Đề thi cuối kì 1 Tiếng Việt 4 CTST: Đề tham khảo số 1

Đề tham khảo số 1 cuối kì 1 Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm:

CHA CON NGƯỜI ĐẮP THÀNH ĐÁ

Ở xã Cam Hòa, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa có một người đàn ông đã ròng rã suốt từ năm 1988 tới nay (16 năm) bới đất, nhặt đá, đắp dãy trường thành bằng đá dài gần 1 ki-lô-mét. Thật là một kỳ công có một không hai ở Việt Nam. Đó là chú Nguyễn Văn Trọng, năm nay 46 tuổi.

Ban đầu nhiều người thấy việc làm của chú Trọng nhặt đá đắp thành là “điên”. Còn chú Trọng lại nghĩ rất đơn giản, đất vùng này đá rất nhiều, nếu không nhặt đi thì khó trồng trọt. Và chú ước ao mình sẽ biến miếng đất lóc chóc sỏi đá này thành một nương rẫy phì nhiêu như cánh đồng dưới chân núi kia. Chính vì vậy suốt ngày, kể cả những đêm trăng chú Trọng một mình cùi cũi cuốc đá gánh gồng đắp thành. Từng tí một hết ngày này tới ngày kia, chỗ đất nào nhặt sạch đá là chú trồng trọt hoa màu liền. Nhìn những vạt đất được phủ dần màu xanh, chú Trọng rất mừng nhưng thiên nhiên thật khắc nghiệt, nhặt bới hết đá nhỏ thì lòi đá lớn, có hòn to như quả bí ngô, bí đao phải vần chứ không vác được.

Với gia đình, tưởng chú chỉ nhặt đá một chút rồi lo phát rẫy trồng trọt, vợ chú Trọng nén chịu đựng đi hái cỏ tranh, quả sa nhân bán lấy gạo nuôi chồng nhưng thấy chồng say nhặt đá đắp thành quá, mùa vụ chẳng được gì, người vợ bực lắm. Có lúc không muốn làm với ông “đắp đá vá trời” này nữa, song nghĩ lại, người vợ lại càng thương chồng hơn. Đứa con trai nhỏ của chú Trọng tên Nguyễn Trọng Trí cũng ra giúp bố vác đá đắp thành.

Bây giờ, sau 16 năm vác đá đắp thành, chú Trọng đã có được một trang trại rộng 3,8 héc-ta xanh rờn hoa màu, cây trái như xoài, mận, ngô, đậu, dưa,… mùa nào thức ấy. Chú đã mua được máy công cụ làm đất, hai con bò. Tất nhiên vẫn còn khó khăn nhưng việc làm của chú Trọng thực sự làm cho mọi người kính nể vì nghị lực và sự kiên trì phi thường của mình. Suốt 16 năm qua, chú Trọng đã lập một kỉ lục có một không hai : đào vác gần 1000 tấn đá, đắp thành đá dài 800 mét, với chiều cao trung bình 1,5 mét, rộng đáy 2,5 mét, mặt thành rộng 1,5 mét.

Bước vào trang trại của chú Trọng, ấn tượng nhất vẫn là bốn phía tường thành đá dựng. Mùa này, khi mưa xuống, những dây khoai từ, khoai mỡ cùng dây đậu biếc bò xanh rờn nở hoa tím ngắt. Miền đất hồi sinh từ bàn tay con người. Một nông dân hiền lành nhưng đầy ý chí hơn người.

(Lê Đức Dương)

Câu 1 (0,5 điểm). Vì sao chú Trọng lại làm công việc nhặt đá đắp thành?

  • A. Vì được trả lương cao.
  • B. Vì được khen thưởng.
  • C. Vì mong có đất trồng trọt.

Câu 2 (0,5 điểm). Tại sao nhiều người thấy việc làm của chú Trọng nhặt đá đắp thành là “điên”?

  • A. Vì họ cho rằng chú là kẻ rỗi hơi.
  • B. Vì họ biết đó là công việc vô cùng khó khăn, nặng nhọc.
  • C. Vì công việc đó nằm ngoài sức tưởng tượng của họ.

Câu 3 (0,5 điểm). Vì sao tác giả lại nói Miền đất hồi sinh từ bàn tay con người?

  • A. Bởi vì nhờ sự kiên trì nhặt đá của chú Trọng, mảnh đất sỏi đá này đã được sống lại, biến thành trang trại xanh rờn hoa màu.
  • B. Bởi vì miền đất khô cằn này đã được chú Trọng khôi phục lại vị trí trong bản đồ.
  • C. Bởi vì mảnh đất này đã không còn bom đạn sót lại từ chiến tranh.

Câu 4 (0,5 điểm). Câu nào sau đây phù hợp nhất với nội dung câu chuyện?

  • A. Ai ơi đã quyết thì hành
  • B. Bàn tay ta làm nên tất cả
  • C. Một nghề cho chín còn hơn chín nghề.

Câu 5 (2,0 điểm). Cho các từ sau: tài giỏi, tài nguyên, tài nghệ, tài trợ, tài ba, tài đức, tài sản, tài năng, tài hoa.

