cụ ?

- Tôi nghĩ là người ta đã nhầm giữa tôi và con trai cụ khi cấp phép, có thể do tôi và anh ấy trùng tên hay trùng quê quán gì đó. Ông cụ đang rất mong mỏi được gặp con trai mà anh ấy lại không có mặt ở đây, khi đến bên cụ tôi nhận thấy cụ đã yếu đến nỗi không thể nhận ra tôi không phải là con trai cụ. Tôi nghĩ cụ rất cần có ai đó ở bên nên tôi mới quyết định ở lại.

- Mẹ Tê-rê-sa* đã nhắc nhở chúng ta rằng trong thế giới này lẽ ra không nên có ai phải chết trong nỗi đơn côi, không ai phải buồn khổ, đớn đau hay lặng lẽ khóc một mình trong những bất hạnh của đời mình.

Chúng ta sinh ra và cùng nắm tay nhau đi qua những chặng đường muôn vẻ của cuộc sống. Lúc nào cũng có một ai đó sẵn lòng chìa cho ta bàn tay thân ái. Và luôn có một ai đó, quanh đây, đang mong mỏi được ta dắt dìu.

(Theo xti-vơ Gu-đi-ơ)

* Mẹ Tê-rê-sa (1910 – 1997), vốn là người An-ba-ni, được phái làm giáo sĩ thừa sai công giáo La Mã tại Ấn Độ. Mẹ đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm giúp đỡ người nghèo, được giải Nô-ben hòa bình năm 1979.

Câu 1 (0,5 điểm). Người ta đã đưa ai đến bên một cụ già đang hấp hối?

  • A. Một thanh niên là bạn con trai cụ.
  • B. Người con trai cụ.
  • C. Một thanh niên xa lạ.

Câu 2 (0,5 điểm). Điều gì làm cô y tá ngạc nhiên?

  • A. Cụ già qua đời.
  • B. Cậu thanh niên không phải là con cụ già.
  • C. Cậu thanh niên đã ngồi bên cụ già suốt đêm.

Câu 3 (0,5 điểm). Tại sao anh thanh niên đã ngồi suốt đêm bên cụ già?

  • A. Vì anh không biết đi đâu.
  • B. Vì anh nghĩ cụ đang rất cần có ai đó ở bên cạnh vào lúc này.
  • C. Vì các bác sĩ yêu cầu như vậy.

Câu 4 (0,5 điểm). Câu chuyện muốn nói với em điều gì?

  • A. Hãy cùng nắm tay nhau đi qua những chặng đường muôn vẻ của cuộc sống và sẵn lòng chìa bàn tay thân ái ra sưởi ấm giúp đỡ mọi người chung quanh.
  • B. Hãy biết sống chan hoà với mọi người.
  • C. Hãy biết kiên trì làm việc.

Câu 5 (2,0 điểm). Đọc đoạn văn sau:

(1) Cuộc sống quê tôi gắn bó với cây cọ. (2) Cha làm cho tôi chiếc chổi cọ để quét nhà, quét sân. (3) Mẹ đựng hạt giống đầy móm lá cọ, treo lên gác bếp để gieo cấy mùa sau. (4) Chị tôi đan nón lá cọ, lại biết đan cả mành cọ và làn cọ xuất khẩu. (5) Chúng tôi rủ nhau đi nhặt những trái cọ rơi đầy quanh gốc về om, ăn vừa béo vừa bùi.

  • a. Xác định thành phần chủ ngữ, vị ngữ của câu (1).
  • b. Cho biết vị ngữ các câu (2), (3), (4), (5) trả lời cho câu hỏi gì?

Câu 6 (2,0 điểm). Nêu tác dụng của dấu gạch ngang trong những câu sau:

  • a. Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...
  • b. - Quan có cái mũ hai sừng trên chóp sọ! - Một chú bé con thầm thì.

B. TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)

Câu 7. Nghe – viết (1,5 điểm)

Rừng xuân

          Trời xuân chỉ hơi lạnh một chút vừa đủ để giữ một vệt sương mỏng như chiếc khăn voan vắt hờ hững trên sườn đồi. Rừng hôm nay như một ngày hội của màu xanh, màu xanh với nhiều góc độ đậm nhạt, dày mỏng khác nhau. Những rừng cây bụ bẫm còn đang ở màu nâu hồng chưa có đủ chất diệp lục để chuyển sang màu xanh. Những lá cời non mới thoáng một chút xanh vừa ra khỏi màu nâu vàng.

