Đề thi cuối kì 2 tiếng Việt 5 CTST: Đề tham khảo số 3

Trọn bộ Đề thi cuối kì 2 tiếng Việt 5 CTST: Đề tham khảo số 3 bộ sách mới Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2

TIẾNG VIỆT 5 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO 

  1. PHẦN TIẾNG VIỆT (10,0 điểm)

1. Đọc thành tiếng (3,0 điểm)

Giáo viên kiểm tra đọc thành tiếng đối với từng HS. 

Nội dung kiểm tra: Các bài đã học từ chủ điểm 5 đến chủ điểm 8, giáo viên ghi tên bài, số trang vào phiếu, gọi HS lên bốc thăm và đọc thành tiếng. Mỗi HS đọc một đoạn văn, thơ khoảng 100 tiếng/phút (trong bài bốc thăm được) sau đó trả lời một câu hỏi về nội dung của đoạn đọc do giáo viên nêu.

2. Đọc hiểu văn bản kết hợp tiếng Việt (7,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: (3,0 điểm)

Hành trình của bầy ong 

Bầy ong bay đến trọn đời tìm hoa

Không gian là nẻo đường xa

Thời gian vô tận mở ra sắc màu.

 

Tìm nơi thăm thẳm rừng sâu

Bập bùng hoa chuối, trắng màu hoa ban.

Tìm nơi bờ biển sóng tràn

Hàng cây chắn bão dịu dàng mùa hoa.

Tìm nơi quần đảo khơi xa

Có loài hoa nở như là không tên...

 

Bầy ong rong ruổi trăm miền

Rù rì đôi cánh nối liền mùa hoa.

Nối rừng hoang với biển xa

Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào.

(Nếu hoa có ở trời cao

Thì bầy ong cũng mang vào mật thơm)

 

Chắt trong vị ngọt mùi hương

Lặng thầm thay những con đường ong bay.

Trải qua mưa nắng vơi đầy

Men trời đất đủ làm say đất trời.

Bầy ong giữ hộ cho người

Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.

NGUYỄN ĐỨC MẬU 

Câu 1 (0,5 điểm). Bầy ong trong bài thơ đi đến những đâu để tìm hoa?

A. Rừng sâu, biển khơi, quần đảo xa.

B. Chỉ trong khu vườn gần nhà.

C. Những cánh đồng lúa và rừng núi.

D. Các thành phố lớn.

Câu 2 (0,5 điểm). Tác giả đã sử dụng hình ảnh bầy ong để nói lên điều gì?

A. Những thử thách trong cuộc sống.

B. Vẻ đẹp hoang dã của thiên nhiên.

C. Sự bay bổng và tự do của loài ong.

D. Những con người lặng thầm lao động, cống hiến cho đời.

Câu 3 (0,5 điểm). Câu thơ “Men trời đất đủ làm say đất trời” thể hiện điều gì?

A. Sự hòa quyện kỳ diệu giữa thiên nhiên và công sức của bầy ong.

B. Vẻ đẹp của hoa lá trong tự nhiên.

C. Hành trình mệt mỏi của bầy ong.

D. Tác dụng của mật ong đối với con người.

Câu 4 (0,5 điểm). Vì sao bầy ong được xem như biểu tượng của sự cống hiến thầm lặng?

A. Vì ong luôn bay khắp nơi mà không ngừng nghỉ.

B. Vì ong không phô trương mà mang lại giá trị ngọt ngào qua mật.

C. Vì ong không chọn lọc hoa đẹp hay xấu.

D. Vì ong chỉ làm việc vì lợi ích của loài mình.

Câu 5 (0,5 điểm). Hình ảnh bầy ong trong bài thơ tượng trưng cho điều gì?

A. Vẻ đẹp của thiên nhiên.

B. Sự cần cù, bền bỉ và gắn kết.

C. Cuộc sống đầy thách thức.

D. Loài vật sống tự do.

Câu 6 (0,5 điểm). Nội dung chính của bài thơ “Hành trình của bầy ong” là gì?

