Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một hình ảnh độc đáo được tác giả sử dụng để làm nổi bật nét riêng của sông Hương.

Văn mẫu 11 kết nối tri thức đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một hình ảnh độc đáo được tác giả sử dụng để làm nổi bật nét riêng của sông Hương.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Bài tham khảo 1:

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả dòng sông Hương với vẻ đẹp gắn liền với những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Sông Hương là dòng sông của lịch sử, đã cùng các vị vua Hùng trải qua thời kì khó khăn dựng nước và giữ nước, nó là chứng nhân cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mĩ xâm lược, đặc biệt là sự kiện Xuân Mậu Thân năm 1968. Biết bao tội ác của quân giặc được sông Hương nhớ mãi và găm vào trái tim mình. Cùng với đó là những hình ảnh bất khuất, kiên cường của cả dân tộc không thể nào quên. Sông Hương vẫn cứ ở đó, trầm mặc khi bình thường và man dại khi cần thiết, nó sẽ tiếp tục theo chân thành phố và cả dân tộc trong những năm tháng tiếp theo của tương lai. Yêu biết bao vẻ đẹp của con sông trữ tình và mộng mơ ấy! Với bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm hiện lên trước mắt người đọc hình ảnh một dòng sông Hương với vẻ đẹp thật nữ tính, làm mê đắm không chỉ với người dân xứ Huế mà còn cả những người lữ khách từng đặt chân tới nơi đây. 

Bài tham khảo 2:

Hình ảnh chia tay của người con gái ấy được miêu tả với tâm trạng đầy lưu luyến, bịn rịn: "Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. " Cả một hành trình vượt bao gian nan để gặp được người tình của mình, Hương giang chẳng nỡ lìa xa tình yêu mãnh liệt của nó, cho nên nó đột ngột chuyển dòng, để được gặp lại thành phố một lần nữa ở thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Tại đây, sông Hương nói lời thề của mình dành cho thành phố: "“Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ…”. Lời tạm biệt của dòng sông với xứ Huế gợi liên tưởng đến cảnh chia ly của những đôi tình nhân, cũng bịn rịn, thắm thiết không nỡ rời xa. Thương mến và giàu tình cảm đến như vậy, làm sao người đọc và thành phố này có thể lãng quên đi người con gái thủy chung, son sắt ấy? 

Bài tham khảo 3: 

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn có phong cách độc đáo và sở trường về thể bút kí, tuỳ bút. Lời văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường được cấu tạo bởi hệ thống ngôn từ nghệ thuật sang trọng, ám ảnh, đậm chất trữ tình của cái tôi uyên bác, tài hoa. Sông Hương hiện ra qua sự kết hợp nhiều góc nhìn khác nhau của Hoàng Phủ Ngọc Tường, từ địa lý, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật… “hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn mãnh liệt qua những ghềnh thác”. Nhưng rồi cũng có những lúc sông Hương “trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Viết tùy bút, theo Nguyễn Tuân là “lối chơi độc tấu”, “mạch văn tràn chảy tùy theo cảm hứng”. Đặc trưng này xác đáng với những lời văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả về sông Hương. Nhà văn đã đưa người đọc đến những liên tưởng bất ngờ, khi ông so sánh “Sông Hương đã sống một nửa cuộc đời mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”. Ông cho rằng sông Hương là đứa con của rừng già với một tâm hồn tự do và trong sáng, để rồi rừng già đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, “sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”. Hơn thế, sông Hương còn là dòng sông lịch sử, văn hoá, thơ ca, nghệ thuật. Nó đã là một phần trong đời sống tâm linh của người Huế trầm mặc, sâu sắc. Câu hỏi “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gợi lên trong miền tình cảm của bạn đọc nhiều băn khoăn về một dòng sông ngỡ là quá quen, hoá ra lại có nhiều bí ẩn cần được khám phá thêm. Có như vậy, chúng ta mới hiểu sâu sắc hơn về quê hương đất nước, tự hào hơn về giang sơn cẩm tú Việt Nam.

Bài tham khảo 4: 

Dòng sông Hương được tác giả ngợi ca “dòng sông duy nhất chảy qua thành phố Huế”, dòng sông vắt mình qua thành phố, chứng kiến bao nhiêu đổi thay của mảnh đất này. Cái nhìn đầu tiên của tác giả khi viết về sông Hương là cái nhìn từ vùng thượng nguồn. Vẻ đẹp của dòng sông lúc này khiến tác giả liên tưởng đến cô gái Digan phóng khoáng, mê dại, đầy sức hút. Qua ngòi bút của tác giả, sông Hương hiện lên thật kì vĩ “sông Hương tựa như một bản trường ca của rừng già, khi rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, lúc mãnh liệt vượt qua nhiều ghềnh thác, khi cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực sâu, lúc dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu hoa đỗ quyên rừng”. Chỉ với một vài chi tiết mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lột tả được vẻ đẹp lúc mãnh liệt, lúc dịu êm của sông Hương. Có lẽ đây chính là đặc trưng của sông Hương khi ở thượng nguồn, hứng chịu nhiều biến đổi của thời tiết. Thật độc đáo khi dưới con mắt của tác giả, sông Hương tựa như “Cô gái di gan phóng khoáng và man dại với bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng”. Có lẽ đây là phép nhân hóa đầy ẩn ý nhằm gợi lên nét đẹp hoang sơ nhưng hấp dẫn của con sông này. Như vậy có thể thấy được qua ngòi bút phóng khoáng của tác giả, sông Hương vùng thượng nguồn toát lên vẻ đẹp kì bí, hùng vĩ và đầy cá tính.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Soạn ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 7 Ai đã đặt tên cho dòng sông? Hoàng Phủ Ngọc Tường, soạn văn mẫu 11 sách KNTT bài 7 Ai đã đặt tên cho dòng sông? Hoàng Phủ Ngọc Tường, văn mẫu 11 Kết nối tri thức bài Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một hình ảnh độc đáo được tác giả sử dụng để làm nổi bật nét riêng của sông Hương.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác