Đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt 4 CTST: Đề tham khảo số 1

Đề tham khảo số 1 giữa kì 2 Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm:

CHUYỆN BÁN HÀNG

Những người bán ớt sẽ luôn gặp phải câu hỏi như thế này, “ớt của anh (chị) có cay không?”, gặp câu hỏi như thế thì phải trả lời sao đây nhỉ?

Nếu nói cay, những người sợ cay, họ sẽ bỏ đi ngay; còn nếu bảo không cay, cũng có thể khách hàng lại là người thích ăn cay, như vậy việc làm ăn lại gặp rủi ro.

Một ngày kia, không có việc gì làm, tôi đến đứng bên cạnh chiếc xe ba gác của một chị bán ớt, thử xem chị ấy giải quyết hai vấn đề hoàn toàn tương phản này như thế nào.

Nhân lúc không có người đến mua, tôi cố làm ra vẻ thông minh mà nói với chị ấy rằng: “Chị hãy chia số ớt này thành hai đống đi, nếu có người muốn mua cay thì cho họ đống này, còn nếu không, thì cho họ đống kia”. Chị bán ớt cười với tôi, dịu dàng nói: “Không cần đâu!” Đang nói thì một người đến mua, và điều thần kỳ đã xảy ra, rốt cuộc bà chủ đã nói thế nào nhỉ? Hãy mau xem tiếp...

      Quả nhiên chính là hỏi câu đó: “Ớt của chị có cay không?” Chị bán ớt rất chắc chắn mà bảo khách hàng rằng: “Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay!” Người mua ngỡ là thật, chọn xong liền trả tiền, vui lòng mà đi. Chẳng mấy chốc, những quả ớt có màu nhạt chẳng còn lại bao nhiêu.

      Lại có khách hàng đến, vẫn là câu hỏi đó: “Ớt của chị có cay không?” Chị bán ớt nhìn vào số ớt của mình một cái, liền mở miệng nói... Lần này bà chủ trả lời: “Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay!” Quả nhiên, người mua liền dựa theo tiêu chuẩn phân loại của chị mà bắt đầu chọn lựa. Kết quả lần này chính là, ớt dài rất nhanh đã hết sạch.

      Nhìn những quả ớt vừa ngắn vừa đậm màu còn sót lại, trong lòng tôi nghĩ: “Lần này xem chị còn nói thế nào đây?” Tuy thế, khi một khách hàng khác hỏi: “Ớt có cay không?” Chị bán ớt hoàn toàn tự tin mà trả lời rằng: “Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm không cay!”. Tôi thầm bội phục, không phải vậy sao, bị mặt trời phơi cả nửa ngày trời, quả thực có rất nhiều quả ớt vì mất nước mà trở nên nhũn đi. Chị bán ớt bán xong số ớt của mình, trước khi đi, chị nói với tôi rằng: “Cách mà cậu nói đó, thật ra những người bán ớt chúng tôi đều biết cả, còn cách của tôi thì chỉ có mình tôi biết thôi”. Thật là thần kỳ vậy! Chỉ cần một chút khéo léo, bà chủ đã bán ớt nhanh hơn.

Truyenngan.com.vn

Câu 1 (0,5 điểm). Lần đầu tiên chị bán ớt nói cho khách hàng mua ớt lựa chon theo tiêu chí nào?

  • A. Màu vàng thì cay, màu nhạt thì không cay
  • B. Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay
  • C. Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay

Câu 2 (0,5 điểm). Lần thứ ba, chị bán ớt nói cho khách mua ớt lựa chon theo tiêu chí nào?

  • A. Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay
  • B. Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay
  • C. Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm không cay

Câu 3 (0,5 điểm). Qua cách bán ớt, em thấy chị bán ớt là người như thế nào?

  • A. Là người hay thay đổi.
  • B. Là người thông minh, khéo léo trong bán hàng.
  • C. Là người không biết kinh doanh.

Câu 4 (0,5 điểm). Từ câu chuyện trên, em rút ra bài học gì cho bản thân?

  • A. Nên khéo léo xử lí các tình huống trong cuộc sống.
  • B. Nên học cách kinh doanh.
  • C. Tìm mọi cách để bán được hàng.

