Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 8 KNTT: Đề tham khảo số 3

Trọn bộ đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 8 KNTT: Đề tham khảo số 3 bộ sách mới Kết nối tri thức gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ THI CUỐI KÌ 2 NGỮ VĂN 8 KẾT NỐI TRI THỨC ĐỀ 3

PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Từ 2019 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế xã hội, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt năm 2021, đại dịch hoành hành đã khiến hàng ngàn trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, hàng triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch, không được đến trường, thiếu điều kiện học trực tuyến hoặc gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ đã có rất nhiều chính sách thiết thực nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được hết yêu cầu của thực tế, vì vậy cần có sự chung tay của cộng đồng, góp sức cùng Chính phủ giúp trẻ em thực hiện ước mơ đến trường.

Với phương châm: "Không để ai bị bỏ lại phía sau" của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hơn lúc nào hết, sự chung tay của toàn xã hội đã giúp đỡ kịp thời không chỉ riêng với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn mà còn giúp đỡ trẻ em bị ảnh hưởng Covid-19, trẻ em mồ côi do bố mẹ chết vì mắc Covid-19.

Năm 2021, Quỹ BTTEVN được Bộ LĐ-TB&XH giao chỉ tiêu vận động 90 tỷ đồng để hỗ trợ cho 110.000 lượt trẻ em. Dự kiến đến hết 31/12/2021, Quỹ BTTEVN sẽ vận động 92.070 tỷ đồng (đạt 102,3% kế hoạch) hỗ trợ 115.196 lượt trẻ em, đạt 104,7% kế hoạch 2021.

Năm 2021, ngoài các hoạt động, dự án thường niên, Quỹ BTTEVN vận động hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hơn 20 tỷ đồng cho 15.288 trẻ em bị ảnh bởi dịch Covid-19 tại 47 tỉnh, thành phố. Định mức hỗ trợ tiền mặt cho trẻ em mồ côi 5 triệu đồng/trẻ em, 1 triệu đồng/trẻ em sơ sinh và các hỗ trợ khác bằng hàng hóa hoặc tiền mặt từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng/trẻ em cho trẻ em khác bị ảnh hưởng.

Đối tượng nhận hỗ trợ là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc trẻ em thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, trẻ em là con của công nhân, nông dân mất việc làm và trẻ em sơ sinh có mẹ bị nhiễm Covid-19. Ngoài kinh phí hỗ trợ từ Quỹ BTTEVN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh còn chủ động vận động quà và nhu yếu phẩm từ nguồn xã hội hóa của tỉnh và hội đồng hương để hỗ trợ thêm cho nhóm trẻ em này.

Như vậy, sau khi đại dịch bắt đầu bùng phát vào cuối năm 2019, trong năm 2020 và 2021, Quỹ BTTEVN đã vận động hỗ trợ cho hơn 30 ngàn trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng (bao gồm cả tiền và hàng hóa).

Tiếp tục thành công của những năm trước, chương trình "Mùa xuân cho em" lần thứ 15 năm 2022 sẽ tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào 20h ngày 9/1/2022. Chương trình thật sự là cầu nối giữa các nhà tài trợ cùng chắp cánh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện ước mơ của chính các em - đó là quyền được sống, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia.

(Theo “Đem mùa xuân cho em” trong những ngày “bão giông” Covid-19 – nguồn Dantri.com)

Câu 1 (1 điểm). Văn bản trên thể hiện nội dung gì?

Câu 2 (1 điểm). Trong văn bản trên tác giả có đề cập đến đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ văn bản và hiểu biết của mình em hãy nêu những ảnh hưởng mà các bạn nhỏ đó phải gánh chịu?

Câu 3 (1 điểm). Trong hoàn cảnh đó Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã thực hiện những hoạt động nào để khắc phục những ảnh hưởng này? Kết quả của hoạt động đó ra sao?

Câu 4 (2 điểm). Viết một đoạn văn khoảng 6-8 dòng nêu suy nghĩ của em sau khi đọc xong văn bản trên, trong đó có sử dụng 1 câu có thành phần trạng ngữ và 1 cụm danh từ.

PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

Câu 1.(5.0 điểm) Thuyết minh về một hiện tượng thiên nhiên trong cuộc sống.

Hướng dẫn trả lời:

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Câu 1: Văn bản viết về những hoạt động của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam để hỗ trợ các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Câu 2: HS nêu những ảnh hưởng mà trẻ em phải chịu:

+ Ảnh hưởng về sức khỏe, thể chất

+ Mồ côi cha mẹ, tổn thất về tinh thần

+ Không được đến trường

….

