Em hãy viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (một sinh hoạt văn hóa như: lễ hội dân gian, hội chợ xuân…) mà em đã tìm hiểu, quan sát hoặc trực tiếp tham gia.

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 6 bộ sách mới. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Em hãy viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (một sinh hoạt văn hóa như: lễ hội dân gian, hội chợ xuân…) mà em đã tìm hiểu, quan sát hoặc trực tiếp tham gia.

Đề bài: Em hãy viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (một sinh hoạt văn hóa như: lễ hội dân gian, hội chợ xuân…) mà em đã tìm hiểu, quan sát hoặc trực tiếp tham gia.

Bài làm

Bài tham khảo 1:

Việt Nam có rất nhiều sự kiện văn hóa từ lịch sử cho tới hiện đại, nhưng để có được đất nước Việt Nam hòa bình, yên vui như ngày hôm nay, chúng ta không thể quên được cội nguồn dân tộc. Điều đó đã được gợi ra qua câu ca dao mà bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”.

Hằng năm, những người con dân tộc Việt luôn hướng về quê hương Phú Thọ vào dịp 10/3 âm lịch để tưởng nhớ tới công ơn to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của các vua Hùng. Đó cũng chính là dịp mà lễ hội Đền Hùng diễn ra. Lễ hội đã có từ rất lâu đời và vẫn được giữ gìn cho đến ngày nay và trở thành nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc, từ đó mà ngày 10/3 âm lịch hàng năm được xem như là ngày quốc lễ của dân tộc. 

Lễ hội đền Hùng được tổ chức tại đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ. Lễ hội gồm có hai phần là phần lễ và phần hội. Dù tổ chức theo quy mô lớn hay nhỏ thì cả hai phần lễ và hội vẫn đều diễn ra vô cùng linh đình, long trọng. Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng đã chính thức được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” vào năm 2002 chứng minh cho sức sống bền bỉ và giá trị của lễ hội. 

Phần lễ gồm các nghi thức là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Lễ rước kiệu diễn ra trong không khí đầy long trọng với nhiều màu sắc rực rỡ của cờ, hoa, long, kiệu. Ai nấy cũng đều phấn khởi và tự sắm cho mình những bộ trang phục truyền thống để tham dự phần lễ. Tất cả sẽ cùng xuất phát từ dưới chân núi, rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng – nơi làm lễ dâng hương. Trên đường rước kiệu lên đền có tiếng nhạc phường bát âm, có đội múa sinh tiền tạo nên vẻ trang trọng của một nghi lễ thiêng liêng. Mọi người đều thành tâm dâng lễ với ước nguyện mong tổ tiên phù hộ cho con cháu ở quê nhà. 

Còn lễ dâng hương dành cho những người hành hương tới đền Hùng chủ yếu vì nhu cầu đời sống tâm linh. Mỗi người khi đến vùng đất này đều mong muốn thắp vài nén hương lên đền thờ, nhờ hương khói nói hộ tâm nguyện của lòng mình với tổ tiên. Không khí lúc này vô cùng trang trọng và linh thiêng. Với những người ở xa không về được hoặc không có điều kiện tới thì họ vẫn dành thời gian đi lễ chùa thắp nén hương tưởng nhớ cội nguồn vào ngày này.

Cuối cùng là phần hội diễn ra sau khi các nghi thức ở phần lễ kết thúc, phần hội mang đến sự vui vẻ, thoải mái cho mỗi người. Trong phần hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, đu quay, đấu vật hay đánh cờ tướng… hay các trò chơi hiện đại cũng được lồng ghép hài hòa đáp ứng đam mê, sở thích mọi lứa tuổi. Không thể thiếu được những làn điệu diễn xướng dân ca, hát quan họ hay kịch nói diễn ra bằng hình thức thi tài giữa các làng, các thôn nhằm giao lưu văn hóa, văn nghệ. Những lời ca mượt mà êm ái trong từng làn điệu Xoan – Ghẹo đầy hấp dẫn mang đậm dấu ấn vùng đất Phú Thọ. Ngoài ra, trong khu vực diễn ra lễ hội còn có nhiều mặt hàng lưu niệm bày bán mua cho khách làm kỉ niệm, các dịch vụ văn hóa phẩm, ăn uống với những món ăn truyền thống và hiện đại được tổ chức linh hoạt.

Lễ hội đền Hùng là một nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc ta, thể hiện truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta từ hàng nghìn năm lịch sử. Mỗi người Việt Nam chúng ta hãy biết trân trọng nét văn hóa truyền thống độc đáo đó của dân tộc và duy trì đến muôn đời sau. 

