Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Địa lí 10 Kết nối bài 12: Nước biển và đại dương
2. THÔNG HIỂU (5 câu)
Câu 1: Trình bày mối quan hệ giữa độ muối của nước biển với nhiệt độ không khí?
Câu 2: Trình bày tác động của nhiệt độ không khí tới nhiệt độ nước biển?
Câu 3: Nhiệt độ nước biển chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố nào?
Câu 4: Trình bày sự khác nhau giữa sóng biển và thủy triều?
Câu 5: Trình bày sự khác nhau giữa sóng và sóng thần?
Câu 1:
- Độ muối thay đổi tùy thuộc vào tương quan giữa độ bốc hơi với lượng mưa và lượng nước sông từ các lục địa đổ ra biển. Độ bốc hơi phụ thuộc chủ yếu vào nhiệt độ không khí nên độ muối chịu tác động của nhiệt độ không khí.
- Độ muối (tỉ lệ muối) trung bình của nước biển là 35%, nhưng thay đổi theo vĩ độ: Ở dọc Xích đạo, nhiệt độ trung bình năm cao, nên độ muối cao (34,5%%); ở vùng chí tuyến do nhiệt độ trung bình năm cao hơn ở Xích đạo, bốc hơi mạnh, mưa ít hơn Xích đạo nên độ muối lớn nhất (36,8%%); gần hai cực, nhiệt độ trung bình năm thấp, độ bốc hơi kém, nên độ muối giảm (chỉ còn 34%%).
Câu 2:
- Nhiệt độ không khí tác động đến nhiệt độ của nước biển do lớp khí quyển bên trên bức xạ xuống mặt nước biển. Lượng nhiệt này chủ yếu đọng lại ở lớp mặt, nhờ các quá trình động lực biển như: sóng, thủy triều, đối lưu,... nên nhiệt đã truyền được xuống sâu hơn. Nhiệt độ nước biển từ mặt nước xuống độ sâu 3000 m còn phụ thuộc vào nhiệt độ không khí. Càng xuống sâu, ảnh hưởng của nhiệt độ không khí giảm dần nên nhiệt độ cũng giảm theo: Nếu ở trên mặt biển, nhiệt độ không khí là 28°C, thì xuống đến độ sâu 100 m, nhiệt độ còn 15°C; đến 300 m, nhiệt độ giảm xuống còn 10°C; đến độ sâu 1000 m, nhiệt độ còn 4°C. Từ độ sâu hơn 3000 m, nhiệt độ nước biển gần như không đổi, vì không còn chịu tác động của nhiệt độ không khí nữa; nước biển ở mọi nơi đều là nước từ các địa cực, nhất là từ Nam Cực, lắng xuống và trôi đến.
- Nhiệt độ nước biển chịu tác động của sự thay đổi nhiệt độ không khí theo mùa trong năm. Mùa hạ, nhiệt độ nước biển cao hơn mùa đông do nhiệt độ nước biển chịu tác động của nhiệt độ không khí trong mùa hạ cao hơn nhiệt độ không khí trong mùa đông.
- Nhiệt độ của nước biển chịu tác động của sự thay đổi nhiệt độ không khí theo vĩ độ. Nhiệt độ không khi giảm từ Xích đạo về cực, tương ứng với nhiệt độ của nước biển cũng giảm theo từ vĩ độ thấp lên vĩ độ cao.
Câu 3:
Nhiệt độ nước biển chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau như: Nhiệt của bức xạ mặt trời và khí quyển, nhiệt của Trái Đất, nhiệt độ năng, nhiệt bốc hơi, nhiệt bức xạ nước biển, nhiệt trao đổi đối lưu,...
- Nhiệt bức xạ của Mặt Trời và khí quyển
+ Nước biển hấp thụ nguồn nhiệt lượng của Mặt Trời để tạo thành nhiệt độ. Nhiệt nhận được của bức xạ mặt trời phụ thuộc vào các điều kiện: độ cao mặt trời và vĩ độ địa lí; chiều dày và độ trong suốt, lượng hơi nước và CO, trong khí quyển.
