Truyện Kiều là tiếng nói hiểu đời, thương đời của Nguyễn Du. Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) chỉ ra biểu hiện của sự “hiểu” và “thương” ấy trong đoạn trích Trao duyên.

Văn mẫu 11 kết nối tri thức đề bài: Truyện Kiều là tiếng nói hiểu đời, thương đời của Nguyễn Du. Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) chỉ ra biểu hiện của sự “hiểu” và “thương” ấy trong đoạn trích Trao duyên.

Bài tham khảo 1:

Đoạn trích Trao duyên được xem là tiếng kêu đứt ruột trong Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều), là tiếng khóc của Kiều khi nàng phải hi sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu. Kiều đành cậy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Kiều chọn chữ hiếu là hợp lẽ đạo đức theo “ Trung – hiếu – lễ - nghĩa- trí – tín”. Nhưng lựa chọn ấy đẩy Kiều đến vô vàn nỗi bất hạnh sau này trong suốt 15 năm lưu lạc. Trao duyên không chỉ làm ngời lên vẻ đẹp nhân cách bao dung, vị tha, đức hi sinh của Kiều mà còn thể hiện niềm xót xa, thương cảm, đồng cảm của Nguyễn Du với nỗi đau trước bi kịch tình yêu tan vỡ của nàng.
Nguyễn Du đã thấu hiểu nỗi đau đớn cực điểm, cực độ của Kiều khi trao duyên. Với Kiều đó là một quyết định chủ quan, đau đớn khi phải tự tay cắt đứt mối duyên tình đẹp đẽ với chàng Kim. Tâm trạng của Kiều khi thuyết phục Vân không được Nguyễn Du tập trung miêu tả bằng ngôn ngữ nhưng nỗi đau của nàng như ẩn chứa trong lời. Kiều đã cố kìm nén nỗi đau, nuốt nước mắt vào trong để đủ tỉnh táo thuyết phục Vân chấp nhận thỉnh cầu. Màn thuyết phục của Kiều cũng là tài nghệ sử dụng ngôn ngữ, xây dựng tính cách nhân vật tuyệt vời và thể hiện khả năng hiểu người kỳ diệu của Nguyễn Du.
Nguyễn Du thấu hiểu tâm trạng đau đớn của Kiều khi đi vào diễn tả tâm lí phức tạp, đầy mâu thuẫn trong việc trao duyên cho Thuý Vân và khát vọng tình yêu của nàng. Thuý Kiều vừa cố gắng thuyết phục em nhận lời thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng vừa nuối tiếc, đau khổ muốn giữ lại cho mình mối duyên tình đẹp đẽ, lãng mạn:  
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung”
Tâm trạng chứa đầy mâu thuẫn ấy chứng tỏ tình yêu nồng nàn, sâu đậm của Kiều đối với Kim Trọng. Kiều trao duyên là cách để giữ chữ tín với người yêu, là việc làm chứng tỏ Kiều tôn trọng tình yêu và đặt hạnh phúc người yêu lên trên nỗi đau của bản thân.
Hơn ai hết, Nguyễn thấu hiểu nỗi đau đớn, tuyệt vọng của Kiều khi mất người yêu. Sau khi trao duyên Kiều thấy cuộc sống như chấm dứt. Nàng thấy mình như sắp lìa đời, nàng chỉ nghĩ đến cái chết và cõi hư vô khiến lời trao duyên đọng lại nỗi đau quặn thắt và chua xót như lời trăn trối:
“Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai
Dạ đài cách mặt khuất lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan”
Tác giả để cho Kiều dặn dò, nhắc nhở Vân và Kim Trọng hãy thương xót và tưởng nhớ đến mình. Đó là cách để cho nhân vật trực tiếp cất lên tiếng nói “tự thương”. Nguyễn Du dành một đoạn dài cho nàng Kiều trải lòng. Lời Kiều dặn dò Vân nghe nức nở, nghẹn ngào. Với nàng, đánh mất tình yêu như đánh mất tất cả. Nàng vừa chết đi trong nỗi đau của hiện tại, vừa sống lại những kỉ niệm tình yêu của quá khứ, vừa tưởng tượng ra viễn cảnh tương lai của mình. Kiều thấy mình là người “thác oan”, là oan hồn ở cõi hư vô, vật vờ ở “ngọn cỏ lá cây”. Lời Kiều dặn dò Vân mà như lời trăn trối, trong tâm hồn nàng hiện hữu viễn cảnh tương lai là “dạ đài” (âm phủ), là “nát thân bồ liễu”. Cái viễn cảnh tương lai ấy khiền Kiều đau đớn tột cùng. Cảm xúc của Kiều đan xen giữa hiện tại với quá khứ. Kiều càng đau xót hơn khi những kỉ niệm tình yêu nồng nàn, say đắm “Phím đàn, mảnh hương huyền, lò hương tơ phím” trong đêm thề nguyền với Kim Trọng dội về. Quá khứ đẹp với hiện tại nghiệt ngã giằng xé trong tâm hồn Kiều khiến nàng đau đớn, Kiều vẫn luôn nghĩ rằng mình phải trả nghĩa cho Kim Trọng. Dù là oan hồn, dù nát thân bồ liễu vẫn “mang nặng lời thề”, vẫn muốn “đền nghì trúc mai”. Lời Kiều khẳng định tình yêu mãnh liệt thủy chung, son sắc với chàng Kim dù cái chết chia lìa, dù đã là người của thế giới bên kia. Cái chết có thể chia cách âm dương nhưng không thể chia cắt tình yêu mãnh liệt, sâu nặng của nàng. Điều đó thể hiện sâu sắc khát vọng tình yêu và niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi của nàng Kiều mà Nguyễn Du gửi gắm trong tác phẩm.  Nguyễn Du đã vượt lên tư tưởng của thời đại ông thường ru ngủ con người tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới siêu hình ở kiếp sau, ông đã thể hiện niềm khao khát hạnh phúc tình yêu của Kiều ở trần thế. Lời dặn dò cũng là tiếng khóc, khóc cho mình, khóc cho người yêu, khóc cho tình duyên dang dở, đổ vỡ trong lòng. Đó là tiếng khóc cho số phận, tiếng khóc cho một mối tình nghiệt ngã. Kiều thương mình và nhắc nhở Vân và Kim Trọng thương mình là tiếng nói thể hiện sự ý thức của con người cá nhân về bản thân. Nguyễn Du viết với cảm hứng “tự thương” là một biểu hiện của tiếng nói nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. 
Nguyễn Du miêu tả nỗi đau xé lòng dâng lên tột đỉnh với tiếng kêu gào, khóc than thảm thiết của Thuý Kiều hướng đến Kim Trọng. Tác giả để Kiều vừa chìm đắm trong nỗi đau và viễn cảnh tương lai rồi chợt đối mặt với hiện tại phũ phàng. Lời nhắn gửi  đến chàng Kim là những câu cảm thán, bộc lộ cảm xúc đau đớn tột cùng của Kiều:
“Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
Kiều đã khóc than như tạ lỗi với chàng Kim vì mình đã phụ tình chàng, nỗi đau đớn nhất của Kiều cũng là của chàng Kim. Nỗi đau đã thốt thành tiếng kêu đứt ruột, tiếng khóc thảm thiết cho số phận, cho tình yêu, cho mình  và cả người mình yêu. Nỗi đau như dồn nén đến hồi đột phá thành tiếng gào, tiếng kêu xé lòng, đứt ruột. Các cung bậc của nỗi đau như cứ tăng lên mãi trong từng lời Kiều. Kiều khóc thương cho “tơ duyên ngắn ngủi”, khóc thương cho “phận bạc như vôi”, khóc cho tình yêu tan vỡ như “ nước chảy hoa trôi”, khóc cho muôn vàn những kỉ niệm ái ân đã đến phút đoạn tình bật lên thành tiếng kêu gào thảm thiết “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!”.
Tác giả đã sử dụng hàng loạt câu cảm thán, thán từ “ôi”, vần ôi để diễn tả nỗi đau đớn tột cùng, tột đỉnh tâm trạng của Kiều khi đoạn tuyệt tình yêu. Kiều vật vã, quằn quại khóc thương để tiễn biệt một mối tình. Hai chữ “thôi thôi” như là dấu chấm hết số kiếp của tình yêu và số mệnh bất hạnh cuả Kiều. Đêm trao duyên như tiếng đàn lâm li, bi đát trở thành tiếng kêu đứt ruột, não nùng nhất trong “Đoạn trường tân thanh”. Thông qua tiếng khóc đó, Nguyễn Du đề cao khát vọng tình yêu hạnh phúc lứa đôi và thể hiện năng lực hiểu người kì diệu của ông.

