Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 8 Cánh diều: Đề tham khảo số 3
Trọn bộ đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 8 Cánh diều: Đề tham khảo số 3 bộ sách mới Cánh diều gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện
ĐỀ THI CUỐI KÌ 2 NGỮ VĂN 8 CÁNH DIỀU ĐỀ 3
A. PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)
Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.
( Chiều xuân – Anh Thơ)
Câu 1 (1.0 điểm): Bức tranh chiều xuân hiện lên trong bài thơ có đặc điểm gì?
Câu 2 (1.0 điểm): Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: “Đò biếng nằm lười mặc nước sông trôi/Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng”?
Câu 3 (1.0 điểm): Tâm trạng của tác giả hiện lên như thế nào qua bài thơ?
Câu 4 (2.0 điểm): Viết một đoạn văn (7 – 10 dòng) thể hiện cảm nhận của anh/chị về bức tranh quê buổi chiều xuân được tác giả phác họa trong bài thơ.
PHẦN VIẾT (5.0 điểm)
Câu 1 (5.0 điểm): Phân tích bài thơ Vịnh khoa thi Hương của Trần Tế Xương.
Hướng dẫn trả lời
A. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Bức tranh chiều xuân trong bài thơ được miêu tả bằng những hình ảnh thiên nhiên và đời sống con người nổi bật là:
- Thiên nhiên:
+ Mưa bụi êm êm trên bến vắng
+ Chòm hoa xoan tím rụng tơi bời,
+ Cỏ non tràn biếc cỏ,
+ Đàn sáo đen,
+ Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
+ Trâu bò thong thả cúi ăn mưa,…
- Đời sống con người
+ Đò biếng lười mặc nước sông
+ Quán tranh im lìm, vắng lặng
+ Cô nàng yếm thắm giật mình, cuốc, cào cỏ ruộng
Câu 2:
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ “Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi” là: Biện pháp tu từ nhân hoá, biến “con đò” trở nên “lười”, “nằm” im “mặc” nước sông trôi; còn “quán tranh” thì “đứng im lìm” giữa không gian vắng lặng.
- Tác dụng của biện pháp tu từ đó là:
+ Biến con đò và quán tranh từ những sự vật vô tri trở thành con người, có linh hồn, có cảm xúc, có tâm trạng -> nỗi buồn mênh mang trước cơn mưa bụi chiều xuân.
+ Làm cảnh sắc thiên nhiên chiều xuân trở nên gần gũi hơn, cảm xúc hơn trước độc giả và ta như tìm được sự đồng điệu với cảnh vật.
Câu 3:
- Tâm trạng của tác giả trong đoạn thơ: Nỗi buồn mênh mạng, nhẹ nhàng mà tinh tế trước cảnh sắc của buổi chiều xuân, trong làn mưa bụi bay bay trên mái nhà.
- Từ đó, ta có thể nhận thấy tác giả là người có tâm hồn:
+ Tấm hồn nhạy cảm, tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời vào buổi chiều xuân.
+ Tình yêu quê hương, đất nước, cảnh sắc quê hương yên bình.
Câu 4:
Bài thơ “Chiều xuân” của Anh Thơ đã tái hiện lại bức tranh chiều xuân thanh bình và thơ mộng. Bức tranh hiện lên với những hình ảnh hết sức quen thuộc như “mưa đổ bụi êm êm”, “chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”, “cỏ non tràn biếc cỏ”, “đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ”, “cô nàng yếm thắm” cúi cuốc cào cỏ ruộng. Tất cả đã tạo ra một không gian thiên nhiên với những con người hăng say lao động đầy tươi đẹp và bình dị. Qua bài thơ, ta cảm nhận được sự thanh tịnh và yên ả buổi chiều xuân, khi mọi thứ đều trôi qua một cách êm đềm và tĩnh lặng. Cảnh vật trong bài thơ mang lại cho bạn đọc những cảm giác thư thái và thoải mái, đồng thời nhắc nhở chúng ta về tình yêu thiên nhiên và sự gắn bó giữa con người với cội nguồn.
B. PHẦN VIẾT
Câu 1:
Tế Xương được biết đến là tác giả của hơn 100 tác phẩm văn chương nổi tiếng, điển hình như Thương vợ, Văn tế sống vợ, Ông cò, Vịnh khoa thi Hương, Giễu người thi đỗ…Trước cảnh đất nước rơi vào tay giặc, những tác phẩm của Trần Tế Xương như một bức tranh diễn tả sự đau xót của một con người khi mất nước. Đồng thời, từng câu chữ và lời thơ của ông như đang tố cáo tội ác, sự hung tàn của bọn thực dân. Một trong số những tác phẩm lên tiếng tố cáo, phản ánh tội ác, sự sa đọa của bọn xâm lược phải kể đến Vịnh khoa thi hương.
Mở đầu bài thơ, hai câu đề diễn tả truyền thống thi cử của đất nước Việt Nam, cứ ba năm sẽ tổ chức một kỳ thi hương.
“Nhà nước ba năm mở một khoa
Trường Nam thi lẫn với trường Hà”
Có thể thấy, kỳ thi hương này được tổ chức một cách bình thường, theo thường lệ thì cứ ba năm sẽ tổ chức một lần. Điều đáng nói trong kỳ thi này đó chính là các thí sinh dự thi ở Hà Nội lại bị dồn về Nam Định. Trần Tế Xương đã rất khéo léo trong việc dùng từ “lẫn” để nói lên tình trạng hỗn loạn, tạp nham của khoa thi hương năm ấy. Hai câu đề được viết theo phong cách tự sự, nhằm kể lại sự lộn xộn của kỳ thi hương dưới sự cai quản của thực dân phong kiến.
