Soạn ngắn gọn văn 11 Cánh diều bài 2: Nguyễn Du - Cuộc đời và sự nghiệp

Soạn siêu ngắn bài 2: Nguyễn Du - Cuộc đời và sự nghiệp ngữ văn 11 Cánh diều. Với câu từ ngắn gọn, ý tứ xúc tích, dễ hiểu, học sinh nhanh chóng nắm bắt các ý chính của bài, giúp nhớ nhanh và nhớ lâu. Từ đó, việc chinh phục kiến thức trở nên dễ hơn bao giờ hết.

BÀI 2 THƠ VĂN NGUYỄN DU

VĂN BẢN: NGUYỄN DU - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP 

TRONG KHI ĐỌC

Câu 1: Những điểm đáng lưu ý về gia đình, dòng họ Nguyễn Du là gì?

Trả lời:

Gia đình, dòng họ Nguyễn Du là đại quý tộc, có thế lực vào bậc nhất đương thời, vừa có truyền thống khoa bảng, đỗ đạt làm quan, vừa có truyền thống văn hóa, văn học. Đây là một trong những môi trường thuận lợi để phát triển nhân cách và tài năng của ông. 

Câu 2: Những biến cố lịch sử nào đã tác động tới cuộc đời, con người Nguyễn Du?

Trả lời:

Thời gian

Sự kiện

Năm 1786

Sự sụp đổ của triều đình vua Lê - chúa Trịnh.

Bắt đầu năm 1771 

Phong trào nông dân khởi nghĩa mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Cuối thế kỷ XVIII

Nguyễn Huệ lật đổ vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đồng thời phá quân Xiêm xâm lược ở phương Nam, diệt quân Thanh xâm lược ở phương Bắc đã thu giang sơn về một mối và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. 

Năm 1802 

Triều đại Tây Sơn sụp đổ, triều Nguyễn được vua Gia Long (Nguyễn Ánh) thiết lập và tiếp đến là công cuộc hưng thịnh trở lại của vương triều Nguyễn.

 

Câu 3: Những điểm đáng lưu ý nào về cuộc đời Nguyễn Du có ảnh hưởng tới sáng tác văn chương của ông?

Trả lời:

Khi trong cảnh “màn lan trưởng huệ" của cậu công tử gia đình đại quý tộc, lúc là kẻ phiêu bạt trong cảnh “mười năm gió bụi” lánh nạn Tây Sơn; khi là người ẩn cư tại quê nhà, lúc làm quan cho triều đình nhà Nguyễn, từng được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc. 

Đi nhiều, tiếp xúc nhiều cũng là đặc điểm nổi bật ở cuộc đời đại thi hào. Bước chân Nguyễn Du đã từng qua nhiều miền quê, từ kinh thành Thăng Long đến kinh đô Huế, từ quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Bắc Ninh đến quê vợ Thái Bình, rồi lánh nạn ở Thái Nguyên, làm quan ở Quảng Bình,... 

Những tháng năm đi sứ, Nguyễn Du qua nhiều vùng miền của đất nước Trung Hoa rộng lớn và tiếp thu được tinh hoa văn hoá nước ngoài như Trung Quốc.

Câu 4 : Chú ý những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Du.

Trả lời:

Thể loại

Tên tác phẩm

Chữ Hán

3 tập thơ với 250 bài: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.

Chữ Nôm

Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh.

 

Câu 5 : Chú ý hiện thực xã hội được phản ánh trong sáng tác của Nguyễn Du.

Trả lời:

- Tái hiện lên hoàn cảnh sống của những số phận cơ cực, hẩm hiu (ông già mù hát rong, người mẹ dắt con đi ăn xin,…), những con người sắc tài mà bi kịch (người phụ nữ gảy đàn đất Long Thành, nàng Tiểu Thanh;…). => những bất công của xã hội, những cảnh đời trái ngược.

Câu 6 :  Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du thể hiện như thế nào qua thơ chữ Hán?

Trả lời:

Thơ chữ Hán Nguyễn Du như nhật kí cuộc đời tác giả, là bức chân dung tự hoạ về một con người có tấm lòng nhân đạo bao la, sâu sắc. Tác giả hướng về những số phận đau khổ, bất hạnh với niềm cảm thương sâu sắc. Đặc biệt là những người phụ nữ sắc tài mà mệnh bạc, đó là những người nghèo khổ mà tác giả bắt gặp trên đường đi sứ. Viết về những con người có tài năng, có khi tiết thanh cao, Nguyễn Du vừa thể hiện niềm cảm thương, vừa trân trọng, ngưỡng mộ. 

Câu 7 : Chú ý những nội dung làm nên giá trị nhân đạo của kiệt tác Truyện Kiều.

Trả lời:

Giá trị nhân đạo của kiệt tác Truyện Kiều:

- Truyện là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo với tầng lớp quan lại gian ác, những kẻ lưu manh, vô lại bất nhân, sự khuynh đảo của thế lực đồng tiền,..Trong xã hội ấy, những người lương thiện, những thân phận nhỏ bé bị chà đạp, dập vùi.

- Thể hiện tiếng nói đồng cảm với bi kịch, đồng tình với những khát vọng chân chính của cong người, được thể hiện qua nhân vật Thúy Kiều. Ở đời Kiều có hai bi kịch lớn hết sức đau đớn: bi kịch tình yêu và bi kịch nhân

Câu 8: Điểm nổi bật ở thơ chữ Hán Nguyễn Du là gì?

Trả lời:

Thơ Hán Nguyễn Du là những áng văn chương tuyệt tác, phần lớn được viết theo thể thơ Đường luật với đủ các tiểu loại: nếu xét về số câu trong bài thì có tứ tuyệt (tuyệt cú), bát cú, trường thiên; nếu xét về số chữ trong câu thì có ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn. 

Bút pháp nghệ thuật phong phú, đa dạng: trữ tình, tự sự hiện thực, trào phúng. Tính chất hàm súc, cô đọng, “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời), nghệ thuật đối,... vốn là đặc điểm, thế mạnh của thơ Đường luật được nhà thơ phát huy ở mức cao nhất.

 

Câu 9 : Chú ý những thành công nghệ thuật lớn của kiệt tác Truyện Kiều.

Trả lời:

- Những thành công nghệ thuật lớn của kiệt tác Truyện Kiều:

+ Miêu tả nội tâm nhân vật là một thành công nghệ thuật lớn, mang ý nghĩa cách tân của kiệt tác Truyện Kiều.

+ Thiên nhiên trong truyện vừa là đối tượng thẩm mĩ, vừa là phương thức thể hiện tâm trạng của nhân vật với nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình”.

 + Viết theo thể lúc bát vừa dân dã, bình dị như ca dao, dân ca, vừa trau chuốt nghệ thuật, đạt tới giá trị cổ điển – giá trị khuôn thước, mẫu mực.

+ Kết hợp giữa ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ văn học dân gian, ngôn ngữ bác học 

SAU KHI ĐỌC

Câu 1: Văn bản Nguyễn Du - Cuộc đời và sự nghiệp gồm mấy phần? Hãy xác định nội dung chính của từng phần.

Trả lời:

Phần 1: Cuộc đời từng trải với vốn sống phong phú của Nguyễn Du

Phần 2: Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du

Câu 2: Dựa vào văn bản trên, em hãy nêu lên những điểm nổi bật về thời đại, gia đình, cuộc đời Nguyễn Du có ảnh hưởng tới sáng tác của ông.

Trả lời:

Cuộc đời Nguyễn Du

Chi tiết

Gia đình

Nguyễn Du sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học. Cha là Nguyễn Nghiễm, đỗ tiến sĩ, từng giữ chức Tể tướng. Chính điều này là cái nôi nuôi dưỡng tài năng văn học của Nguyễn Du.

