Lý thuyết trọng tâm Ngữ văn 9 Kết nối bài 9: Yên Tử, núi thiêng (Thi Sảnh)

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 9: Yên Tử, núi thiêng (Thi Sảnh). Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

VĂN BẢN: YÊN TỬ, NÚI THIÊNG

MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:

- Nhận biết và phân tích được đặc điểm của loại văn bản giới thiệu danh lam thắng cảnh có kết hợp với việc giới thiệu di tích lịch sử, tác dụng của cách trình bày thông tin trong văn bản (trật tự thời gian, quan hệ nhân quả, các đối tượng phân loại, so sánh và đối chiếu,...)

- Nhân biết và phân tích được cách triển khai đặc thù của loại văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử. 

PHẦN I. TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1. Khám phá tri thức ngữ văn

- Văn bản giới thiệu một danh lam thắng cảnh: (1) cảnh quan; (2) thiên nhiên; (3) công trình; (4) tín ngưỡng; (5) không gian; (6) cấu trúc; (7) ý nghĩa; (8) phương tiện

- Văn bản giới thiệu một di tích lịch sử: văn bản giới thiệu một di tích lịch sử thuộc loại văn bản thuyết minh.

Nội dung của nó nói về những địa điểm, công trình (bao gồm cả di vật, cổ vật tồn tại trong đó) còn ghi dấu các sự kiện đáng nhớ của lịch sử đất nước, dân tộc, nhân loại.

- Cách trình bày thông tin trong văn bản thông tin:

+ Tuỳ vào mục đích và nội dung thông tin mà người viết sẽ chọn cách triển khai văn bản phù hợp.

+ Kiểu văn bản giới thiệu về một danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử thường được triển khai theo cách riêng: đi từ cái nhìn tổng quan đến miêu tả cụ thể các bộ phận hợp thành của đối tượng; trình bày xen kẽ tình trạng thực tế và lịch sử hình thành của đối tượng; chú ý đặt đối tượng giới thiệu vào đúng loại của nó để thực hiện những so sánh, đánh giá cần thiết.

2. Tác giả Thi Sảnh

Thi Sảnh (1941 - 2020) quê ở Quảng Trị, là nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hoá, đã viết nhiều tác phẩm, công trình về lịch sử, thắng cảnh, di tích của vùng đất mỏ Quảng Ninh.

PHẦN II. TÌM HIỂU VĂN BẢN

1. Đọc và tìm hiểu khái quát về văn bản

1.1. Đề tài

- Danh lam thắng cảnh.

1.2. Chủ đề 

- Giới thiệu cảnh quan của Yên Tử - một ngọn núi thiêng ở Việt Nam.

1.3. Bố cục

- Văn bản có thể chia thành 4 phần chính sau:

+ Phần 1 (từ đầu đến thêm quyến rũ du khách bốn phương): Giới thiệu khái quát về Yên Tử.

+ Phần 2 (từ Yên Tử ngày nay thuộc thành phố Uông Bí đến đến nơi mà mình mơ ước): Miêu tả một hành trình có thể lựa chọn để đến với danh sơn Yên Tử.

+ Phần 3 (từ Tên xa xưa của Yên Tử là Núi Voi đến chính là Phù Vân quốc sư?): Thuyết minh cụ thể về Yên Tử cùng các sự kiện, di tích có liên quan.

+ Phần 4 (đoạn còn lại): Khẳng định những yếu tố cốt lõi làm nên núi thiêng Yên Tử.

1.4. Các phương tiện giao tiếp trong văn bản

- Ngôn ngữ

- Phi ngôn ngữ: sơ đồ (sơ đồ khu di tích Yên Tử).

2. Hệ thống thông tin trong văn bản

2.1. Các thông tin và vai trò của thông tin trong văn bản

- Giới thiệu khái quát về Yên Tử:

+ Yên Tử là một ngọn núi cao 1 068 mét, nổi tiếng với cảnh quan hùng vũ, tươi đẹp và được nhìn nhận là "núi thiêng". Yên Tử đã được các triều đại phong kiến coi là một trong những "danh sơn" của Việt Nam.

+ Sau khi Thiền phái Trúc Lâm ra đời, hệ thống chùa tháp uy nghiêm đã được xây dựng, làm tăng thêm sự quyến rũ của Yên Tử.

+ Vai trò của thông tin này trong văn bản: Thiết lập cơ sở cho người đọc hiểu về ý nghĩa quan trọng của Yên Tử không chỉ về mặt địa lí, cảnh quan mà còn về mặt văn hoá, tâm linh. Nó cung cấp bối cảnh lịch sử và tôn giáo cần thiết để hiểu về các phần sau của văn bản.

- Miêu tả hành trình đến Yên Tử:

+ Văn bản miêu tả lộ trình chi tiết từ thành phố Uông Bí đến Yên Tử, bao gồm khoảng cách, địa điểm nghỉ ngơi và cảnh quan dọc theo hành trình. 

+ Vai trò của thông tin này trong văn bản: Phần này cung cấp một cái nhìn thực tế về việc di chuyển đến Yên Tử, giúp người đọc hình dung rõ ràng hơn về trải nghiệm thực tế khi tham quan Yên Tử.