+ Lớp khí quyển bên trên bức xạ xuống mặt nước biển. Lượng nhiệt này chủ yếu đọng lại ở lớp mặt. Tuy nhiên, nhờ các quá trình động lực biển như: sóng, triều, đối lưu,... nên nhiệt đã truyền được xuống sâu hơn.
- Nhiệt Trái Đất: Trong lòng Trái Đất có một lượng nhiệt lớn. Do đó, Trái Đất thường xuyên cung cấp nhiệt cho nước biển, nhất là ở các đáy biển sâu. Tuy nhiên, lượng nhiệt này rất nhỏ, không đáng kể.
- Nhiệt động năng: Nước biển cũng luôn chuyển động, nhất là sóng và thuỷ triều. Trong quá trình chuyển động này nước biển cũng tạo ra một năng lượng nhất định. Một phần năng lượng đã được chuyển thành nhiệt năng. Tuy nhiên, lượng nhiệt này không đáng kể.
- Nhiệt bốc hơi: Lớp không khí bên trên và nước biển thường chênh lệch về hơi nước, nhất là các khí đoàn khô. Do đó, nước biển thường xuyên cung cấp hơi nước cho không khí bên trên dưới dạng bốc hơi. Khi bốc hơi, nước cần một lượng nhiệt khá lớn. Như vậy để làm bốc hơi nước, hàng năm nước biển phải sử dụng một phần lượng nhiệt đã hấp thụ được; nghĩa là ngoài các quá trình nhận nhiệt, nước biển cũng có một số quá trình mất nhiệt, trong đó nhiệt do bốc hơi là lớn hơn cả.
- Nhiệt bức xạ của nước biển: Nước biển có nhiệt độ khá cao nhất là các lớp nước trên mặt, nên biển cũng phát xạ. Bức xạ của biển phụ thuộc vào nhiều điều kiện, nhất là nhiệt độ nước, nhiệt độ và độ ẩm không khí, mật độ và loại mây.
- Nhiệt trao đổi đối lưu: Do có nhiệt độ lớn, nên nước biển cũng thường xuyên trao đổi nhiệt cho các khí đoàn bên trên, nhất là về mùa đông. Khi nhận nhiệt, lớp không khí sát biển nóng lên và chuyển thành dòng thẳng, lớp không khí lạnh hơn lại dồn tới. Quá trình đó lại tiếp diễn cho đến khi nào nhiệt độ tương đương mới thôi.
- Ngoài ra, còn nhiều quá trình nhiệt khác như: đóng và tan băng, ngưng tụ hơi nước, trao đổi nhiệt với lục địa,... nhưng không đáng kể.
Câu 4:
- Sóng biển:
+ Là một hình thức dao động của nước biển theo chiều thẳng đứng.
+ Nguyên nhân chủ yếu tạo nên sóng là gió; gió càng mạnh, sóng càng to.
- Thuỷ triều:
+ Là hiện tượng dao động thường xuyên và có chu kì của các khối nước trong các biến và đại dương.
+ Nguyên nhân tạo nên thuỷ triều là do ảnh hưởng sức hút của Mặt Trăng và Mặt Trời đối với Trái Đất. Khi Mặt Trăng, Mặt Trời, Trái Đất cùng nằm thẳng hàng thì dao động thuỷ triều lớn. Khi Mặt Trăng, Mặt Trời và Trái Đất ở vị trí vuông góc, dao động thuỷ triều nhỏ nhất.
Câu 5:
- Sóng:
+ Là một hình thức dao động của nước biển theo chiều thẳng đứng.
+ Nguyên nhân chủ yếu tạo nên sóng là gió, gió càng mạnh sóng càng to.
- Sóng thần:
+ Là sóng cao dữ dội, có chiều cao khoảng 20 - 40 m, truyền theo chiều ngang với tốc độ có thể tới 400-800 km/h.
+ Nguyên nhân tạo thành sóng thần: Chủ yếu do động đất gây ra, ngoài ra còn do núi lửa phun ngầm dưới đáy biển hoặc bão.
Bình luận