Tóm tắt kiến thức địa lý 10 kết nối bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải

Tổng hợp kiến thức trọng tâm địa lý 10 kết nối bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo

I. VAI TRÒ, ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

- Vai trò của ngành giao thông vận tải:

+ Với kinh tế, giao thông vận tải vận chuyển nguyên liệu, vật tư kĩ thuật,... đến nơi sản xuất và sản phẩm đến nơi tiêu thụ. Nhờ đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kết nối các ngành kinh tế. 

+ Với đời sống xã hội, giao thông vận tải vận chuyển hành khách, phục vụ nhu cầu đi lại của dân cư, kết nối các địa phương, tăng cường khả năng an ninh quốc phòng. Đồng thời, thúc đẩy quá trình hỏi nhân quốc tế.

+ Giao thông vận tải gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội.

– Đặc điểm của ngành giao thông vận tải:

+ Đối tượng phục vụ của giao thông vận tải là con người và các sản phẩm vật chất do con người làm ra. Sản phẩm của giao thông vận tải là sự chuyên chở người và hàng hoá từ nơi này đến nơi khác.

+ Chất lượng của dịch vụ giao thông vận tải được đánh giá bằng tốc độ chuyên chở, sự tiện nghi, sự an toàn cho hành khách và hàng hoá.

+ Tiêu chí đánh giá khối lượng dịch vụ của giao thông vận tải là: khối lượng vận chuyển (số lượt khách, số tấn hàng hoá); khối lượng luân chuyển (số lượt khách.km, số tấn km); cự li vận chuyển trung bình (km).

+ Sự phân bố của ngành giao thông vận tải có tính đặc thù, theo mạng lưới (gồm các tuyến và các đầu mối giao thông).

+ Khoa học - công nghệ làm thay đổi loại hình, chất lượng..... của ngành giao thông vận tải.

II. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ GIAO THÔNG VẬN TẢI

- Vị trí địa lí: Ảnh hưởng đến sự có mặt của loại hình vận tải, sự hình thành các mạng lưới giao thông vận tải và sự kết nối của mạng lưới giao thông bên trong với mạng lưới giao thông bên ngoài lãnh thổ.

– Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên: Ảnh hưởng tới sự lựa chọn loại hình vận tài thích hợp, sự phân bố mạng lưới giao thông và sự hoạt động của các phương tiện vận tải. 

- Điều kiện kinh tế – xã hội 

+ Sự phát triển, phân bố các ngành kinh tế và dân cư: Ảnh hưởng tới sự hình thành các đầu mối và mạng lưới giao thông vận tải, quyết định khối lượng vận tải (hàng hoá, hành khách).

+ Vốn đầu tư: Ảnh hưởng tới quy mô và tốc độ phát triển giao thông vận tải, loại hình giao thông vận tải.

+ Khoa học – công nghệ: Ảnh hưởng tới trình độ (vận tốc phương tiện, sự an toàn, sự tiện nghi,...) của giao thông vận tải.

III. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ GIAO THÔNG VẬN TẢI

- Giao thông đường ô tô:

+ Tình hình phát triển: Ưu thế của giao thông vận tải đường ô tô là sự tiện lợi, tính cơ động, dễ kết nối với các loại hình vận tải khác... Tổng chiều dài đường ô tô trên thế giới không ngừng tăng, từ 27 803,8 nghìn km (năm 2000) lên 38 016,5 nghìn km (năm 2019). Số lượng phương tiện vận tải ngày càng tăng. Việc phát triển phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, giao thông thông minh đang được các quốc gia quan tâm.

+ Sự phân bố: Mật độ và chiều dài đường ô tô rất khác nhau giữa các châu lục và các quốc gia. Riêng năm nước có chiều dài đường ô tô lớn nhất (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn độ, Bra-xin, Liên bang Nga) đã chiếm hơn 1/2 tổng chiều dài đường ô tô của thế giới.

