Đề thi giữa kì 2 tiếng Việt 5 CD: Đề tham khảo số 5

Trọn bộ Đề thi giữa kì 2 tiếng Việt 5 CD: Đề tham khảo số 5 bộ sách mới Cánh diều gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 2

TIẾNG VIỆT 5 – CÁNH DIỀU 

  1. PHẦN TIẾNG VIỆT (10,0 điểm)

1. Đọc thành tiếng (3,0 điểm)

Giáo viên kiểm tra đọc thành tiếng đối với từng HS. 

Nội dung kiểm tra: Các bài đã học từ chủ điểm 3, giáo viên ghi tên bài, số trang vào phiếu, gọi HS lên bốc thăm và đọc thành tiếng. Mỗi HS đọc một đoạn văn, thơ khoảng 100 tiếng/phút (trong bài bốc thăm được) sau đó trả lời một câu hỏi về nội dung của đoạn đọc do giáo viên nêu.

2. Đọc hiểu văn bản kết hợp tiếng Việt (7,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: (3,0 điểm) 

Bàn tay cô giáo 

Bàn tay cô giáo

Tết tóc cho em

Về nhà bà khen

Tay cô đến khéo!

 

Bàn tay cô giáo

Vá áo cho em

Như tay chị cả

Như tay mẹ hiền. 

 

Cô cầm tay em

Nắn từng nét chữ

Em viết đẹp thêm

Thẳng đều trang vở. 

 

Hai bàn tay cô

Dạy em múa dẻo

Hai bàn tay cô

Dạy em đan khéo. 

 

Cô dắt em đi

Trên đường tới lớp

Đường đẹp quê hương

Đường dài đất nước. 

 

Cô bước, em bước

Cây xanh đôi bờ

Vừng đông xoè quạt

Đẹp bàn tay cô...

ĐỊNH HẢI 

Câu 1 (0,5 điểm). Bàn tay cô giáo được so sánh với gì trong bài thơ?

A. Tay của bà và tay của mẹ.

B. Tay của chị cả và tay của mẹ hiền.

C. Tay của nghệ nhân và tay của thợ thủ công. 

D. Tay của bạn bè và tay của người thân.

Câu 2 (0,5 điểm). Bàn tay cô giáo được nhắc đến lần đầu trong bài thơ với hành động nào?

A. Nắn từng nét chữ cho em.

B. Đan đồ cho em.

C. Dắt em tới lớp.

D. Tết tóc cho em.

Câu 3 (0,5 điểm). Hình ảnh “cô bước, em bước” trong bài thơ tượng trưng cho điều gì?

A. Sự đồng hành trên con đường học tập và tương lai.

B. Sự gắn bó giữa cô và trò.

C. Tình yêu thiên nhiên.

D. Sự chia sẻ công việc. 

Câu 4 (0,5 điểm). Hình ảnh “Cô dắt em đi trên đường tới lớp” thể hiện điều gì?

A. Sự dìu dắt tận tình của cô giáo với học sinh.

B. Niềm vui của cô giáo khi đến lớp.

C. Tình yêu của cô giáo với quê hương.

D. Hình ảnh cô giáo và học sinh cùng đi chơi.

Câu 5 (0,5 điểm). Tác giả dùng hình ảnh bàn tay cô giáo để nói lên điều gì?

A. Sự khéo léo và tình yêu thương của cô giáo.

B. Công việc hàng ngày của cô giáo.

C. Sự vất vả của nghề giáo viên.

D. Tài năng nghệ thuật của cô giáo.

Câu 6 (0,5 điểm). Nội dung chính của bài thơ Bàn tay cô giáo là gì?

A. Ca ngợi công việc lao động của cô giáo.

B. Tả vẻ đẹp của thiên nhiên và quê hương. 

C. Ca ngợi đôi bàn tay chăm sóc, dạy dỗ học sinh của cô giáo.

D. Miêu tả một ngày đi học của học sinh.

Luyện từ và câu: (4,0 điểm)

Câu 7 (2,0 điểm). Dùng cặp từ hô ứng để viết lại câu ghép dưới đây: 

a) Trời về khuya, gió se lạnh.

b) Mặt trời nhô lên, đàn chim ríu rít hót ca. 

c) Trời sáng hẳn, các bác nông dân dậy ra đồng gặt lúa. 

d) Cô ấy chăm chỉ học bài, tôi lười học bài. 

Câu 8 (2,0 điểm) Xác định điệp ngữ trong các câu sau và nêu tác dụng của nó.

a) “Mùa xuân đến, mùa xuân lại về, mùa xuân đi rồi lại trở lại.”

b) “Đoàn tàu chạy vội vã, chạy nhanh, chạy mãi, không ngừng nghỉ.”

c) “Cái giếng làng anh sâu, cái giếng làng anh trong, cái giếng làng anh mát lạnh.”

d) “Tôi đi, tôi đi mãi, không dừng lại, không quay đầu.”

  1. PHẦN VIẾT - TẬP LÀM VĂN (10,0 điểm)

Câu 9 (2,0 điểm):  Chính tả nghe – viết:  GV cho HS viết một đoạn trong bài “Cuộc họp bí mật” (SGK TV5, Cánh diều – trang 51)  Từ “Xa-sa giơ tay đầu tiên” cho đến “Thầy giáo vui vẻ nói”.

Câu 10 (8,0 điểm): Em hãy viết bài văn tả cảnh bình minh trên biển.  

TRƯỜNG TH ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 2 (2024-2025)

MÔN: TIẾNG VIỆT 5 – CÁNH DIỀU 

A. PHẦN TIẾNG VIỆT: (10,0 điểm) 

1. Đọc thành tiếng (3,0 điểm)

- Đánh giá, cho điểm. Giáo viên đánh giá, cho điểm dựa vào những yêu cầu sau:

+ Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu (không quá 1 phút): 0,5 điểm

(Đọc từ trên 1 phút – 2 phút: 0,25 điểm; đọc quá 2 phút: 0 điểm)

+ Đọc đúng tiếng, đúng từ, trôi chảy, lưu loát: 1 điểm

(Đọc sai từ 2 đến 4 tiếng: 0,5 điểm; đọc sai 5 tiếng trở lên: 0 điểm)

+ Ngắt nghỉ hơi ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 0,5 điểm

(Ngắt nghỉ hơi không đúng từ 2 – 3 chỗ: 0,25 điểm; ngắt nghỉ hơi không đúng từ 4 chỗ trở lên: 0 điểm)

+ Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm

(Trả lời chưa đầy đủ hoặc diễn đạt chưa rõ ràng: 0,5 điểm; trả lời sai hoặc không trả lời được: 0 điểm)

* Lưu ý: Đối với những bài tập đọc thuộc thể thơ có yêu cầu học thuộc lòng, giáo viên cho học sinh đọc thuộc lòng theo yêu cầu.

2. Đọc hiểu văn bản kết hợp tiếng Việt (7,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm. (3,0 điểm) 

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

Câu 5

Câu 6

B

D

A

A

A  

C

Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 7 (2,0 điểm) Xác định được đúng mỗi ý được 0,5 điểm:

a) Trời càng về khuya, gió càng xe lạnh. 

b) Mặt trời mới nhô lên, đàn chim đã ríu rít hót ca. 

c) Trời vừa sáng hẳn, các bác nông dân đã dậy ra đồng gặt lúa. 

d) Cô ấy chăm chỉ học bài bao nhiêu, tôi lười học bài bấy nhiêu. 

Câu 8 (2,0 điểm) Mỗi ý đúng được 0,5 điểm:

a) 

+ Điệp ngữ: “mùa xuân”

+ Tác dụng: Lặp lại từ "mùa xuân" giúp nhấn mạnh sự tuần hoàn của mùa xuân, thể hiện tính quy luật và không ngừng của mùa xuân, đồng thời tạo ra nhịp điệu nhẹ nhàng và gợi cảm xúc.

b)

+ Điệp ngữ: “chạy”

+ Tác dụng: Sự lặp lại của từ "chạy" làm nổi bật sự chuyển động không ngừng nghỉ của đoàn tàu, thể hiện tốc độ và sự vội vã, từ đó tạo ra sự nhấn mạnh và khắc sâu trong tâm trí người đọc.

c) 

