a) Anh (chị) hãy phát biểu ý kiến của mình về nội dung của những câu sau: - Lời nói chẳng mất...

Luyện tập

Bài tập: trang 114 sgk Ngữ Văn 10 tập một

a) Anh (chị) hãy phát biểu ý kiến của mình về nội dung của những câu sau:

- Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

- Vàng thì thử lửa thử than

Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời

b) Trong đoạn trích dưới đây, ngôn ngữ sinh hoạt được biểu hiện ở dạng nào? Anh (chị) có nhận xét gì về việc dùng từ ngữ ở đoạn trích này?

Ông Năm Hiên đáp: 

- Sáng mai sớm, đi cũng không muộn. Tôi cần một người dẫn đường đến ao cá sấu đó. Có vậy thôi! Chừng một giờ đồng hồ sau là xong chuyện! Sấu ở ao giữa rừng, tôi bắt nhiều lần rồi. Bà con cứ tin tôi. Xưa nay, bị sấu bắt là người đi ghe xuồng hoặc ngồi rửa chén dưới bến, có bao giờ sấu rượt người ta giữa rừng mà ăn thịt? Tôi đây không tài giỏi gì hết, chẳng qua là biết mưu mẹo chút ít, theo như người khác thì họ nói đó là bùa phép để kiếm tiền. Nghề bắt sấu có thể làm giàu được, ngặt tôi không mang thứ phú quới đó [...]. Cực lòng biết bao nhiêu khi nghe ở miền Rạch Giá, Cà Mau này có nhiều con rạch, ngã ba mang tên Đầu Sấu, Lưng Sâu, Bàu Sấu sau này hỏi lại tôi mới biết đó là nơi ghê gớm, hồi xưa lúc đất còn hoang. Rạch Cà Bơ He, đó là chỗ sấu lội nhiều, người Miên sợ sấu không dám đi qua nên đặt tên như vậy, cũng như phá Tam Giang, truông nhà Hồ của mình ngoài Huế.

(Theo Sơn Nam, Bắt sấu rừng U Minh Hạ)


a) Nội dung những câu nói

  • Câu nói Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau là lời khuyên của cha ông ta đã để lại cho con cháu để khẳng định giá trị của lời nói của con người trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Lời nói là những thứ ta không thể nhìn thấy, không thể sờ và cảm nhận được. Chính vì thế nên lời nói không thể mua được bằng tiền. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận lời nói qua thính giác. Thế nhưng ý nghĩa của mỗi lời mà chúng ta nói ra có thể tác động tốt hoặc xấu tới người nghe. Bởi lẽ, tiếng Việt của chúng ta vốn dĩ đa thanh, đã nghĩa nên chúng ta cần phải cân nhắc, suy nghĩ trước khi nói một điều gì đó để tránh không làm tổn thương tới người khác, mà quan trọng hơn là người nghe có thể cảm thấy "vừa lòng". Một lời nói khéo léo, đúng thời điểm có thể sẽ khiến cho niềm vui được nhân đôi còn nỗi buồn thì sẽ vơi đi một nửa.
  • Câu nói Vàng thì thử lửa thử than/ Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời vẫn là một câu nói để khẳng định và đề cao giá trị của lời nói trong việc đánh giá, nhìn nhận một con người. Ông cha ta đã đưa ra các phép thử với vàng, với chuông để so sánh với cách thử người. Vàng thật thì không sợ lửa, có nung qua lửa nóng, than hồng thì vàng vẫn sẽ làng vàng. Một chiếc chuông tốt phải là một chiếc chuông có tiếng kêu vang và trong, không lẫn tạp chất. Cũng như vậy, một người ngoan ngoãn, có nề nếp phải là một con người có lời ăn tiếng nói chừng mực, có lễ độ nói những gì cần, đủ và thể hiện được sự tôn trọng, lịch sự với người đang nói chuyện cùng với mình

b) 

  • Trong đoạn trích, ngôn ngữ sinh hoạt được thể hiện ở dạng nói, qua lời nói của nhân vật trong tác phẩm Bắt sấu rừng U Minh Hạ. Lời nói của nhân vật là dạng mô phỏng, tái hiện ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày.
  • Cách dùng từ ngữ trong đoạn trích:
    • Nhân vật sử dụng những từ mang tính khẩu ngữ - đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt: ...là xong chuyện, rượt, ngặt tôi không mang thứ phú quới đó.
    • Ngôn ngữ mang đặc trưng của Nam Bộ: bà con cứ tin tôi, người đi ghe xuồng, rửa chén, thứ phú quới, những địa danh của miền sông nước Rạch Giá, Cà Mau, Đầu Sấu, Lưng Sấu, Bàu Sấu,...

=> Tác giả sử dụng khẩu ngữ và ngôn ngữ mang đặc trưng của người Nam Bộ khiến cho chân dung của nhân vật hiện lên rõ nét và không khí bao trùm lên cả tác phẩm chính là hình ảnh của sông nước miền Tây vừa trù phú, giàu có lại vừa nguy hiểm, dữ dằn


Bình luận

Giải bài tập những môn khác