Thời đại

Cuộc đời Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – XIX. Đây là giai đoạn lịch sử đầy biến động với hai đặc điểm nổi bật là chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng và phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, đỉnh cao là phong trào Tây Sơn. Yếu tố thời đại đã ảnh hưởng sâu sắc tới ngòi bút của Nguyễn Du khi viết về hiện thực đời sống.

 

Câu 3: Vì sao bài viết khẳng định thơ chữ Hán Nguyễn Du “là bức chân dung tự hoạ về một con người có tấm lòng nhân đạo bao la, sâu sắc"?

Trả lời:

 Vì nét nổi bật chính trong các sáng tác của Nguyễn Du là sự đề cao xúc cảm, tức đề cao “tình”. Điều  quan trọng hàng đầu, là sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người nhỏ bé, bất hạnh.

 

Câu 4: Giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực trong các tác phẩm của Nguyễn Du thể hiện ở những điểm nào?

Trả lời:

Giá trị tác phẩm

Đặc điểm

Giá trị nhân đạo

Tác phẩm như bức chân dung tự họa về một con người có tấm lòng nhân đạo bao la, sâu sắc. Và là tiếng nói đồng tình với khát vọng chân chính của con người.

Khóc thương cho những loại người trong xã hội mà những giọt nước mắt xót xa nhất là dành cho người phụ nữ, dành cho trẻ em, người lao động.

Nguyễn Du thể hiện tiếng nói đồng cảm với bi kịch, đồng tình với những khát vọng chân chính của con người.

Giá trị hiện thực 

Nguyễn Du thể hiện ở việc Nguyễn Du viết từ "những điều trông thấy" . Phản ánh những biến động chân thực của thời đại ông sống. 

 

Câu 5: Truyện Kiều có những thành công nào về nghệ thuật?

Trả lời:

- Hình thức ngôn ngữ kể chuyện (ngôn ngữ gián tiếp, ngôn ngữ trực tiếp), Nguyễn Du đặc biệt thành công với ngôn ngữ nửa trực tiếp.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật là trong tác phẩm Truyện Kiều. Tính cách nhân vật được khắc họa bằng cả bút pháp ước lệ và bút pháp tả thực, bằng cả con người với biểu hiện bên ngoài và con người với đời sống nội tâm. Miêu tả nội tâm nhân vật là một thành công nghệ thuật lớn, mang ý nghĩa cách tân của kiệt tác Truyện Kiều.

Câu 6: Nhà thơ Tố Hữu nhận định Nguyễn Du là “người xưa của ta nay”. Em có suy nghĩ gì về nhận định đó? 

Trả lời:

Nguyễn Du là một đại thi hào của dân tộc. Những tác phẩm của ông chưa đựng những giá trị tư tưởng, triết lí sống sâu sắc không chỉ thời đại ông sống và còn xuôi dòng lịch sử của dân tộc.Trong các sáng tác của ông đề cao giá trị nhân văn con người, nhất là những người nhỏ bé, bất hạnh, ... đó là kết quả của quá trình quan sát, suy ngẫm về cuộc đời, về con người của tác giả. Sẵn sàng lên án, tố cáo những thế lực đen tối chà đạp con người. Và đề cao quyền bình đẳng, giá trị của mỗi người. Tư tưởng của Nguyễn Du đã vượt qua thời đại để tồn tại đến nay.

 

Nội dung quan tâm khác

Từ khóa tìm kiếm: Soạn ngắn gọn ngữ văn 11 Cánh diều bài 2: Nguyễn Du - Cuộc đời và sự nghiệp, Soạn ngắn ngữ văn 11 Cánh diều bài 2: Nguyễn Du - Cuộc đời và sự nghiệp

Bình luận

Giải bài tập những môn khác