Lý thuyết trọng tâm ngữ văn 8 cánh diều bài 6: Thực hành tiếng việt
Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 8 cánh diều bài 6 Thực hành tiếng việt. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
BÀI 6. THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT
TỪ NGỮ ĐỊA PHƯƠNG, TỪ NGỮ TOÀN DÂN VÀ BIỆT NGỮ XÃ HỘI
I. HỆ THỐNG LẠI KIẾN THỨC
1. Từ ngữ toàn dân
- Từ ngữ toàn dân của một ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong mọi vùng miền của đất nước, ví dụ: cha, mẹ, sắn, ngô, gì, nào, sao, thế, … Là khối từ ngữ cơ bản và có số lượng lớn nhất của ngôn ngữ, từ ngữ toàn dân không chỉ có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực giao tiếp ở mọi lĩnh vực của đời sống mà còn là cơ sở cho sự thống nhất ngôn ngữ. Hiểu được nghĩa và giao tiếp từ toàn dân là điều kiện để giao tiếp có hiệu quả
2. Từ ngữ địa phương
- Từ ngữ địa phương là những từ ngữ được dùng ở một vùng miền nhất định, ví dụ: thầy, u, mì, bắp, chi, răng, rứa, … Mặc dù từ ngữ địa phương có số lượng không lớn và có phạm vi dùng hạn chế nhưng lại phản ánh được nét riêng của con người, sự vật ở mỗi vùng miền nên có vai trò quan trọng, nhất là đối với hoạt động giao tiếp trong sinh hoạt hàng ngày và đối với sáng tác văn chương
- Hiểu được nghĩa và biết sử dụng đúng chỗ, đúng mức từ ngữ địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giao tiếp
3. Biệt ngữ xã hội
- Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ được dùng với nghĩa riêng trong một nhóm xã hội nhất định. Ví dụ, một số từ ngữ được tạo ra bằng cách nói, viết chệch âm chuẩn như bít (biết), rùi (rồi), pó tay (bó tay), … hoặc nói tắt như ga tô (ghen ăn tức ở), thậm chí “nói bồi” tiếng nước ngoài như nâu pho gâu (no four go – vô tư), … là những biệt ngữ đang phổ biến trong giới trẻ
- Trong tác phẩm văn chương, lời ăn tiếng nói của nhân vật cũng có thể phản ánh biệt ngữ xã hội trong đời sống cũng như trong tác phẩm văn chương đều cần có chừng mực để đảm bảo hiệu quả giao tiếp và gìn giữ sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc
II. GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP SGK
Bài tập 1:
a. Từ ngữ địa phương là bẹ (có nghĩa là ngô). Từ này được dùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Việc sử dụng từ này trong câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng bổ sung thông tin về nơi Bác Hồ đã từng sống và làm việc (vùng Việt Bắc); qua đó, cho biết thêm cuộc sống gian lao nhưng tràn đầy tinh thần lạc quan của Người
b. Từ ngữ địa phương là tầm vông (chỉ một loại tre thân nhỏ, gióng dài, không gai, đặc ruột và cứng, thường được dùng làm gậy). Từ này được sử dụng ở các tỉnh Nam Bộ. Việc sử dụng từ này trong tuỳ bút Cây tre Việt Nam (Thép Mới) đã góp phần phản ánh một loại vũ khí thô sơ được sử dụng phổ biến và có hiệu quả trong cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ chống thực dân Pháp
c. Từ ngữ địa phương là đòn (từ chỉ đơn vị) và bánh tét (chỉ loại bánh được làm bằng gạo nếp, nhân đỗ xanh, thịt lợn, hình trụ), được sử dụng ở các tỉnh miền Trung, miền Nam. Việc sử dụng từ này trong Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi) giúp người đọc nhận ra nhân vật và sự việc được nói đến là ở một tỉnh miền Nam
d. Từ ngữ địa phương là lẹ (có nghĩa là nhanh), được sử dụng ở các tỉnh miền Nam. Từ này giúp người đọc (người nghe) nhận ra sự việc, con người được nói đến trong câu là ở miền Nam
Bài tập 2:
a. Dòm ngó: nhòm ngó
b. Ba: bố, cha; nội: bà nội, ông nội; má: mẹ
c. Thiệt: thật, gởi: gửi; mầy: mày; biểu: bảo
Bài tập 3:
Các biệt ngữ xã hội được tác giả sử dụng trong những câu đã cho (bỉ: đàn bà, con gái; hắc: cẩn thận, khôn ngoan; cá: ví tiền; vỏ lõi: kẻ ăn cắp nhỏ tuổi; mõi: lấy cắp) góp phần thể hiện rõ hơn đặc điểm của các nhân vật được nói đến: Đó là những kẻ thuộc giới lưu manh, trộm cắp. Việc chúng đặt ra và sử dụng các biệt ngữ xã hội (với những người như đã chỉ ra) trong giao tiếp là nhằm che giấu những việc làm xấu xa, tội lỗi của mình
Bài tập 4:
Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện phổ biến hiện tượng sử dụng biệt ngữ xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ. Đây là hiện tượng bình thường, phản ánh sự vận động của ngôn ngữ dưới sự tác động của các nhân tố tâm lí, xã hội và phương tiện giao tiếp mới (Internet). Hiện tượng này, xét ở góc độ nào đó, cũng có khía cạnh tích cực (chẳng hạn: đáp ứng như cầu, sở thích giao tiếp của một nhóm xã hội nhất định). Tuy nhiên, việc sử dụng biệt ngữ xã hội cần có chừng mực để không ảnh hưởng đến việc giao tiếp trong môi trường giao tiếp chính thức và ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
Bình luận