Đề thi cuối kì 1 Tiếng Việt 4 CTST: Đề tham khảo số 6

Đề tham khảo số 6 cuối kì 1 Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm:

ĐIỀU MONG ƯỚC KÌ DIỆU

Đêm hè nóng nực, hai chị em ngồi hóng mát, giữa màn đêm lúc ấy bỗng có một ngôi sao vụt sáng, rạch qua bầu trời như một nhát kiếm chói lòa. Cậu em giật áo chị và nói:

- Chị ơi, em nghe người ta nói khi thấy sao đổi ngôi, mình mong ước điều gì thì hãy nói lên điều ước ấy. Thế nào cũng linh nghiệm!

Cô bé quay lại dịu dàng hỏi:

- Thế em muốn ước gì?

Nhớ đến bố con ông lão diễn trò ủ rũ bên đường hồi chiều, cậu em thủ thỉ:

- Ước gì… giấy trong thùng của ông lão biến thành tiền thật. Cô chị bèn cầm lấy tay em và nói với giọng đầy cảm động:

- À, chị bảo điều này…

- Gì ạ?

- À… à… không có gì. Chị chỉ nghĩ… ông cụ chắc cần tiền lắm!

Trong trí óc non nớt của cô bé bỗng hiện lên hình ảnh con lợn đất đựng tiền tiết kiệm cô để dành từ một năm nay trong góc tủ. Cô bé muốn dành cho bố con ông lão và cả em mình một niềm vui bất ngờ.

(Theo Hồ Phước Quả)

Câu 1 (0,5 điểm). Khi thấy sao đổi ngôi, cậu em đã làm gì?

  • A. Ngồi hóng mát và giật mình sợ hãi.
  • B. Ngồi hóng mát và thích thú reo lên.
  • C. Giật áo chị, nói với chị điều mình được nghe người ta nói.

Câu 2 (0,5 điểm). Cậu bé ước điều gì? Tại sao?

  • A. Được đi diễn trò vì cậu muốn có tiền giúp đỡ bố con ông lão bớt nghèo khổ.
  • B. Giấy trong thùng của ông lão biến thành tiền thật, vì thương bố con ông.
  • C. Ước bố con ông lão giàu có, vì cậu muốn mọi người đều giàu có.

Câu 3 (0,5 điểm). Cô chị đã nghĩ gì trước ước muốn của cậu em trai?

  • A. Dùng món tiền tiết kiệm của cô để giúp ông lão.
  • B. Tìm cách giúp em trai mình đạt được ước muốn.
  • C. Cảm động trước ước muốn giấy biến thành tiền thật.

Câu 4 (0,5 điểm). Theo em, hai chị em trong câu chuyện có phẩm chất gì đáng quý?

  • A. Thích xem sao đổi ngôi, tin vào những điều kì diệu.
  • B. Thương người, biết mang lại niềm vui cho người khác.
  • C. Tiết kiệm, biết dành dụm để có một khoản tiền.

Câu 5 (2,0 điểm). Đọc các câu dưới đây và cho biết câu nào sử dụng biện pháp nhân hóa và so sánh.

  • a. Quả sim giống hệt một con trâu mộng tí hon, béo tròn múp míp, còn nguyên cả lông tơ, chỉ thiếu chiếc khoáy.
  • b. Như một bà mẹ thương con, cây nhãn dồn tất cả sữa ngọt sữa ngon của mình lên các chùm quả.
  • c. Những quả nhãn no đầy sữa mẹ ngày lại càng dầm mưa hè, phơi nắng hè đã chín ngọt lịm.
  • d. Những cánh hoa mềm mại, dập dìu trong gió như những cánh bướm.

Câu 6 (2,0 điểm). Nêu tác dụng của dấu gạch ngang trong đoạn sau:

Sáng tháng chạp. Trời rét căm căm. Chợt tôi thấy bên đường, trước mặt tôi, một em bé trai quãng mười tuổi. Em đi đầu trần, mặt mũi đỏ ửng lên vì rét. Hai tay thủ trong túi, em đi rất nhanh.

- Chào bác - Em bé nói với tôi.

- Cháu đi đâu vậy? - Tôi hỏi em.

- Thưa bác, cháu đi học.

- Sáng nay rét lắm. Thế mà cháu vẫn đi à?

- Thưa bác, vâng. Rét lắm, mà nhà cháu lại không đốt lò sưởi. Chúng cháu rét cóng cả người.

B.  TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)

Câu 7. Viết đoạn văn (1,5 điểm)

Đề bài: Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc của em với một người gần gũi, thân thiết.

Câu 8. Viết bài văn (2,5 điểm)

Đề bài: Viết bài văn tả một con vật mà em đã từng thấy ở vườn thú hoặc trên tivi.

Hướng dẫn trả lời:

A. TIẾNG VIỆT: (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.  

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

C

B

A

B

2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 5 (2,0 điểm) Mỗi ý đúng được 0,5 điểm

  • a. Sử dụng biện pháp nhân hóa mô tả quả sim như một con trâu mộng.
  • b. Sử dụng phép tu từ nhân hóa cây nhãn như một người mẹ. Sử dụng pháp tu từ so sánh để so sánh cây nhãn như người mẹ.
  • c. Sử dụng phép nhân hóa quả nhãn như sữa mẹ.
  • d. Sử dụng biện pháp so sánh cánh hoa như cánh bướm.