Bài tham khảo 2:

Trao Duyên là một trong những đoạn thơ có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong Truyện Kiều của nhà thơ Nguyễn Du. Đoạn thơ khắc họa được rõ nét nhất tấn bi kịch của cuộc đời Thúy Kiều. Khi vì chữ Hiếu mà nàng phải quên đi chữ Tình quên đi hạnh phúc của đời mình đành dang dở. Bằng bút pháp miêu tả nội tâm tài tình Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy được tâm trạng giằng xé đầy đau khổ của Thúy Kiều.

“Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”.

Trong không gian tĩnh mịch đêm khuya vắng. Thúy Kiều gọi Thúy Vân đến khẩn thiết cậy nhờ em. Nàng biết rằng điều mình nói ra đây thật sự rất khó khăn nên mới phải sử dụng từ “cậy em”. Sau đó rồi đưa Thúy Vân lên một tầm cao hơn đó là ngồi lên trên để chị “lạy rồi sẽ thưa”. Chỉ hai câu thơ đầu thôi mà chúng ta đã thấy được Thúy Kiều là người hiểu chuyện như thế nào khi lường trước được việc mình cậy nhờ em sẽ thật sự khó khăn nên muốn đưa em vào thế không thể chối từ.

Trong niềm đau đớn của bản thân, Thúy Kiều cố gắng phân bày với em việc tại sao mới có lý do cậy nhờ ngày hôm nay:

Giữa đường đứt mối tương tư.

