Đề thi giữa kì 1 Tiếng Việt 4 Cánh diều: Đề tham khảo số 2

Đề tham khảo số 2 giữa kì 1 Tiếng Việt 4 Cánh diều gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm:

CÔ GIÁO VÀ HAI EM NHỎ

Nết sinh ra đã bất hạnh với bàn chân trái thiếu ba ngón. Càng lớn, đôi chân Nết lại càng teo đi và rồi Nết phải bò khi muốn di chuyển.

Khi em Na vào lớp Một, ở nhà một mình Nết buồn lắm, chỉ mong Na chóng tan trường về kể chuyện ở trường cho Nết nghe. Na kể rất nhiều về cô giáo: tà áo dài của cô trắng muốt, miệng cô cười tươi như hoa, cô đi nhẹ nhàng đến bên từng học sinh dạy các bạn viết, vẽ... Nghe Na kể, Nết ước mơ được đi học như Na.

Trong một tiết học vẽ, cô giáo cầm vở vẽ của Na. Na vẽ một cô gái đang cầm đôi đũa nhỏ đứng bên một cô gái. Na giải thích: “ Em vẽ một cô tiên đang gõ đôi đũa thần chữa đôi chân cho chị em, để chị em cũng được đi học”. Cô giáo ngạc nhiên khi biết chị gái Na bị tật nguyền. Tối hôm ấy, cô đến thăm Nết. Biết Nết ham học, mỗi tuần ba buổi tối, cô dạy Nết học.

Còn một tháng nữa là kết thúc năm học. Mấy hôm nay, cô giáo thường kể cho 35 học trò của mình về một bạn nhỏ. Đôi chân bạn ấy không may bị tê liệt nên bạn phải ngồi xe lăn nhưng bạn vẫn quyết tâm học. Có lúc đau tê cứng cả lưng nhưng bạn vẫn cố viết và viết rất đẹp. Năm học sau, bạn ấy sẽ vào học cùng các em. Nghe cô kể, mắt Na sáng lên, Na vui và tự hào về chị mình lắm.

Bố mẹ Nết rơm rớm nước mắt khi biết nhà trường sẽ đặc cách cho Nết vào học lớp Hai. Còn Nết, cô bé đang hình dung cách cô giáo cùng các bạn nhỏ xúm xít đầy chiếc xe lăn.

(Theo Tâm huyết nhà giáo)

Câu 1. (0,5 điểm) Hoàn cảnh của Nết có gì đặc biệt?

  • A. Bị tật bẩm sinh và càng lớn đôi chân càng teo đi.
  • B. Gia đình Nết khó khăn nên Nết không được đi học.
  • C. Nết mồ côi cha mẹ từ nhỏ.

Câu 2. (0,5 điểm) Em học được ở Nết điều gì?

  • A. Lòng lương thiện, thường xuyên giúp đỡ người khác.
  • B. Lòng lạc quan, sự kiên trì vượt qua khó khăn, chăm chỉ học hành.
  • C. Sự tự tin vào khả năng của mình.

Câu 3. (0,5 điểm) Vì sao cô giáo lại biết được hoàn cảnh của Nết mà giúp đỡ bạn?

  • A. Vì cô giáo gặp Nết ngồi xe lăn trên đường đi dạy về.
  • B. Vì Na đã kể cho cô nghe về hoàn cảnh của chị mình.
  • C. Vì cô giáo đọc được hoàn cảnh của Nết trên báo.

Câu 4. (0,5 điểm) Câu chuyện muốn gửi gắm thông điệp gì?

  • A. Chúng ta phải chăm chỉ học tập để trở thành người có ích cho xã hội.
  • B. Chúng ta phải biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
  • C. Chúng ta cần phải biết yêu thương, giúp đỡ mọi người xung quanh để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.

Câu 5. (1,5 điểm) Điền các dấu ngoặc kép vào vị trí thích hợp trong những câu sau:

  • a. - Em hãy đọc lại bài thơ Mùa xuân nho nhỏ cho cả lớp cùng nghe.
  • b. Câu chuyện cổ tích Thạch Sanh đã cho chúng ta thấy hình ảnh một chàng Thạch Sanh dũng cảm, lương thiện.
  • c. Cô ấy đang đọc cuốn Cô bé bán diêm.

Câu 6. (2,5 điểm) Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Những chị lúa phất phơ bím tóc

Những cậu tre bá vai nhau thì thầm đứng học

Đàn cò áo trắng

Khiêng nắng

Qua sông

Cô gió chăn mây trên đồng

Bác mặt trời đạp xe qua đỉnh núi.

(Em kể chuyện này - Trần Đăng Khoa)

  • a. (1,0 điểm) Chỉ ra các hình ảnh nhân hóa trong đoạn thơ trên.
  • b. (1,5 điểm) Phân tích tác dụng của biện pháp nhân hóa.

