Tóm tắt kiến thức ngữ văn 10 cánh diều bài 5: Gương báu khuyên răn
Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 10 cánh diều bài 5: Gương báu khuyên răn. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
I. TÌM HIỂU CHUNG
1. Tác phẩm
- Là bài thứ 43 thuộc phần “Bảo kính cảnh giới” (gương báu răn mình), ở phần vô đề của tập thơ “Quốc âm thi tập”.
- Nội dung: bài thơ nằm trong mục Gương báu khuyên răn, gồm 61 bài thơ mang nội dung giáo huấn nhưng đồng thời thể hiện tình yêu thiên nhiên, khát vọng về một đất nước phồn vinh, về cuộc sống ấm no cho người dân và những trăn trở thế thái, nhân tình.
- Bài thơ được sáng tác khoảng những năm 1438 – 1439 khi tác giả về ở ẩn tại Côn Sơn.
- Thể loại: thơ thất ngôn xen lục ngôn.
- Bố cục: 2 phần
+ Phần 1 (4 câu thơ đầu): Bức tranh thiên nhiên ngày hè.
+ Phần 2 (4 câu thơ cuối): Bức tranh cuộc sống và tấm lòng của Nguyễn Trãi.
- Nội dung: Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên ngày hè. Tâm hồn chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước tha thiết của tác giả.
- Ý nghĩa nhan đề:
+ Mục Gương báu khuyên răn của tập Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi tập hợp những bài thơ mang tính giáo huấn đạo đức. Nhưng thực chất đa số các bài thơ trong mục này vượt ra khỏi khuôn khổ của những bài dạy báo, khuyên răn đạo đức thông thường.
+ Bài thơ vốn không có nhan đề, đây là bài thơ số 43 trong mục Gương báu khuyên răn. Trong bài thơ này, ý nghĩa khuyên răn có lẽ ở chỗ mong muốn kẻ cầm quyền hãy học theo vua Thuấn, xây dựng đất nước trở thành một nơi mà người dân có cuộc sống tươi đẹp, con người hài hoà với thiên nhiên.
+ Từ đó, có thể thấy nhan đề của bài thơ có sự gắn bó với nội dung chính của văn bản: Ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và khát vọng của Nguyễn Trãi về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
II. TÌM HIỂU CHI TIẾT
1. Bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè
- Câu 1: Tâm thế của nhà thơ:
+ Rồi: rỗi rãi, không vướng bận.
+ Hành động: hóng mát => thư thái, thảnh thơi.
+ Thời gian: thuở ngày trường => ngày dài, hết ngày này đến ngày khác.
+ Cách ngắt nhịp 1/2/3: nhấn mạnh vào hoàn cảnh đặc biệt của Nguyễn Trãi phút giây nghỉ ngơi hiếm hoi của nhà thơ.
=> Tác giả đã mở đầu bài thơ bằng một tâm trạng yêu thiên nhiên tha thiết, đồng thời với một tâm thế thư thái khi đến với thiên nhiên. Câu thơ hiện lên hình ảnh của nhà thơ Nguyễn Trãi, ông đang ngồi dưới bóng cây nhàn nhã như hóng mát thật sự.
- Câu 2, 3, 4: Bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè
- Số chữ trong các câu: có câu thơ 6 chữ xen lẫn các câu thơ 7 chữ.
+ Các tính từ chỉ màu sắc: lục, đỏ, hồng cho thấy màu sắc rực rỡ, tươi tắn của các loại hoa nở vào mùa hè.
+ Các động từ mạnh: đùn, phun, tiễn gợi trạng thái vận động của tạo vật với sức sống căng tràn, mạnh mẽ.
+ Các từ chỉ âm thanh: lao xao, dắng dỏi diễn tả những âm thanh xao động, rộn rã, náo nhiệt của mùa hè.
+ Việc sử dụng các từ láy: đùn đùn (láy toàn phần), lao xao (láy âm)… làm tăng tính biểu cảm của từ ngữ, cho thấy sức sống mãnh liệt của tạo vật.
+ Các phép đối được thực hiện ở hai câu thực và hai câu luận khiến cho hình ảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của con người trở nên nhộn nhịp, thể hiện một cuộc sống yên vui.
=>
+ Bức tranh thiên nhiên ngày hè rực rỡ, sống động, căng tràn sức sống đang trổ dáng, khoe sắc, tỏa hương.
+ Tình yêu thiên nhiên tha thiết.
2. Bức tranh cuộc sống con người và tấm lòng của tác giả
- Câu 5, 6: Bức tranh cuộc sống, con người:
+ Thời gian: lầu tịch dương, cuối ngày, lúc mặt trời sắp lặn.
+ Âm thanh:
+ Lao xao gợi sự ồn ào, náo nhiệt nơi chợ cá. => Âm thanh của cuộc sống hằng ngày.
