Đề thi cuối kì 2 tiếng Việt 5 CTST: Đề tham khảo số 2
Trọn bộ Đề thi cuối kì 2 tiếng Việt 5 CTST: Đề tham khảo số 2 bộ sách mới Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2
TIẾNG VIỆT 5 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO
PHẦN TIẾNG VIỆT (10,0 điểm)
1. Đọc thành tiếng (3,0 điểm)
Giáo viên kiểm tra đọc thành tiếng đối với từng HS.
Nội dung kiểm tra: Các bài đã học từ chủ điểm 5 đến chủ điểm 8, giáo viên ghi tên bài, số trang vào phiếu, gọi HS lên bốc thăm và đọc thành tiếng. Mỗi HS đọc một đoạn văn, thơ khoảng 100 tiếng/phút (trong bài bốc thăm được) sau đó trả lời một câu hỏi về nội dung của đoạn đọc do giáo viên nêu.
2. Đọc hiểu văn bản kết hợp tiếng Việt (7,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi: (3,0 điểm)
Lòng yêu nước
Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho mỗi công dân Xô viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương. Người vùng Bắc nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô, thân cây mọc là là mặt nước, nghĩ đến những đêm tháng sáu sáng hồng và tiếng “cô nàng” gọi đùa người yêu. Người xứ U-crai-na nhớ bóng thùy dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh, vào lúc ấy, đời sống thấy đầy đủ và phong phú thay, vào lúc ấy, thời gian dường như không trôi đi nữa. Chỉ có tiếng ong bay khẽ xua động cái yên lặng trọng thể. Người xứ Gru-di-a ca tụng khí trời của núi cao, những tảng đá sáng rực và nỗi vui bất chợt của một dòng suối óng ánh bạc, vị mát của nước đóng thành băng, rượu vang cay sẽ tu trong bọc đựng rượu bằng da dê, những lời thân ái giản dị và những tiếng cuối cùng của câu chào tạm biệt vọng lại. Người ở thành Lê-nin-grát bị sương mù quê hương ám ảnh, nhớ dòng sông Nê-va rộng và đường bệ như nước Nga đường bệ, nhớ những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên, và lá hoa rực rỡ của công viên mùa hè, nhớ phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử. Người Mát-xcơ-va nhớ như thấy lại những phố cũ chạy ngoằn ngoèo lan man như một hoài niệm, để rồi đổ ra những đại lộ của thành phố mới. Xa nữa là điện Krem-li, những tháp cổ ngày xưa, dấu hiệu vinh quang của đất nước Nga và những ánh sao đỏ của ngày mai.
(còn tiếp)
Theo I.Ê-ren-bua
Câu 1 (0,5 điểm). Theo tác giả, lòng yêu nước ban đầu được hình thành từ đâu?
A. Những cảnh đẹp nổi tiếng.
B. Những điều giản dị như cây cối, phố nhỏ, và hương vị trái cây.
C. Những bài học lịch sử về quê hương.
D. Những chiến công trong chiến tranh.
Câu 2 (0,5 điểm). Người dân xứ U-crai-na thường nhớ điều gì về quê hương?
A. Dòng sông Nê-va rộng lớn.
B. Khí trời mát lạnh của núi cao.
C. Bóng thùy dương tư lự và cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh.
D. Những con phố cũ chạy ngoằn ngoèo.
Câu 3 (0,5 điểm). Trong bài, điện Krem-li được nhắc đến như biểu tượng của điều gì?
A. Một thành phố hiện đại.
B. Dấu hiệu vinh quang và ánh sao đỏ của ngày mai.
C. Một công trình kiến trúc cổ.
D. Một niềm tự hào lịch sử.
Câu 4 (0,5 điểm). Vì sao người Lê-nin-grát nhớ đến dòng sông Nê-va?
A. Vì dòng sông Nê-va rộng lớn và tượng trưng cho sự đường bệ của nước Nga.
B. Vì dòng sông này là nơi họ sinh ra và lớn lên.
C. Vì dòng sông có những con thuyền tấp nập.
D. Vì dòng sông này chảy qua những cánh đồng rộng lớn.
Câu 5 (0,5 điểm). Tại sao thời gian “dường như không trôi đi nữa” trong ký ức của người xứ U-crai-na?