Bài tham khảo 2:

Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến Tết. Vào những ngày Tết, việc chuẩn bị chào đón năm mới diễn ra náo nhiệt và sôi động ở khắp mọi nơi. Năm nay cũng giống như mọi năm, trường tôi tổ chức hội chợ xuân truyền thống ngay trong sân trường.

Hội chợ được nhà trường chuẩn bị rất chu đáo và cẩn thận trong suốt ba tuần. Các thầy cô giáo cùng với hội phụ huynh và học sinh ở lại sau mỗi buổi học, tất cả cùng bắt tay vào các công việc như trang trí sân khấu chính, dựng lên các gian hàng, sắp xếp các vật dụng cần thiết, tập nấu các món ăn cổ truyền… Đây là một hoạt động được diễn ra thường niên của nhà trường mỗi khi Tết đến, nhưng đây là năm đầu tiên tôi được tham gia nên cảm thấy vô cùng hào hứng và thích thú.

Vào buổi sáng ngày 22 tháng Chạp, mọi người đã tập trung đông đủ trong sân trường. Ai nấy đều bắt tay vào việc hết sức khẩn trương kịp thời cho ngày hội. Lễ khai mạc hội xuân chính thức bắt đầu lúc 8 giờ. Sau khi hai bạn dẫn chương trình tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu tham dự thì mời thầy Hiệu trưởng lên sân khấu phát biểu khai mạc hội. Tiếp theo mọi người được thưởng thức rất nhiều tiết mục văn nghệ chào mừng đặc sắc như hát múa quạt, nhảy sạp, hát dân gian… truyền thống của dân tộc. 

Các gian hàng cũng chính thức được mở cửa sau đó để chào đón người mua với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng. Có lớp bán bánh trôi, bánh chay; có lớp thì bán bánh chưng, bánh giầy; cũng có lớp bán con tò hoe hay các sản phẩm gốm thủ công xinh xinh; có lớp lại bán mũ nan, nón lá; hay còn có lớp bày bán các bức thư pháp chữ Hán và chữ Quốc ngữ… Các mặt hàng đều rất đa dạng, độc đáo và đẹp mắt, nhưng giá cả thì rất rẻ và phù hợp với túi tiền học sinh. Không chỉ có các gian hàng cố định, trong sân trường còn có nhiều gánh hàng rong như ở quê mình mà rất lâu rồi tôi mới được nhìn thấy ở ngoài đời. Mọi người đến tham gia đều cố gắng đi hết các gian hàng, hoặc dừng ở những gánh hàng rong và mua cho mình những món đồ để ăn, làm kỉ niệm. Cả sân trường rộn ràng tiếng trò chuyện, tiếng giao hàng, mua bán và tiếng cười nói râm ran. Hội chợ kéo dài hết cả một ngày cho đến chiều muộn mới kết thúc, ai cũng có vẻ mệt nhưng đều rất vui vẻ vì đã có được khoảng thời gian ý nghĩa và kỉ niệm đáng nhớ.

Qua hội chợ ngày nay đã giúp tôi biết thêm được nhiều món đồ ngày xưa tổ tiên cha ông ta đã làm ra và sử dụng. Cùng với bầu không khí vui tươi, rộn ràng và ngập tràn trong những ngày giáp Tết đem lại cho tôi sự đầm ấm, yên vui. Chắc chắn, tôi sẽ không thể quên được kỉ niệm đáng nhớ này. 

 

Từ khóa tìm kiếm: Văn mẫu 6, văn hay lớp 6 sách mới, bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (một sinh hoạt văn hóa như: lễ hội dân gian, hội chợ xuân…) mà em đã tìm hiểu, quan sát hoặc trực tiếp tham gia.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác

Giải sgk 6 kết nối tri thức

Giải SBT lớp 6 kết nối tri thức

Giải SBT ngữ văn 6 kết nối tri thức
Giải SBT Toán 6 kết nối tri thức
Giải SBT Khoa học tự nhiên 6 kết nối tri thức
Giải SBT Lịch sử và địa lí 6 kết nối tri thức
Giải SBT tin học 6 kết nối tri thức
Giải SBT công dân 6 kết nối tri thức
Giải SBT công nghệ 6 kết nối tri thức
Giải SBT tiếng Anh 6 kết nối tri thức
Giải SBT hoạt động trải nghiệm 6 kết nối tri thức
Giải SBT âm nhạc 6 kết nối tri thức
Giải SBT mĩ thuật 6 kết nối tri thức

Giải sgk 6 chân trời sáng tạo

Giải SBT lớp 6 chân trời sáng tạo

Giải sgk 6 cánh diều

Giải SBT lớp 6 cánh diều

Trắc nghiệm 6 cánh diều