Sang hai câu thực, tác giả lại một lần nhấn mạnh tình trạng hỗn độn, tạp nham của kỳ thi năm ấy.
“Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”
Tác giả đặt từ “lôi thôi” lên đầu câu nhằm phản ánh và nhấn mạnh vẻ lếch thếch, lôi thôi, không một chút gọn gàng của các vị sĩ tử khi tham gia kì thi hương. Thông thường, những sĩ tử khi tham gia kỳ thi hương đều là những người ham học, ham đọc sách, toát lên mình một vẻ thư sinh lịch sự, luôn chỉnh chu và gọn gàng. Vậy mà kỳ thi hương này, hầu như các sĩ tử đều đi thi với vẻ lôi thôi, xốc xếch, ăn mặc bần tiện, không gọn gàng “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ”. Có thể thấy, hầu như những người sĩ tử đều mất đi cái vẻ thanh lịch và tao nhã vốn có của một thư sinh ham đọc sách.
Không chỉ thí sinh mất đi vẻ thanh tao, tri thức mà những vị giám khảo cũng mất đi vẻ nghiêm nghị, đáng kính và nghiêm túc như trước nữa. “Ậm ọe quan trường miệng thét loa.”, quan trường, những vị giám khảo mang dáng vẻ như ngoài chợ, uy phong một cách giả tạo, ậm oẹ chẳng thành một câu nói hoàn chỉnh. Một kỳ thi hương diễn ra với hình ảnh các sĩ tử lôi thôi, xiêu vẹo, còn quan thì đều là những kẻ vênh váo, dựa hơi, không có tài năng cũng chẳng có thực quyền. Còn điều gì đáng buồn cho một kỳ thi lớn của đất nước.
Tiếp theo, hai câu luận của bài thơ như ấn ý chê bai, phê phán bọn quan lại, thực dân diêm dúa và phô trương.
“Lọng cắm rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra”
Theo như lịch sử có ghi lại thì kỳ thi Hương Nam Đinh Dậu 1897 thì có vợ chồng toàn quyền phó và vợ chồng tôn công sứ Nam Định đến tham dự. Chúng ta biết rằng ở trường thi luôn tồn tại không khí căng thẳng nhưng quan sứ và vợ vẫn được đón tiếp một cách long trọng, hoành tráng, Đôi vợ chồng được các quan trường đón tiếp một cách niềm nở, mưa không đến mà, nắng không đến đầu.Còn gì trớ trêu thay khi kẻ xâm lược nước ta lại được đón tiếp một cách trịnh trọng nhất, được đặt lên một vị trí cao nhất. Điều này chứng tỏ được một thực trạng đến đau lòng của nước ta thời bấy giờ đó chính là một xã hội mà thực dân lên nắm quyền hành điều khiển và xã hội phong kiến chỉ đóng vai trò là bù nhìn. Không dừng lại ở việc miêu tả cảnh đón tiếp quan sứ mà Tú Xương còn bày tỏ sự mỉa mai và phê phán. Chúng ta thấy rằng Tú Xương đã dùng từ vô cùng đắt giá,Tú Xương gọi quan sứ một cách quan trọng nhưng lại gọi vợ của chúng là mụ đầm. Trong tiếng Việt nước ta thì mụ là một từ dùng để chỉ những đàn bà không ra gì, đó là một cách gọi thô tục và mỉa mai. Có thể nói Tú Xương đã chửi một cách vô cùng sắc bé vừa châm biếm nhưng cũng bày tỏ được nỗi đau xót căm hận của một con người khi phải chứng kiến cảnh đất nước bị giặc đô hộ.
Cuối cùng trước cảnh hỗn loạn và biến chất ấy nhà thơ Tú Xương đã phải thốt lên rằng:
“Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.”
Hai câu kết của bài thơ Vịnh khoa thi Hương là lời tự vấn của bản thân cũng là lời tự vấn của những người đồng cảnh ngộ. Hỏi rằng có mấy ai cùng nghỉ được đến nỗi nhục của cả nước mắt nhà tan mà cùng nhau đứng lên hành động?
Bài thơ Vịnh khoa thi Hương của Trần tế Xương là sự kết hợp thành công của cả hiện thực và trữ tình. Từ việc miêu tả lại một kỳ thi Hương đã bị thoái hóa biến chất có sĩ tử và quan lại trở nên nhốn nháo, hỗn độn nhà thơ đã tinh tế vẽ nên một bức tranh đất nước bị tù đày bị đàn áp bởi thực dân phong kiến. Ngoài ra Trần tế Xương đã thành công trong việc bày tỏ nỗi niềm đau xót trước cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm.Bài thơ sử dụng ngôn ngữ bình dị dễ hiểu từ ngữ có tính tạo hình đã thành công vẻ nên bức tranh biếm họa về kỳ thi Hương của đất nước khi bị thực dân đày đọa, xâm chiếm.
Thêm kiến thức môn học
Đề thi Ngữ văn 8 Cánh diều, trọn bộ đề thi Ngữ văn 8 cánh diều, đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 8 Cánh diều:
Bình luận