  • a. Từ nào chứa tiếng tài mang nghĩa là có khả năng hơn người?
  • b. Điền từ thích hợp vào chỗ trống trong những câu sau:

Câu 6 (2,0 điểm). Gạch chân dưới các từ ngữ sử dụng biện pháp nhân hóa trong các câu sau. Phân tích tác dụng của biện pháp nhân hóa đó.

  • a. Bến cảng lúc nào cũng đông vui. Tàu mẹ, tàu con đậu đầy mặt nước. Xe anh, xe em tíu tít nhận hàng về và chở hàng ra. Tất cả đều bận rộn.
  • b. Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước. […] Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trút xuống, quay đầu chạy về lại Hòa Phước.

B. TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)

Câu 7. Nghe – viết (1,5 điểm)

ĐƯỜNG VÀO BẢN

Tôi sinh ra và lớn lên ở một bản hẻo lánh gần biên giới phía bắc. Con đường từ huyện lỵ vào bản tôi rất đẹp.

Đoạn đường dành riêng cho dân bản tôi đi về phải vượt qua một con suối to. Nước suối bốn mùa trong veo, rào rạt. Nước trườn qua kẽ đá, lách qua những mỏm đá ngầm tung bọt trắng xóa. Hoa nước bốn mùa xoè cánh trắng như trải thảm hoa đón mời khách gần xa đi về thăm bản.

Câu 8. Viết bài văn (2,5 điểm)

Đề bài: Viết một bức thư cho người bạn ở xa để kể về tình hình học tập của em.

Hướng dẫn trả lời:

A. TIẾNG VIỆT: (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.  

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

C

B

A

B

2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 5:

a. Từ chứa tiếng tài mang nghĩa là có khả năng hơn người: tài giỏi, tài nghệ, tài ba, tài đức, tài năng, tài hoa.

b. Điền từ:

- Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa.

- Tuệ Tĩnh là một danh y tài đức vẹn toàn.

- Ê-đi-xơn là một nhà bác học vô cùng tài giỏi, ông là người đã phát minh ra đèn điện.

- Mạc Can là một nhà ảo thuật tài ba.

Câu 6:

a. Bến cảng lúc nào cũng đông vui. Tàu mẹ, tàu con đậu đầy mặt nước. Xe anh, xe em tíu tít nhận hàng về và chở hàng ra. Tất cả đều bận rộn.

=> Tác dụng: làm cho quang cảnh bến cảng hiện lên một cách sống động, nhộn nhịp, bận rộn.

b. Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước. […] Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trút xuống, quay đầu chạy về lại Hòa Phước.

=> Tác dụng: khiến hình ảnh những sự vật như cây cổ thụ, con thuyền giàu sức sống, có linh hồn, cảm xúc như con người.

B. LÀM VĂN: (4,0 điểm)

Câu 7:

Yêu cầu:

- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ

- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu

- Trình bày đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng

Câu 8:

Tham khảo bài viết sau:

..., ngày ... tháng ... năm ...

Thanh Mai yêu mến,

Đã một năm chúng mình không gặp nhau kể khi gia đình cậu chuyển vào trong Thành phố Đà Nẵng sinh sống. Tớ rất buồn và nhớ cậu vì không còn cô bạn hàng xóm cùng tớ đi bộ đến trường mỗi buổi sáng. Nhận được thư cậu kể về tình hình gia đình đã ổn định, quen bạn mới và thầy cô mới tớ vui lắm. À! chúc mừng cậu vì đạt học sinh giỏi kì thi Văn cấp trường nhé.

Hôm nay tớ cũng ngồi lại để viết cho cậu bức thư kể về tình hình học tập của tớ nhé!

Kết thúc năm học vừa qua, tớ cũng đã đạt được danh hiệu học sinh xuất sắc. Với số điểm trong kỳ thi cuối kỳ cao nhất lớp đấy. Cả ba môn Toán, Tiếng Việt, và Tiếng Anh tớ đều đạt điểm 10. Thêm nữa, trong cuộc thi “Rung chuông vàng” do trường tớ tổ chức, tớ cũng may mắn lọt vào vòng bán kết của khối 4 đấy. Tuy cuối cùng không giành được giải nhất nhưng tớ cũng cảm thấy rất vui vì qua cuộc thi này tớ học hỏi được rất nhiều điều. Mai nè! Ngoài việc chăm chỉ học tập thì tớ cũng rất năng nổ tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường nữa.

Với tớ, mỗi ngày đến trường luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Còn cậu thì sao? Phản hồi lại cho tớ qua một bức thư khác nhé.

Chờ mong thư cậu!

Bạn của cậu,

Vân Anh

Nguyễn Vân Anh

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi cuối kì 1 Tiếng Việt 4 chân trời Đề tham khảo số 1, Đề thi cuối kì 1 Tiếng Việt 4 CTST, đề thi Tiếng Việt 4 cuối kì 1 chân trời sáng tạo Đề tham khảo số 1

 

Bình luận

Giải bài tập những môn khác