Đề thi cuối kì 1 Tiếng Việt 4 Cánh diều: Đề tham khảo số 8

Đề tham khảo số 8 cuối kì 1 Tiếng Việt 4 Cánh diều gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm:

CÁNH DIỀU TUỔI THƠ

Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều.

Chiều chiều, trên bãi thả, đám trẻ mục đồng chúng tôi hò hét nhau thả diều thi. Cánh diều mềm mại như cánh bướm. Chúng tôi vui sướng đến phát dại nhìn lên trời. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, sáo kép rồi sáo bè,… như gọi thấp xuống những vì sao sớm.

Ban đêm, trên bãi thả diều thật không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác diều đang trôi trên dải Ngân hà. Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Có cái gì cứ cháy lên, cháy mãi trong tâm hồn chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu đấy là những ước mơ, khát vọng. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bao giờ cũng hy vọng khi tha thiết cầu xin: “Bay đi diều ơi! Bay đi!” Cánh diều tuổi ngọc ngà bay đi, mang theo nỗi khát khao của tôi.

(Theo Tạ Duy Anh)

Câu 1 (0,5 điểm). Bài văn tả gì?

  • A. Cánh diều bay trong gió.
  • B. Một buổi thả diều vào ban đêm huyền ảo.
  • C. Niềm vui sướng và những khát vọng tốt đẹp mà trò chơi thả diều mang lại.

Câu 2 (0,5 điểm). Trẻ em có những ước mơ, khát vọng đẹp khi thả diều như thế nào?

  • A. Trên bãi thả, đám trẻ mục đồng hò hét nhau thả diều thi… vui sướng đến phát dại nhìn lên trời.
  • B. Có cảm giác diều đang trôi trên dải ngân hà. Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ.
  • C. Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời…

Câu 3 (0,5 điểm). Tác giả gọi là “Cánh diều tuổi thơ” vì sao?

  • A. Vì chỉ có trẻ em mới thích chơi trò thả diều.
  • B. Vì những niềm vui sướng, những ước mơ, khát vọng của tuổi thơ được nâng lên từ những cánh diều.
  • C. Vì chơi thả diều quen được rất nhiều bạn bè thời thơ ấu.

Câu 4 (0,5 điểm). Trong câu văn: “Cánh diều mềm mại như cánh bướm”, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?

  • A. Nhân hóa
  • B. So sánh.
  • C. Nhân hóa và so sánh.

Câu 5 (2,0 điểm). Tìm các vật, hiện tượng tự nhiên được nhân hóa trong những đoạn thơ sau và cho biết chúng được nhân hóa bằng cách nào?

Chim mừng, ríu cánh vỗ

Rủ nhau về càng đông

Cào cào áo xanh, đỏ

Giã gạo ngay ngoài đồng.

Hạt níu hạt trĩu bông

Đung đưa nhờ chị gió

Mách tin mùa chín rộ

Đến từng ngõ, từng nhà.

(Quang Khải)

Câu 6 (1,0 điểm). Điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau bằng một từ ngữ phù hợp trong ngoặc đơn:

Hơi lạnh vẫn còn vương khắp đất trời nhưng cậu nhận ra mùa xuân đến gần lắm. Những cành cây ………… (khỏe mạnh, khẳng khiu) chống lại cái lạnh của mùa đông đã ………… (nhú, nở) những lộc biếc đầu tiên. Màu xanh ………… (êm dịu, êm ả) làm đất trời ………… (sáng rực, sáng bừng) lên sức sống. Và sắc màu mùa xuân cũng bắt đầu ………… (nhen, nhóm) lên trên những cánh hoa nở sớm.

(Theo Lục Mạnh Cường)

Câu 7 (1,0 điểm). Nêu công dụng của dấu gạch ngang trong đoạn sau:

Chương trình học bổng “Vì mái trường xanh” đã đến với các em học sinh khắp ba miền Bắc − Trung − Nam.

B. TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)

Đề bài: Viết bài văn tả một loài hoa mà em yêu thích.

Hướng dẫn trả lời:

A. TIẾNG VIỆT: (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm) 

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

C

C

B

B

2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 5 (2,0 điểm)

- Các vật, hiện tượng tự nhiên được nhân hóa trong đoạn thơ: chim, cào cào, gió, hạt lúa.

- Chúng được nhân hóa bằng cách:

+ Gọi vật, hiện tượng tự nhiên bằng những từ ngữ chỉ người.

+ Dùng từ ngữ chỉ hoạt động, đặc điểm của người để kể, tả về vật, hiện tượng tự nhiên.

Câu 6 (1,0 điểm)

Hơi lạnh vẫn còn vương khắp đất trời nhưng cậu nhận ra mùa xuân đến gần lắm. Những cành cây khẳng khiu chống lại cái lạnh của mùa đông đã nhú những lộc biếc đầu tiên. Màu xanh êm dịu làm đất trời sáng bừng lên sức sống. Và sắc màu mùa xuân cũng bắt đầu nhen lên trên những cánh hoa nở sớm.

Câu 7 (1,0 điểm)

Dấu gạch ngang dùng để nối các từ ngữ trong một liên danh.

B. LÀM VĂN: (4,0 điểm)

Tham khảo bài viết sau:

     Chưa có mùa xuân nào vườn hoa nhà em lại nở nhiều bông như mùa xuân năm nay. Hình như chúng đua nhau thi tài khoe sắc, xem ai đón xuân đúng ngày đúng tháng theo dự kiến của cô chủ nhà. Vừa mới hai mươi sáu, hai mươi bảy Tết, chúng đã rục rịch hé nở những cánh hoa đầu tiên dưới nắng xuân hồng. Nào hồng, nào huệ, nào cúc, lay ơn, thược dược… loài nào cũng đẹp, cũng xinh, nhưng em thích nhất vẫn là loài cúc trắng.

     Ai cũng nghĩ bông cúc thì phải có màu vàng. Đúng như thế. Song chỉ có vậy, hóa ra loài cúc đơn điệu về màu sắc thế ư? Không! Vườn nhà em có loài cúc trắng. Nó không chỉ nở về mùa thu không thôi mà suốt quanh năm, cúc trắng vườn em cứ đơm bông khoe sắc với trời đất, vẫn nở nụ cười chúm chím lúc rạng đông rồi cười tươi một cách hồn nhiên đón nắng mai vàng khi ông mặt trời lên cao rực rỡ.

     Cũng giống hệt như hoa cúc vàng, vẻ đẹp của cúc trắng chẳng kém phần lộng lẫy, lại còn thêm vẻ trinh trắng kiêu sa hơn cúc vàng một bậc. Cũng những cánh hoa nhỏ li ti, cũng hương thơm thoang thoảng dịu dàng, vậy mà em thích nó hơn nhiều hoa cúc vàng đấy! Cúc mọc thành từng khóm, thân cây chi chít, chen chúc lẫn nhau như muốn đứng tựa vào nhau bởi thân mềm mảnh mai như cành liễu. Lá mọc thẳng từng chùm xòe ra như những bàn tay. Hình lá nhỏ, cong mềm mại, mọc so le nhưng rất dày. Vì thế nhìn khóm cúc tưởng như nó xòe lan ra mặt đất như loài thân có dây. Lá cúc xanh quanh năm, một màu xanh dìu dịu. Còn bông thì nở theo từng tháng, mỗi đợt đến gần nửa tháng hoa mới tàn. Vài ngày sau đã bắt đầu điểm nụ. Có lẽ quanh năm dường như lúc nào cũng thấy bông có ở đầu cành. Dù nắng hạ mưa đông, tiết trời thay đổi, cúc vẫn không quên nở hoa và cũng không vì thế mà kém cả hương sắc. Lúc nào hoa cũng tròn xoe, trắng muốt, kiêu hãnh xếp đặt cánh bao quanh nhụy. Và lúc nào cũng được ong bướm bầu bạn đông vui.

     Cây cúc trắng không gợi nhớ mùa thu như cúc vàng, mùa xuân như vạn thọ, mai, đào. Nó là một loài hoa tứ quý, luôn trang điểm cho đời thêm đẹp thêm vui. Có thể từ đặc điểm có tính riêng biệt này mà làm cho em yêu loài hoa này nhất.

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi cuối kì 1 Tiếng Việt 4 cánh diều Đề tham khảo số 8, Đề thi cuối kì 1 Tiếng Việt 4 CD, đề thi Tiếng Việt 4 cuối kì 1 cánh diều Đề tham khảo số 8

Bình luận

Giải bài tập những môn khác