A. Vì họ đang thưởng thức sự yên tĩnh trọng thể của trưa hè.
B. Vì họ chìm trong nỗi nhớ quê hương.
C. Vì họ không muốn rời xa quê hương.
D. Vì thời gian không quan trọng với họ.
Câu 6 (0,5 điểm). Ý nghĩa chính của bài đọc là gì?
A. Mỗi người dân đều yêu quý quê hương mình vì những vẻ đẹp độc đáo riêng.
B. Quê hương Xô Viết là nơi có nhiều cảnh đẹp nhất thế giới.
C. Lịch sử và truyền thống là yếu tố chính để khơi dậy lòng yêu nước.
D. Lòng yêu nước chỉ thể hiện khi đất nước lâm nguy.
Luyện từ và câu: (4,0 điểm)
Câu 7 (2,0 điểm). Điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống để liên kết các câu trong đoạn văn:
a) Học sinh lớp 5A đang tập trung học bài. ______ chăm chú đọc sách, ghi chép cẩn thận từng câu, từng chữ.
b) Minh rất yêu thích bóng đá. Vì vậy, ______ thường tham gia các trận bóng của trường tổ chức.
c) Chúng em vừa học bài, vừa chuẩn bị cho ngày hội sắp tới. Công việc tuy vất vả nhưng ______ rất vui.
d) Chiếc áo này là món quà sinh nhật của mẹ tặng tôi. _________ rất vừa vặn và đẹp.
Câu 8 (2,0 điểm) Điền từ ngữ nối thích hợp vào chỗ trống để liên kết các câu trong đoạn văn và nêu tác dụng của các từ đó:
a) Cả lớp rất yêu quý cô giáo chủ nhiệm. ______, cô luôn tận tâm dạy dỗ và chăm sóc chúng em.
b) Sáng nay trời mưa to, ______ buổi dã ngoại của chúng em phải hoãn lại.
c) Lan là học sinh giỏi toàn diện. ______, bạn ấy còn rất nhiệt tình giúp đỡ bạn bè.
d) Các bác nông dân đang gặt lúa. ______, trẻ em trong làng cùng nhau chơi đùa vui vẻ.
PHẦN VIẾT - TẬP LÀM VĂN (10,0 điểm)
Câu 9 (2,0 điểm): Chính tả nghe – viết: GV cho HS viết một đoạn trong bài “Bài ca Trái Đất” (SGK TV5, Chân trời sáng tạo – trang 90) Từ đầu cho đến “cho Trái Đất quay!”.
Câu 10 (8,0 điểm): Em hãy viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc của mình về bài thơ đã nghe, đã đọc về tình yêu quê hương, đất nước.
TRƯỜNG TH ........
HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ 2 (2024-2025)
MÔN: TIẾNG VIỆT 5 – CHÂN TRỜI SÁNG TẠO
A. TIẾNG VIỆT: (6,0 điểm)
1. Đọc thành tiếng (3,0 điểm)
- Đánh giá, cho điểm. Giáo viên đánh giá, cho điểm dựa vào những yêu cầu sau:
+ Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu (không quá 1 phút): 0,5 điểm
(Đọc từ trên 1 phút – 2 phút: 0,25 điểm; đọc quá 2 phút: 0 điểm)
+ Đọc đúng tiếng, đúng từ, trôi chảy, lưu loát: 1 điểm
(Đọc sai từ 2 đến 4 tiếng: 0,5 điểm; đọc sai 5 tiếng trở lên: 0 điểm)
+ Ngắt nghỉ hơi ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 0,5 điểm
(Ngắt nghỉ hơi không đúng từ 2 – 3 chỗ: 0,25 điểm; ngắt nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở lên: 0 điểm)
+ Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm
(Trả lời chưa đầy đủ hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: 0,5 điểm; trả lời sai hoặc không trả lời được: 0 điểm)
* Lưu ý: Đối với những bài tập đọc thuộc thể thơ có yêu cầu học thuộc lòng, giáo viên cho học sinh đọc thuộc lòng theo yêu cầu.
2. Đọc hiểu văn bản kết hợp tiếng Việt (7,0 điểm)
Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.