A. Bầy ong chăm chỉ làm mật và hành trình tìm hoa.

B. Bầy ong bay khắp nơi để mang sắc màu cho thiên nhiên.

C. Bầy ong tượng trưng cho những con người cần cù, kết nối những vùng đất.

D. Bầy ong chỉ sống ở những vùng rừng sâu và biển khơi.

Luyện từ và câu: (4,0 điểm)

Câu 7 (2,0 điểm). Chọn từ thích hợp trong các từ sau: hòa bình, chiến tranh, hữu nghị, độc lập tự do, đoàn kết để điền vào chỗ trống.

a) Các quốc gia trên thế giới cần chung tay bảo vệ ________ để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

b) Những người dân vùng bị ________ luôn mong mỏi ngày trở lại cuộc sống yên vui.

c) Tình ________ giữa các dân tộc giúp con người sống gần gũi, hiểu biết lẫn nhau.

d) Nhờ sự ________, đất nước ta đã vượt qua mọi khó khăn thử thách để phát triển.

e) ________ là mong muốn của tất cả mọi người trên thế giới.

Câu 8 (2,0 điểm) Điền từ ngữ nối thích hợp vào chỗ trống để liên kết các câu trong đoạn văn và nêu tác dụng của các từ đó: 

a) Nam học rất giỏi toán. ______, cậu ấy cũng đam mê các môn nghệ thuật.

b) Cô giáo luôn khuyến khích chúng em sáng tạo trong học tập. ______, cô tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích.

c) Các bạn đã làm việc rất chăm chỉ suốt tuần qua. ______, kết quả đạt được thật đáng tự hào.

d) Lan rất cố gắng ôn luyện cho kỳ thi. ______, cô bé vẫn dành thời gian giúp đỡ bạn bè cùng học tập. 

B. PHẦN VIẾT - TẬP LÀM VĂN (10,0 điểm)

Câu 9 (2,0 điểm):  Chính tả nghe – viết:  GV cho HS viết một đoạn trong bài “Miền đất xanh” (SGK TV5, Chân trời sáng tạo – trang 98) Từ đầu cho đến “Khe Sanh đang xanh trở lại”.

Câu 10 (8,0 điểm): Em hãy viết đoạn văn giới thiệu về một nhân vật trong một cuốn sách mà em đã nghe, đã đọc. 

TRƯỜNG TH ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ 2 (2024-2025)

MÔN: TIẾNG VIỆT 5 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO 

A. PHẦN TIẾNG VIỆT: (10,0 điểm) 

1. Đọc thành tiếng (3,0 điểm)

- Đánh giá, cho điểm. Giáo viên đánh giá, cho điểm dựa vào những yêu cầu sau:

+ Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu (không quá 1 phút): 0,5 điểm

(Đọc từ trên 1 phút – 2 phút: 0,25 điểm; đọc quá 2 phút: 0 điểm)

+ Đọc đúng tiếng, đúng từ, trôi chảy, lưu loát: 1 điểm

(Đọc sai từ 2 đến 4 tiếng: 0,5 điểm; đọc sai 5 tiếng trở lên: 0 điểm)

+ Ngắt nghỉ hơi ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 0,5 điểm

(Ngắt nghỉ hơi không đúng từ 2 – 3 chỗ: 0,25 điểm; ngắt nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở lên: 0 điểm)

+ Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm

(Trả lời chưa đầy đủ hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: 0,5 điểm; trả lời sai hoặc không trả lời được: 0 điểm)

* Lưu ý: Đối với những bài tập đọc thuộc thể thơ có yêu cầu học thuộc lòng, giáo viên cho học sinh đọc thuộc lòng theo yêu cầu.

2. Đọc hiểu văn bản kết hợp tiếng Việt (7,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.   

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

Câu 5

Câu 6

A

D

A

B

B  

C  

Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 7 (2,0 điểm) Xác định được đúng mỗi câu được 0,4 điểm:

a) Các quốc gia trên thế giới cần chung tay bảo vệ hòa bình để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

b) Những người dân vùng bị chiến tranh luôn mong mỏi ngày trở lại cuộc sống yên vui.

c) Tình hữu nghị giữa các dân tộc giúp con người sống gần gũi, hiểu biết lẫn nhau.

d) Nhờ sự đoàn kết, đất nước ta đã vượt qua mọi khó khăn thử thách để phát triển.

e) Độc lập tự do là mong muốn của tất cả mọi người trên thế giới.