+ Dắng dỏi: tiếng ve kêu inh ỏi, rộn rã ngân dài => âm thanh đặc trưng của mùa hè. Cảnh chợ quê náo nhiệt ngày hè
- Nghệ thuật đảo ngữ lao xao chợ cá và dắng dỏi cầm ve nhấn mạnh âm thanh đặc trưng ngày hè, không khí nhộn nhịp buổi chiều nơi làng quê.
+ “Chợ” là hình ảnh của sự thái bình trong tâm thức của người Việt.
=> Tác giả đã mở ra không gian ngày hè đầy màu sắc và âm thanh,có sự kết hợp giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, con người. Nguyễn Trãi đã quan sát thiên nhiên bằng tất cả các giác quan của mình và tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của tác giả.
- Câu 7, 8: Tấm lòng của Nguyễn Trãi
- Điển tích: Ngu cầm đàn của vua Nghiêu Thuấn.
- Ước có cây đàn của vua Thuấn, gảy khúc Nam phong để mong đất nước có vị vua anh minh, dân có cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
- Lấy hình ảnh vua Nghiêu, Thuấn làm gương răn mình để bộc lộ chí hướng cao cả, khát khao đem tài trí để phục vụ cho dân, cho nước.
* Nhận xét: Tâm trạng và mong ước của Nguyễn Trãi qua bài thơ:
- Tâm trạng tràn đầy niềm vui trước cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, viên mãn và cuộc sống sung túc của người dân. Nỗi niềm trăn trở ngày đêm của ông về đất nước, con người.
- Mơ ước niềm hạnh phúc, sự ấm no sẽ trường tồn và được sẻ chia cho tất cả mọi người ở khắp muôn phương của đất nước.
-> Bài thơ mở đầu bằng tình cảm thiên nhiên nhưng kết lại là tình cảm của tác giả đối với người dân, cho thấy tư tưởng và tình cảm “thân dân” sâu sắc của Nguyễn Trãi.
-> Mọi hành động và suy nghĩ của Nguyễn Trãi là vì mong muốn một cuộc sống tươi đẹp cho nhân dân.
3. Nghệ thuật đặc sắc của bài thơ
- Bài thơ được thể hiện bằng bút pháp nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình”, một trong vài bút pháp nghệ thuật tiêu biểu của thơ trung đại.
+ Bốn câu thơ đầu, việc miêu tả cảnh vật được thể hiện rất rõ nhưng qua đó vẫn thấy được niềm vui, tâm trạng viên mãn của nhà thơ trước vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên, cảnh vật.
+ Bốn câu tiếp theo, nhất là hai câu kết, có thể thấy rõ hơn sự thể hiện trực tiếp tình cảm của tác giả.
- Hai câu luận, chúng ta thấy có sự chuyển đổi từ miêu tả thiên nhiên sang việc miêu tả cảnh vật và sinh hoạt của con người. Đó là một không khí đầy sôi động, nhộn nhịp trong cuộc sống của người dân.
- Hai câu kết nói lên trực tiếp mong ước của tác giả về một cuộc sống thái bình, giàu đủ của muôn dân.
-> Quan hệ giữa cảnh và tình trong cả bài thơ là quan hệ gắn bó, tương hỗ. Tả cảnh không phải chỉ để ca ngợi vẻ đẹp thuần tuý của thiên nhiên, cảnh vật mà còn thể hiện tâm trạng, tình cảm của nhà thơ.
- Thể thơ: thất ngôn xen lục ngôn
+ Đây là sự sáng tạo của Nguyễn Trãi và các nhà thơ Việt Nam thời trung đại nhằm dân tộc hoá một thể thơ vay mượn của nước ngoài.
+ Bằng cách lồng các câu sáu chữ vào các vị trí khác nhau trong bài thơ thất ngôn bát cú. Các câu lục được đặt nhiều ở câu mở đầu và câu cuối. Khi nằm ở các vị trí then chốt, các câu lục sẽ đóng vai trò là các câu “đột sáng” của cả bài thơ, nhấn nhá, cô đọng cảm xúc, suy tư của tác giả trong bài thơ, tạo nên nhịp điệu mang âm hưởng dân tộc (rất nhiều câu tục ngữ Việt Nam là câu lục; câu lục sau này cũng là thành phần cấu tạo nên câu thơ lục bát).
-> Nguyễn Trãi rất có ý thức trong việc xây dựng một thể thơ cho văn học dân tộc.
III. TỔNG KẾT
1. Nội dung – ý nghĩa
- Bài thơ miêu tả cảnh vật thiên nhiên ngày hè, qua đó thể hiện niềm vui, tâm trạng viên mãn của nhà thơ trước vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên, cảnh vật. Tác giả cũng bộc lộ mơ ước niềm hạnh phúc, sự ấm no sẽ trường tồn và được sẻ chia cho tất cả mọi người ở khắp muôn phương của đất nước.
2. Nghệ thuật
- Từ ngữ giản dị, giàu sức biểu cảm; hình ảnh thơ gần gũi; câu lục ngôn, dồn nén cảm xúc.
- Thể thơ Đường luật phá cách, xen vào các câu thơ lục ngôn.
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
Bình luận