Câu 6 (2,0 điểm) Mỗi ý đúng được 1,0 điểm

Sáng tháng chạp. Trời rét căm căm. Chợt tôi thấy bên đường, trước mặt tôi, một em bé trai quãng mười tuổi. Em đi đầu trần, mặt mũi đỏ ửng lên vì rét. Hai tay thủ trong túi, em đi rất nhanh.

- (1) Chào bác – (2) Em bé nói với tôi.

- (3) Cháu đi đâu vậy? – (4) Tôi hỏi em.

- (5) Thưa bác, cháu đi học.

- (6) Sáng nay rét lắm. Thế mà cháu vẫn đi à?

- (7) Thưa bác, vâng. Rét lắm, mà nhà cháu lại không đốt lò sưởi. Chúng cháu rét cóng cả người.

- Dấu gạch ngang (1), (3), (5), (6), (7) có tác dụng đánh dấu sự bắt đầu của lời nói của một nhân vật.

- Dấu gạch ngang (2), (4) có tác dụng đánh dấu phần chú thích trong câu.

B. LÀM VĂN: (4,0 điểm)

Câu 7:

Mẹ là người gần gũi, thân thiết với em nhất trong gia đình. Hằng ngày, một tay mẹ chăm sóc cho em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Mẹ cũng là người luôn ở bên động viên và chia sẻ với em những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống. Đối với em, mẹ vừa là một người thân, vừa là một người bạn tri kỷ để có thể tâm sự những điều thầm kín. Thương mẹ đi làm vất vả, hằng ngày em luôn chủ động trong việc học hành, không để mẹ phải nhắc nhở hay bận tâm. Em cũng dành thời gian rảnh, để phụ mẹ những công việc nhà mà mình có thể làm như phơi quần áo, quét nhà, tưới rau… Cả cuộc đời mẹ luôn tần tảo hi sinh cho con cái và gia đình, nên em mong mẹ lúc nào cũng khỏe mạnh và vui vẻ. Chỉ cần mẹ hạnh phúc và nở nụ cười tươi trên môi là em cảm thấy như bản thân mình cũng đang hạnh phúc vậy.

Câu 8:

    Trong kì nghỉ hè vừa rồi, em được bố mẹ cho lên Hà Nội – thủ đô của nước ta vui chơi và thăm quan. Gia đình em có ghé qua vườn thú tại đây. Ở đó có rất nhiều những con vật khác nhau mà em chưa từng nhìn thấy, nhưng để lại dấu ấn trong em sâu đậm nhất chính là con vẹt trong vườn thú.

    Đang bước đi, em chợt giật mình vì một tiếng kêu khác lạ: “Mở cửa ra!”. Hóa ra đó là tiếng kêu của con vẹt ở trong lồng ngay bên cạnh lối đi. Xét về vóc dáng, chú vẹt này có khác lạ so với các chú vẹt bình thường. Nó to hơn chứ không nhỏ nhắn như em vẫn hình dung ra khi nói đến vẹt. Bên cạnh nó, mấy chú chim bồ câu chỉ đáng là em út. Màu lông của nó cũng khác, đỏ rực chứ không phải là xanh lá cây. Tuy vậy nhìn nó, em vẫn nhận ra ngay là con vẹt. Cái mỏ màu ngà của nó đúng là mỏ vẹt: dài, nhọn hoắt, phần trên dài hơn phần dưới, lại khoằm xuống, uốn cong hình lưỡi câu. Cái mỏ ấy đã ngoạm vào vật gì thì phải biết, khó mà gỡ ra được. Đỡ lấy thân thon dài của nó là đôi chân đen khỏe, với những ngón chân cong dài và móng nhọn hoắt như những cái vuốt bằng thép. Lúc ấy, con vẹt đang đậu trên một thanh gỗ tròn nhỏ được treo bằng hai sợi dây sắt. Toàn bộ long của nó, từ cổ đến đuôi, trong giống chiếc áo choàng của một bà hoàng sang trọng. Hai chân nó cứ lần lượt chân trái trước chân phải sau, nhích dần từ dầu này đến đầu kia thanh gỗ, rồi lại đi ngược trở lại, trong như một người đang có chuyện băn khoăn suy nghĩ. Thỉnh thoảng nó đứng yên và kêu lên “mở cửa ra” bằng cái giọng the thé nghe đến buồn cười. Đi và nói một lúc chán, con vẹt nhảy đến đậu vào máng ăn. Ở đây có một quả chuối ăn dở. Nó cắm cái mỏ khoằm vào quả chuối, cắt nát ra, rồi há rộng mỏ, cắn một tiếng vào. Nuốt xong một miếng, nó suy ngẫm nghĩ một tí, rồi tiếp tục ăn miếng khác. Hết một phần quả chuối, xem chừng đã no, con vẹt lại nhảy lên cây gỗ, tiếp tục đi đi lại lại, đều gật gù ra vẻ khoái chí lắm.

     Sau lần đầu tiên vào vườn thú đó, mỗi lần đến đây chơi em đều đến thăm con vẹt quen thuộc. Mỗi khi nghe nó kêu lên “mở cửa ra” em đều giật mình. Em nghĩ: hay là nó đang nhớ rừng xanh của nó?


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi cuối kì 1 Tiếng Việt 4 chân trời Đề tham khảo số 6, Đề thi cuối kì 1 Tiếng Việt 4 CTST, đề thi Tiếng Việt 4 cuối kì 1 chân trời sáng tạo Đề tham khảo số 6

 

Bình luận

Giải bài tập những môn khác