Câu 8 (2,0 điểm) Mỗi ý đúng được 0,5 điểm:

a) Nam học rất giỏi toán. Bên cạnh đó, cậu ấy cũng đam mê các môn nghệ thuật.

Tác dụng: Từ nối “bên cạnh đó” giúp bổ sung thêm thông tin về sở thích và khả năng toàn diện của Nam, làm câu văn thêm mạch lạc.

b) Cô giáo luôn khuyến khích chúng em sáng tạo trong học tập. Ngoài ra, cô tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích.

Tác dụng: Từ nối “ngoài ra” bổ sung ý, làm rõ thêm sự tận tâm và phương pháp giảng dạy phong phú của cô giáo.

c) Các bạn đã làm việc rất chăm chỉ suốt tuần qua. Do đó, kết quả đạt được thật đáng tự hào.

Tác dụng: Từ nối “do đó” thể hiện mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, nhấn mạnh thành quả của sự cố gắng.

d) Lan rất cố gắng ôn luyện cho kỳ thi. Tuy vậy, cô bé vẫn dành thời gian giúp đỡ bạn bè cùng học tập.

Tác dụng: Từ nối “tuy vậy” thể hiện quan hệ tương phản, làm nổi bật tinh thần hỗ trợ lẫn nhau của Lan dù đang bận rộn. 

B. PHẦN VIẾT - TẬP LÀM VĂN: (10,0 điểm)

Câu 9: Phần chính tả nghe – viết:

- GV đọc cho HS viết, thời gian HS viết bài khoảng 15 phút.

- Đánh giá, cho điểm: Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ và đúng theo đoạn văn (thơ) 2 điểm.

- Học sinh viết mắc từ 2 lỗi chính tả trong bài viết (sai – lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh; không viết hoa đúng quy định): trừ 0,5 điểm.

Câu

Nội dung đáp án

 

Câu 10

(8,0 điểm)

1. Viết được đoạn văn có bố cục đầy đủ, rõ ràng

A. Câu mở đầu (1,0 điểm)

- Giới thiệu chung về cuốn sách:

  • Tên sách và tác giả.

  • Nêu nội dung khái quát của cuốn sách.

  • Giới thiệu nhân vật mà em muốn trình bày (tên nhân vật, vai trò trong câu chuyện).

B. Các câu tiếp theo (3,0 điểm)

- Nêu hoàn cảnh của nhân vật:

  • Tên, tuổi. 

  • Xuất thân. 

- Tả ngoại hình nhân vật: Miêu tả các đặc điểm nổi bật của nhân vật (dáng người, khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, cách ăn mặc).

- Tả tính cách và phẩm chất của nhân vật: 

  • Những đức tính tốt đẹp hoặc những điểm đặc trưng của nhân vật (ví dụ: dũng cảm, thông minh, hiền hậu, kiên cường).

  • Các hành động hoặc lời nói của nhân vật thể hiện rõ tính cách.

- Nêu ấn tượng của em về nhân vật:  

  • Nhân vật làm em cảm thấy như thế nào (yêu quý, khâm phục, thương cảm)?

  • Điều gì ở nhân vật khiến em ấn tượng nhất?

C. Câu kết thúc (1,0 điểm)

- Khẳng định tình cảm, cảm xúc của em dành cho nhân vật.

- Nêu bài học hoặc thông điệp mà nhân vật mang đến.

- Khuyến khích bạn bè đọc cuốn sách để hiểu thêm về nhân vật.

2. Chữ viết đẹp, đúng chính tả, trình bày sạch đẹp, đúng quy định thể hiện qua bài viết. 

3. Sử dụng câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng nghĩa, rõ nghĩa và sử dụng đúng các dấu câu trong bài. 

4. Bài viết có sự sáng tạo: có cảm xúc, ý văn rõ ràng, lôi cuốn người đọc…

* Tuỳ từng mức độ sai sót về ý, diễn đạt và chữ viết mà GV cho điểm phù hợp.

 
Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo, trọn bộ đề thi tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo, Đề thi cuối kì 2 tiếng Việt 5

Bình luận

Giải bài tập những môn khác