Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 8 cánh diều bài 9: Thành phần biệt lập trong câu
1. NHẬN BIẾT (04 CÂU)
Câu 1: Thành phần biệt lập là gì? Cho ví dụ?
Câu 2: Nêu các chức năng của thành phần biệt lập và cho ví dụ?
Câu 3: Nêu các dấu hiệu hiện nhận biết thành phần biệt lập?
Câu 4: Tìm và gọi tên các thành phần biệt lập có trong những câu sau:
- Tim tôi đập không rõ. Dường như, vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ.
- Thưa ông chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ. Đi bốn năm hôm mới lên đến đây, vất vả quá!
- Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm.
Câu 1:
Thành phần biệt lập được hiểu là các thành phần nằm trong một cấu trúc nhất định, nhưng nó lại không tham gia vào việc diễn đạt các ý nghĩa của câu. Mặt khác, thành phần biệt lập được nằm tách bạch hoàn toàn để thể hiện một ý kiến riêng nhưng cũng không phải là thừa thãi. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, đa số chúng ta thường sử dụng câu có thành phần biệt lập.
Thành phần biệt lập sẽ giúp cho câu tiếng Việt trở nên đặc biệt và nổi bật hơn, đồng thời giúp cho cách diễn đạt ý của người nói được rõ ràng và gây chú ý với người nghe hơn. Chính vì thế, chúng ta cần phải nhận biết và nêu rõ về chúng để sử dụng sao cho thống nhất.
Trong một câu có các thành phần mà không tham gia vào việc diễn đạt nghĩa của câu thì gọi là thành phần biệt lập trong câu.
Ví dụ:
+ Ôi chao! Hôm nay cô ăn mặc lộng lẫy quá nhỉ?
+ Ô! Cô còn quên chiếc khăn mùi soa đây này. (Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long)
Câu 2:
- Thành phần gọi – đáp được dùng để tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp. Thành phần này thường được biểu hiện bởi các từ, tổ hợp từ như: này, ơi, dạ, vâng, ừ, anh ơi, thưa ông,…Ví dụ: “Này, thầy nó ạ” (Kim Lân); “Vâng, tôi xin đi” (Nguyễn Công Hoan).
- Thành phần cảm thán được dùng để bộc lộ cảm xúc (vui, buồn, tức giận, ngạc nhiên,…) của người nói. Thành phần này thường được biểu hiện bởi các từ, tổ hợp từ có nghĩa cảm thán như: a, ô, ồ, ô hay, ôi chào, ơ, ơ kìa, chao ôi, trời ơi…Ví dụ: “Ôi chào, sớm với muộn thì có ăn thua gì”. (Thạch Lam).
- Thành phần tình thái được dùng để biểu thị cách nhìn nhận, đánh giá của người nói (người viết) đối với sự việc được nói đến trong câu. Thành phần tình thái thường được thể hiện bằng các từ: chắc, có lẽ, dường như, lẽ ra, quả là, không lẽ, chả nhẽ, chừng như, hình như, may sao, may ra, nhất định, thật ra,…Ví dụ: “Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại…” (Ngô Tất Tố).
- Thành phần chuyển tiếp được dùng để nêu lên một ý chuyển tiếp giữa câu chứa nó với một câu, một đoạn đứng trước hay sau đó. Thành phần này thường được biểu hiện bởi các từ ngữ như: tóm lại, ấy thế mà, hơn nữa, ngoài ra, nhân đây, như đã nói trên, như vậy, nói cách khác, nói chung, trái lại, thì ra, trước hết, thứ đến, tiếp theo,…Ví dụ: “Như đã giải thích bên trên, mưa sao băng là do những ngôi sao chổi gây ra.” (Theo Hồng Nhung)
- Thành phần phụ chú được dùng để giải thích hoặc nêu ý kiến bình luận đối với sự vật, sự việc được nói đến trong câu. Khi nói, thành phần này thường được tách biệt về ngữ điệu, khi viết được đánh dấu bằng dấu phẩy hoặc dấu gạch ngang, dấu ngoặc đơn, dấu hai chấm. Ví dụ: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.” (Thanh Tịnh).
Câu 3:
+ Thành phần tình thái: Dựa trên thái độ, cảm xúc, cách nhìn nhận vấn đề của người nói trong câu
+ Thành phần cảm thán: Dựa trên tâm lý, thái độ của người nói
+ Thành phần phụ chú: Nhận biết qua các dấu câu, giúp bổ sung thêm thông tin cho câu nói, có thể bỏ đi mà không làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của câu
+ Thành phần gọi đáp: Dựa trên mối quan hệ giao tiếp trong câu
Câu 4:
- “Dường như”: thành phần tình thái thể hiện sự không chắc chắn
- “Thưa ông”: thành phần gọi đáp
“vất vả quá”: thành phần cảm thán
- “Tôi nghĩ vậy”: thành phần phụ chú
Bình luận