Câu 3: Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã thực hiện quyên góp ủng hộ, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Kết quả:

+ Năm 2021, ngoài các hoạt động, dự án thường niên, Quỹ BTTEVN vận động hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 hơn 20 tỷ đồng cho 15.288 trẻ em bị ảnh bởi dịch Covid-19 tại 47 tỉnh, thành phố. Định mức hỗ trợ tiền mặt cho trẻ em mồ côi 5 triệu đồng/trẻ em, 1 triệu đồng/trẻ em sơ sinh và các hỗ trợ khác bằng hàng hóa hoặc tiền mặt từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng/trẻ em cho trẻ em khác bị ảnh hưởng.

+ Cuối năm 2019, trong năm 2020 và 2021, Quỹ BTTEVN đã vận động hỗ trợ cho hơn 30 ngàn trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng (bao gồm cả tiền và hàng hóa)

Câu 4: HS triển khai theo các ý sau:

+ Suy nghĩ về hoàn cảnh những mất mát mà các bạn nhỏ phải gánh chịu

+ Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của nhân dân ta để giúp đỡ trẻ em vượt qua hoạn nạn

B. PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

     Lũ lụt là một trong những hiện tượng tự nhiên đầy mạnh mẽ và tác động lớn đối với môi trường và cuộc sống của con người. Hiện tượng này thường xảy ra khi có lượng nước lớn vượt quá khả năng tiếp thu của môi trường tự nhiên hoặc hệ thống thoát nước. Trong bài thuyết minh này, chúng ta sẽ tìm hiểu về lũ lụt, cách nó hình thành, và tác động của nó lên môi trường và cuộc sống.

    Lũ lụt là tên gọi chung cho hai hiện tượng tự nhiên thường xảy ra cùng lúc, gây ra do tác động của mưa lớn, sự tan chảy mạnh của tuyết, hoặc sự vỡ đập của hồ, đập.  Khi kết hợp với nhau, chúng trở thành một loại hình thiên tai gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân.

Một trong những nguyên nhân chính gây lũ lụt là mưa lớn kéo dài trong một thời gian dài. Mưa liên tục và dồn dập làm cho mực nước các dòng sông, suối tăng lên đột ngột, vượt quá khả năng chứa nước của các lưu vực. Ở các vùng có khí hậu lạnh, tuyết bao phủ mặt đất. Khi nhiệt độ tăng, tuyết sẽ tan chảy và dòng nước tuyết sẽ đổ về các dòng sông, làm tăng mực nước và gây lũ lụt. Sự vỡ đập của các công trình thủy điện, hồ chứa nước, đập... cũng là nguyên nhân gây ra lũ lụt. Khi đập không chịu nổi áp lực của nước, nó sẽ vỡ ra và dòng nước mạnh sẽ tràn vào các khu vực dân cư.

Mỗi khi có trận lũ lụt xảy ra, của cải và con người đều chịu thiệt hại nặng nề. Không chỉ có nhiều người bị thiệt mạng, chấn thương mà còn nhiều nhà cửa, tài sản, rau màu, vật nuôi cũng bị nước phá hủy. Không chỉ vậy, sau lũ lụt, chúng ta còn phải đổi mặt với sự ô nhiễm của nguồn nước và dịch bệnh trên cả người và vật nuôi. Điều đó không chỉ khiến mỗi con người mà còn khiến cho cả địa phương chịu thiệt hại nặng nề.

Để đối phó với lũ lụt, cần có các biện pháp phòng ngừa và đối phó, bao gồm: Xây dựng và duy trì hệ thống đê điều mạnh mẽ để kiểm soát dòng nước và giảm thiểu thiệt hại. Quản lý môi trường và sử dụng đất đai một cách bền vững để giảm thiểu nguy cơ lũ lụt. Phát triển hệ thống cảnh báo lũ lụt và kế hoạch ứng phó để bảo vệ người dân và tài sản.

Bẩn thân mỗi người chúng ta cần có ý thức về lũ lụt, thực hiện những hành động nhằm làm giảm thiểu nguy cơ dẫn đến lũ lụt. Riêng bản thân em, em luôn tích cực tham gia các phòng trào trồng cây gây rừng, chiến dịch xanh, thu gom rác thải.

    Cho đến nay, người ta vẫn chưa thể hoàn toàn dự báo chính xác sự xuất hiện của lũ lụt. Chúng ta chỉ có thể xây dựng các công trình tương thích để sống cùng với lũ. Đồng thời luôn đề cao cảnh giác khi các nhân tố thiên tai có thể gây ra lũ lụt diễn ra. Quan trọng nhất, là cần phải đẩy mạnh việc trồng rừng và bảo vệ môi trường để hạn chế tối đa tác động của hiện tượng lũ lụt.

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 8 kết nối tri thức, trọn bộ đề thi Ngữ văn 8 kết nối, đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 8 KNTT: Đề

Bình luận

Giải bài tập những môn khác