Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 8 cánh diều bài 7: Mời trầu

1. NHẬN BIẾT (04 CÂU)

Câu 1: Em hãy xác định thể loại, bố cục và chủ đề của bài thơ Mời trầu.

Câu 2: Nêu một vài hiểu biết của em về Hồ Xuân Hương?

Câu 3: Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Mời trầu?

Câu 4: Nhân vật trữ tình trong thơ là ai?


Câu 1: 

- Thể loại: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

- Bố cục: Gồm 4 phần: Khởi, thừa, chuyển, hợp.

- Chủ đề: Bài thơ nói lên được ý thức cá nhân, tinh thần đấu tranh đòi hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa mặc cho những hủ tục, những định kiến u ám của thời đại.

Câu 2:

- Một số ý kiến của các nhà nghiên cứu cho rằng Hồ Xuân Hương là con Hồ Sĩ Danh (1706-1783), em cùng cha khác mẹ với Hồ Sĩ Đống (1738-1786) nguyên quán làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

- Cuộc đời Hồ Xuân Hương có nhiều éo le, ngang trái. Một cuộc đời không toại nguyện do số phận riêng và hoàn cảnh chung của xã hội. Bà từng sống trong cảnh tình duyên muộn màng, từng mang thân đi làm lẽ và từng sống trong cảnh góa bụa.

- Hồ Xuân Hương là một nữ lưu khá đặc biệt thời bấy giờ. Bà đi nhiều nơi, từng đặt chân tới nhiều miền quê của đất nước: từ Thăng Long sang Hà Tây thăm động Hương Tích, chùa Thầy, xuôi Bắc Ninh về Đèo Ba Dội ở Ninh Bình…Có thể nói đây là một hiện tượng hiếm thấy trong xã hội phong kiến.

- Hồ Xuân Hương thường giao du với nhiều văn nhân thời bấy giờ. Trong số đó có thể có cả Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu, tức Nguyễn Du. Tất cả những điều này đều góp phần tạo nên một Hồ Xuân Hương hết sức độc đáo.

- Hồ Xuân Hương được mệnh danh Bà Chúa Thơ Nôm.

Câu 3:

Về hoàn cảnh sáng tác bài thơ Mời trầu thì hiện tại chưa có mốc thời gian hay hoàn cảnh cụ thể, tuy nhiên theo một số ghi chép thì bài thơ ra đời vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006.

Câu 4:

Nhân vật trữ tình trong thơ chính là tác giả Hồ Xuân Hương.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác