Phân tích tác phẩm Mời trầu

Câu hỏi 4. Phân tích tác phẩm Mời trầu


Hồ Xuân Hương là nhà thơ nổi tiếng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Ở giai đoạn lịch sử này, chế độ phong kiến suy tàn đã bộc lộ những hạn chế, bất công. Hồ Xuân Hương đã gửi gắm vào thơ những suy tư, trăn trở trước hiện thực của xã hội, trước thân phận bất hạnh của con người, nhất là người phụ nữ. Những tác phẩm thơ Nôm tiêu biểu của bà thời kì này không thể không kể đến bài thơ “Mời trầu”.

Mời trầu cũng như nhiều bài thơ khác của Hồ Xuân Hương thuộc thể tuyệt cú cổ điển. Đấy là một thể Đường luật thi, một thứ văn chương bác học. Nhưng đọc “Mời trầu” không ai có ý nghĩ đây là bài thơ Đường du nhập từ Trung Quốc vào qua những nhà trí thức Hán học. Có một cái gì thật là nôm na dân dã ở lời thơ hết sức bình dị và giọng điệu mộc mạc.

Hình ảnh miếng trầu đã mang đến cho chúng ta những liên tưởng về miếng trầu truyền thống gắn liền với những niềm vui như đám cưới, nó cũng gắn liền với những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam trong sự tích trầu cau. Còn ở đây thì sao?. Miếng trầu ấy thể hiện được nỗi lòng Xuân Hương khao khát có một tình yêu thật sự, một hạnh phúc vợ chồng đời thường êm ấm, nồng đượm.

Trước hết hai câu thơ đầu nhà thơ nói về miếng trầu ấy và chủ nhân làm ra miếng trầu ấy chính là Xuân Hương:

“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương mới quệt rồi”

Miếng trầu ấy có quả cau, có lá trầu. Hai thứ ấy đi liền với nhau để làm nên một miếng trầu. Hình ảnh những miếng trầu têm xanh ngắt cánh phượng mới đẹp làm sao. Quả cau thì nho nhỏ gợi lên cái hình ảnh nhỏ bé của miếng trầu nhưng lại rất đẹp. Sự nhỏ bé ấy hay cũng chính là sự nhỏ bé của thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Miếng trầu hôi không phải là nó có mùi hôi mà do lá trầu cay nên nói như thế. Hình ảnh miếng trầu có ngàn năm tuổi như thể hiện cho nguyện ước khát khao lứa đôi của bà chúa thơ Nôm. Người sở hữu miếng trầu ấy chính là nhà thơ. Từ “này” thể hiện được tiếng mời, tiếng xưng danh của Xuân Hương. Miếng trầu ấy mới quệt xong, nó vẫn còn tươi xanh, ngọt bùi lắm. Miếng trầu của Xuân Hương không khác gì miếng trầu bình thường khác về hình thức nhưng miếng trầu ấy chất chứa biết bao nhiêu là tâm sự là nỗi lòng của người con gái kia. Đó chính là miếng trầu của lòng khao khát hạnh phúc lứa đôi của thi sĩ.

Thế nhưng, sau tấm chân tình gần như bình thản ấy là một giọng nói nhẹ nhàng chất chứa bao cảm xúc, bao nỗi niềm.

“Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá, bạc như vôi”.

Hồ Xuân Hương đưa ra một câu hỏi vừa đưa ra một yêu cầu. “Có phải duyên nhau thì thắm lại”. Từ “thắm” sử dụng rất đắt. “Duyên” theo quan niệm dân gian là sự ràng buộc lẫn nhau từ kiếp trước đến kiếp này, Hồ Xuân Hương muốn nói đến cái duyên ấy. Hai câu thơ đầu nói về chuyện ăn trầu, hai câu cuối chuyển sang chuyện duyên số, chuyện con người vậy mà ý thơ vẫn liền mạch, không gò bó chứng tỏ tài dùng ẩn dụ của nhà thơ đến mức tuyệt vời. Nhà thơ còn vận dụng thành ngữ, tục ngữ trong câu kết làm cho ý thơ thật đặc sắc.

Bài thơ không chỉ đơn giản nói về duyên trầu mà Hồ Xuân Hương đã nói đến duyên phận của con người, của người phụ nữ thời phong kiến. Cái duyên ấy bấp bênh bạc bẽo như vôi. Như trong một số bài khác bà có nhắc nhiều đến duyên phận của người phụ nữ ‘thân em vừa trắng lại vừa tròn – bảy nổi ba chìm với nước non” (Bánh trôi nước). Qua đó gợi lòng thương cảm tới những con người có niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi, một tình yêu son sắt thủy chung.

Với ngôn từ giản dị, giàu ý nghĩa, bài thơ “Mời trầu” như bao quát chuyện tình duyên lận đận của tác giả. Bà luôn khao khát sống với hạnh phúc lứa đôi. Đó là một tình cảm thật sự chứ không phải là thứ tình cảm vợ lẽ, chính vì thế mà ta cảm thấy yêu quý hơn người phụ nữ tài ba ấy.


Trắc nghiệm Ngữ văn 8 cánh diều bài 7 Mời trầu

Bình luận

Giải bài tập những môn khác