Câu 8. Viết bài văn (2,5 điểm)

Đề bài: Viết bài văn tả một cây ăn quả nhà em trồng.

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.  

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

C

B

B

A

2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Hướng dẫn trả lời:

A. TIẾNG VIỆT: (6,0 điểm)

Câu 5 (2,0 điểm) Mỗi câu đúng, đủ ý được 1,0 điểm

  • a. Câu (1): chủ ngữ - cuộc sống quê tôi, vị ngữ - gắn bó với cây cọ.
  • b. Vị ngữ các câu (2), (3), (4), (5) trả lời cho câu hỏi Làm gì?

Câu 6 (2,0 điểm)

  • a. Tác dụng dấu gạch ngang: đánh dấu thành phần chú thích cho mùa xuân của tôi.
  • b. Tác dụng dấu gạch ngang: đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.

B.LÀM VĂN: (4,0 điểm)

Câu 7:

Yêu cầu:

- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ

- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu

- Trình bày: đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng

Câu 8:

Tham khảo bài viết sau:

Hè năm ngoái em về quê ngoại chơi và thấy cây mít ông bà trồng từ lâu đã bắt đầu sai trĩu quả trông rất thích mắt.

Em đứng lặng ngắm cây mít. Thân cây khá to cỡ hơn một vòng tay em ôm lận. Thân màu nâu sẫm, khi đứng cạnh trông em trở nên bé nhỏ so với nó. Cành lá sum suê, vươn rộng tỏa bóng mát cả một góc vườn. Dưới gốc cây ông em còn đóng một cái xích đu be bé để dành riêng cho hai chị em em ngồi. Những ngày hè nóng nực, chỉ cần ra vườn ngồi nghỉ dưới gốc cây sẽ thấy rất mát mẻ và dễ chịu. Lá mít rất to, dày, xanh đậm. Mặt trước của lá sáng bóng còn mặt đằng sau thì ngược lại, xanh nhạt hơn. Từ thân cây, nảy ra những trái mít non. Lúc đầu chúng be bé màu xanh cỡ cái cốc rồi lớn dần lên đến khi có thể ăn được thì to hơn cái ấm tích của bà. Khi chín, vỏ mít chuyển màu sáng màu sậm. Nhìn bên ngoài vỏ mít sần sùi nhiều gai là thế nhưng bên trong thì vô cùng thơm ngon. Khi mít chín thì thơm lan tỏa khắp vườn. Mùi thơm ấy ngọt ngào len lỏi từ vườn vào trong nhà. Em háo hức lắm nên cứ giục ông ra thăm cây liền. Ông nở nụ cười thân thương rồi đến cây mít, nhẹ nhàng cắt bỏ cuống rồi ôm quả vào lòng. Ông vui lắm đấy vì cây mít ông trồng từ lâu đã có thể hái cho các cháu ăn. Bổ quả mít ra, những múi mít vàng ươm nằm xen kẽ với xơ mít trông rất hấp dẫn. Mùi thơm khi bổ tăng lên gấp bội.

Cả nhà quây quần dưới hiên ngồi ăn mít và trò chuyện thật vui vẻ. Những múi mít ngọt đậm, thơm lừng khiến ai ăn cũng phải tấm tắc khen. Hạt mít có thể luộc hoặc rang ăn rất bùi và ngon. Vào những trưa hè đầy nắng, em rất thích nằm dưới gốc mít nghe bà kể chuyện và xem ông tỉa lá vì đã có tán lá rợp rộng tỏa bóng mát dễ chịu. Mong rằng mỗi năm em đều được về quê và được thu hoạch hoa quả trong vườn cùng ông bà.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt 4 chân trời Đề tham khảo số 5, đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt 4 CTST, đề thi Tiếng Việt 4 giữa kì 2 chân trời sáng tạo Đề tham khảo số 5

Bình luận

Giải bài tập những môn khác