Tóm tắt kiến thức địa lý 10 chân trời bài 18: Quy luật địa đới và quy luật phi địa đới

Tổng hợp kiến thức trọng tâm địa lý 10 chân trời bài 18: Quy luật địa đới và quy luật phi địa đới. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

I. QUY LUẬT ĐỊA ĐỚI

- Quy luật địa đới là sự thay đổi có quy luật của tất cả các thành phần và cảnh quan địa lí theo vĩ độ (từ Xích đạo về hai cực). 

- Nguyên nhân sinh ra quy luật địa đới là do Trái Đất hình cầu làm cho góc nhập xạ (góc chiếu của tia sáng mặt trời đến bề mặt đất) thay đổi từ Xích đạo về hai cực. Do đó, lượng bức xạ mặt trời cũng thay đổi, tác động đến sự phát triển, phân bố của nhiều thành phần và cảnh quan địa lí trên Trái Đất.

- Biểu hiện của quy luật địa đới là sự phân bố một cách có quy luật, theo chiều từ Xích đạo về hai cực của nhiều thành phần và cảnh quan địa lí. 

+ Sự phân bố các vòng đai nhiệt trên Trái Đất: từ Xích đạo về hai cực gồm vòng đai nóng, hai vòng đai ôn hoà, hai vòng đai lạnh và hai vòng đai băng giá vĩnh cửu.

+ Các đại khí áp và các đới gió chính: từ Xích đạo về hai cực gồm đại áp thấp xích đạo, hai đại áp cao cận nhiệt đới, hai đại áp thấp ôn đới và hai đại áp cao địa cực. Mỗi bán cầu, từ Xích đạo về cực đều có đới gió Mậu dịch, đới gió Tây ôn đới và đới gió Đông cực.

+ Các đới khí hậu: từ Xích đạo về hai cực lần lượt có các đới khí hậu xích đạo (chung cho cả hai bán cầu), cận xích đạo, nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới, cận cực và cực.

+ Các kiểu thảm thực vật và các nhóm đất chính: từ Xích đạo về hai cực có các kiểu thảm thực vật chính như: rừng nhiệt đới, xích đạo; xavan, cây bụi; thảo nguyên, cây bụi chịu hạn và đồng cỏ núi cao; hoang mạc, bán hoang mạc; rừng và cây bụi lá cứng cận nhiệt; rừng cận nhiệt ẩm; rừng lá rộng và rừng hỗn hợp ôn đới; rừng lá kim; đài nguyên; hoang mạc lạnh.

II. QUY LUẬT PHI ĐỊA ĐỚI

- Quy luật phi địa đới là quy luật phân bố không phụ thuộc vào tính chất phân bố theo địa đới của các thành phần và cảnh quan địa lí.

- Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi độ cao địa hình và sự phân bố của lục địa, đại dương.

- Biểu hiện rõ nhất của quy luật phi địa đới là quy luật đai cao và quy luật địa ô.

+ Quy luật đai cao:

  • Khái niệm: quy luật đai cao là sự thay đổi có quy luật của các thành phần và cảnh quan địa lí theo độ cao địa hình.
  • Nguyên nhân: do sự giảm nhanh nhiệt độ theo độ cao cùng với sự thay đổi về độ ẩm và lượng mưa ở miền núi. 
  • Biểu hiện rõ nhất của quy luật đại cao là sự phân bố các vành đai thực vật và đất theo độ cao địa hình.

+ Quy luật địa ô

  • Khái niệm: quy luật địa ô là sự thay đổi có quy luật của các thành phần và cảnh quan địa lí theo kinh độ.
  • Nguyên nhân: do sự phân bố đất liền và biển, đại dương làm cho khí hậu ở lục địa bị phân hoá từ đồng sang tây, càng vào sâu trong lục địa, tính chất lục địa của khí hậu càng tăng. Ngoài ra, còn do ảnh hưởng của các dãy núi chạy theo hướng kinh tuyến, làm cho khí hậu ở hai bên sườn đông và tây của dãy núi có sự khác nhau. 
  • Biểu hiện rõ nhất của quy luật địa ô là sự phân bố của các kiểu thảm thực vật theo kinh độ.

III. Ý NGHĨA THỰC TIẾN CỦA QUY LUẬT ĐỊA ĐỚI VÀ PHI ĐỊA ĐỚI

- Hiểu được biểu hiện của các quy luật địa đới, quy luật phi địa đới giúp chúng ta giải thích được sự đa dạng, phong phủ của các thành phần tự nhiên và cảnh quan địa lí trên Trái Đất cũng như ở từng khu vực lãnh thổ cụ thể

- Tính địa đới và tính phi địa đới của các thành phần tự nhiên và cảnh quan là cơ sở để phân chia các khu vực địa lí, từ đó có thể phân vùng trong phát triển kinh tế, áp dụng các biện pháp quy hoạch và phát triển vùng cho phù hợp.

- Con người sinh sống và sản xuất ở từng lãnh thổ khác nhau cần có các biện pháp sử dụng hợp lí và hiệu quả sự đa dạng của tự nhiên.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Tóm tắt kiến thức bài 18: Quy luật địa đới và quy luật phi địa đới, kiến thức trọng tâm địa lý 10 chân trời bài 18: Quy luật địa đới và quy luật phi địa đới, nội dung chính bài Quy luật địa đới và quy luật phi địa đới

Bình luận

Giải bài tập những môn khác