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.

Sự đâu sóng gió bất kỳ.

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.

Ngày xuân em hãy còn dài.

Xót tình máu mủ thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn.

Ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây.”

Nàng kể về mối tình nồng thắm của mình với Kim Trọng vừa mới chớm nở nay đã phải lụi tàn vì hoàn cảnh gia đình. Không còn nỗi đau khổ nào hơn khi vì chữ Hiếu mà phải dứt bỏ chữ Tình với chàng Kim. Vì thế Thúy Kiều cũng mong Thúy Vân thấu hiểu cho nỗi khổ của mình mà nhận lời chắp nối tơ duyên với Kim Trọng. Nếu Thúy Vân nhận lời làm việc đó thì dù có chết Thúy Kiều cũng vẫn biết ơn em. “Ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây”. Nàng đã lấy cả cái chết ra để thuyết phục em gái nhận lời cậy nhờ của mình.

Sau khi Thúy Vân đã nhận lời giúp chị Thúy Kiều bắt đầu trao cho em những kỷ vật tình yêu. Lúc này tâm trạng đau khổ giằng xé của nàng được tác giả Nguyễn Du khắc họa rất rõ nét.

Chiếc trâm với bức tờ mây.

Duyên này thì giữ, vật này của chung.

Dù em nên vợ nên chồng.

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.

Mất người còn chút của tin.

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.

Trong giờ phút trao duyên mọi kỷ niệm lại sống dậy mãnh liệt trong tâm trí Thúy Kiều. Ngỡ như tình yêu chỉ mới hôm qua đây khi nàng vừa gặp Kim Trọng vừa trao nhau những lời thề nguyền ước hẹn. Trao duyên nhưng kỷ vật đấy được xem là của chung. Và sau này khi em có nên vợ nên chồng với chàng Kim cũng đừng quên chị. Càng nói Thúy Kiều càng xót xa cho thân phận hồng nhan bạc mệnh của mình. Khi mà có được tình yêu trong tay rồi mà vì biến cố gia đình lại bị tuột mất. Nàng chới với không biết bám víu vào đâu nên tưởng tượng đến lúc Thúy Vân và Kim Trọng bên nhau mà lúc đấy nàng chỉ như một oan hồn vật vờ trong gió vương vấn trên phím đàn và mảnh hương nguyền ngày xưa.

Mai sau dù có bao giờ.

Đốt lò hương ấy so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ lá cây.

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Nếu như ở đoạn thơ đầu Thúy Kiều nói chỉ cần Thúy Vân nhận lời trao duyên thì mình ở nơi chín suối cũng ngậm cười thơm lây. Thì đến đoạn thơ này khi nhắc đến những kỷ niệm tình yêu với chàng Kim nàng càng day dứt. Nàng day dứt vì tình yêu không trọn vẹn. Thúy Kiều cảm thấy nỗi xót xa vô hạn dù chỉ là tưởng tượng thôi cũng khiến người ta cảm thấy thương cảm. Đúng là “trâm gãy bình tan” tơ duyên ngắn ngủi vừa nở đã tàn. Thúy Kiều chỉ xin em dù có thế nào nếu có âm dương cách biệt hãy cho chị xin giọt nước cho người thác oan.

Hồn còn mang nặng lời thề.

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt khuất lời.

Rưới xin giọt nước cho người thác oan.

Với Thúy Kiều dù có chết nàng cũng không bao giờ quên được tình yêu với Kim Trọng. Nên dù “thác xuống” nàng vẫn đau đáu với tình yêu chưa trọn vẹn. Nàng đã phải thốt lên:

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang.

Thôi thôi! Thiếp đã phụ chàng từ đây.

Cạn lời hồn ngất máu say

Một hơi lặng ngát đôi tay giá đồng

Thúy Kiều đã phải thốt lên “ôi Kim Lang” nghĩa là nàng đã coi chàng Kim Trọng như phu quân của mình là tình lang trong mộng. Nhưng từ nay cũng chỉ vì chữ Hiếu mà phải phụ chàng từ đây.

Đoạn thơ kết thúc với tâm trạng đau khổ cùng cực của Thúy Kiều. Ta thấy Nguyễn Du thật sự rất tài tình khi đã lột ta chân thực được nỗi niềm của Thúy Kiều trong đoạn trích Trao Duyên. Ở đó có cả sự mạnh mẽ của quân tử cũng có sự yếu đuối của nữ nhi thường tình khi phải rời xa tình yêu khắc cốt ghi tâm của mình. Một tâm trạng giằng xe đau khổ mà không phải ngòi bút nào cũng có thể lột tả được.

Nội dung quan tâm khác

Từ khóa tìm kiếm: Soạn ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 6 Trao duyên, soạn văn mẫu 11 sách KNTT bài 6 Trao duyên, văn mẫu 11 Kết nối tri thức bài Truyện Kiều là tiếng nói hiểu đời, thương đời của Nguyễn Du. Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) chỉ ra biểu hiện của sự “hiểu” và “thương” ấy trong đoạn trích Trao duyên.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác