Đề thi cuối kì 1 Tiếng Việt 4 Cánh diều: Đề tham khảo số 7

Đề tham khảo số 7 cuối kì 1 Tiếng Việt 4 Cánh diều gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm:

HAI BÀ TRƯNG DỰNG NỀN ĐỘC LẬP

Bà Trưng quê ở châu Phong

Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.

Chị em nặng một lời nguyền,

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân,

Ngàn Tây nổi áng phong trần,

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.

Hồng quần nhẹ bức chinh yên,

Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành.

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta…

(Đại Nam quốc sử diễn ca)

Câu 1 (0,5 điểm). Bài thơ ca ngợi cuộc khởi nghĩa của ai?

  • A. Hai Bà Trưng.
  • B. Bà Triệu.
  • C. Tô Định.

Câu 2 (0,5 điểm). Vì sao Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa?

  • A. Vì quân giặc tham bạo và trả thù cho chồng.
  • B. Vì để lên làm vua.
  • C. Vì đã có lời nguyền.

Câu 3 (0,5 điểm). Hai Bà Trưng khởi nghĩa đuổi ai ra khỏi lãnh thổ nước ta?

  • A. Lĩnh Nam.
  • B. Tô Định.
  • C. Mê Linh.

Câu 4 (0,5 điểm). Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là gì?

  • A. Đuổi Tô Định ra khỏi lãnh thổ nước ta.
  • B. Giành độc lập cho dân tộc, thể hiện tinh thần yêu nước của dân tộc, thể hiện bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam.
  • C. Đánh đuổi quân địch đang lăm le xâm lược nước ta.

Câu 5 (2,0 điểm). Chỉ ra sự vật được nhân hóa trong đoạn văn sau và nêu tác dụng của biện pháp nhân hóa được sử dụng?

Mùa xuân, ngày nào cũng là ngày hội. Muôn loài vật trên đồng lũ lượt kéo nhau đi. Những anh chuồn ớt đỏ thắm như ngọn lửa. Những cô chuồn chuồn kim nhịn ăn để thân hình mảnh dẻ, mắt to, mình nhỏ xíu, thướt tha bay lượn. Các chú bọ ngựa vung gươm tập múa võ trên những chiếc lá to. Các ả cánh cam diêm dúa, các chị cào cào xoè áo lụa đỏm dáng,... Đạo mạo như bác giang, bác dế cũng vui vẻ dạo chơi trên bờ đầm.

(Theo Xuân Quỳnh)

Câu 6 (2,0 điểm). Tìm các tính từ trong đoạn văn dưới đây và xem nó thuộc tính từ chỉ đặc điểm của sự vật hay tính từ chỉ đặc điểm của hoạt động?

Ánh nắng lướt đi rất nhanh, đổi màu thoăn thoắt: vàng ruộm trên cánh đồng thơm nồng mùa gặt, nâu  sẫm trên luống đất vừa gieo hạt, đỏ rực trên mái  ngói, xanh mướt trên những vườn cây um tùm,... Đi qua đồng cỏ, bất chợt nắng thấy cái gì nhỏ xíu,  tròn xoe nấp kín đáo trong một ngọn cỏ. Nắng đậu xuống nhè nhẹ, chậm rãi. À, thì ra là một giọt sương  bé nhỏ không chịu tan đi dù mặt trời đã lên cao.

(Theo Ngọc Minh)

B. TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)

Câu 7. Viết đoạn văn (1,5 điểm)

Đề bài: Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc của em với một người gần gũi, thân thiết.

Câu 8. Viết bài văn (2,5 điểm)

Đề bài: Viết bài văn tả một loại cây ăn quả mà em thích.

Hướng dẫn trả lời:

A. TIẾNG VIỆT: (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

A

A

B

B

2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 5 (2,0 điểm)

- Các sự vật được nhân hóa trong đoạn văn: chuồn chuồn, bọ ngựa, cánh cam, cào cào, giang, dế.

- Tác dụng của biện pháp nhân hóa được sử dụng: giúp cho thế giới loài vật trở nên gần gũi và sinh động hơn.

Câu 6 (2,0 điểm)

- Tính từ chỉ đặc điểm của sự vật: vàng ruộm, thơm nồng, nâu sẫm, đỏ rực, xanh mướt, um tùm, nhỏ xíu, tròn xoe, bé nhỏ, cao.

- Tính từ chỉ đặc điểm của hoạt động: nhanh, thoăn thoắt, nhè nhẹ, chậm rãi.

B. LÀM VĂN: (4,0 điểm)

Câu 7:

Mẹ là người gần gũi, thân thiết với em nhất trong gia đình. Hằng ngày, một tay mẹ chăm sóc cho em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Mẹ cũng là người luôn ở bên động viên và chia sẻ với em những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống. Đối với em, mẹ vừa là một người thân, vừa là một người bạn tri kỉ để có thể tâm sự những điều thầm kín. Thương mẹ đi làm vất vả, hằng ngày em luôn chủ động trong việc học hành, không để mẹ phải nhắc nhở hay bận tâm. Em cũng dành thời gian rảnh, để phụ mẹ những công việc nhà mà mình có thể làm như phơi quần áo, quét nhà, tưới rau… Cả cuộc đời mẹ luôn tần tảo hi sinh cho con cái và gia đình, nên em mong mẹ lúc nào cũng khỏe mạnh và vui vẻ. Chỉ cần mẹ hạnh phúc và nở nụ cười tươi trên môi là em cảm thấy như bản thân mình cũng đang hạnh phúc vậy.

Câu 8:

Tham khảo bài viết sau:

     Vườn nhà em trồng rất nhiều cây ăn quả: cây xoài, cây mít, cây ổi,... nhưng em thích nhất là cây cam được ông trồng giữa vườn.

     Cây được ông lấy giống từ miền nam về. Cây không cao lắm, nhưng tán cây xòe rộng ra, trông xa như chiếc ô xanh khổng lồ. Thân cây khá lớn, cả một vòm tay em ôm mới xuể. Toàn thân cây khoác lên chiếc áo màu nâu xỉn. Ngay từ mặt đất cây đã được phân thành hai cành lớn. Lá cam to hơn lá chanh, mỗi cuống lá thường có một chiếc gai nhọn. Hôm trước em sơ ý đụng phải chiếc gai, chiếc gai đã làm em đau lắm.

     Cây cam đã được trồng hơn 4 năm nên cây đã lớn. Nhờ có sự chăm bón chu đáo và tỉ mỉ của ông nên cây rất tươi tốt. Thân, cành, lá xanh bóng. Trong những cuống lá xuất hiện từng chùm hoa cam. Hoa cam trắng muốt, nhụy vàng. Đặc biệt nhất là mùi hương của cây cam, hương thơm ngan ngát tỏa khắp khu vườn. Rồi đã đến mùa trái rộ, quả cam to, mập và chắc.

     Khi đã lớn quả cam to bằng quả bóng nhỏ, xanh thẫm. Mỗi cành có dăm ba quả. Nhìn quả cam lủng lẳng trên cành, em rất thích. Quả chín vào cuối năm, cả cây vàng rực lấn át cả màu xanh của lá. Vị cam ngọt đậm đà ẩn bên trong những múi cam mọng nước. Cam là loại trái cây chứa nhiều vi-ta-min. Khi cam chín, mẹ em lại hái những quả cam chín mọng, rửa sạch sẽ thắp hương sau đó cả gia đình quây quần thưởng thức vị ngọt của cam.

     Em rất thích ăn cam. Em tự nhủ sẽ giúp ông chăm bón cây cam cho cây cam tươi tốt hơn.

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi cuối kì 1 Tiếng Việt 4 cánh diều Đề tham khảo số 7, Đề thi cuối kì 1 Tiếng Việt 4 CD, đề thi Tiếng Việt 4 cuối kì 1 cánh diều Đề tham khảo số 7

Bình luận

Giải bài tập những môn khác