Phân tích tác phẩm Tôi đi học

Câu hỏi 4. Phân tích tác phẩm Tôi đi học 


Chắc hẳn mỗi chúng ta đều có những kỉ niệm đáng nhớ về thời học sinh hồn nhiên trong sáng. Và một trong những kỉ niệm đó là những phút giây xôn xao trong buổi tựu trường đầu tiên khi đến trường. Những rung động ấy đã được Thanh Tịnh thể hiện rõ nét qua tác phẩm đặc sắc của ông “Tôi đi học”.

Ngay mấy dòng đầu tác phẩm, nhà văn đã so sánh một cách ấn tượng: “Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Câu văn như cánh cửa dịu dàng mở ra, dẫn người đọc vào một thế giới đầy ắp những sự việc, những con người, những cung bậc tâm tư tình cảm đẹp đẽ, trong sáng, rất đáng nhớ, đáng chia sẻ và mến thương.

Mạch cảm xúc được nói ra hết sức tự nhiên. Nghệ thuật so sánh được tác giả sử dụng khéo léo, kết hợp với những hình ảnh giàu sức gợi cảm đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa thu thơ mộng với sắc lá vàng phai, với màu mây bạc lãng đãng trôi trên bầu trời mênh mông, xanh thẳm. Hình ảnh mấy em nhỏ rụt rè nấp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường khiến cho nhà văn nhớ lại ngày đầu tiên đi học không thể nào quên của mình.

Tâm trạng hồi hộp, cảm giác mới mẻ của cậu bé khi được mẹ dắt đi trên con đường tới trường được diễn tả rất tinh tế: Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ… cảnh vật chung quanh đều thay đổi. Cậu bé đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân của sự lạ lùng ấy: vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

Từ điểm nhấn là “sự thay đổi lớn” ấy, nhà văn đi vào chi tiết trên đường “tôi” theo mẹ đến trường bằng lối miêu tả hình ảnh xen lẫn với biểu cảm. Các hình ảnh lại được miêu tả theo kiểu dây chuyền bằng cái nhìn tinh tế. “thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tuổi tôi… trao sách vở cho nhau xem". Họ “ôm sách vở nhiều lại kèm cả bút thước nữa” mà chẳng thấy khó khăn gì trong lúc chỉ cầm hai quyển vở mới mà “tôi đã bắt đầu thấy nặng.

Tôi bậm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Ở đoạn văn ấy, nhà văn cứ nhìn sự việc, sự vật của người rồi cảm nhận ở mình cùng với sự vật, sự việc ấy. Đấy là một ý nghĩ “vừa non nớt vừa ngây ngô” thật dễ thương chỉ xuất hiện ở trẻ thơ.

Đi hết con đường làng, cậu học trò nhỏ tới sân trường. Nhìn quang cảnh nhà trường, khi nghe gọi tên, rồi phải rời tay mẹ đi vào lớp học, tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc mới lạ trong “tôi” thực sự vô cùng xáo động. Trước mắt cậu là cả một thế giới mới mẻ, lạ lùng. Cậu và đám bạn cùng trang lứa nào có khác chi những con chim đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ… thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Đang trong cử chỉ và tâm trạng đó thì “ông đốc” (thầy hiệu trưởng) xuất hiện. Ông đọc tên từng người, rồi dặn dò phải chăm học. Rồi ông “nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động". Từ ngoài đường, từ trong lớp học hầu như ai ai cũng ngắm nhìn khiến các cậu học trò mới “càng lúng túng hơn". Cao điểm của tâm trạng là lúc ông đốc bảo: “-Thôi, các em lên đứng đây sắp hàng để vào lớp. ”,

Ấy là tâm trạng “trong thời thơ ấu tôi chưa lần nào thấy xa mẹ tôi như lần này". Và chính vì có cảm giác như thế nên “Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. “Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ”.

Hình ảnh so sánh thứ ba này của tác giả thật tinh tế. Nó vừa tả đúng tâm trạng của nhân vật, vừa gợi cho người đọc liên tưởng về một thời thuở nhỏ đứng giữa mái trường thân yêu. Nếu các em là đầu đi học là những cánh chim đang chập chững rời tổ để bay vào bầu trời bao la nhiều nắng gió, thì thầy cô giáo chính là những bàn tay nâng đỡ, những làn gió đưa, những tia nắng soi đường để cánh chim được cất lên mạnh dạn, khoáng đạt trên bầu trời. Nhờ những bàn tay vững vàng, những làn gió mát, những tia nắng chan chứa tình thương và trách nhiệm ấy, cậu học trò trong câu chuyện đã nhanh chóng hòa nhập vào thế giới kì diệu của mái trường.

Truyện ngắn "Tôi đi học" sống mãi với thời gian bởi nó được tạo nên từ cảm xúc trong sáng, hồn nhiên và bút pháp nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế của nhà văn. Bằng câu chuyện của mình, Thanh Tịnh đã nói thay tất cả chúng ta cái cảm giác kì diệu của buổi học đầu tiên đã trở thành kỉ niệm đẹp đẽ, để lại ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời mỗi người.


Trắc nghiệm ngữ văn 7 chân trời sáng tạo tập 2 bài 6 Đọc kết nối Tôi đi học (P2)

Bình luận

Giải bài tập những môn khác