Câu 5 (2,0 điểm). Cho các từ ngữ sau: xinh đẹp, lộng lẫy, tươi đẹp, hùng vĩ, rực rỡ, tráng lệ, xinh xắn, huy hoàng. Xếp các từ ngữ trên vào hai nhóm:

  • a. Từ ngữ thể hiện vẻ đẹp bên ngoài của con người.
  • b. Từ ngữ chỉ vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật.

Câu 6 (2,0 điểm). Thêm vị ngữ thích hợp vào những câu sau:

  • a. Ngoài đồng, ………..
  • b. Trong thư viện, ………..
  • c. Để chuẩn bị cho lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, ………..
  • d. Gia đình tôi ……….. bằng máy bay.

B.   TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)

Câu 7. Nghe – viết (1,5 điểm)

Mùa thảo quả

Sự sống cứ tiếp tục trong âm thầm, hoa thảo quả nảy dưới gốc cây kín đáo và lặng lẽ. Ngày qua, trong sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông, những chùm hoa khép miệng bắt đầu kết trái. Thảo quả chín dần. Dưới đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót, như chứa lửa, chứa nắng. Rừng ngập hương thơm. Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.

Theo Ma Văn Kháng

Câu 8. Viết bài văn (2,5 điểm)

Đề bài: Viết bài văn miêu tả loại cây bóng mát ở trường của em.

Hướng dẫn trả lời:

A. TIẾNG VIỆT: (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.  

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

C

C

B

A

2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 5:

  • a. Từ ngữ thể hiện vẻ đẹp bên ngoài của con người: xinh đẹp, lộng lẫy, xinh xắn, rực rỡ.
  • b. Từ ngữ chỉ vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật: tươi đẹp, hùng vĩ, tráng lệ, huy hoàng.

Câu 6:

  • a. Ngoài đồng, đàn trâu đang ung dung gặm cỏ.
  • b. Trong thư viện, các em học sinh đang ngồi đọc sách.
  • c. Để chuẩn bị cho lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà trường tổ chức một cuộc thi biểu diễn văn nghệ.
  • d. Gia đình tôi đi du lịch Nha Trang bằng máy bay.

C. LÀM VĂN:

Câu 7:

Yêu cầu:

- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ

- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu

- Trình bày: đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng

Câu 8:

Tham khảo bài văn sau:

Mọi bạn trong lớp đều rất yêu cây bàng ở trước sân trường. Cây này đã được trồng từ lâu, và ngọn cây đã phát triển vượt lên mái hiên của văn phòng. Tuy chỉ là một tán lá mới, nhưng nó đủ to để che mát một góc sân trong những ngày nóng. Dưới tán lá xanh tươi, những cành cây xòe ra tứ phía, giống như những chiếc ô lớn. Một số cành thậm chí còn lớn hơn cả người lớn, và ở gần nách cành, chúng ta có thể nhìn thấy các cành to bằng cánh tay của một em nhỏ. Thân cây to như một vòng tay nhưng bề mặt lồi lõm và xù xì. Có những u lồi ra giống như những củ nâu lớn. Những u lồi ra này thật tiện lợi cho những em nghịch ngợm thích leo trèo và đu người lên cây. Rễ bàng rộng gần bằng tán cây và những rễ này là những "ghế" cố định để chúng ta ngồi đánh bài hoặc nghỉ giải lao trong giờ chơi.

Khi đến mùa thu, lá bàng chuyển sang màu vàng rồi đỏ sẫm khi đông về. Tán bàng chỉ còn lại những cành trơ trụi giống như bàn tay của những người già khó tính. Dưới gốc cây, rơi rất nhiều lá khô và cong như những cái bánh tráng. Buổi chiều, bác lao công quét lá lại để nấu nước cho các giáo viên. Ngay khi mưa đầu mùa tới, những búp bàng mới tí tách đã nảy mầm. Chúng giống như những ngọn nến xanh lung linh trên đầu cành. Đó là lúc mùa xuân đến và chỉ trong vài ngày nữa, tán bàng sẽ xòe rộng che mát cho chúng ta vui chơi và nô đùa trên sân trường.

Và khi rời xa mái trường thân yêu, chúng ta sẽ mang theo nhiều kỉ niệm đẹp về cây bàng thân thuộc đó, như một phần hồi ức đẹp về thời thơ ấu.

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt 4 chân trời Đề tham khảo số 1, đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt 4 CTST, đề thi Tiếng Việt 4 giữa kì 2 chân trời sáng tạo Đề tham khảo số 1

Bình luận

Giải bài tập những môn khác