Câu 7. Nghe – viết (1,5 điểm)

Lá bàng

Có những cây mùa nào cũng đẹp như cây bàng. Mùa xuân, lá bàng mới nảy trông như những ngọn lửa xanh. Sang hè, lá lên thật dày, ánh sáng xuyên qua chỉ còn là màu ngọc bích. Khi lá bàng ngả sang màu lục, ấy là mùa thu. Sang đến những ngày cuối đông, mùa của lá rụng, nó lại có vẻ đẹp riêng. Những lá bàng mùa đông đỏ như đồng ấy, tôi có thể nhìn cả ngày không chán. Năm nào tôi cũng chọn lấy mấy lá thật đẹp về phủ một lớp dầu mỏng, bày lên bàn viết. Bạn có biết nó gợi lên chất liệu gì không? Chất sơn mài.

Đoàn Giỏi

Câu 8. Viết bài văn (2,5 điểm)

Đề bài: Viết bài văn tả một loại cây bóng mát mà em yêu thích

Hướng dẫn trả lời:

A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

A

B

B

C

2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 5 (1,5 điểm)

  • a. – Em hãy đọc lại bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” cho cả lớp cùng nghe.
  • b. Câu chuyện cổ tích “Thạch Sanh” đã cho chúng ta thấy hình ảnh một chàng Thạch Sanh dũng cảm, lương thiện.
  • c. Cô ấy đang đọc cuốn “Cô bé bán diêm”.

Câu 6 (2,5 điểm)

  • a.  Hình ảnh nhân hóa: chị lúa phất phơ bím tóc, cậu tre bá vai nhau thì thầm đứng học, đàn cò áo trắng khiêng nắng, cô gió chăn mây, bác mặt trời đạp xe.

    b.  Tác dụng của biện pháp nhân hóa:

    - Làm các sự vật trở nên sinh động, có hồn, mang những dáng vẻ và có những hành động như con người.

    - Làm hiện nên bức tranh đồng quê tươi đẹp, phong phú.

    - Thể hiện nét tinh nghịch, hồn nhiên của tác giả khi quan sát, miêu tả các sự vật.

B. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Câu 7:

Yêu cầu:

- Viết đúng kiểu chữ thường, cỡ nhỏ

- Viết đúng chính tả các từ ngữ, dấu câu

- Trình bày đúng theo mẫu, chữ viết sạch và rõ ràng

Câu 8:

Tham khảo bài viết sau:

    Trong sân trường em có trồng rất nhiều loài cây cho bóng mát, trong đó loài cây bàng là loài cây em yêu thích nhất, cũng là người chứng kiến bao vui buồn của học sinh chúng em.

   Chẳng hiểu cây được trồng từ năm nào mà nay ngọn đã vượt mái hiên nhà văn phòng. Nói là ngọn nhưng chỉ là cái tân lá tròn như cái bánh giầy to tướng che mát một góc sân. Vào những ngày hè oi bức, đứng dưới gốc bàng như đứng dưới một cái ô che nắng. Dưới tán lá xanh um, những cành bàng xòe ra tứ phía như những gọng ô lớn vậy. Có vài cành không theo kịp chúng bạn chạm tới tán lá, là là ngang đầu người lớn. Ở gần nách cành, những cành này to bằng cánh tay em, nhẵn thín vì những vết chân nhún nhảy hoặc những bàn tay nắm lấy để đu người của các bạn nam cao lớn. Thân bàng to bằng một vòng tay em nhưng xù xì, lồi lõm. Giữa thân có mấy cái u lồi ra như những củ nâu to ai gắn vào đó. Những cái u lồi ra đó thật tiện cho mấy bạn nghịch ngợm thích leo trèo, bám vào thân cây, đặt chân lên mấy bậc đã với tới tán bàng. Rễ bàng lan rộng gần bằng tán bàng. Nhiều cái rễ rộp lên to bằng thân cây hồng, uốn lượn trên mặt đất. Đó cũng là những chiếc "ghế" cố định cho chúng em ngồi đánh bài trong giờ ra chơi hay nghỉ giải lao trong các buổi lao động.

    Tiết thu đến, lá bàng chuyển dần sang màu vàng rồi hung hung và đỏ sẫm lúc đông về. Cả tán bàng sum suê chỉ còn lại những cành trơ trụi khẳng khiu trông như bàn tay của những ông già khó tính.

    Dưới gốc bàng, phủ đầy những lớp lá khô cong như những cái bánh tráng. Chiều chiều, bác lao công quét gom lại để nấu nước cho các thầy cô giáo uống. Chỉ mấy hạt mưa bay đầu mùa em đã nghe các chồi non tí tách nứt mầm. Các búp bàng trông giống những ngọn nến xanh lung linh khắp đầu cành. Ấy là lúc mùa xuân đến. Chẳng bao ngày nữa, tán bàng xòe rộng che mát cho chúng em vui chơi, nô đùa ở sân trường.

    Rồi đây, đến ngày xa mái trường thân yêu, em sẽ mang theo nhiều kỉ niệm của thời thơ ấu bên gốc bàng thân thuộc giữa sân trường này như một hồi ức đẹp.

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi giữa kì 1 Tiếng Việt 4 cánh diều Đề tham khảo số 2, đề thi giữa kì 1 Tiếng Việt 4 CD, đề thi Tiếng Việt 4 giữa kì 1 cánh diều Đề tham khảo số 2

 

Bình luận

Giải bài tập những môn khác