+ Điệp ngữ: “cái giếng làng anh”

+ Tác dụng: Sự lặp lại của cụm từ “cái giếng làng anh” giúp nhấn mạnh đặc điểm của giếng, đồng thời tạo ra sự hài hòa trong câu văn. Điều này làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của giếng và gợi lên hình ảnh gần gũi, thân thuộc.

d)

+ Điệp ngữ: “tôi đi”

+ Tác dụng: Sự lặp lại của “tôi đi” nhấn mạnh ý chí kiên định và quyết tâm của người nói, đồng thời tạo nên một nhịp điệu đều đặn, mạnh mẽ, thể hiện sự vững vàng và kiên trì trong hành trình.

B. PHẦN VIẾT – TẬP LÀM VĂN: (10,0 điểm)

Câu 9: Phần chính tả nghe – viết:

- GV đọc cho HS viết, thời gian HS viết bài khoảng 15 phút.

- Đánh giá, cho điểm: Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ và đúng theo đoạn văn (thơ) 2 điểm.

- Học sinh viết mắc từ 2 lỗi chính tả trong bài viết (sai – lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh; không viết hoa đúng quy định): trừ 0,5 điểm.

Câu

Nội dung đáp án

 

Câu 10

(8,0 điểm)

1. Viết được bài văn có bố cục đầy đủ, rõ ràng

A. Mở bài (1,0 điểm)

- Giới thiệu về cảnh bình minh trên biển mà em sắp tả.

- Cảm giác của em khi chứng kiến khoảnh khắc bình minh trên biển.

B. Thân bài (3,0 điểm)

- Tả không gian:

  • Trước khi mặt trời lên, bầu trời có màu gì? (Màu tối, hơi mờ, ánh sáng lờ mờ từ phía Đông).

  • Mặt biển lúc này như thế nào? (Lặng yên, phẳng lặng, đôi khi có những cơn sóng nhỏ xô về bờ).

- Tả ánh sáng bình minh:

  • Cảm nhận về ánh sáng khi mặt trời bắt đầu lên. VD: Mặt trời từ từ nhô lên trên biển, chiếu rọi những tia sáng vàng óng ánh lên mặt nước.

  • Màu sắc của bình minh: màu cam, vàng, đỏ tạo nên một cảnh sắc huyền bí, rực rỡ.

- Tả cảnh vật xung quanh:

  • Biển dần trở nên sôi động, các con sóng bắt đầu dâng cao, ánh sáng mặt trời chiếu vào làm cho mặt biển lấp lánh như vàng.

  • Cảnh vật trên biển diễn ra như thế nào? VD: Những chiếc thuyền đánh cá, dần dần xuất hiện, đang chuẩn bị ra khơi.

  • Cảnh vật xung quanh như cây cối, bãi cát, xa xa là những ngọn núi hay những ngôi làng ven biển dần hiện rõ dưới ánh sáng mặt trời.

- Tả âm thanh:

  • Tiếng sóng vỗ, tiếng chim hải âu gọi nhau bay trên bầu trời.

  • Tiếng gió thổi nhẹ nhàng, tạo nên âm thanh mát rượi.

C. Kết bài (1,0 điểm)

- Cảm nhận của em sau khi nhìn thấy bình minh trên biển: cảnh tượng hùng vĩ, tươi sáng, đem lại cho em cảm giác bình yên, thư thái.

- Cảm nghĩ về vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của biển cả trong khoảnh khắc đầu ngày.

2. Chữ viết đẹp, đúng chính tả, trình bày sạch đẹp, đúng quy định thể hiện qua bài viết. 

3. Sử dụng câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng nghĩa, rõ nghĩa và sử dụng đúng các dấu câu trong bài. 

4. Bài viết có sự sáng tạo: có cảm xúc, ý văn rõ ràng, lôi cuốn người đọc…

* Tuỳ từng mức độ sai sót về ý, diễn đạt và chữ viết mà GV cho điểm phù hợp.

 
Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi tiếng Việt 5 Cánh diều, trọn bộ đề thi tiếng Việt 5 Cánh diều, Đề thi giữa kì 2 tiếng Việt 5

Bình luận

Giải bài tập những môn khác