- Thông tin thuyết minh cụ thể về Yên Tử cùng các sự kiện, di tích có liên quan:

+ Thông tin về lịch sử Yên Tử, các nhân vật lịch sử và tôn giáo quan trọng đã ảnh hưởng đến

nơi này cũng như các di tích và công trình kiến trúc.

+ Vai trò của thông tin này trong văn bản: Cung cấp chi tiết về giá trị lịch sử và tâm linh của Yên Tử, qua đó làm nổi bật vai trò của Yên Tử trong văn hoá và tôn giáo Việt Nam. Đồng thời những miêu tả này cũng thúc đẩy người đọc tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của các di tích được nhắc đến.

- Khẳng định những yếu tố cốt lõi làm nên núi thiêng Yên Tử:

+ Khám phá các yếu tố tâm linh, văn hoá và thiên nhiên kết hợp làm nên giá trị đặc biệt của Yên Tử, cũng như vai trò của nó trong Phật giáo Trúc Lâm.

+ Vai trò của thông tin này trong văn bản: Tổng kết và nhấn mạnh tầm quan trọng của Yên Tử không chỉ như một điểm du lịch mà còn là một trung tâm văn hoá, tâm linh quan trọng.

2.2. Trật tự trình bày thông tin trong văn bản

- Theo trình tự thời gian:

+ Hành trình cụ thể từ thành phố Uông Bí đến Yên Tử, đi sâu vào các địa điểm cụ thể dọc theo lộ trình và các chi tiết về cảnh quan tự nhiên. Cách trình bày này giúp người đọc có thể hình dung được hành trình thực tế từ thành phố Uông Bí đến Yên Tử.

+ Trong phần thuyết minh cụ thể về Yên Tử và các di tích, tác giả cung cấp thông tin mang tính lịch sử theo trình tự thời gian như sự hình thành và phát triển của Phật giáo và các nhân vật lịch sử có ảnh hưởng đến Yên Tử.

- Trình tự từ khái quát đến cụ thể: từ cái nhìn khái quát về Yên Tử, tác giả nêu bật vị trí, vẻ đẹp và sự quan trọng của nó trong lịch sử và văn hóa Việt Nam.

3. Phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản

3.1. Miêu tả: văn bản sử dụng sơ đồ khu di tích Yên Tử ở cuối bài viết.

Sơ đồ có các dòng kẻ nối liền các địa điểm, gợi ý về một lộ trình từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc. Các địa điểm có thể bao gồm các ngôi chùa, tháp và các địa điểm tham quan khác. Bên cạnh mỗi địa điểm có các chú thích và tên gọi.

3.2. Tác dụng

- Cung cấp một phương tiện trực quan để hỗ trợ thông tin về vị trí các địa điểm trong di tích được miêu tả trong văn bản. Điều này giúp người đọc dễ dàng hình dung lộ trình và vị trí tương đối của các địa điểm trong khu di tích.

- Giúp người đọc dễ dàng nắm bắt và ghi nhớ thông tin về vị trí của các điểm trong khu di tích.

4. Thái độ và quan điểm của người viết đối với thông tin được trình bày trong văn bản

- Tác giả thể hiện thái độ yêu mến, trân trọng và tự hào đối với Yên Tử.

- Biểu hiện:

+ Sử dụng ngôn ngữ gần gũi, sinh động, giàu màu sắc ngợi ca: Tác giả đề cập đến Yên Tử không chỉ là một danh thắng tự nhiên mà còn là nơi hội tụ của tín ngưỡng Phật giáo, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm ("núi thiêng", "mọc lên chi chít", "quyến rũ du khách bốn phương" ... ).

+ Việc miêu tả chi tiết cảnh sắc thiên nhiên và hành trình đến Yên Tử qua từng suối, thác, ngọn núi, và cả đời sống văn hoá của những người hành hương cho thấy sự trân trọng đối với vẻ đẹp và ý nghĩa của nơi này.

+ Tác giả giới thiệu về hành trình đến Yên Tử như sự mời gọi độc giả tham gia vào chuyến hành trình, cảm nhận và khám phá vẻ đẹp cũng như ý nghĩa của nó.

PHẦN III. TỔNG KẾT

- Nội dung: văn bản đề cập đến Yên Tử - ngọn núi thiêng có tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử, văn hoá và tâm linh của người Việt Nam. Văn bản không chỉ đơn thuần miêu tả một địa điểm du lịch mà còn khám phá các yếu tố lịch sử và văn hoá, tâm linh, gắn liền với núi Yên Tử, đặc biệt là vai trò của nó trong sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm và như là một điểm hành hương thiêng liêng cho người dân.

- Hình thức văn bản: ngôn ngữ phong phú, sinh động; cách thức tổ chức thông tin phù hợp; kết hợp sử dụng ngôn ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ ;…


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Ngữ văn 9 KNTT bài 9: Yên Tử, núi thiêng (Thi Sảnh), kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 9: Yên Tử, núi thiêng (Thi Sảnh), Ôn tập Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 9: Yên Tử, núi thiêng (Thi Sảnh)

Bình luận

Giải bài tập những môn khác