Câu 1 | Câu 2 | Câu 3 | Câu 4 | Câu 5 | Câu 6 |
B | C | B | A | A | A |
Luyện từ và câu (4,0 điểm)
Câu 7 (2,0 điểm) Xác định được đúng mỗi câu được 0,5 điểm:
a) Học sinh lớp 5A đang tập trung học bài. Các bạn chăm chú đọc sách, ghi chép cẩn thận từng câu, từng chữ.
b) Minh rất yêu thích bóng đá. Vì vậy, cậu ấy thường tham gia các trận bóng của trường tổ chức.
c) Chúng em vừa học bài, vừa chuẩn bị cho ngày hội sắp tới. Công việc tuy vất vả nhưng mọi người rất vui.
d) Chiếc áo này là món quà sinh nhật của mẹ tặng tôi. Nó rất vừa vặn và đẹp.
Câu 8 (2,0 điểm) Mỗi ý đúng được 0,5 điểm:
a) Cả lớp rất yêu quý cô giáo chủ nhiệm. Bởi vì cô luôn tận tâm dạy dỗ và chăm sóc chúng em.
Tác dụng: Từ nối "Bởi vì" giải thích lý do tại sao cả lớp yêu quý cô giáo, làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hai câu.
b) Sáng nay trời mưa to, vì vậy buổi dã ngoại của chúng em phải hoãn lại.
Tác dụng: Từ nối "vì vậy" liên kết hai câu theo quan hệ nguyên nhân - kết quả, thể hiện hậu quả của việc trời mưa to.
c) Lan là học sinh giỏi toàn diện. Không những thế, bạn ấy còn rất nhiệt tình giúp đỡ bạn bè.
Tác dụng: Từ nối "Không những thế" bổ sung thông tin để làm nổi bật thêm phẩm chất tốt đẹp của Lan.
d) Các bác nông dân đang gặt lúa. Trong khi đó, trẻ em trong làng cùng nhau chơi đùa vui vẻ.
Tác dụng: Từ nối "Trong khi đó" thể hiện mối quan hệ thời gian, nhấn mạnh sự diễn ra đồng thời của hai sự việc.
B. PHẦN VIẾT - TẬP LÀM VĂN: (10,0 điểm)
Câu 9: Phần chính tả nghe – viết:
- GV đọc cho HS viết, thời gian HS viết bài khoảng 15 phút.
- Đánh giá, cho điểm: Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ và đúng theo đoạn văn (thơ) 2 điểm.
- Học sinh viết mắc từ 2 lỗi chính tả trong bài viết (sai – lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh; không viết hoa đúng quy định): trừ 0,5 điểm.
Câu | Nội dung đáp án | |
Câu 10 (8,0 điểm) | 1. Viết được đoạn văn có bố cục đầy đủ, rõ ràng A. Câu mở đầu (1,0 điểm) - Giới thiệu bài thơ đã đọc hoặc nghe (tên bài thơ, tác giả). - Nêu ấn tượng đầu tiên về bài thơ: cảm xúc ban đầu (xúc động, tự hào, yêu thương, gắn bó). B. Các câu tiếp theo (3,0 điểm) - Nêu cảm nhận của em về nội dung của bài thơ:
- Nêu tình cảm của em dành cho quê hương, đất nước qua bài thơ:
- Nêu hình ảnh / câu thơ mà em yêu thích nhất:
C. Câu kết thúc (1,0 điểm) - Khẳng định bài thơ đã giúp mình thêm yêu quê hương, đất nước như thế nào. - Nêu bài học hoặc suy nghĩ sâu sắc hơn sau khi đọc bài thơ. 2. Chữ viết đẹp, đúng chính tả, trình bày sạch đẹp, đúng quy định thể hiện qua bài viết. 3. Sử dụng câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng nghĩa, rõ nghĩa và sử dụng đúng các dấu câu trong bài. 4. Bài viết có sự sáng tạo: có cảm xúc, ý văn rõ ràng, lôi cuốn người đọc… * Tuỳ từng mức độ sai sót về ý, diễn đạt và chữ viết mà GV cho điểm phù hợp. |
Đề thi tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo, trọn bộ đề thi tiếng Việt 5 Chân trời sáng tạo, Đề thi cuối kì 2 tiếng Việt 5
Bình luận