- Giao thông đường sắt:

+ Tình hình phát triển: Đầu thế kỉ XIX, giao thông vận tải đường sắt ra đời với sự kết hợp giữa việc sử dụng đầu máy hơi nước với đường ray bằng sắt. Từ đó, ngành vận tải đường sắt không ngừng phát triển cả về chiều dài tuyến đường, trình độ kĩ thuật, khả năng vận hành,... Tổng chiều dài đường sắt của thế giới tăng từ 1011,7 nghìn km (năm 2000) lên 1 321,9 nghìn km (năm 2019). Ngành đường sắt đang có những thay đổi, áp dụng công nghệ, phát triển các loại hình mới bảo vệ môi trường.

+ Sự phân bố: Mạng lưới đường sắt có sự phân bố không đều giữa các châu lục và các quốc gia. Châu Âu và đông Bắc Hoa Kỳ là những nơi có mật độ đường sắt cao nhất thế giới.

- Giao thông đường hàng không:

+ Tình hình phát triển: Vận tải hàng không là ngành giao thông vận tải ra đời muộn nhưng có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng sân bay, máy bay. Năm 2019, ngành hàng không thế giới vận chuyển được hơn 4,4 tỉ lượt hành khách. Ngành đang có sự thay đổi về phương tiện, tốc độ, sự an toàn, bảo vệ môi trường.

+ Sự phân bố: Các tuyến đường hàng không sôi động nhất là các tuyến xuyên Đại Tây Dương nối châu Âu với châu Mỹ và các tuyến nói Hoa Kỳ với khu vực châu Á Thái Bình Dương. Các nước có nhiều sân bay quốc tế vận chuyển lượng hành khách lớn của thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc,... Các sân bay quốc tế vận chuyển hành khách lớn nhất năm 2019 là: Át-lan-ta (Hoa Kỳ), Bắc Kinh (Trung Quốc), Lót An-giơ-lét (Hoa Kỳ), Đu-bai (Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất)....

- Giao thông đường biển:

+ Tình hình phát triển: Giao thông đường biển đảm nhiệm 3/5 khối lượng luân chuyển hàng hoá trong tổng khối lượng của tất cả các phương tiện vận tải hàng hoá trên thế giới (chủ yếu là dầu mỏ và sản phẩm của dầu mỏ). 

+ Sự phân bố: Các tuyến đường biển hoạt động sôi động nhất là các tuyến kết nối giữa châu Âu với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và các tuyến kết nối hai bờ Đại Tây Dương. Các cảng biển có lượng hàng hoá lưu thông qua cảng lớn nhất (năm 2019) đều nằm ở châu Á: Thượng Hải (Trung Quốc). Xin-ga-po, Ninh Ba – Chu Sơn (Trung Quốc), Thâm Quyền (Trung Quốc), Bu-san (Hàn Quốc)....

- Giao thông đường sông, hồ:

+ Tình hình phát triển: Vận tải trên sông, hồ xuất hiện từ rất sớm dựa trên hệ thống sống. hồ tự nhiên và ngày càng thuận lợi nhờ các hoạt động cải tạo sông, hồ của con người. Ngành vận tải đường sông, hồ đang tích cực cải tạo cơ sở hạ tầng đường thuỷ, kết nối vận tải đường thuỷ và cảng biển bằng công-te-nơ, ứng dụng công nghệ cao.

+ Sự phân bố: Các quốc gia phát triển mạnh giao thông sông, hồ là Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Ca-na-đa. Các hệ thống sông, hồ có tiềm năng lớn về giao thông là Đa-nuýp Rai-nơ, Von-ga.... (châu Âu). Mê Công, Dương Tử,... (châu Á), Mi-xi-xi-pi và Ngũ Hồ,... (châu Mỹ).

Nội dung quan tâm khác

Từ khóa tìm kiếm: Tóm tắt kiến thức bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải, kiến thức trọng tâm địa lý 10 kết nối bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải, nội dung chính bài Địa lí ngành giao thông vận tải

Bình luận

Giải bài tập những môn khác