Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe nói về lòng dũng cảm hoặc trí thông minh của con người.

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương trình Tiếng Việt lớp 4 bộ kết nối tri thức. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe nói về lòng dũng cảm hoặc trí thông minh của con người.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Bài tham khảo 1:

Câu chuyện mà tôi kể cho các bạn nghe sau đây có tựa đề là "ở lại với chiến khu". Chuyện kể về các chiến sĩ nhỏ tuổi xin được ở lại chiến khu, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc. Chuyện xảy ra như sau: Tối hôm ấy, ông Trung đoàn trưởng đến lán của các em nhỏ. Nhìn khắp các chú bé một lượt, ông nhỏ nhẹ nói:

- Các em ạ! Hoàn cảnh ở chiến khu hiện nay rất khó khăn, sắp tới sẽ còn khó khăn hơn. Tuổi nhỏ của các em khó lòng vượt qua được. Vì thế, em nào muôn trở về với gia đình thì trung đoàn sẽ cho các em về. Các em nghĩ sao? Nghe Trung đoàn trưởng nói vậy, các bạn nhỏ lặng người đi. Ai cũng cảm thấy cổ họng mình tắc nghẹn. Lượm - một bạn nhỏ bước đến bên đống lửa đang cháy rực, giọng bạn rung lên:

- Em xin được ở lại. Thà chết ở chiến khu chứ nhất định em không về ở chung, ở lộn với bọn Tây cướp nước và bọn Việt gian bán nước. Cả đội nhao nhao theo:

- Chúng em xin ở lại. Thấy được quyết tâm và tình cảm tha thiết của các em muốn ở lại, ông Trung đoàn trưởng ứa nước mắt nói trong sự xúc động:

- Nếu các em đều xin ở lại, anh sẽ về báo cáo lại với ban chỉ huy nguyện vọng của các em.

Chuyện là vậy đấy. Các bạn nhỏ của chúng ta thật dũng cảm, không sợ gian khổ hi sinh sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho đất nước cho quê hương, thật đáng khâm phục.

Bài tham khảo 2:

"Mùa hoa lê ki ma nở ở quê ta miền đất đỏ.
Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng."

Đó là những câu hát về Võ Thị Sáu - nữ du kích dũng cảm, đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Dù chị Sáu đã ra đi, nhưng hình ảnh về người con gái can trường, dũng cảm, không bao giờ đầu hàng quân địch vẫn còn sống mãi trong trái tim hàng triệu triệu người dân Việt Nam.

Mọi người gọi chị Võ Thị Sáu với cái tên thân thương "Chị Sáu" để thể hiện niềm tiếc thương, yêu quý, trân trọng người Anh hùng tuổi nhỏ của lực lượng vũ trang nhân dân. Chị đã tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi - lứa tuổi so với thế hệ học trò chúng em bây giờ vẫn đang là tuổi hồn nhiên, được vui chơi, học hành. Vậy mà chị đã mưu trí và năng nổ nhiệt thành tham gia vào hoạt động cách mạnh cứu nước đầy gian lao, hiểm nguy. Vào tháng 12 năm 1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, chị đã bị quân Pháp bắt được, bị đày ra Côn Đảo và xử tử hình.

Trên pháp trường, chị Sáu không hề run sợ trước cái chết, vẫn cười vui và cất lên tiếng hát. Cũng bởi vậy, câu chuyện về người thiếu nữ dũng cảm ấy mãi là hình ảnh bất tử, tiêu biểu cho người anh hùng dân tộc Việt Nam.

Bài tham khảo 3:

Lòng dũng cảm là một phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay, và ngày nay tinh thần đó vẫn được gìn giữ và phát huy. Tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm đó chính là tấm gương của anh Nguyễn Văn Nam ở Nghệ An đã hy sinh thân mình để cứu bốn bạn giữa dòng nước xoáy.

Không chỉ có gia đình em mà tất cả mọi người khi xem ti vi và đọc báo đều khâm phục trước tinh thần dũng cảm của anh Nguyễn Văn Nam, một học sinh lớp mười hai tại huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An, thêm vào đó là sự xót thương trước sự ra đi của anh.

Hôm đó là ngày 30/4 cả nước được nghỉ nhân kỉ niệm ngày “Giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước” trong khi anh Nam đang đi bắt chim thì nghe thấy tiếng kêu thất thanh của một bạn ở gần bờ sông, anh vội chạy ra thì thấy những cánh tay đang chới với giữa dòng nước xoáy. Không chút do dự anh đã lao xuống dòng nước để cứu người, có tất cả bốn bạn, sau khi đưa được ba bạn vào bờ anh tiếp tục quay trở lại để cứu bạn cuối cùng, khi vào gần đến bờ do đã kiệt sức anh đã dùng hết sức đẩy mạnh bạn đó vào để ba bạn trên bờ kéo lên còn bản thân anh đã bị dòng nước cuốn trôi đi mất, thấy vậy các bạn vội đi gọi người cứu nhưng không kịp, và phải mất một thời gian sau đó, gia đình và lực lượng công an mới tìm thấy thi thể của anh. Những bức ảnh được đưa lên báo hay trên ti vi ta thấy được nỗi đau, sự mất mát hằn sâu trên khuôn mặt của gia đình anh Nam, tất cả mọi người đều đau xót và cảm động. Vẫn còn đó là ước mơ và hoài bão của anh với hy vọng thi đỗ vào một trường đại học, để làm rạng danh gia đình – bố mẹ và bà của anh vừa khóc vừa kể với các nhà báo, nhưng anh đã ra đi trong sự vinh quang với một hành động cao đẹp của mình để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè và tất cả mọi người.

Anh Nguyễn Văn Nam là một tấm gương tiêu biểu cho lòng dũng cảm, anh được nhà trường và Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh tại nơi anh theo học tuyên dương và khen thưởng về hành động của mình. Hành động của anh như một sự thức tỉnh đối với những ai có thái độ sống thờ ơ, vô cảm đối với những người xung quanh, chỉ biết lo cho bản thân mình.

Anh Nguyễn Văn Nam xứng đáng là một tấm gương sáng về lòng dũng cảm để chúng ta học tập và noi theo, nó thể hiện một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một đạo lý làm người mà mỗi chúng ta cần phải có.

Bài tham khảo 4:

Đất nước Việt Nam nhỏ bé nhưng chưa bao giờ thiếu những con người tài hoa, mưu trí và dũng cảm. Xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, đã có nhiều những nhân vật tài hoa và dũng cảm nổi bật. Trong đó, em rất ấn tượng với Giang Văn Minh - một vị quan nổi tiếng thời nhà Lê. Đồng thời ông cũng là con người trí dũng song toàn, kiên cường, bất khuất, mang trong mình một trái tim nhiệt thành yêu nước.

Trong lần đi sứ sang nhà Minh, đứng giữa triều đình nhà Minh, ông biết dùng mưu để vua Minh buộc phải bỏ lệ góp giỗ Liễu Thăng cho nước Việt. Chỉ bằng một vế đối ngắn gọn và súc tích, Giang Văn Minh đã đáp trả lại thái độ ngạo mạn của vua tôi nhà Minh để nhắc lại ba lần thảm bại của cả ba triều đại Nam Hán, Tống và Nguyên trên sông Bạch Đằng của nước Việt ta.

  • "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" (Đồng trụ đến giờ rêu mọc rậm)
  • "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng" (Bạch Đằng thuở trước máu còn loang)

Cũng bởi vế đối đáp thẳng thắn trên trước triều đình Trung Quốc, Giang Văn Minh đã bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638. Dù đã ra đi nhưng sự dũng cảm, tấm lòng kiên trinh, sắt son với dân tộc, đất nước của ông luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Soạn Tiếng việt 4 Chân trời sáng tạo bài 5 đọc Cô bé ấy đã, soạn văn mẫu 4 sách CTST bài 5 đọc Cô bé ấy đã, văn mẫu 4 Chân trời bài Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe nói về lòng dũng cảm hoặc trí thông minh của con người.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác