Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 8 cánh diều bài 6: Từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội
1. NHẬN BIẾT (05 CÂU)
Câu 1: Nêu ba khái niệm “từ ngữ toàn dân”, “từ ngữ địa phương” và “biệt ngữ xã hội”?
Câu 2: Khi sử dụng từ ngữ địa phương hoặc biệt ngữ xã hội, cần chú ý điều gì?
Câu 3: Nêu các kiểu của từ ngữ địa phương và cho ví dụ?
Câu 4: Nêu tác dụng của từ ngữ địa phương trong sáng tác văn học?
Câu 5: Tìm biệt ngữ xã hội mà học sinh, sinh viên hay dùng?
Câu 1:
- Từ ngữ toàn dân: là những từ được sử dụng phổ biến và thống nhất trong toàn thể nhân dân. Ví dụ: bố, mẹ, dứa, lợn, trâu, gà, chó…
- Từ địa phương là những từ chỉ được sử dụng ở một hoặc một số địa phương nhất định. Ví dụ: thầy, u, tía, má, thơm, heo, bông,…
- Biệt ngữ xã hội là những từ chỉ được sử dụng bởi một tầng lớp xã hội. Tầng lớp xã hội có thể là vua, quan trong triều đình phong kiến, tầng lớp thượng lưu trong xã hội Việt Nam, thương nhân, tài xế, quân nhân, sinh viên, người cùng tôn giáo, cùng nghề nghiệp.
Câu 2:
- Không nên quá lạm dụng từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội.
- Tùy hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp mà sử dụng từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội cho phù hợp.
- Không phải đối tượng giao tiếp nào cũng có thể hiểu được từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội.
Câu 3:
– Từ ngữ địa phương có nghĩa tương ứng với nghĩa của từ ngữ toàn dân:
Ví dụ:
+ Miền Trung: mô – chỗ nào, đâu; tê – kìa; tru – trâu…
+ Miền Nam: tô – bát; cây viết – cây bút; chạy honda – chạy xe máy…
– Từ ngữ địa phương dùng ở một số nơi chỉ những sự vật, hiện tượng chỉ có ở nơi đó nhưng sau khi phổ biến thì trở thành từ ngữ toàn dân (nhưng thực chất nó vẫn là từ ngữ địa phương)
Ví dụ:
+ Bắc Bộ: thúng (đơn vị để đong thóc, gạo); nia; dần; sàng (đồ dùng để sẩy gạo, thóc); bò (đơn vị để đong gạo)…
+ Trung Bộ: nhút; chẻo – nước mắm…
+ Nam Bộ: sầu riêng, mãng cầu, chôm chôm…
Câu 4:
Trong các tác phẩm văn học, việc sử dụng các từ ngữ địa phương có chủ đích sẽ có những tác dụng mang tính nghệ thuật như sau:
+ Tác dụng tái hiện được cuộc sống hiện thực qua thời gian không gian cụ thể
+ Khắc họa được hiện thực đời sống con người để hiểu rõ hơn về văn hóa cũng như uộc sống của người dân địa phương.
+ Thể hiện địa hình, đồ vật, cách đặc trưng trong ngôn ngữ, lời nói, cách giao tiếp đặc trưng cho từng vùng miền
+ Thể hiện những dụng ý của tác giả (khắc họa tính cách nhân vật đậm chất địa phương…)
Câu 5:
-“trúng tủ”: ôn đúng phần đề ra.
- “xơi trứng ngỗng”: được 0 điểm.
- “ngỗng”: được 2 điểm.
- “gậy”: được 1 điểm.
- “chém gió”: nói phét.
- “phao”: tài liệu để chép trong giờ kiểm tra, thi cử.
- “cúp tiết”: trốn học.
- “ghế tựa”: được 4 điểm.
- “lệch tủ”: sai đề
- “đội sổ”: xếp cuối lớp.
Bình luận